Phim Việt "cụt đuôi" vì quảng cáo

24h, Theo 11:09 09/07/2012
Chia sẻ

Đài truyền hình cần quảng cáo để nuôi quân và sản xuất chương trình, ngược lại công ty quảng cáo muốn sản phẩm được nhiều khán giả biết và nhớ tới.

Quảng cáo và chất lượng phim

Quảng cáo trong phim truyền hình giờ đây đã trở thành yếu tố bất khả kháng bởi mối quan hệ giữa nhà đài và các công ty quảng cáo. Đài truyền hình cần quảng cáo để nuôi quân và sản xuất chương trình, ngược lại công ty quảng cáo muốn sản phẩm được nhiều khán giả biết và nhớ tới.


"Xin thề anh nói thật" là một trong những bộ phim có lồng nhiều quảng cáo

Chính vì lẽ đó, ngoài những đoạn quảng cáo trực tiếp được phát trước, giữa và sau khung giờ chiếu phim, là những cảnh quảng cáo gián tiếp (Product Placement: sau viết tắt là PP). Có ba hình thức quảng cáo gián tiếp sản phẩm trong phim gồm: 1 là để sản phẩm trực tiếp tham gia như một dụng cụ trong phim, 2 là nhắc tới sản phẩm trong lời thoại, 3 là để hình ảnh sản phẩm xuất hiện bên lề cảnh quay.

Tuy nhiên, quảng cáo và chất lượng phim lại có mối quan hệ tỷ lệ thuận với nhau ở cả mặt tích cực và tiêu cực. Nếu nhà sản xuất không khéo lồng ghép những sản phẩm được quảng cáo vào phim, gây cảm giác bực mình cho người xem, tất yếu điểm trừ cho chất lượng phim sẽ theo đó mà tăng lên.

Số lượng quảng cáo trong một bộ phim truyền hình cũng đồng nghĩa với chất lượng, giá trị thu hút người xem của bộ phim đó. Nói đơn giản, phim hay mới ký được nhiều hợp đồng quảng cáo. Dù không thích mạch phim bị cắt giữa chừng, khán giả Việt giờ đây đành phải “sống chung với lũ”.

"Cô gái xấu xí" ngập tràn những cảnh quay quảng cáo nhãn hiệu thời trang tài trợ cho phim

Nhưng, việc số lượng quảng cáo trong một bộ phim ngày một nhiều chỉ mang lại lợi nhuận cho nhà đài, khán giả là người chịu thiệt hơn cả. Rất nhiều người xem phim truyền hình cảm thấy bực mình vì chuyện nhà sản xuất lồng ghép quảng cáo một cách khiên cưỡng, lặp lại, gai mắt, thậm chí lố bịch.

Với những bộ phim truyền hình Việt Nam, thông thường một tập phim dài 45 phút nhưng khung giờ chiếu luôn kéo dài hơn thế rất nhiều vì quảng cáo. Chính vì vậy, không quá ngạc nhiên khi thu nhập từ tiền quảng cáo trong mỗi tập phim phát sóng lên tới con số hàng tỷ đồng. Hệ quả là một tập phim bị xé lẻ, chia nhỏ thành 3 đến 4 phần nhỏ lẻ, đứt khúc, rời rạc. Thậm chí khi lượng quảng cáo tăng, nhạc phim cuối tập sẵn sàng bị cắt để kịp giờ lên sóng chương trình tiếp theo, khiến một tập phim trở nên “cụt đuôi”.

Không khó để đưa ra những dẫn chứng về “thủ thuật” quảng cáo gián tiếp trong phim truyền hình. Với những bộ phim truyền hình Việt Nam, khán giả đã quá quen với cảnh tượng bạn bè, anh chị em rủ nhau đến một cửa hàng thời trang mua sắm, ngay lập tức máy quay zoom cận cảnh logo của nhãn hiệu thời trang này. Hay những cảnh uống trà, uống café, uống sữa, ăn uống… máy quay đều được đặt ở góc hình sao cho những nhãn hiệu sản phẩm này hiển thị rõ nét nhất.



Những "thủ thuật" quảng cáo gián tiếp trong phim truyền hình Việt lộ và chưa khéo

Sẽ là điều dễ chấp nhận nếu việc quảng cáo gián tiếp không lặp lại quá nhiều và được lồng ghép hợp lý. Nhưng chất lượng những đoạn PP nói trên lại đang ngày một chẳng ăn nhập gì với kịch bản phim – vốn đã bị đánh giá đang trong chiều hướng cạn kiệt vốn sáng tạo.

Giải pháp cho quảng cáo trong phim

Việc chất lượng những đoạn quảng cáo PP kém phần lớn bị đổ lỗi cho biên kịch, đạo diễn phim. Tuy nhiên, điều đó lại không hoàn toàn đúng thực tế. Bởi lẽ việc “gài” những cảnh giới thiệu nhãn hàng, sản phẩm do phía nhà sản xuất phụ trách.

Biên kịch sau khi hoàn tất nội dung kịch bản hầu như không có tiếng nói can thiệp đối với việc chỉnh sửa những cảnh PP được cố tình đưa vào trong phim, cho dù nó bị ép vào rất sống sượng, gai mắt. Điều đó cho thấy việc cần một đội ngũ “vàng” trong khâu biên tập của nhà sản xuất phim truyền hình là rất cần thiết.

Việc khán giả Việt Nam hiện nay đang được xem truyền hình miễn phí trở thành một lý do để nhà đài đưa ra giải thích cho việc gia tăng quảng cáo trong các bộ phim. Nhưng việc quảng cáo trực tiếp và gián tiếp trong phim luôn cần phải được siết chặt bằng một quy chế rõ ràng. 

Tại Trung Quốc không ít lần các cơ quan chức năng nước này đưa ra dự thảo lệnh cấm phát quảng cáo hoặc giới hạn quảng cáo trong các bộ phim truyền hình. Theo quy chế hiện hành của nước này, tổng thời lượng quảng cáo không được quá 12 phút ở mỗi chương trình và mỗi đoạn quảng cáo chỉ được làm gián đoạn chương trình trong 90 giây.

Tại Hàn Quốc, luật quảng cáo trong phim truyền hình cũng đưa ra quy chế thắt chặt từ việc sử dụng từ ngữ, lời thoại có ý ám chỉ tới sản phẩm hay mức độ lặp lại hình ảnh sản phẩm… Không ít bộ phim truyền hình nổi tiếng của Hàn đã bị xử phạt từ văn bản tới hành chính vì việc vi phạm luật quảng cáo gián tiếp trong phim.

Trung Quốc, Hàn Quốc đã và đang tiếp tục thiết chặt những quy định pháp luật về việc kiểm soát quảng cáo trong phim nhằm mang lại những quyền lợi thiết thực với người xem. Có lẽ, các bộ phim truyền hình Việt cũng đang rất cần những giải pháp đối với vấn đề “tiếp thị trong phim” đang ngày một phát triển.
TIN CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày