30/4/1975 là ngày kết thúc chiến dịch
Hồ Chí Minh kéo dài 55 ngày đêm, giải phóng miền Nam, giành lại độc lập hoàn toàn cho đất nước. Đây là ngày có ý nghĩa quan trọng đối với nhân dân miền Nam nói riêng và nhân dân Việt Nam nói chung. Nhân kỷ niệm 40 năm ngày
Giải phóng miền Nam, cùng điểm lại những bộ phim
lịch sử để phần nào hình dung được những năm tháng hào hùng ấy.
Giải Phóng Sài Gòn
Phim Giải phóng Sài Gòn tái hiện những cảnh chiến đấu khốc liệt và đầy đủ các sự kiện lịch sử: cảnh Buôn Ma Thuột thất thủ; ngụy quân di tản nháo nhào ở sân bay Đà Nẵng; quân đội Sài Gòn thề cố thủ ở Xuân Lộc; xe tăng tiến vào dinh Độc Lập, cắm cờ trên nóc dinh, đánh dấu chiến thắng của quân, dân ta.
Cùng với các sự kiện ấy là các hình ảnh ấn tượng của con người trong cuộc chiến: Đó là hình ảnh quyết đoán, vĩ đại của Tổng bí thư Lê Duẩn, Đại tướng Võ Nguyên Giáp, tướng Văn Tiến Dũng, tướng Trần Văn Trà. Phim cũng không quên khắc họa những con người phía bên kia chiến tuyến là Tổng thống Nguyễn Văn Thiệu, Đại sứ Mỹ Mactin và tướng Weyand…
Giải Phóng Sài Gòn còn cho thấy hình ảnh đẹp và cảm động của người lính, người dân Việt Nam giữa cuộc chiến khốc liệt: cuộc gặp gỡ bất ngờ của cha con Trần Du - Trần Bình nơi chiến trường khói bom mịt mù; tình yêu trong sáng nảy nở trong bom đạn của đôi trai gái; người vợ vỡ òa trong nước mắt gặp lại chồng sau cuộc chiến; người chị cộng sản cứu người em cộng hòa…
Những Người Viết Huyền Thoại là câu chuyện bi tráng về số phận những người tiên phong trong việc xây dựng ống dẫn dầu vào Nam. Phim dựa trên những chiến công lịch sử của binh đoàn 559 (mật danh xây dựng chiến lược đường mòn Hồ Chí Minh).
Những Người Viết Huyền Thoại tái hiện một thời chiến tranh ác liệt với hình ảnh miền Bắc bị địch ném bom phá hoại; chiến trường miền Nam đang đi vào giai đoạn cam go, rất cần sự chi viện lớn của hậu phương. Giữa cuộc chiếc khốc liệt ấy là tình yêu lãng mạn, nhẹ nhàng của những người lính. Thứ tình cảm nảy sinh giữa cuộc chiến làm con người có thêm niềm tin yêu với cuộc sống và niềm hy vọng về tương lai khi đất nước hòa bình.
Mùi Cỏ Cháy
Mùi Cỏ Cháy - bộ phim lấy bối cảnh chính là mùa hè đỏ lửa 1972 với trận chiến tại thành cổ Quảng Trị. Nhân vật chính trong phim là bốn sinh viên trường Đại học Tổng hợp Hà Nội: Hoàng, Thành, Thăng, Long theo lệnh tổng động viên lên đường nhập ngũ năm 1971 và sau cùng tham gia chiến đấu tại thành cổ Quảng Trị năm 1972.
Kịch bản Mùi Cỏ Cháy do nhà thơ Hoàng Nhuận Cầm viết dựa trên cuốn nhật ký Mãi Mãi Tuổi Hai Mươi của liệt sĩ Nguyễn Văn Thạc. Hoàng như hiện thân của Hoàng Nhuận Cầm; Thăng mang bóng dáng Nguyễn Văn Thạc; những người lính trong phim có khí chất của các liệt sỹ Hoàng Thượng Lân, Hoàng Kim Giao. Những chàng trai ấy đã từ bỏ những ước mơ nơi giảng đường để đến với chiến trường Quảng Trị ác liệt và góp phần làm nên 81 ngày đêm bi tráng ở Thành cổ.
Đừng Đốt
Đừng Đốt được xây dựng dựa trên những số phận hoàn toàn có thật và xoay quanh cuốn nhật kí nổi tiếng của liệt sĩ Đặng Thùy Trâm. Phim tái hiện chân thực tính khốc liệt, bi hùng của cuộc chiến tranh ở Việt Nam và khắc họa hình ảnh nữ bác sĩ Đặng Thùy Trâm với vẻ đẹp tâm hồn, tình yêu đất nước, lòng yêu thương con người tha thiết.
Nhân vật chính trong phim là liệt sỹ - bác sỹ Đặng Thùy Trâm. Ở một bệnh xá bị bỏ quên trong rừng, bác sĩ Thùy cùng hai y tá được phân công ở lại trông nom những thương binh quá nặng. Ðồng đội ra đi với lời hẹn ba ngày sau quay lại đón. Nhưng họ chờ đã ba ngày, sáu ngày, chín ngày. Họ bị bỏ quên giữa bom đạn và những trận mưa rừng nhiệt đới. Cô bác sĩ trẻ người Hà Nội ngồi nhớ nhà, nhớ mẹ, nhớ người yêu, cô viết lại những trận bom và những nỗi đau cô phải chứng kiến…