Cô bạn chi 1,3 tỷ đồng xây nhà, mong muốn bố mẹ mùa mưa không còn lo dột ướt

Như Anh - Thiết kế: Minh Trang, Theo Trí thức trẻ 08:16 01/09/2022

“Mình có thói quen để dành 70% số tiền kiếm được để tiết kiệm, 30% còn lại cho việc chi tiêu”, một trong những bí quyết giúp Thuỵ Ân xây nhà không cần vay nợ.

Xây nhà trong lúc thu nhập không ổn định nhất là lựa chọn rất khó khăn, nhưng Thuỵ Ân, 28 tuổi vẫn quyết định xây nhà trong đợt dịch. Cô bạn không ngần ngại rút tài khoản tiết kiệm, không cần vay nợ để xây 1 căn nhà 2 tầng ở Đà Nẵng.

Được biết đây là mảnh đất của bố mẹ Thuỵ Ân, toàn bộ chi phí xây nhà 1,3 tỷ hoàn toàn do cô bạn chi trả. Căn nhà 2 tầng với mảnh đất 90m2, thiết kế mang hơi hướng Bắc Âu với 3 phòng ngủ và 2 nhà vệ sinh, phòng khách và bếp liền nhau.

Cùng gặp Thuỵ Ân để hiểu hơn về quyết định khá liều lĩnh này cũng như bí quyết xây nhà không cần sự hỗ trợ từ bên ngoài.

Cô bạn chi 1,3 tỷ đồng xây nhà, mong muốn bố mẹ mùa mưa không còn lo dột ướt - Ảnh 1.

Thuỵ Ân

Xin chào Thuỵ Ân,

Bạn xây nhà vào thời điểm nào và tại sao trong thời gian đó bạn lại đi đến quyết định này?

Mình lên kế hoạch và chuẩn bị mọi thứ vào tháng 10/2021 đến tháng 3/2022 bắt đầu thi công. Đây cũng là giai đoạn công việc mình bị gián đoạn do Covid nhưng mình vẫn quyết định "liều" xây nhà.

Lúc đó, nhà mình bị tràn nước, cũng đã khá cũ, bố mẹ cũng lớn tuổi rồi nên muốn xây nhà để giúp đỡ gia đình phần nào. Mình đã dồn toàn bộ số tiền tích lũy được trong 3 năm đi làm hướng dẫn viên du lịch và xây nhà để mùa mưa sắp tới gia đình không còn lo dột ướt.

Toàn cảnh căn nhà từ ngoài nhìn vào

Việc gia đình có sẵn 1 mảnh đất có giúp quá trình xây và sở hữu nhà của bạn trở nên dễ dàng hơn không? Và đây có phải là lý do khiến bạn chọn ở nhà đất thay vì chung cư?

Điều này mình nghĩ là không sai. Vì để mua một mảnh đất với giá thị trường hiện nay cần 1 nguồn vốn không hề nhỏ. Do vậy, việc xây lại trên đất của gia đình sẽ giúp mình giảm đi 1 nửa gánh nặng tài chính và sẽ dễ thực hiện hơn.

Song, đây không phải là lý do mình chọn nhà đất thay vì chung cư. Đối với các thành phố lớn như TP Hồ Chí Minh hay Hà Nội, dân cư đông nên chung cư là một giải pháp tối ưu. Nhưng ở Đà Nẵng, việc sở hữu một căn nhà đất riêng là điều có thể thực hiện được.

Tại sao bạn lại sử dụng toàn bộ tiền tiết kiệm để xây nhà, bởi nhiều người cho rằng vay nợ sẽ tạo nhiều động lực hơn?

Mình làm công việc khá bấp bênh về thu nhập, đặc biệt sau Covid, đó là hướng dẫn viên du lịch, cho đến hiện tại nghề của mình vẫn chưa đi vào hoạt động ổn định. Bên cạnh đó, mình vẫn đang loay hoay tìm hướng đi mới, công việc mới. Do vậy, vào thời điểm này, vay vốn để làm nhà với mình đó chính là áp lực vì không đủ khả năng chi trả tiền gốc lẫn lãi cho ngân hàng hàng tháng. Nếu nguồn thu nhập được như trước đây, mình mới đủ tự tin để vay, lúc đó thì đúng là sẽ có nhiều động lực kiếm tiền hơn.

Thông phòng khách với bếp tạo cảm giác gần gũi

Bạn có bí quyết tài chính nào giúp bản thân xây nhà không cần vay nợ không?

Mình có thói quen để dành 70% số tiền kiếm được để tiết kiệm, 30% còn lại cho việc chi tiêu các vấn đề lặt vặt cũng như phụ giúp thêm sinh hoạt phí cho ba mẹ.

Nói là tiết kiệm nhiều vậy nhưng mình vẫn có khoản tiền dành riêng để "tự thưởng" cho bản thân. Mình rất thích đi du lịch để được biết thêm nhiều điều mới mẻ, vì vậy mình đặt ra mục tiêu mỗi năm trích ra một khoản để đi nước ngoài. Với mình đó như là phần thưởng, cũng là quãng thời gian mình tận hưởng sau những ngày làm việc có khi hơn 16 tiếng đồng hồ miệt mài cũng như để bản thân được trau dồi thêm nhiều điều mới mẻ về những nơi mình đã đến. Mình nghĩ phải có những khoảng thời gian "xả hơi", tích luỹ mới có ý nghĩa.

Còn về việc không vay nợ, mình đã tính toán rất kỹ lưỡng, và dự tính các hạng mục một cách tỉ mỉ để mọi thứ nằm trong tầm mình có thể kiểm soát, nếu có phát sinh thì ở mức tối thiểu để có thể xoay xở và không bị thâm hụt ngân sách.

Ánh nắng chiếu vào căn nhà trong mọi ngóc ngách

Phòng ngủ tối giản nhưng vẫn vô cùng xinh xắn

Sau quá trình xây nhà, bạn có kinh nghiệm gì đặc biệt về tài chính muốn chia sẻ không?

Mình nghĩ là đa phần những ai lần đầu làm nhà cũng sẽ rất bỡ ngỡ, rất nhiều vấn đề cũng như sợ phát sinh quá nhiều kinh phí. Theo mình để giảm được tối đa vấn đề đó thì:

Thứ nhất, hãy ước lượng mình sẽ xây bao nhiêu và liệt kê các hạng mục liên quan đến phần cần chi trả với con số cụ thể nhất. Sau đó, nếu bị vượt quá kinh phí dự trù, lọc lại những phần không cần đầu tư quá kỹ và giảm bớt kinh phí phần đó.

Thứ hai, đối với những hạng mục không quá cấp bách sắm liền thì có thể chừa lại và hoàn thiện dần dần. Chẳng hạn như mình đến nay vẫn chưa lắp điều hòa trong phòng của bản thân.

Cuối cùng, các bạn nên chốt bản thiết kế cẩn thận để trong quá trình thi công, không chỉnh sửa quá nhiều sẽ dễ dẫn đến phát sinh cho chủ nhà. Phần nội thất mình cũng đã tham gia khá nhiều với bên thiết kế trước đó để có thể đưa ra ý tưởng phù hợp nhất. Ví dụ, đối với nhà vệ sinh, vì công việc trước đây cũng được đi đến nhiều khách sạn nên mình rất thích kiểu gọn gàng, sạch sẽ. Vì vậy, ngay từ đầu mình đã thêm những chi tiết trang trí cây cảnh nhỏ nhìn trông mát mắt hơn và có cảm giác tươi mới khi bước vào.

Thiết kế nhà vệ sinh gọn gàng, sạch sẽ

Xin cảm ơn Thuỵ Ân vì những chia sẻ!

Cô bạn chi 1,3 tỷ đồng xây nhà, mong muốn bố mẹ mùa mưa không còn lo dột ướt - Ảnh 7.

Ảnh: NVCC