Năm 2013, nghề mẫu lên ngôi trên màn ảnh Việt, cả trên sóng truyền hình cũng như màn ảnh rộng. Sàn catwalk đã và đang trở thành một đề tài điện ảnh đầy béo bở. Chúng ta hãy cùng điểm lại một số tác phẩm đáng chú ý xưa nay về đề tài hấp dẫn này.
Những ngọn nến trong đêm
Những ngọn nến trong đêm có lẽ là phim đầu tiên của Việt Nam đề cập đến nghề người mẫu. Bộ phim này một thời từng là hiện tượng truyền hình Việt, giành được nhiều tình cảm của người xem. Cho đến nay, những hình ảnh đẹp của Những ngọn nến trong đêm vẫn còn đọng lại trong lòng nhiều khán giả.
Nghề người mẫu chỉ được phản ánh qua vài tập phim Những ngọn nến trong đêm, thông qua cuộc đời của nhân vật chính Trúc (Mai Thu Huyền). Dù vậy, nó vẫn tiết lộ được phần nào cuộc sống hậu trường của các chân dài: CLB người mẫu với những cô gái luôn giành nhau vai diễn, bi kịch của người đẹp sống nhờ vào đại gia,… Sự khắc họa này sơ sài và đơn giản nhưng nhìn chung vẫn đánh dấu bước khởi đầu cho việc khai thác về nghề mẫu trong phim Việt.
Những cô gái chân dài
Phim điện ảnh Những cô gái chân dài ra mắt năm 2004 thực sự tạo nên cơn sốt. Phim quy tụ nhiều người mẫu nổi tiếng: Anh Thư, Xuân Lan, Thanh Hằng, Dương Yến Ngọc,… cùng nội dung hấp dẫn về cuộc sống trong hậu trường những show diễn thời trang.
Nhân vật chính của phim là Thủy (Anh Thư) - cô gái nông thôn lên thành phố, may mắn gặp được anh chàng thợ ảnh rồi bước chân vào thế giới thời trang. Để trở thành người mẫu vedette, cô chấp nhận cặp cùng nhiếp ảnh gia nổi tiếng.
Dù được khen hay bị chê, Những cô gái chân dài đã lột tả được cuộc sống của người mẫu Việt: bị cám dỗ bởi thứ ánh sáng lấp lánh trên sàn catwalk; các cuộc tranh đoạt, tị nạnh, bon chen, đánh nhau ngay trong studio; nỗi lo lắng và những áp lực ngoại hình: không giảm được cân thì nghỉ diễn, băn khoăn có nên đi bơm ngực vì vòng 1 quá nhỏ…
Người mẫu
Người mẫu là phiên bản Việt của bộ phim đình đám Hàn Quốc cùng tên. Với tham vọng tiếp nối thành công rực rỡ của bản gốc, Người mẫu xuất hiện nhiều chương trình biểu diễn thời trang với các trang phục ấn tượng, diễn viên trong phim cũng đều là những người mẫu hàng đầu: Thanh Hằng, Bình Minh, Xuân Lan, Hoa hậu Dương Mỹ Linh,…
Nhưng ngược với mong muốn của nhà sản xuất, Người mẫu dường như chỉ là sản phẩm “cưỡi ngựa xem hoa”. Phim cho thấy để trở thành người mẫu không hề khó: chỉ vài bước chân đơn giản, không cần khổ luyện vẫn diễn chuyên nghiệp trên sân khấu như một siêu mẫu; các show thời trang ấn tượng bởi sự… sơ sài hoặc màu mè quá lố. Nội dung phim chỉ điểm qua công việc của nhà thiết kế thời trang, các người mẫu, còn lại chủ yếu xoay quanh chuyện tình tay ba Bình Khôi (Thanh Hằng) - Duy Thanh (Bình Minh) - Minh Huy (Trương Thế Vinh).
Cuối đường băng
Vẫn phản ánh cuộc cạnh tranh sắc đẹp và những toan tính sau sàn diễn, Cuối đường băng vẽ nên cuộc sống đầy hào quang của các model với phấn son, nước hoa, xe sang, quần áo sành điệu.
Nhưng "mắc bệnh" chung với Người mẫu, Cuối đường băng chỉ phác lên những nét đơn giản. Thậm chí, đó còn là thế giới thượng lưu xa vời mà trong đó các cô người mẫu, dù xuất thân từ quê nghèo ra thành thị, chưa luyện tập, cống hiến được bao lâu đã sống trong cảnh giàu sang. Nhân vật của ba người đẹp Khánh My, Băng Di, Diễm Châu tạo cho khán giả cảm giác nghề người mẫu quá sung túc, họ chưa có gì xuất sắc nhưng sống rất vương giả.
Ngoài các bộ phim trên, trong năm 2013 có 2 tác phẩm đề cập đến nghề người mẫu. Đó là phim truyền hình
Không thể gục ngã với cô người mẫu tự tử vì không được đại gia yêu. Phim vừa mới phát sóng được vài tập. Ở mảng điện ảnh là
Âm mưu giày gót nhọn với câu chuyện hứa hẹn hài hước của một nhà thiết kế và 3 chân dài. Phim dự kiến sẽ ra mắt khán giả vào tháng 8 tới.
"Âm mưu giày gót nhọn"
Tạm kết
Nhìn chung, các phim đã công chiếu hầu hết đều tập trung phản ánh góc khuất và tiêu cực của nghề mẫu. Thực tế thì vẫn chưa có phim nào lột tả được cái gian khổ và sự hy sinh của các chân dài. Hy vọng các nhà làm phim sẽ khai thác nhiều hơn đề tài hấp dẫn này qua hình ảnh những con người lao động thực sự, để công chúng nói chung có cái nhìn thiện cảm hơn về nghề mẫu.