“Mì ăn liền” là thuật ngữ để chỉ một dòng phim đặc trưng ở đầu thập niên 90. Những phim này sử dụng chất liệu video, được sản xuất nhanh, quảng bá đơn giản và ra rạp chóng vánh để thu hồi vốn. Dù còn nhiều hạn chế về mặt nội dung, hình ảnh, song không thể phủ nhận công lao của dòng phim này trong việc lôi kéo khán giả Việt quay lại màn ảnh lớn. Một số tài tử trong giai đoạn này như Lý Hùng, Diễm Hương, Lê Công Tuấn Anh, Y Phụng đã trở thành những ngôi sao được hàng triệu người yêu mến.
Dòng phim “mì ăn liền” bắt đầu thoái trào từ năm 1995 khi thị hiếu của khán giả thay đổi. Gần đây có một số ý kiến cho rằng điện ảnh Việt đang quay lại thời kì “mì ăn liền”. Nhận định này không phải là không có cơ sở, nếu xét đến một số điểm tương đồng của thời kì “mì ăn liền” và nền điện ảnh hiện nay.
Dòng phim “mì ăn liền” hiện đại
Nhịp độ sản xuất phim hối hả trong thời gian gần đây khá giống với thập niên 90. Ai cũng có thể bỏ vốn sản xuất phim, từ ca sĩ, diễn viên, đến cả nghệ sĩ kịch, người mẫu. Thị trường điện ảnh không còn là của riêng Phước Sang, Chánh Phương, hay Thiên Ngân nữa, mà tràn ngập những cái tên mới như Hoàng Mập, Ngô Thanh Vân, Đàm Vĩnh Hưng, Đức Thịnh. Phần lớn các nhà sản xuất mới thường chọn phim hài và kinh dị vì thực hiện nhanh gọn, dễ thu hồi vốn.
Bản thân phim hài và kinh dị không có gì đáng trách, nhưng một nền điện ảnh cho ra đời liên tiếp các phim hài nhảm trong cả năm thì thật sự có vấn đề. Các nhà sản xuất tránh né các thể loại khác một phần cũng vì nhìn vào tấm gương của Lửa Phật và Đường đua, hai bộ phim “nghiêm túc” đã thất bại thảm hại ở phòng vé. Ngay cả một bộ phim được khen ngợi như Thiên mệnh anh hùng của đạo diễn tên tuổi Victor Vũ cũng không thể hòa vốn do kinh phí sản xuất quá cao.
Không thể phủ nhận rằng, với nhiều đầu phim hơn, khán giả có nhiều lựa chọn hơn ở rạp. Nếu như trong thập niên 2000, mỗi năm số phim Việt ra rạp chỉ đếm trên đầu ngón tay, thì gần đây hầu như tháng nào cũng có phim Việt, thậm chí có khi 2, 3 phim Việt ra rạp cùng thời điểm. Không khí sôi nổi cũng tạo ra sự cạnh tranh lớn hơn giữa các hãng phim. Song, điều đáng tiếc là nhiều nhà sản xuất lại cạnh tranh nhau bằng chiêu trò nhiều hơn là chất lượng sản phẩm.
Chất lượng đi xuống
Quá trình sản xuất vội vàng đương nhiên dẫn đến chất lượng nghệ thuật thấp. Kịch bản phim sơ sài, được chắp vá bằng các tình huống hài mảng miếng để câu khách. Cách dựng phim còn cẩu thả, kỹ xảo kém và đôi khi diễn viên lồng tiếng nghe như phim truyền hình. Nhiều phim từ đầu năm nay đã bị liệt vào hàng thảm họa như Tây Du Ký hậu truyện, Hợp đồng bắt ma, Tiên nữ không kiêng cữ, Hy sinh đời trai. Một số phim có khả quan hơn như Thám tử Hên Ry, Lật mặt hay Ma dai, nhưng cũng chưa thật sự nổi trội.
Một thực trạng đáng buồn khác là không ít đạo diễn có thực tài cũng chấp nhận dấn thân vào con đường này. Nổi tiếng như Lưu Huỳnh cũng có ngày làm ra một bộ phim bị chê bai hết lời như Hy sinh đời trai, hay Ngô Quang Hải thành danh với Chuyện của Pao nhưng lại gây thất vọng lớn với Hoàng tử và Lọ Lem.
Với cách làm ăn xổi, điện ảnh Việt hiện tại đang gợi nhớ lại dòng phim “mì ăn liền” hơn 20 năm về trước. Cũng là những tác phẩm vội vàng ra rạp, nhanh chóng chìm vào quên lãng. Thậm chí nếu so về diễn xuất, không ít các diễn viên bây giờ còn thua xa nét diễn tự nhiên của Lý Hùng, Diễm Hương, Việt Trinh, Lê Công Tuấn Anh ngày nào.
Thẩm mỹ của khán giả
Dường như khán giả Việt đang tách thành hai phân khúc, một nhóm thích phim nước ngoài và ít nhiều có nội dung, còn một nhóm ra rạp đơn thuần để giải trí, dễ tính hơn và ưa chuộng phim hài. Song không có sự tách biệt rạch ròi giữa hai nhóm, và cũng không thể khẳng định khán giả Việt có gu thẩm mỹ kém. Trên thực tế, công chúng không hề quay lưng với những phim Việt có chất lượng như Scandal, Quả tim máu hay Hương ga.
Có thể ví, khán giả Việt Nam ở thời điểm hiện tại như một thế hệ non trẻ và thẩm mỹ xem phim của họ vẫn đang phát triển từng ngày. Chính những nhà làm phim cũng góp phần quyết định thị hiếu của khán giả. Nếu cứ tiếp tục chiều lòng một bộ phận người xem mà cho ra đời những bộ phim hài nhảm, chính họ sẽ khiến kéo lùi gu xem phim của khán giả, trong khi khiến một số khác quay lưng với phim Việt.
Cách đây không lâu, bộ phim Tôi thấy hoa vàng trên cỏ xanh của Victor Vũ đã tung ra một trailer đẹp đến ngỡ ngàng. Những đánh giá tích cực của khán giả chứng tỏ công chúng vẫn ủng hộ những phim Việt được thực hiện kỹ lưỡng. Nếu tác phẩm chuyển thể từ truyện của Nguyễn Nhật Ánh thành công về mặt doanh thu, đó sẽ là một tín hiệu rất tích cực cho điện ảnh Việt, mở ra một hướng đi mới cho các đạo diễn trẻ.