Có được cơ thể lành lặn là điều may mắn với bất cứ cô bé, cậu bé nào trên cuộc đời này. Nhưng có lẽ, cuộc sống vốn trớ trêu và không công bằng khi niềm vui tưởng chừng như quá đỗi đơn giản với bao đứa trẻ đó lại không xảy đến với bé Harmonie.
Dù không có tay chân, cô bé vẫn luôn được gia đình yêu thương và bao bọc, đem đến tình thương và niềm hạnh phúc. Câu chuyện của em như ngọn gió lành thổi mát cuộc sống vốn nhiều những điều buồn bã: dù có ra sao, cha mẹ vẫn luôn yêu thương con cái và mỗi đứa trẻ xuất hiện trên thế giới này đều đáng được tôn trọng, nâng niu dù có khác biệt đến nhường nào.
Harmonie-Rose Ivy Allen sống tại thành phố Bath, tỉnh Somerset, Anh đã bị mất tứ chi và một phần chóp mũi sau khi mắc phải căn bệnh viêm màng não B lúc vừa tròn 11 tháng tuổi.
Harmonie-Rose đang có một cuộc sống hạnh phúc bên món quà đặc biệt.
Vào ngày thứ 10 trong giai đoạn tập đi, cô bé đáng thương bỗng lên cơn co giật và được cha mẹ đưa tới một bệnh viện gần nhà để điều trị. Thế nhưng, các bác sĩ lại nghĩ Harmonie-Rose chỉ bị sốt thông thường nên nhanh chóng kê đơn mà không hề thăm khám kĩ lưỡng.
"Hai ngày sau, chúng tôi lại tiếp tục đưa Harmonie-Rose tới trung tâm y tế với tình trạng tồi tệ hơn rất nhiều. Bác sĩ nói nó bị viêm màng não B dẫn tới nhiễm trùng máu", mẹ em cho biết.
Do đã quá muộn, gia đình buộc phải chấp nhận việc con gái mình bị cắt bỏ phần lớn tay và chân cũng như một phần mũi để cứu lấy tính mạng của em. Dù tiên lượng sống chỉ còn 10% nhưng thần may mắn đã mỉm cười với Harmonie-Rose.
Harmonie-Rose bị mất cả tứ chi sau một cơn bạo bệnh khi vừa tròn 11 tháng tuổi.
Tuy chẳng còn lành lặn như bao đứa trẻ cùng trang lứa khác, song Harmonie-Rose vẫn lớn lên bằng tất cả sự đáng yêu vốn có và không hề tự ti trước cơ thể khuyết tật của mình.
"Cháu cảm thấy mọi chuyện hết sức bình thường, cháu nghĩ mình có thể làm hết những công việc mà các bạn vẫn hay thực hiện. Khi gặp người lạ, cháu vẫn tự giới thiệu rằng: Xin chào, mình là Harmonie-Rose và mình không hề có tay".
Dẫu vậy, đôi khi Harmonie-Rose lại ngồi thẫn thờ bên cửa sổ vì tự ý thức được nỗi đau mà bản thân đang phải trải qua. Em chưa thể làm quen ngay với những bộ phận giả bằng nhựa, thậm chí rất chán nản khi phải sử dụng chúng.
Nhờ có cô búp bê tương đồng về hình dáng, Harmonie-Rose đã tự tin hơn trong cuộc sống thường ngày.
Lúc Harmonie-Rose chuẩn bị bước sang tuổi lên 3, mẹ của em đã nhờ một người bạn liên hệ với cửa hàng đồ chơi "American Girl" tại thành phố New York, Mỹ để đặt mua một cô búp bê không có đủ tứ chi giống với con gái mình.
"Chúng tôi làm riêng búp bê Rebecca với 4 món tứ chi giả kèm theo, đồng thời cũng sửa đổi thêm một vài bộ phận nhằm tạo cảm giác thân thuộc và gần gũi nhất có thể", đại diện hãng American Girl cho biết.
Từ ngày có Rebecca, Harmonie-Rose bỗng trở nên yêu đời hơn hẳn. Cô bé thường xuyên chăm sóc hoặc dạy học cho người bạn mới, từ đó giúp Harmonie dần quên đi sự thiếu sót của bản thân và trở nên yêu quý đôi chân giả hơn rất nhiều.
"Harmonie chưa hề nhìn thấy bất cứ ai bị mất cả tứ chi như mình. Vì thế, tôi muốn dành tặng bé món quà tuyệt vời này để nó không còn thấy đơn độc hay buồn chán với cuộc sống xung quanh", mẹ cô bé chia sẻ.
Hiện tại, cô bé luôn coi búp bê Rebecca là người bạn thân thiết nhất trong đời.
Hiện nay, việc tìm kiếm những món đồ chơi dành riêng cho trẻ em khuyết tật vẫn còn rất khó khăn. Một số hãng lớn như LEGO cũng cho ra đời vài sản phẩm nhằm vào nhóm đối tượng trên nhưng vẫn còn hạn chế.
"Do các công ty kinh doanh chỉ chú trọng vào việc sản xuất các mặt hàng bình thường nên nhiều đứa bé không lành lặn đã cảm thấy bị tổn thương nghiêm trọng", một cư dân mạng bình luận.
Một vài tổ chức hoạt động xã hội cũng đang vận động để các nhà sản xuất đồ chơi đa dạng hóa sản phẩm của mình và giúp toàn bộ trẻ em trên thế giới đều tìm được món đồ chơi thích hợp với bản thân.