Những người "vô duyên" với giải thưởng Oscar

Ngọc Minh, Theo 00:00 25/02/2011
Chia sẻ

Alfred Hitchcock, Leonardo Di Carpio, Charlie Chaplin, Christopher Nolan... đều là những tài năng nổi bật nhưng lại chưa một lần chạm tay vào tượng vàng Oscar danh giá.<img src='/Images/EmoticonOng/06.png'>

Nhìn vào lịch sử hơn 80 năm của giải thưởng danh giá bậc nhất của làng điện ảnh thế giới, dường như người ta chỉ chú ý đến những người chiến thắng mà quên đi những cái tên nổi danh khác. Bên cạnh những nhân vật như huyền thoại Katherine Hepburn với 4 tượng vàng Oscar trong sự nghiệp hay đạo diễn điện ảnh John Ford từng 4 lần được vinh danh thì cũng có không ít cái tên từng bị Viện Hàn lâm Khoa học và Nghệ thuật Điện ảnh (AMPAS) “lạnh nhạt” hết lần này đến lần khác. Họ đều là tài năng nổi bật không thể phủ nhận nhưng lại chưa một lần chạm tay vào tượng vàng danh giá hoặc thậm chí là “trắng tay” đề cử. Hãy cùng chúng tớ tìm hiểu về họ nhé.

Alfred Hitchcock



“Ông tổ” của dòng phim rùng rợn – Alfred Hitchcock trong suốt sự nghiệp điện ảnh lẫy lừng của mình đã có 5 lần được nhận đề cử cho Đạo diễn xuất sắc nhất vào các năm 1940 (Rebecca), 1944 (Lifeboat), 1945 (Spellbound), 1954 (Rear Window) và 1960 (Psycho) nhưng đáng tiếc là ông vẫn chưa có được một giải Oscar cho riêng mình. Đây có lẽ là điều thiếu sót duy nhất trong sự nghiệp của người đàn ông được xem là một trong những đạo diễn xuất sắc nhất trong lịch sử điện ảnh này.


Tên tuổi Alfred Hitchcock gắn liền với dòng phim kinh dị, trong đó nhiều bộ phim đã trở nên kinh điển và ảnh hưởng lớn đến phong cách làm phim của các đạo diễn sau này, được họ xem như khuôn mẫu: Rear Window (1954), Vertigo (1958), Psycho (1960), The Birds (1963). Dù không thành công ở hạng mục Đạo diễn xuất sắc nhất song niềm an ủi đối với Hitchcock là bộ phim Rebecca của ông đã giành giải cho Phim xuất sắc nhất tại Oscar 1940 và AMPAS đã trao tặng một giải Oscar danh dự cho những cống hiến của ông đối với điện ảnh thế giới. Và để trả đũa Viện hàn lâm Hoa Kỳ, trong lễ trao giải Oscar danh dự, ông chỉ lên sân khấu và nói "Cám ơn!" rồi đi thẳng vào cánh gà.

Meryl Streep



Có thể bạn sẽ thắc mắc rằng vì sao nữ diễn viên gạo cội Meryl Streep lại bị liệt vào hàng những người “vô duyên” với Oscar. Đúng là Meryl Streep đã từng 2 lần giành Oscar cho Nữ chính xuất sắc nhất cho vai diễn trong Sophie’s Choice (1982) và Nữ phụ xuất sắc nhất với Kramer vs Kramer (1979) nhưng cũng chẳng thấm vào đâu so với con số 16 lần được đề cử - một con số kỉ lục cho cả nam và nữ diễn viên.


Meryl Streep là một trong số ít những nữ diễn viên tại Hollywood đóng phim rất đều tay. Số lượng phim của Meryl Streep có thể nói là nhiều hơn bất cứ ai và tất cả các phim của bà đều cực kỳ thành công trên cả 2 phương diện nghệ thuật và thương mại. Một số tác phẩm nổi bật gần đây của Meryl Streep có thể kể đến The Devil Wears Prada (2006), Julie & Julia (2009)… Nói không ngoa thì nếu Meryl Streep may mắn hơn một chút thì con số kỷ lục 4 tượng vàng Oscar của huyền thoại Katherine Hepburn đã bị phá vỡ từ lâu rồi.

Martin Scorsese



Có sở trường trong các bộ phim về đề tài tội phạm – hình sự, đạo diễn gạo cội Martin Scorsese đã mang lại cho điện ảnh thế giới những kiệt tác bất hủ như Mean Streets (1973), Taxi Driver (1976), The King of Comedy (1983), Goodfellas (1990)… Những bộ phim thời gian gần đây của Martin Scorsese cũng rất đáng chú ý như Gangs of Newyork (2002), The Aviator (2004), The Departed (2006), Shutter Island (2010)... Là một đạo diễn thông minh và lão làng, Martin Scorsese hoàn toàn làm chủ mạch phim, dẫn dắt người xem đi hết từ ngạc nhiên này đến bất ngờ khác để cuối cùng phải thốt lên đầy kinh ngạc trước kết thúc không thể lường trước của bộ phim.


Từng 5 lần được đề cử Oscar, Martin Scorsese chỉ có một lần duy nhất được “rinh” cúp về nhà với The Departed (2006). Còn trong những lần đề cử trước đó tại Oscar 1980 (Raging Bull), Oscar 1988 (The Last Temptation of Christ), Oscar 1990 (Goodfellas) và Oscar 2002 (Gangs of Newyork) thì Martin Scorsese đều phải ra về tay trắng. Tuy nhiên sau tượng vàng Oscar 2006 thì Martin Scorsese thậm chí còn “trắng tay” tại bảng danh sách đề cử. Mặc dù Shutter Island rất ấn tượng nhưng vẫn chưa thể giúp Martin Scorsese lọt vào danh sách ứng viên cho Oscar năm nay.

Leonardo Di Carpio



Nam tài tử hàng đầu Hollywood hiện nay mới chỉ có 2 đề cử Oscar trong sự nghiệp với vai nam phụ trong Who’s Eating Gillbert‘s Grape (1993) và Blood Diamond (2006) nhưng cũng chưa một lần được chạm vào tượng vàng. Đều đặn cho ra 2 bộ phim mỗi năm – đều là những tác phẩm nghệ thuật thực sự nhưng vẫn có sức hút rất lớn với khán giả, tài năng và nỗ lực thể hiện những vai diễn ấn tượng, giàu tính nghệ thuật của Leonardo Di Carpio dường như vẫn chưa được đánh giá đúng mức.


Năm nay lại là một năm đáng thất vọng đối với Leonardo Di Carpio vì dù xuất hiện trong 2 bom tấn của năm là Shutter Island (đạo diễn Martin Scorsese) và Inception (đạo diễn Christopher Nolan) nhưng anh lại không có tên trong số 5 ứng cử viên cho danh hiệu Nam diễn viên chính xuất sắc nhất. Đây là một điều thực sự đáng tiếc đối với nam diễn viên này. Leonardo Di Carpio có lẽ sẽ cần một vai diễn thực sự có sức nặng để thuyết phục hoàn toàn AMPAS, khẳng định mạnh mẽ tài năng diễn xuất của mình.

Peter O’Toole



Nam diễn viên gạo cội Peter O’Toole đang nắm giữ một “kỷ lục” không lấy gì làm vui vẻ - đó là nam diễn viên được đề cử nhiều nhất nhưng lại chưa một lần đoạt giải. Trong 8 lần được đề cử, tài năng của Peter O’Toole là không thể phủ nhận, cái duy nhất mà ông thiếu có lẽ chỉ là một chút may mắn.


Nổi tiếng khắp thế giới với vai diễn nhà thám hiểm huyền thoại người Anh T.E.Lawrence trong Lawrence of Arabia, Peter O’Toole được nhận đề cử Oscar đầu tiên tại Oscar năm 1962 và thất bại trước Gregory Peck (To Kill a Mockingbird). Sau đó O’Toole lại được đề cử thêm 7 lần nữa nhưng cũng không có lần nào chiến thắng. Lần đề cử gần đây nhất của Peter O’Toole là cho vai diễn trong Venus (tại Oscar 2006). Tuy không giành được bất kỳ một tượng vàng nào tại hạng mục Nam diễn viên chính xuất sắc nhất song công lao cũng như những đóng góp của Peter O’Toole cho điện ảnh thế giới đã được tưởng thưởng xứng đáng bằng giải thưởng danh dự tại lễ trao giải Oscar năm 2003.

Christopher Nolan



Nói đến những nhân vật không may mắn tại Oscar thì khó có thể bỏ qua cái tên Christopher Nolan. Là một đạo diễn với tuổi đời tương đối trẻ nhưng Christopher Nolan lại khiến Hollywood phải ngạc nhiên về tài năng của mình. Thể hiện một phong cách làm phim đầy trí tuệ cùng lối tư duy nghệ thuật độc đáo nhưng may mắn lại chưa một lần mỉm cười với anh. Từng gây ngạc nhiên vì không có tên trong danh sách đề cử của hạng mục Đạo diễn xuất sắc nhất tại Oscar 2008 trong khi The Dark Knight làm mưa làm gió tại cả các rạp chiếu phim và cả các lễ trao giải, năm nay khán giả lại được dịp “ngã ngửa” vì cái tên Christopher Nolan lại một lần nữa vắng bóng tại danh sách ứng cử viên mà AMPAS đưa ra.


Số lượng phim trong sự nghiệp tuy còn ít nhưng các tác phẩm của Christopher Nolan đều được đánh giá cao về cả doanh thu lẫn nghệ thuật. Tài năng của Nolan là không thể phủ nhận song dường như các vị giám khảo của Oscar chỉ “chịu” nhìn nhận tài năng của Nolan trong lĩnh vực biên kịch với 2 lần đề cử tại hạng mục Biên kịch xuất sắc (với Memento năm 2000 và Inception tại Oscar năm nay). Còn tại hạng mục Đạo diễn xuất sắc nhất thì có lẽ Christopher Nolan sẽ còn phải chờ đợi thêm.

Charlie Chaplin



“Vua hề Sáclô” cũng là một cái tên khiến người ta cảm thấy rất tiếc nuối trong lịch sử hơn 80 năm của Oscar. Lý do khiến cho huyền thoại này nhiều lần lỡ hẹn với Oscar là do ông đã bị trục xuất khỏi Mỹ từ năm 1953. Chính điều này đã dẫn đến một điều vô cùng đáng tiếc là những tác phẩm của Charlie Chaplin chưa bao giờ được công chiếu trọn vẹn 1 tuần tại Mỹ, khiến các tác phẩm này bị mất cơ hội dự tranh Oscar. Đến năm 1972, Charlie Chaplin được nhận giải Oscar tại hạng mục Nhạc phim xuất sắc nhất cho bộ phim Lime Light – bộ phim đã được sản xuất từ 20 năm trước đó – vì tới lúc này Lime Light mới có đủ thời gian công chiếu để dự tranh Oscar.


Năm 1929, Charlie Chaplin ban đầu được đề cử cho giải nam diễn viên chính và giải đạo diễn phim hài kịch nhưng sau đó tên ông bị rút ra khỏi danh sách và thay vào đó AMPAS trao cho ông một giải Oscar danh dự cho việc diễn xuất, biên kịch và đạo diễn xuất sắc bộ phim The Circus. Giải Oscar danh dự thứ hai đến với Charlie Chaplin 44 năm sau đó, khi vào năm 1972 ông được trao giải Oscar Thành tựu trọn đời. Khi lên nhận giải, “vua hề Charlot” đã được cả khán phòng đứng lên vỗ tay trong 12 phút liền, đây là tràng vỗ tay dài nhất trong lịch sử các Lễ trao giải của giải thưởng danh giá này.
TIN CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày