Văn hóa phim Việt ngày càng đáng "báo động"

Việt Nữ, Theo Trí Thức Trẻ 00:00 06/04/2012

Phim ảnh Việt Nam ngày càng táo tợn với nhiều cảnh chướng tai gai mắt.

“Chúng tôi đang khắc họa chân thực xã hội hiện đại...”

Đó là lí do phổ thông mà các nhà sản xuất vin vào để biện minh cho các cảnh quay dung tục trong phim của mình. Vậy xã hội thật mà họ muốn khắc họa ra sao?

Các cô gái đua nhau khoe thân, các chàng trai đọ trình liếm ngực… những hình ảnh này ngày càng quen thuộc với khán giả. Nếu trước đây, một nữ diễn viên diễn cảnh bị xé áo thôi đã đủ để gây sốc thì giờ đây, không cần ai xé, các nhân vật nữ trong phim Việt cũng tự nguyện phô bày thân thể qua những bộ cánh hụt trước thiếu sau, “sexy” một cách bừa bãi, không cần thiết. Phái yếu đã… không còn yếu thì hiển nhiên phái mạnh sao có thể chịu thua? Mới xuất hiện gần đây là “trào lưu”… liếm ngực của các nam diễn viên trong phim truyền hình – loại phim chiếu rộng rãi cho tất cả đối tượng khán giả.


Trào lưu liếm ngực.
(Ảnh mang tính chất minh họa)

Mà khán giả thì đã “chai mặt” rồi, có người hào hứng vì điều đó, có người ngán ngẩm, cũng có người chỉ trích, phê bình… nhưng chẳng ai “thèm” sốc trước cảnh nóng nữa. Người ta quay sang sốc vì phim không-cảnh-nóng thì đúng hơn.

10 phim thì hết 9 phim có cảnh nóng.
(Ảnh mang tính chất minh họa) 

Bạn Huyền Trang (sinh viên đại học Huflit) nói: Bây giờ ra rạp xem phim Việt còn “nguy hiểm” hơn xem phim ngoại. Cảnh nóng tràn lan, nhưng phim ngoại bị cắt, còn phim Việt thì “lọt sàn xuống nia”. Thêm vào đó, cảnh nóng trong phim Việt thô - hài không hài, nghệ thuật càng chẳng nghệ thuật, chủ yếu thêm vào để câu khách nên xem thấy khó chịu, gượng ép lắm! Phim rạp đã vậy, bây giờ ngay cả phim truyền hình giờ Vàng cũng “tanh bành” luôn. Hết hôn đến liếm, không hiểu tại sao họ lại phô diễn những cảnh nhạy cảm, dung tục như vậy trước hàng triệu khán giả - có cả trẻ em và người già?

Khán giả học gì từ những cảnh phim “tả thực”?

Với mục tiêu “phơi bày sự thật” của các nhà sản xuất, câu hỏi đặt ra là: Khi nhìn rõ sự thật (mà họ phơi bày), khán giả được gì?

Trước tiên, phải xác định: khán giả xem phim có hàng trăm hàng nghìn người: người lớn có, trẻ nhỏ có, người có học thức, người vô học… Ai ai cũng có thể xem phim nhưng không phải tất cả đều đủ khả năng nhận thức. Việc phơi bày những mảng tối của xã hội có thể cảnh báo một số người nhưng cũng sẽ “vẽ đường cho hươu chạy” với một số khác, nhất là khi các nhà sản xuất đưa gương xấu lên phim nhưng lại không kịch liệt phê phán, bài xích nó mà chỉ nhẹ nhàng lướt qua như… uống chén trà. Liệu 100% khán giả đều nhận thức được chuyện nào là tốt – chuyện nào xấu? Còn bao nhiêu người – nhất là khán giả trẻ thiếu nhận thức nhưng thừa cái tôi và tư tưởng hùa theo?

Trong phim, anh A đè chị B ra hôn hít, liếm ngực giữa nơi công cộng được bạn bè tán thưởng. Khán giả trẻ liệu có thấy đó là xấu hay lại nghĩ rằng làm thế là “bảnh” và thử nghiệm? Rồi những cảnh bạo lực và hình ảnh trái đạo đức, ai dám chắc chúng sẽ không làm lệch lạc tư tưởng khán giả? Để rồi ai sẽ chịu trách nhiệm khi những chuyện đáng tiếc xảy ra? Học sinh hút thuốc, đánh nhau, chém nhau… để chứng tỏ bản thân; con cái gân cổ cãi cha mẹ để bảo vệ cái tôi… là trách nhiệm của ai khi một phần trong số ấy chịu tác động từ phim ảnh?



Những gương xấu trên màn ảnh.
(Ảnh mang tính chất minh họa)

Tạm kết

Làm phim, làm nghệ thuật là làm văn hóa, chứ không phải “làm thịt” văn hóa. Thiết nghĩ đã làm văn hóa thì phải đề cao văn hóa, giáo dục con người sống tốt đẹp hơn. Cớ sao ngày nay người ta lại đua nhau trình diễn cái sự “vô văn hóa” lên màn ảnh? Đồng ý rằng, phải chỉ ra cái xấu để tránh. Nhưng chỉ thế nào? Chỉ làm sao để người ta biết đó là xấu thì hẵng chỉ. Đừng khơi ra rồi phủi tay vô trách nhiệm, mặc những tấm gương xấu kia “được” khán giả “noi theo”. Cuối cùng, nghệ thuật là cái đẹp, văn hóa là cái hay, một khi đã làm nghệ thuật, xin hãy làm sao cho thật đẹp, thật hay để gìn giữ, tôn vinh văn hóa.