Những bộ phim từng khiến khán giả Việt "mất ăn mất ngủ" (Phần 2)

Hàn Tiêu - Việt Nữ, Theo Mask Online 00:00 06/10/2014
Chia sẻ

Tiếp tục đến với 5 tựa phim tiếp theo của loạt những bộ phim truyền hình Việt được nhiều thế hệ khán giả yêu thích.

Đất khách

Phim Đất khách đánh dấu sự trưởng thành của nữ ca sỹ - diễn viên Thanh Thúy. Cô khẳng định được khả năng nhập vai đa dạng của mình. Thanh Thúy đồng thời thể hiện ca khúc nhạc phim Trên mảnh đất tình người rất thành công.
 
 
Nhân vật chính trong bộ phim truyền hình Việt này là Lệ Mai - con của một tư sản người Hoa mấy đời sinh sống ở Chợ Lớn. Sau một nghịch cảnh lịch sử, gia đình Lệ Mai và gia đình người cô yêu vượt biên, bỏ lại cô một mình… Tuy bơ vơ ở lại, Lệ Mai sớm tìm được cuộc sống đích thực khi tham gia lực lượng thanh niên xung phong và trở thành cán bộ của liên hiệp công đoàn thành phố. Cô đứng ra bảo vệ quyền lợi cho người công nhân và tìm được mái ấm hạnh phúc của riêng mình. Đất khách phản ánh cuộc sống đầy sức sống của lớp thanh niên trẻ thời bấy giờ.

Bài hát nhạc phim “Trên Mảnh Đất Tình Người”

Những nẻo đường phù sa

Những nẻo đường phù sa là thước phim lịch sử hào hùng của dân tộc. Bộ phim ghi lại đời sống của những con người cơ cực nhưng luôn biết phấn đấu vươn lên, không chịu đầu hàng số phận, sẵn sàng chiến đấu cho quê hương, đất nước.
 
 

Nhắc đến bộ phim truyền hình Việt này là nhắc đến những giai điệu ngọt ngào sâu lắng của bài hát cùng tên do cố nhạc sĩ Bảo Phúc sáng tác. Mỗi khi ca khúc Những nẻo đường phù sa vang lên, người xem lại được gợi nhớ về những năm tháng hào hùng ấy.

Nhạc phim “Những Nẻo Đường Phù Sa”

Người Hà Nội

Người Hà Nội sản xuất năm 1996 là một trong những phim truyền hình để lại dấu ấn khó phai trong lòng người xem. Người Hà Nội chia làm 3 tập (Trở Gió, Giấc Mơ Vàng, Người Đàn Bà Xa Lạ), lấy bối cảnh tại Phố nhà binh những năm đầu đổi mới. Phim xoay quanh cuộc sống của người lính trở về sau chiến tranh. 
 

Người lính ấy tên là Nam (Hồng Sơn). Từng chiến đấu quyết liệt ở chiến trường, trở về gia đình khi đất nước thanh bình, anh bỗng dưng gặp phải bi kịch khi không thể hòa nhập với cuộc sống hiện tại. Nam cảm thấy lạc lõng và cô đơn. Vợ anh ra nước ngoài, yêu người đàn ông khác rồi đòi ly hôn. Người Hà Nội kết thúc với cảnh Nam trở về nhà vào chiều 30 Tết. Nhà cửa lạnh lẽo, trống vắng, anh bỏ ra hồ Gươm đón giao thừa. 


Phim Người Hà Nội có sự tham gia của nhiều diễn viên nổi tiếng thời bấy giờ như Hồng Sơn, Lê Khanh, Chiều Xuân… Đó cũng là phim thành công của Quyền Linh. Trong phim, anh vào vai Lãm - do lấy vợ dân tộc ở địa phương nên phải giải ngũ và bị gia đình từ, phải sống ngoài vỉa hè Phố nhà bình. Lãm của Quyền Linh được khán giả yêu mến và được đánh giá là vai diễn rất ấn tượng của anh từ khi bắt đầu diễn xuất.
 
Quyền Linh

Xin hãy tin em

Nếu để nói về một phim truyền hình Việt làm về đề tài sinh viên thì không thể không nhắc đến Xin hãy tin em. Bộ phim đầu tay sản xuất năm 1997 của đạo diễn Đỗ Thanh Hải rất thành công khi vừa mới ra mắt.
 

Xin hãy tin em chỉ dài vỏn vẹn 3 tập phim nhưng đã phản ánh đời sống sinh viên nhiều màu sắc. Nội dung phim xoay quanh nhân vật Hoài “Thát - chơ” và phòng ký túc xá của cô. Hoài “Thát - chơ” là cô gái cá tính, ngang tàng, chẳng sợ ai. Tình cờ, cô gặp Phong - chàng sinh viên Nhạc viện hào hoa, lãng tử. Yêu Phong, Hoài thay đổi hoàn toàn. Cô dịu dàng, nữ tính. Thế nhưng, trong lần sinh nhật chị gái Phong, vì lời khích bác của bạn gái cũ Phong, Hoài không làm chủ được mình và bộc lộ con người chơi bời trước kia. Phong lập tức chia tay Hoài dù cô có van xin anh rằng mình đã thay đổi...
 

Cùng với sự nổi tiếng của phim, bài hát nhạc phim Mong ước kỷ niệm xưa trở thành ca khúc chia tay mái trường của học sinh, sinh viên. Cứ mỗi khi giai điệu Mong ước kỷ niệm xưa cất lên, những kỷ niệm về thời sinh viên, sự nuối tiếc và ngậm ngùi lại trở về trong lòng khán giả.

Ca khúc “Mong Ước Kỷ Niệm Xưa”

Phía trước là bầu trời

Sau Xin Hãy Tin Em, Phía Trước Là Bầu Trời là bộ phim làm về đề tài sinh viên được nhiều khán giả trẻ đón nhận nhất. Phim tái hiện cuộc sống của sinh viên những năm 2000.
 
 
Chuyện phim kể về cuộc sống của ba cô gái tỉnh lẻ Nguyệt, Thương, Nhung với ba tính cách trái ngược. Cả ba vừa mới tốt nghiệp đại học và gặp phải những khó khăn trong công việc. Thương làm việc trong nhà hàng, Nhung chật vật làm tiếp thị rồi xin làm báo. Chỉ có Nguyệt, nhờ mối quan hệ của người yêu mà kiếm được công việc tốt hơn. Dù ở bất cứ công việc nào, mỗi người trong họ đều phải đối mặt với sự phức tạp và thử thách. Có người may mắn trụ lại được Hà Nội, có người lại phải đến nơi khác lập nghiệp.
 
 
 
Ba diễn viên chính của phim

Phía trước là bầu trời  được yêu thích là bởi cuộc sống trong xóm trọ của sinh viên nghèo sinh động và đầy chân thực. Đó là nỗi lo cơm áo gạo tiền, là khi khất tiền trọ, phải bán xe đạp để chi tiêu… Bên cạnh khó khăn trong cuộc sống, lũ sinh viên nghèo ấy vẫn có giây phút vui vẻ, mà sau này chia xa, tất cả sẽ là những kỷ niệm đẹp.
TIN CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày