Tháng 7 Âm lịch hay còn được gọi là tháng "cô hồn". Cứ đến các ngày 15, 16, các gia đình ở Nam Bộ có tục lệ "cúng cô hồn". Đồ cúng thường bày biện trên một mâm được gia chủ đặt trước sân nhà để khấn vái. Cúng xong, họ thường để nguyên mâm cho trẻ con hay người đi đường lấy ăn cho đến khi hết hẳn thì dọn mâm vào. Người ta gọi đó là văn hóa cúng cô hồn và giật cô hồn.
Mới đây, sáng 25/8 (tức 15 tháng 7 Âm lịch) trên mạng xã hội xuất hiện đoạn clip về pha giật cô hồn gây nhiều chú ý. Trong khi gia chủ còn đang loay hoay thắp nhang, chưa kịp khấn vái thì một người phụ nữ mặc áo tím đứng kế bên đã nhanh tay tóm luôn cổ con gà cúng.
Đám đông 2 bên được đà “ăn theo” đã bắt đầu lao vào vơ vét. Họ chen chúc, xô ngã, tranh giành nhau và sử dụng bất cứ vật dụng trên người để giật được càng nhiều càng tốt. Trong khi đó, giữa "vùng trời hỗn loạn", gia chủ vẫn rất bình tĩnh cúng vái.
Người dân hỗn loạn lao vào giật cô hồn. Ảnh cắt từ clip.
Nhiều người dùng mạng cho rằng, đây là phong tục, văn hoá của người Sài Gòn nói riêng và miền Nam nói chung, không phải là hình ảnh xấu như trộm cắp, cướp giật.
Bạn H.A. bình luận: "Nhiều người thấy vậy thì chửi này kia chứ trong Nam, tháng 7 cứ cúng là được giật à. Người trong này coi đó là bình thường, có nhiều người hơi quá là gia chủ chưa kịp thắp nhang quay vô bị giật mất con gà thì hơi bực".
Anh T.T. chia sẻ, "Phong tục giật cô hồn ở Việt Nam là lễ hội bình thường. Không phải ai giật cô hồn cũng nghèo và đói khát. Nhớ lại hồi đó tụi tôi vô hẻm thấy nhà kia cúng quá trời đồ. Mà ở đó có một team phục sẵn luôn rồi, nhưng cuối cùng tôi và cả bạn cũng giật được kha khá".
Tuy nhiên nhiều ý kiến khác bày tỏ, văn hoá này đang bị biến tướng. Có lẽ vì giá trị đồ cúng tăng lên nên văn hóa "giật cô hồn" có những thay đổi theo chiều hướng tiêu cực.
Trong khi đó gia chủ còn chưa kịp thắp nhang. Ảnh cắt từ clip.
"Giật cô hồn là một nét văn hóa của địa phương vào mỗi ngày rằm tháng 7, tuy nhiên hiện nay nét văn hóa truyền thống này đang bị biến tướng, trở nên xấu xí hơn thì thật đáng buồn", một bạn chia sẻ.
"Hành động cướp giật đồ cô hồn có phần bạo dạn hơn trước đây. Ít nhất cũng phải chờ gia chủ cúng xong, chứ ai lại xông vào như thế, rất phản cảm. Điều này làm cho không ít các gia chủ tức giận, hoảng hốt khi đang lom khom cúi vái thì bị cả đám thanh niên, nam nữ đổ xô vào bê nguyên cả mâm cúng", bạn Q.A. bình luận.
Rằm tháng 7 năm nay, phố người Hoa cùng nhiều khu vực khác ở Sài Gòn không còn cảnh người người xô đẩy, dẫm đạp nhau cướp tiền cúng cô hồn như nhiều năm trước. Chính quyền địa phương đã lệnh cấm tổ chức hoạt động này để đảm bảo an ninh trật tự tại khu vực.
Hình ảnh giật cô hồn náo loạn hồi năm ngoái. Ảnh: Tứ Quý.
Nhiều năm trước, phố người Hoa cùng nhiều khu vực khác ở Sài Gòn thường rất nhộn nhịp cảnh cúng cô hồn long trọng với chi phí lên đến cả trăm triệu đồng. Thường thường vào trưa chiều ngày 15 tháng 7 Âm lịch, sau khi cúng bái xong xuôi, gia chủ thường phát lộc và ném tiền cho người dân để cầu may mắn.
Năm 2017, từ khoảng hơn 17h, hàng trăm người dân đã đổ về số nhà 492 Trần Hưng Đạo B (quận 5, TP.HCM) với đủ loại đạo cụ từ đơn giản đến "cao cấp" hứng tiền gây náo loạn đường phố. Nhiều thanh niên dẫm đạp, xô đẩy nhau tạo hình ảnh khá phản cảm.