Giải phóng Sài Gòn qua thước phim lịch sử

Hàn Tiêu, Theo Trí Thức Trẻ 00:00 30/04/2013

Đã 8 năm kể từ ngày "Giải phóng Sài Gòn" lần đầu công chiếu trước khán giả, năm nào vào ngày 30/4 bộ phim cũng được chiếu lại như một lời nhắc về lịch sử hào hùng của dân tộc.

30/4/1975 là ngày mà có lẽ không người Việt Nam nào lại không biết. Đây là ngày kết thúc chiến dịch Hồ Chí Minh kéo dài 55 ngày đêm, giải phóng miền Nam, giành lại độc lập hoàn toàn cho đất nước. Chính vì thế, 30/4 hàng năm là dịp mỗi chúng ta dành để kỷ niệm chiến thắng hào hùng này. 
 
Trong dịp này, Cục điện ảnh tổ chức chiếu phim kỷ niệm, trong đó có Giải phóng Sài Gòn. Chúng ta cùng nhìn lại những hình ảnh trong bộ phim này để phần nào hình dung được giai đoạn lịch sử có ý nghĩa quan trọng của đất nước nhé!
 
Hoàng tráng và chân thực
 
Giải phóng Sài Gòn được đầu tư hơn 12 tỷ đồng, kéo dài 13 năm (phim công chiếu năm 2005). Với thời lượng 2 tiếng đồng hồ, Giải phóng Sài Gòn đã tái hiện được những cảnh chiến đấu khốc liệt và nhận được nhiều lời khen tích cực từ phía khán giả về một bộ phim lịch sử thực sự cuốn hút và vô cùng xúc động. 

Giải phóng Sài Gòn qua thước phim lịch sử 1

Giải phóng Sài Gòn tái hiện đầy đủ các sự kiện lịch sử: cảnh Buôn Ma Thuột thất thủ; ngụy quân di tản nháo nhào ở sân bay Đà Nẵng; quân đội Sài Gòn thề cố thủ ở Xuân Lộc; xe tăng tiến vào dinh Độc Lập, cắm cờ trên nóc dinh, đánh dấu chiến thắng của quân, dân ta. 
 
Giải phóng Sài Gòn qua thước phim lịch sử 2
 
Cùng với các sự kiện ấy là các hình ảnh ấn tượng của cuộc chiến khốc liệt: máy bay địch gầm rú, pháo sáng của một vùng trời, những trận đánh giáp lá cà ác liệt giữa hai bên… Giây phút cửa kính văn phòng dinh Độc Lập vỡ toang, ánh mắt hoảng hốt của Dương Văn Minh, lá cờ 3 sọc rơi xuống, nhân dân hai bên đường vẫy hoa mừng Cộng Sản in đậm trong trái tim nhiều thế hệ. 
 
Giải phóng Sài Gòn qua thước phim lịch sử 3
 
Những con người vĩ đại
 
Tất nhiên, con người là trung tâm của Giải phóng Sài Gòn cũng như ngày 30/4 lịch sử. Phim xuất hiện nhiều nhân vật và không có tuyến nhân vật chính. Có lẽ nhiều khán giả chẳng thể nhớ hết những con người ấy nhưng đọng lại trong họ vẫn là nhiều hình ảnh đẹp và day dứt.
 
Người xem được thấy sự quyết đoán, vĩ đại của Tổng bí thư Lê Duẩn, Đại tướng Võ Nguyên Giáp, tướng Văn Tiến Dũng, tướng Trần Văn Trà,…
 
Giải phóng Sài Gòn qua thước phim lịch sử 4
 
Giữa cuộc chiến khốc liệt, cảm động nhất và cũng đẹp nhất chính là hình ảnh con người. Đó là cuộc gặp gỡ bất ngờ của cha con Trần Du - Trần Bình nơi chiến trường khói bom mịt mù; tình yêu trong sáng nảy nở giữa bom đạn của đôi trai gái; anh bộ đội Trần Bình dành quần áo đẹp nhất để đi gặp gia đình. Khán giả có thể nhìn thấy đau thương trong cuộc chia ly của người mẹ Huế với đứa con quân cộng hòa quyết định chạy trốn, cũng có thể hòa vào niềm vui vỡ òa trong nước mắt của người vợ gặp lại chồng sau cuộc chiến, hay cảm động khi người chị cộng sản cứu người em cộng hòa... Tất cả chỉ là những nét vẽ đơn giản nhưng đầy giá trị trong việc khắc họa cuộc sống của con người trong thời khắc lịch sử ấy. 
 
Giải phóng Sài Gòn qua thước phim lịch sử 5
 
Đã 8 năm kể từ ngày Giải phóng Sài Gòn lần đầu công chiếu trước khán giả, năm nào vào ngày 30/4, phim cũng được nhắc đến và chiếu lại. Với những thước phim hào hùng và cảm động như thế, Giải phóng Sài Gòn xứng đáng là một trong những đại diện tiêu biểu của phim chiến tranh Việt Nam. 
TIN CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày