Hơn 10 năm về trước, bộ phim Ngọa hổ tàng long của đạo diễn Lý An đã khiến thế giới phải ngỡ ngàng, tạo nên cơn sốt hâm mộ những chiêu thức võ công truyền thống Trung Hoa, mở ra một thời kỳ hoàng kim và phổ biến rộng rãi của võ học Trung Quốc.
Ngọa hổ tàng long - người mở đường cho điện ảnh võ thuật Hoa ngữ ra tầm thế giới
Cũng chính Ngọa hổ tàng long là bộ phim điện ảnh châu Á đã "đại náo" Oscar 2001 với 10 đề cử tượng vàng. Thu về 130 triệu $ (~2.672 tỉ đồng) doanh thu phòng vé cộng với 4 giải Oscar. Bộ phim này đã đem khái niệm "Điện ảnh võ thuật" đến với khán giả và giới phê bình thế giới, góp phần làm hồi sinh loại hình phim ảnh độc đáo này của Trung Quốc.
Trong một thế giới không ngừng vận động, điện ảnh Trung Hoa đã có những bước chuyển mình đáng kinh ngạc. Chỉ trong vòng 10 năm, hàng loạt những cột mốc mới của võ thuật trên phim ảnh đã xuất hiện, làm phong phú thêm cho loại hình nghệ thuật độc đáo này. Điện ảnh võ thuật Trung Hoa thời kỳ "Hậu Ngọa hổ tàng long" đã ghi dấu ấn bằng những tác phẩm nghệ thuật xuất sắc, đa dạng và mới lạ hơn so với thuở "nguyên chất" ban đầu.
2001: Thục Sơn truyện (đạo diễn Từ Khắc) - Võ thuật kết hợp với kỹ xảo tiên tiến
Là một trong những người đi tiên phong cho ngành công nghiệp điện ảnh võ thuật Trung Hoa, dù ở giai đoạn trầm lắng, mỗi tác phẩm của đạo diễn Từ Khắc vẫn luôn bám sát và ít nhiều mang yếu tố võ học. Sau cú "hit" Ngọa hổ tàng long làm hồi sinh điện ảnh võ thuật, cũng chính đạo diễn này là người đã mở ra trào lưu đầu tiên.
Trong tác phẩm trở lại Thục Sơn truyện, Từ Khắc đã "chơi sang" mời hẳn đoàn chuyên gia của Star Wars thực hiện kỹ xảo cho phim. Bị ấn tượng mạnh bởi siêu phẩm Star Wars nên khi bắt tay sản xuất Thục Sơn truyện, ý tưởng đầu tiên của Từ Khắc chính là ứng dụng công nghệ tiên tiến vào vẻ đẹp truyền thống của võ thuật. Thời gian, công sức cũng như khoản đầu tư hàng tỉ nhân dân tệ đã kết tinh thành một tác phẩm đáng ngưỡng mộ. Thục Sơn truyện ghi dấu ấn bằng những bối cảnh tráng lệ hùng vĩ "đất trời hòa làm một", cũng như những chiêu thức võ công kỳ ảo, biến hóa dưới sự trợ giúp đắc lực của công nghệ.
2002: Anh hùng (đạo diễn Trương Nghệ Mưu) - Võ thuật mang tính sử thi
Đạo diễn Trần Khả Tân đã từng nói: "Nội dung càng không mang tính thương mại thì biểu hiện bên ngoài càng phải cố tỏ ra là một tác phẩm thương mại". Là một đạo diễn nổi tiếng, Trương Nghệ Mưu thừa khôn ngoan để hiểu đạo lý này. Vì vậy, ông đã khéo léo ngụy trang cho Anh hùng giống như một bộ phim đánh vào thị hiếu số đông khán giả: Quy mô sản xuất lớn, diễn viên tầm cỡ quốc tế... Tuy nhiên, nếu bỏ qua vỏ bọc ấy, bản chất của bộ phim lộ diện là tác phẩm nghệ thuật thực thụ - từ tư tưởng cho đến cách thể hiện.
Lần đầu tiên trong lịch sử điện ảnh Trung Hoa xuất hiện một tác phẩm điện ảnh võ thuật mang tính sử thi - với những khung cảnh mang lại ấn tượng mạnh cho thị giác, nơi mà mọi nhân vật đều đẹp đến hoàn mỹ, đại diện cho khí chất của những người con Trung Hoa chân chính. Anh hùng sử dụng rất nhiều cảnh quay chậm, tạo nên ấn tượng mạnh mẽ cho khán giả về những chiêu thức võ công được sử dụng trong phim. Trong thời kỳ mà phim hành động Hollywood khiến người ta choáng ngợp bởi những động tác mau lẹ, dứt khoát, thì Anh hùng - bằng những động tác chậm rãi, thanh thoát như múa, trong nhu lại có cương - thực sự trở thành một viên ngọc quý hiếm và đáng giá.
2004: Thất kiếm (đạo diễn Từ Khắc) - Võ thuật hiện thực
Trong số 2 tác phẩm điện ảnh võ thuật cùng ra mắt năm 2004, Thất kiếm của Từ Khắc được đặt lên bàn cân với Thập diện mai phục của Trương Nghệ Mưu. Không thể phủ nhận rằng Thập diện mai phục là một bộ phim rất xứng tầm siêu phẩm. Nhưng dường như, chúng ta vẫn thấy được ít nhiều tính sử thi của Anh hùng trong đó. Ngược lại, "đối thủ" Thất kiếm đã mở ra một xu thế mới cho điện ảnh Trung Hoa: Võ thuật thực tế. Chính Thất kiếm đã phá bỏ định kiến: Võ thuật là phải đẹp hoàn hảo, hình ảnh, trang phục phải thật "nuột" - do chính các đàn anh Thục Sơn truyện và Anh hùng tạo dựng.
Mạnh dạn sử dụng những góc quay thô, tưởng như không trau chuốt mà thực ra đã được tính toán cực kỳ kỹ lưỡng, Từ Khắc đã đưa thế giới của những anh hùng võ lâm lại gần hơn với những người bình thường chúng ta. Trang phục khá giản dị cùng những miêu tả "mộc" về cả tâm trạng nhân vật lẫn cảnh quay võ thuật, cuộc sống của các kiếm sĩ trong Thất kiếm trở nên hết sức thực tế và gần gũi.
2009: Phong Vân 2 (đạo diễn Bành Nhật Thành & Bành Thuận) - Võ thuật trong truyện tranh
Là phim được chuyển thể từ bộ truyện tranh cùng tên, Phong Vân 2 thực sự là bước tiến dài đối với các vị "tiền bối" của mình về hình thức thể hiện. Nhiều người cho rằng, Phong vân 2 chẳng qua là sự học tập bộ phim Hollywood 300 (2007) - cũng là một tác phẩm chuyển thể từ truyện tranh. Nhưng trên thực tế, bộ đôi đạo diễn họ Bành đã vận dụng những tinh hoa của mạn họa (truyện tranh Trung Hoa) vào trong phim của mình.
Được sự trợ giúp đắc lực của kỹ thuật tiên tiến, 2 anh em đạo diễn Bành Nhật Thành và Bành Thuận đã biến những cảnh giao đấu tưởng như chỉ có trong truyện trở thành hiện thực. Bám rất sát nguyên tác từ tạo hình nhân vật cho tới tình tiết, toàn bộ cảnh quay của Phong Vân 2 đều được thực hiện tại phim trường. Sau đó, chuyên gia kỹ thuật đã sử dụng hơn 1000 hiệu ứng để biến những nét vẽ của tác giả Mã Vinh Thành trở nên sống động như thật trên màn ảnh. Có thể nói, Phong Vân 2 là sự kết hợp hoàn hảo nhất giữa võ thuật và truyện tranh, tạo nên một món ăn tinh thần mới lạ cho khán giả yêu điện ảnh Hoa ngữ.
2010: Kiếm vũ (đạo diễn Ngô Vũ Sâm) - Võ thuật hiện đại
Khác với những tác phẩm trước đều mang màu sắc huyền bí cổ điển, Kiếm vũ của đạo diễn Ngô Vũ Sâm lại đem đến một trường phái phim võ thuật cổ trang rất thật và hiện đại. Khán giả xem Kiếm vũ đều rất dễ dàng nhận ra những nét đặc trưng của dòng phim võ hiệp - xã hội đen Hồng Kông những năm 1990, từ cốt truyện cho đến tình tiết và cách xây dựng nhân vật.
Trái ngược hoàn toàn với những Thục Sơn truyện hay Anh hùng với bối cảnh hoành tráng, rộng lớn, Kiếm vũ sử dụng rất nhiều những cảnh quay nội cảnh - trong nhà hay trên con phố nhỏ, số lượng nhân vật quần chúng cũng rất ít. Ngôn ngữ thoại và cách giao tiếp giữa các nhân vật trong phim tương đối giống với xã hội hiện đại. Thậm chí, chi tiết các sát thủ cùng ngồi ăn mì và tâm sự với nhau trước trận chiến sinh tử cũng dễ dàng bắt gặp trong các bộ phim về xã hội đen. Có thể nói, Kiếm vũ là sự kế thừa có chọn lọc của dòng phim Hồng Kông hiện đại, kết hợp với bối cảnh cổ trang và võ thuật truyền thống Trung Hoa.
2011: Võ hiệp (đạo diễn Trần Khả Tân) - Võ thuật và khoa học
Ý tưởng cho Võ hiệp được đạo diễn Trần Khả Tân tình cờ nảy ra khi xem một bộ phim tài liệu khoa học trên kênh Discovery về nguyên lý một viên đạn sát thương nạn nhân. Gần như ngay lập tức, ông liên tưởng đến ngón đòn điểm huyệt mà các cao thủ võ lâm Trung Hoa vẫn thường sử dụng. Chính từ ý tưởng ban đầu ấy, Trần Khả Tân đã xây dựng một tác phẩm theo định hướng làm nổi bật sự tinh vi, kỳ ảo của võ thuật, cũng như sự kết hợp của nó và khoa học.
Trong suốt hành trình cùng "thần thám Tứ Xuyên" Kim Thành Vũ đi phá án và tìm hiểu bí mật về cuộc đời Chân Tử Đan, khán giả được chứng kiến những màn võ thuật mãn nhãn. Bên cạnh đó, những kiến thức uyên thâm về y học, vật lý học, giải phẫu học... cũng sẽ được vận dụng vào lý giải những chiêu thức võ công và cách gây sát thương cho đối thủ, giải thích việc Chân Tử Đan làm thế nào có thể mượn sức đối phương để tiêu diệt chính hắn. Cái bắt tay giữa khoa học và võ học là một điều xưa nay chưa từng có, mở ra một thời kỳ, một xu thế mới cho điện ảnh võ thuật Trung Hoa.
Kết
Sau 10 năm phát triển thần tốc, điện ảnh Trung Quốc giờ đã trở thành một "thế lực" mới trong làng nghệ thuật thứ 7, một "món ăn" được yêu thích của khán giả Hoa ngữ nói riêng và khán giả thế giới nói chung. 10 năm với biết bao thay đổi, điện ảnh võ thuật đang thể hiện khả năng biến hóa đa dạng, đúng như lời nhận xét của đạo diễn Trương Nghệ Mưu: "Võ thuật là một cái khung, tùy ý ta trang trí thế nào cũng được."