Gửi tiết kiệm ngân hàng là hình thức đầu tư phổ biến và được ưa chuộng bởi đa số người Việt Nam, bởi tính chất an toàn, ổn định, ít rủi ro cùng khả năng bảo vệ và gia tăng giá trị vốn.
Trong bối cảnh tăng trưởng tín dụng đang tăng nhanh gấp 3 lần so với tốc độ tăng của huy động vốn, các ngân hàng cũng đồng loạt tăng lãi suất tiền gửi nhằm nâng cao tính cạnh tranh của kênh tiết kiệm so với các kênh đầu tư khác trên thị trường
Tuy nhiên khi so sánh với những kênh đầu tư khác, gửi tiết kiệm ngân hàng vẫn tương đối kém cạnh tranh hơn về mặt lãi suất. Nếu như mua vàng, hay đầu tư bất động sản đúng thời cơ, nhà đầu tư có thể lãi vài trăm triệu đến cả tỷ đồng trong thời gian ngắn, thì khi gửi tiền tại ngân hàng, sẽ mất khá lâu để nhận được gấp đôi số tiền từ khoản gốc 1 tỷ.
Trên thực tế, lãi suất tiền gửi sẽ luôn biến động, tùy vào mức độ mà sẽ ảnh hưởng tới số tiền lãi. Trong môi trường lãi suất tiền gửi tăng mạnh thì thời gian để x2 số tiền gửi cũng sẽ diễn ra nhanh chóng hơn, đặc biệt là khi áp dụng lãi kép.
Vậy giả sử với mức lãi suất tiền gửi hiện tại, không thay đổi trong tương lai, khách hàng gửi tiền lãi nhập gốc sau 1 năm và liên tục như vậy thì khoảng bao lâu có thể x2 số tiền gửi?
Công thức tính lãi kép ngân hàng cơ bản được áp dụng như sau:
A = P (1 + r)^n
Trong đó:
- A là số tiền mà nhà đầu tư nhận được trong tương lai.
- P là số tiền gốc khách hàng bỏ ra để đầu tư ban đầu.
- r là lãi suất hằng năm.
- n là số chu kỳ thực hiện lãi kép.
Hiện lãi suất huy động cao nhất đang được các ngân hàng công bố là 6-6,1%/năm, tại các ngân hàng như HDBank, Saigonbank, OceanBank, NCB,...Giả sử mức lãi suất này không thay đổi, thì theo hình thức lãi kép, khách hàng sẽ mất khoảng 12 năm để x2 số tiền gửi ban đầu 1 tỷ đồng.
Các ngân hàng thuộc nhóm Big 4 như Agribank, BIDV, VietinBank, Vietcombank triển khai mức lãi suất huy động thấp nhất thị trường, chỉ khoảng 4,6%-4,7%/năm, cao nhất là 5%/năm (áp dụng cho gửi tiết kiệm online). Nếu tính theo mức lãi suất này, để có được khoản lãi 1 tỷ đồng, khách hàng cần gửi tiền trong khoảng 15 năm.