Trong căn phòng nhỏ với khung cửa sổ hứng nắng, Hiền tỉ mẩn chải chuốt từng chiếc lá ép khô. Gia tài của cô, chỉ vỏn vẹn những cuốn sổ thủ công, vài tấm bưu thiếp và những chậu cây. Từ bỏ công việc chuyên ngành Sinh học Tế bào, cô gái nhỏ nhắn 24 tuổi quyết định khởi nghiệp từ những chiếc lá. Trải qua 2 năm, cô có thể tự tin khẳng định với mọi người rằng, chính những chiếc lá vô tri vô giác đã nuôi sống cô.
Vũ Thị Hiền, 24 tuổi, Hưng Yên, tốt nghiệp Đại học Khoa học tự nhiên, Đại học Quốc gia Hà Nội năm 2018. Khi đó, cô phân vân giữa 2 con đường: học lên thạc sĩ hay đi làm? Để bố mẹ yên tâm "con không thất nghiệp", Hiền chấp nhận phỏng vấn xin việc đúng chuyên ngành, nhưng trên thực tế cô không làm việc. Lấy lý do thực hành thí nghiệm ở trường, cô có khoảng 4-6 tháng để hình thành ý tưởng đầu tiên về những cuốn sổ handmade khởi nghiệp từ lá.
Tại sao lại là lá?
Chuyện cô gái trẻ khởi nghiệp từ lá. Thực hiện: Minh Nhân.
Hiền có niềm đam mê với lá từ khi còn là sinh viên Đại học.
Khi còn là sinh viên, Hiền đã rất thích "nhặt lá đá ống bơ". Những chuyến thực tập trong rừng giúp cô sưu tầm những chiếc lá, rồi mang về ép khô trong sổ tay. Sau một tháng, cô thấy những chiếc lá khô thật đẹp, từ đó mong muốn làm một sản-phẩm-gì-đó để truyền tải vẻ đẹp tự nhiên của chúng.
"Mình nghĩ ngay đến sổ, vì bản thân cũng thích viết sổ và cũng từng làm 1-2 cuốn sổ thủ công nho nhỏ".
Ra trường, Hiền nghĩ rằng nên nghiêm túc hơn với những cuốn sổ. Cô quyết định đi theo "tiếng gọi của tự nhiên", đánh cược với bố mẹ trong một năm. Nếu thực sự không ổn, cô hứa sẽ quay về chuyên ngành chính.
"Rất may mắn trong một năm đấy, mọi người biết đến và yêu thích nhiều hơn sản phẩm của mình. Nó chưa bao giờ là ổn, kể cả thời điểm này, nhưng tạo được niềm tin với bố mẹ".
Hiền rất thích lá, đấy là sở thích cá nhân của cô. Còn nhớ hồi sinh viên, cô từng "tuyên bố" với lũ bạn "sẽ làm một triển lãm về vẻ đẹp của những chiếc lá được thu thập trong khuôn viên trường". Chút viển vông và mơ mộng năm đó, cộng với đam mê và sở thích, đã tạo động lực cho cô tiếp tục hành trình này.
"Có nhiều cơ hội tiếp xúc với lá và tự nhiên, đấy là điều đầu tiên chuyên ngành Sinh học đã mang đến cho mình".
Căn phòng với khung cửa sổ lớn ngập tràn ánh nắng của cô gái trẻ.
Cô tỉ mẩn thêu những dòng chữ nhỏ nhắn để làm bìa sổ.
Để làm ra một cuốn sổ lá, theo Hiền, có 2 công đoạn chính là ép lá và gia công phôi sổ.
Những chiếc lá Hiền nhặt được trên con đường mỗi ngày, hay từ vùng Tây Bắc xa xôi, đều được cô nâng niu và trân trọng, mang về ép trong sổ. Cô hay trêu mọi người, "lá ở đâu cũng có, nhưng quan trọng mình có chịu nhìn nó hay không". Không hề có bất cứ tiêu chuẩn nào khi chọn lá, miễn Hiền thích là được.
Để ép lá, đầu tiên cô sẽ quan tâm tới cấu trúc mô, lá già hay non, độ mọng nước, tuỳ từng loại thì quy trình ép cũng khác nhau. Thông thường, Hiền sẽ phán đoán trên những dữ liệu và kinh nghiệm để xem loại lá nhặt về có ép được hay không. Thời gian ép tối thiểu là một tháng.
"Trong một tháng đó, đẹp nhất với chiếc lá là quá trình tĩnh. Mình cất lá ép trong một chiếc hộp riêng, sẽ không được nhìn chúng nhiều lắm. Nếu lá ổn và đẹp, có thể sẽ giữ được như vậy cho đến 2-3 năm sau, hoặc thậm chí lâu hơn. Nếu không, mình sẽ bỏ đi, ví như những chiếc lá ép xong bị mốc".
Có những chiếc lá được bảo quản từ hồi Hiền còn là sinh viên, đến bây giờ vẫn nằm trong những bộ sưu tập. Cô xem quá trình ép lá giống như một thí nghiệm đã từng làm ở trường, giúp cô có thể đưa ra những nhận định. "Tại sao chiếc lại hư?, "Xử lý thế nào với những chiếc lá?".
"Cứ sai, tìm nguyên nhân, rồi làm lại. Mình nghĩ kĩ năng làm thí nghiệm đã giúp mình tối ưu được quy trình ép lá. Do đó không quá khó, quan trọng là chúng ta có thể sáng tạo với chúng hay không?".
Với mỗi cuốn sổ thủ công, Hiền tự làm tất cả công đoạn từ cắt giấy, khâu ruột sổ, hoặc có những cuốn phải đóng gáy, bọc vải và làm bìa.
Bước cuối cùng, là sáng tạo những chiếc lá để trang trí sổ. Hiền nói, "sáng tạo một cách miên man và không có giới hạn".
Toàn bộ quá trình làm ra một cuốn sổ thủ công lá, chỉ mất 1-2 tiếng, tuỳ vào mẫu và từng loại lá, có giá từ 200-300 nghìn đồng/cuốn. Sản phẩm chính vẫn là những cuốn sổ, Hiền cố gắng tối ưu hoá nhiều nhất có thể. Ngoài ra, cô cũng làm bưu thiệp, kẹp sách, giấy viết thư,...
Các thao tác cơ bản để đóng một cuốn sổ thủ công, từ cắt giấy, khâu ruột sổ, đóng gáy, bọc vải và làm bìa.
"Ra trường bắt tay luôn vào công việc này nên ban đầu mình có gặp khó khăn về tài chính. Nhưng mọi thứ xoay xở được trong tầm kiểm soát bằng cách duy trì công việc part time và làm gia sư. Tiệm nhỏ Hoa lá cỏ dần dần phát triển, đã quay lại nuôi sống mình".
Để quảng bá sản phẩm, Hiền mang sổ tới các cửa hàng, thuyết phục những người chủ. Cộng đồng thủ công tập hợp những con người vô cùng đam mê và nhiệt huyết. Họ hiểu được giá trị của những món đồ cần mẫn từ bàn tay, cùng liên kết với nhau để phát triển.
Sự cố gắng và nỗ lực trong vòng 2 năm qua cuối cùng đã được công nhận, cửa tiệm nhỏ có tên "Hoa lá cỏ" của Hiền đã có thể đến tận tay nhiều khách hàng, để họ biết cách trân trọng giá trị của một sản phẩm.
"Ai đó muốn học làm sổ, có thể liên hệ trước, rồi cùng đắm chìm trong thế giới những chiếc lá, tự làm nên cuốn sổ của riêng mình".
Những chiếc lá để trang trí sổ được cô nâng niu và trân trọng.
Sản phẩm của Hiền chia thành những bộ sưu tập, chất chứa những thông điệp cô muốn truyền tải.
Bộ những cuốn sổ đến từ Rừng Già.
"Đứng trong một khu rừng rậm nhiều năm tuổi, lớp lá này chồng lên lớp lá kia, chiếc xanh ở trên chiếc vàng, chiếc lành ở trên chiếc mục… Sự sống quay vòng ở đó. Với mỗi cuốn sổ trong bộ sưu tập là một câu chuyện cảm hứng riêng nhưng tất cả đều mang màu sắc của Rừng Già. Ở đó, là mỗi "chiếc tranh" được dệt lên từ chính màu sắc, hình dáng, đường gân của những chiếc lá".
Bộ "Gì đó ở Tự nhiên".
"Tớ gọi đó là màu của đất nâu, trời xanh và nắng vàng. Từ lá của cây chò, của rừng bồi đắp, của mưa xa gió thổi mang về… Vẫn là những chiếc lá ép khô kết hợp với vải lanh được dệt và nhuộm thủ công của bà con người H’mong với những nguyện liệu tự nhiên từ cây lanh, nhuộm củ nâu, hoằng đắng hay cây chàm…".
Sổ Ngộ Nghĩnh.
"Tớ lấy cảm hứng từ những bức tranh của trẻ em, những nét vẽ đơn thuần về một căn nhà và cái cây. Mọi người vừa thấy sự hồn nhiên của bộ sổ, vừa cảm nhận sự tinh tế, trau chuốt mà tớ gửi gắm".
Khu "rừng già" bên trong cuốn sổ nhỏ.
Điều đặc biệt từ những cuốn sổ, theo Hiền, đó là lá. Cô nhận được nhiều phản hồi của khách hàng, chủ yếu là những lời thốt ra đầy ngạc nhiên, kiểu như "Ơ, đây là lá thật à?".
"Mình muốn những cuốn sổ được chỉn chu từ mọi khâu, để mọi người cảm nhận được sự tinh tế và trau chuốt trong đấy".
Trong 2 năm qua, Hiền tổ chức khoảng 15-16 buổi workshop, thường mỗi tháng 1-2 buổi. Niềm vui của cô gái nhỏ nhắn là khi được đón tiếp những người bạn chung sở thích và cảm thấy niềm hứng thú trên gương mặt họ. Từ đó, cô kết nối được nhiều hơn với những người giống mình.
"Rất nhiều người bạn chơi đến bây giờ, chủ yếu đều quen qua workshop. Đó là điều mà mình trân quý. Mình nghĩ đó là câu trả lời mà mình luôn kiếm tìm".
Những buổi workshop Hiền tổ chức thu hút sự quan tâm của nhiều bạn trẻ. Ảnh: NVCC.
Hiện tại, khối lượng công việc tăng lên nhiều. Một mình Hiền, đôi lúc gặp khó khăn như không mua được nguyên vật liệu tốt nhất, hoặc những khi phải tự đối mặt một mình, không có người đồng hành. Làm sổ nhiều, tay sẽ thô và xấu hơn. Cô bị đứt tay trong quá trình làm sổ, cực kì nhiều. Có lần cô ngồi đếm sẹo trên tay, ngót nghét đến 70 cái, dù chỉ là những vết đứt nhỏ.
Có những thời điểm cạn kiệt cảm hứng sáng tạo, Hiền sẽ nghỉ ngơi và đi chơi. Một chuyến "thám hiểm" lên rừng, cô vừa thư giãn, vừa nhặt lá. Về nhà với trên tay mẻ lá mới, lại thôi thúc cô cầm kéo, cầm kim, để sáng tạo thêm những cuốn sổ khác.
"Những sản phẩm khác ngoài sổ tay luôn nằm trong dự định ấp ủ của mình từ lâu, mang tính sáng tạo và mới lạ hơn. Mình mong, Hoa lá cỏ giống như một người bạn của tất cả mọi người vậy đó".
Những sản phẩm handmade khởi nghiệp từ lá của cô gái 24 tuổi.