Có đến 18 đời vua Hùng, tại sao chỉ giỗ vào 10/3?

Oct, Theo Helino 00:15 25/04/2018

Có 18 đời vua Hùng, cùng hơn 108 vị vua. Nhưng vì sao chỉ giỗ vào 1 ngày duy nhất nhỉ?

Giỗ tổ Hùng Vương hay còn gọi là lễ hội Đền Hùng là dịp lễ quốc gia nhằm tưởng nhớ và bày tỏ lòng biết ơn của con cháu Đại Việt trước công lao dựng nước của các vua Hùng.

Đã thành tục lệ quen thuộc, cứ 10/3 âm lịch hàng năm, hàng triệu con dân Việt Nam lại hành hương về mảnh đất Phú Thọ, về với đền Hùng. Tất cả đều náo nức dự lễ hội truyền thống trọng đại của dân tộc.

Có đến 18 đời vua Hùng, tại sao chỉ giỗ vào 10/3? - Ảnh 1.

Ảnh minh họa

Nhưng theo truyền thuyết, nước ta có 18 đời vua Hùng. Mỗi đời vua được tính là một triều đại, và có thể có tới vài chục vị vua mỗi đời. Theo các tài liệu lịch sử, nước ta có tới 108 vị vua Hùng.

Vậy tại sao giỗ Tổ lại vào 10/3? Chẳng lẽ các vua Hùng đều qua đời vào ngày này?

Nói về ngày Giỗ Tổ, sự kiện có từ thời Thục Phán - An Dương Vương, nhằm khẳng định vai trò của thời đại các vua Hùng đã xây dựng giang sơn. Chính vì thế mà hàng năm luôn để một ngày để tưởng nhớ những người đã xác lập và xây dựng lên đất nước - các vua Hùng nói chung.

Có đến 18 đời vua Hùng, tại sao chỉ giỗ vào 10/3? - Ảnh 2.

Tuy nhiên, ngày giỗ này không phải lúc nào cũng là 10/3. Xưa kia, người dân thường tự chọn ngày tốt theo bản mệnh của từng người, và đền thờ các vua Hùng đã luôn nhộn nhịp nô nức suốt cả năm chứ không định rõ ngày nào.

Điều này khiến cho thời gian lễ bái kéo dài liên miên, gây tốn kém tiền của, lại không bày tỏ được lòng thành kính của toàn dân. Chính vì vậy mà Tuần phủ Phú Thọ là ông Lê Trung Ngọc vào năm 1917 đã làm bản tấu trình lên Bộ Lễ, xin định lệ lấy ngày 10/3 âm lịch hàng năm làm ngày Quốc lễ.

Từ đó về sau, cứ vào ngày 10/3 nhân dân cả nước lại hướng về vùng đất Cội nguồn - xã Hy Cương, Lâm Thao, Phú Thọ để tôn vinh công lao của các vị vua Hùng.

Tham khảo: Hùng Vương và Lễ Hội Đền Hùng-NXB Hội nhà văn, ĐH Lạc Hồng