Những bộ phim kinh điển của Đông Âu luôn là một trong những điều mà ngày nay, người ta thường nhắc tới khi nói về giai đoạn thập niên 70 – 80 ở Việt Nam. Thời kỳ này, thú vui xem phim bắt đầu được hình thành, trở thành một nét văn hoá, lối sống của người dân.
Trong khi những bộ phim như Những Kẻ Báo Thù Không Bao Giờ Bị Bắt (Liên Xô), Trên Từng Cây Số (Bulgaria), Những Ngôi Sao Ê Ghe (Hungary)... thường đậm chất hành động và đem đến cho người xem những phút giây giải trí thì có một bộ phim đến từ châu Á từng lấy đi bao nước mắt của khán giả. Đó là Cô Gái Bán Hoa (The Flower Girl) của điện ảnh Triều Tiên. Được sản xuất vào năm 1972 bởi cặp đôi đạo diễn Pak Hak – Choe Ik Gyu và biên kịch Kim Il Sung, tác phẩm này từng là một hiện tượng ở nhiều nước trên thế giới nhưng đã gần như biến mất trong tâm trí người Việt ngày nay và chỉ còn được nhắc lại bởi những người yêu điện ảnh của thế hệ năm xưa.
Poster tiếng Pháp của "Cô Gái Bán Hoa".
Bối cảnh phim đặt vào những năm 30 của thế kỷ trước, khi đất nước Triều Tiên đang nằm dưới sự cai trị của đế quốc Nhật Bản và chế độ địa chủ phong kiến. Nhân vật trung tâm của câu chuyện là Kotpun, một cô gái nông thôn nghèo. Hàng ngày, Kotpun lên núi hái hoa thành từng bó để mang xuống chợ bán lấy tiền chữa bệnh cho mẹ. Ở nhà, cô có một em gái mù. Người cha mất sớm, mẹ của Kotpun trở thành con nợ của nhà địa chủ, phải bán mình làm nô bộc để gán nợ.
Người nhà địa chủ thường xuyên miệt thị Kotpun và lôi kéo cô đến làm gia nô cho bọn họ. Tuy nhiên, mẹ của Kotpun từ chối. Bà tự nhủ dù đau ốm và mệt mỏi đến đâu cũng không được bỏ cuộc. Bởi nếu bà qua đời, Kotpun sẽ phải gánh nợ thay và bị ép trở thành một Kisaeng (một hình thức kỹ nữ của nước Triều Tiên phong kiến, tương tự với Geisha ở Nhật).
Cuối cùng, Kotpun cũng dành dụm đủ tiền để mua thuốc cho mẹ nhưng khi cô trở về thì bà đã mất. Cùng lúc đó, bà địa chủ bị sốt nặng và đổ tội cho em gái của Kotpun, rằng em đang bị linh hồn của người mẹ ám theo và đuổi em ra ngoài trời tuyết lạnh. Khi Kotpun hỏi rằng em cô đâu, nhà địa chủ liền sai người trói cô lại. Tưởng như mọi chuyện đã đi vào bế tắc, người anh trai bị đi đày năm xưa của Kotpun bỗng trở lại và tập hợp mọi người lật đổ gia đình địa chủ quái ác, giải cứu hai cô em gái của mình.
Vẻ đẹp của Cô Gái Bán Hoa nằm ở tính phổ quát và những giá trị nhân văn ẩn chứa trong cuộc đời của nhân vật chính. Giống như một củ sâm mọc lên trên núi đá, Kotpun cùng người mẹ và cô em ruột có đức tính hiền lành và cam chịu đặc trưng của tầng lớp nông dân thời bấy giờ. Trong khi phía nhà địa chủ liên tục chà đạp, phá huỷ cuộc đời người khác như một thú vui hiển nhiên thì họ cũng chỉ biết cách chấp nhận số phận chứ không dám nghĩ đến việc đứng lên chống trả lại cái ác.
Kỹ thuật quay phim thời bấy giờ dù chưa thực sự sắc sảo và man rợ một cách cần thiết nhưng vẫn lột tả được sự đối xử tàn bạo, vượt quá giới hạn nhân tính của nhà địa chủ đối với gia đình Kotpun và những người đồng cảnh ngộ. Tuy nhiên, sự quyết tâm mưu cầu hạnh phúc, nghị lực sống và niềm tin mạnh mẽ vào tương lai tốt đẹp đã phần nào khai phóng sức mạnh phi thường của Kotpun và cô em gái. Dù cho hoàn cảnh có tệ đến đâu, họ vẫn không chịu bỏ cuộc.
Đến cuối phim, khi mọi chuyện đã được giải quyết như một sự đền đáp của số phận, người xem cảm thấy rất hài lòng vì đó là câu trả lời dành cho niềm hy vọng mà cả họ và Kotpun đã trông chờ từ lâu. Sức mạnh của niềm tin và nghị lực giúp con người đánh bại mọi hoàn cảnh. Đó là lý do vì sao nhiều người gọi bộ phim này là Ben-Hur của châu Á.
Được chuyển thể từ một trong 5 vở kịch vĩ đại nhất của Triều Tiên, Cô Gái Bán Hoa thừa hưởng lại giọng kể chuyện mang đậm phong cách sân khấu kịch. Bộ phim sử dụng nhiều góc quay cố định ở khoảng cách gần, độ cao ngang với tầm nhìn của nhân vật. Bối cảnh trong mỗi giai đoạn đều được biên dựng rất gọn gàng, đơn giản. Tính cách thời gian, không gian và diễn xuất của phim thay đổi theo từng giai đoạn khác nhau giống như những hồi, màn và cảnh sắp xếp liên tiếp nhau trong một vở kịch. Phong cách kể chuyện này có thể nhìn thấy trước đó trong các thước phim của Akira Kurosawa, góp phần đào sâu và gợi tả thêm nhiều những ý niệm trừu tượng của diễn xuất và tạo cơ hội cho âm nhạc thể hiện vai trò dẫn dắt các giai đoạn trong phim.
Một chi tiết cảm động được xuất hiện lặp đi lặp lại trong phim là cảnh cô em gái mù đứng hát một mình giữa một rừng tuyết trắng, hy vọng rằng mẹ sẽ nghe thấy tiếng em để trở về. Bài hát nhạc nền mở đầu phim cũng để lại dấu ấn không thể nào quên với khán giả thời bấy giờ với những ca từ đau buốt như đánh thẳng vào sợi dây đàn sâu trong cõi lòng người nghe: "Hãy mua hoa nào, những bông hoa đỏ. Nếu bạn mua chúng với sự ân cần, mùa xuân sẽ đến kể cả với những con tim đang quặn thắt".
Sau khi Cô Gái Bán Hoa ra mắt, nữ chính Hong Yong Hee không chỉ trở thành một gương mặt quốc dân tại quê hương mà còn được người dân tại Trung Quốc đón nhận nồng nhiệt, khiến cho các nhà rạp tại đây phải tổ chức suất chiếu liên tiếp suốt 24 giờ mà vẫn không bán kịp vé. Đây cũng là bộ phim đầu tiên của Triều Tiên nhận giải thưởng quốc tế khi được vinh danh tại liên hoan phim Karlovy Vary lần thứ 18 được tổ chức tại Tiệp Khắc.
Phiên bản kịch của tác phẩm cũng được trình diễn tại hơn 40 quốc gia trên thế giới, bao gồm cả Pháp, Ý, Đức, Algeria và Nhật Bản. Giá trị của Cô Gái Bán Hoa không chỉ nằm ở tầm vóc lớn trong nội dung mà còn ẩn chứa trong những khung hình đậm chất thơ. Sau gần 50 năm, bộ phim vẫn xứng đáng được nhớ đến như bản tuyên ngôn của nghị lực và tinh thần nhân văn hơn là một tác phẩm tuyên truyền hô khẩu hiệu thuần tuý.