Vào năm 1996, làng phim kinh dị thế giới đã đón nhận một gương mặt mới đầy tiềm năng mang tên Scream dưới bàn tay đạo diễn của Wes Craven. Bộ phim với phong cách hài hước, lôi cuốn và dễ gây tò mò đã sớm trở thành một cơn sốt lúc bấy giờ, dần dà được biết đến như một cái tên huyền thoại trong dòng phim kinh dị slasher. Mặc dù đã không qua khỏi căn bệnh ung thư não và qua đời ở tuổi 76 vào cuối tháng 8 vừa qua, thì một phần di sản của Wes Craven vẫn đang sống tiếp với những người hâm mộ: Scream phiên bản truyền hình, một bộ phim do chính tay ông sản xuất. Scream đã dành những giây phút đầu tiên để tưởng nhớ cha đẻ của mình.
Kể về một nhóm thanh niên sống tại một thành phố nhỏ mang tên Lakewood bỗng dưng bị đe dọa bởi một kẻ sát nhân đeo mặt nạ, mang sau mình giai thoại về kẻ sát nhân Brandon James và sẵn sàng giết người không hề ghê tay, Scream nhanh chóng trở thành một trong những cái tên đáng chú ý trong mùa phim hè 2015. Với cốt truyện chính rất mở rộng và đầy tiềm năng, các biên kịch đã hoàn toàn có thể xoay chuyển bộ phim theo nhiều hướng khác nhau, nhưng cuối cùng, họ lại chọn hướng đi… đáng thất vọng nhất.
Suốt 10 tập phim, khán giả ít nhiều có thể nhận ra sự… vô dụng của nữ chính, Emma. Cô bé ngoài việc đóng vai gái xinh hiền lành và là nạn nhân chính của Ghostface, thì chẳng có gì đáng quan tâm nữa. Tự nhận biết được bản thân là đích nhắm của một kẻ sát nhân khát máu, Emma vẫn thoải mái tự tin đi chơi xuyên đêm, yêu hết người này sang người kia và sở hữu một lòng tin dễ bị đánh gục nhất trên lịch sử truyền hình Hollywood.
Phải cho đến tập cuối cùng của mùa, cô nàng mới có thể phát huy được một vài khả năng suy luận cơ bản, mà đa phần là do… Ghostface đặt đến tận miệng, chỉ cần nói ra đáp án là xong. Không những vậy, phần lớn thời gian xuất hiện trong phim, Emma đều tự mình đâm đầu vào rắc rối, đọc ra ra những câu thoại anh hùng rơm quen thuộc, mà điển hình là “Hôm nay, chúng ta sẽ thay đổi cái kết”. Cô không bao giờ chịu ngồi yên một chỗ hay làm theo lời mẹ dặn, nhưng chỉ cần Ghostface nhỏ nhẹ bảo một câu là làm theo ngay tắp lự, biết trước là bản thân đang bị lưỡi dao tử thần rình rập.
Những phút gay cấn nhất của phim, khi đánh nhau với tên sát nhân, và cho dù cầm trong tay một con dao to và dài hơn rất nhiều cùng với hoàn cảnh 2 chọi 1, Emma vẫn thua một cách rực rỡ và sẵn sàng bỏ mạng tại chiến trường nếu không nhờ Audrey đến kịp lúc cùng 2 phát súng cứu thế của mình. Mong rằng, qua mùa phim thứ 2, các nhà làm phim sẽ sớm nhận ra điều này và nhanh chóng khắc phục, vì hình tượng gái ngoan cơ bản của Emma đang khiến nhiều fan ngấy đến tận cổ. Họ mong chờ một nữ chính ngầu hơn, như Sidney trong bộ phim cũ chẳng hạn.
Nói về dàn nhân vật bên cạnh Emma-vô-dụng, chúng ta có Brooke-thất-thường, Audrey-bí-ẩn, Kieran-đi-qua-đi-lại, Jake-vô-duyên, Will-khó-hiểu và Noah-nói-nhiều. Những nhân vật này nếu được xây dựng hợp lý và dàn trải, thì hẳn sẽ đem lại một sức hút không hề nhỏ cho bộ phim. Tuy vậy, ước mơ nhỏ nhoi của các fan hâm mộ đã không thể thành hiện thực.
Rõ ràng, các biên kịch của Scream không hề biết cách “xé nhỏ” một nhân vật ra cho vừa vặn, hợp lý. Chúng ta đã chứng kiến một tập 3 cực kì xuất sắc xoay quanh nhân vật Brooke, nhưng cũng… chỉ có thế. Sang các tập tiếp theo, Brooke tiếp tục trở lại với hình ảnh lẳng lơ chơi bời, giống như tập 3 chưa hề tồn tại vậy. Jake hay Will cũng thế, trong tập này cực kì xấu tính, tập tiếp theo bỗng quay ra đóng vai chính diện, rồi sau đó nữa lại vô duyên như thường. Chính vì thế, dù đã cùng nhau đi được một quãng đường khá dài, thì các nhân vật vẫn khá một màu, thiếu đi chiều sâu. Nếu coi mỗi tập phim của Scream là một bàn tiệc, thì các “đầu bếp” đã quá chăm chút vào món chính mà thực hiện qua loa những món phụ, hôm mặn hôm nhạt, hoàn toàn không đồng đều thống nhất với nhau.
Bên cạnh dàn nhân vật nhạt thếch suốt ngày được đem ra làm mồi nhử, thì câu chuyện của Scream khi đem ghép nối lại, thì cũng không hề có độ kết dính nhất định. Nếu những tập phim đầu chậm chạp với vài pha giết chóc, đặt ra hàng tá câu hỏi đến mức bội thực, thì những tập phim sau lại quá vội vã, tung ra quá nhiều điểm mấu chốt ở những phút cuối cùng. Đây, có thể nói là một sai lầm chết người cho nhóm sản xuất.
Một trong những yếu tố thu hút sự chú ý của khán giả khi theo dõi một bộ phim kinh dị (đặc biệt là Scream), chính là lần theo những đầu mối mà bộ phim đưa ra, đoán mò đoán non danh tính của tên sát nhân và sẵn sàng cho một kết thúc bất ngờ không ai nhìn trước được. Tuy vậy, việc ém nhẹm tất cả những đầu mối mình có và rồi… ném (gần) hết vào mặt khán giả vào 1 – 2 tập cuối cùng, đã khiến người xem trở tay không kịp. Các fan gần như không có thời gian để trải nghiệm được cái cảm giác mà lẽ ra một bộ phim kinh dị phải mang lại, chỉ biết dán mắt vào 45 phút phim và bỗng dưng mọi thứ được giải quyết như phép màu.
Tuy vậy, điều đáng khen trong tập phim vừa rồi, chính là sự bất ngờ mà nó mang lại. Danh tính tên sát nhân đã được hé lộ, và nó đi ngược lại với bất kì suy đoán nào mà chúng ta đã đặt ra. Những mảnh ghép qua từng tập phim được đặt lại cùng nhau khá thông minh và thú vị, cùng với tâm lý “không dám tin ai” của người xem đã góp phần rất lớn trong thành công của tập cuối, hay nói rộng ra là toàn bộ series. Ít ra, các tay bút của Scream cũng đã làm tốt vai trò tung hỏa mù của mình.
Bên cạnh đó, việc tái hiện lại những cảnh phim hay nhân vật kinh điển trong bộ phim cũ, chính là một điều cực kì thú vị mà các biên kịch đã thành công. Nhân vật phóng viên Piper, cuộc tấn công đẫm máu mở đầu phim, khung cảnh cô bạn trong gara để xe… đã gợi nhớ người xem tới tuổi thơ của họ, và điều hay, hơn bất kì thứ gì khác, chính là thứ đã giữ hàng triệu khán giả buồn chán khỏi việc chuyển kênh.
Kết thúc nhanh gọn và chóng vánh, Scream vẫn để lại cho chúng ta những câu hỏi chưa có lời đáp, sẵn sàng “đóng chiếm” một mùa phim thứ 2, hứa hẹn rằng sẽ còn máu me và (mong rằng) cuốn hút hơn mùa phim đầu tiên chưa để lại nhiều tiếng vang.