"Khát Vọng Thăng Long" chứng minh giá trị lịch sử Việt

Cobain P (Tổng hợp), Theo 14:21 12/11/2010
Chia sẻ

"Khát Vọng Thăng Long" là một tác phẩm rất đáng thưởng thức, đặc biệt trong bối cảnh khan hiếm phim lịch sử như hiện nay.<img src='/Images/EmoticonOng/05.png'>

Khát Vọng Thăng Long



Đạo diễn: Lưu Trọng Ninh
Diễn viên: Quách Ngọc Ngoan, Vũ Đình Toàn, Ngô Mỹ Uyên, Thu Trang
Thể loại: Lịch sử / Chiến tranh / Tiểu sử
Đánh giá:


Số lượng phim nội được sản xuất mỗi năm đã ít, phim lấy đề tài lịch sử lại càng ít hơn. Thời gian qua, phim thuộc thể loại lịch sử /chiến tranh thậm chí chỉ đếm được trên đầu một bàn tay. Đặc biệt, trong dịp kỷ niệm 1000 năm Thăng Long, tuy có không ít dự án làm phim nhằm chào mừng ngày đại lễ nhưng số phận của chúng vẫn ba chìm bẩy nổi. Một là vẫn chưa hoàn tất hai là phải sửa lại vì dính quá nhiều yếu tố Trung Quốc hoặc vẫn còn nằm trên văn bản giấy tờ. Tính tới thời điểm hiện tại, mới chỉ có Khát Vọng Thăng Long được ra mắt khán giả dù chậm hơn so với dự kiến.



Trong điều kiện hiện nay, chúng ta thiếu thốn cả về kinh phí đầu tư, tài liệu tham khảo, bối cảnh, phim trường, thời gian… nên việc Khát Vọng Thăng Long ra đời đã là điều rất đáng trân trọng. Càng trân trọng hơn khi chất lượng của bộ phim làm bất ngờ không ít khán giả. Từ trang phục, âm nhạc cho đến quay phim, chỉ đạo võ thuật, kỹ xảo đều được thực hiện khá tốt. Đây quả là cú hích mang lại một sức sống mới cho thể loại phim lịch sử.


Bộ phim kể về cuộc đời của Lý Thái Tổ, vị vua đã có công dời đô từ Hoa Lư về thành Đại La. Lớn lên và trưởng thành dưới mái chùa yên tĩnh, ngay từ nhỏ Lý Công Uẩn (Quách Ngọc Ngoan) đã thể hiện mình là một người có chí khí, có tầm nhìn xa và một tấm lòng quảng đại. Nhận thấy điều này, sự Vạn Hạnh giới thiệu cậu vào triều đình để giúp đỡ nhà vua. Ngay trong lần nhập cung, Lý Công Uẩn đã kết giao tình bằng hữu với Long Đĩnh (Vũ Đình Toàn), người đang được nhắm tới chức Thái Tử. Nhưng khi vua Lê Đại Hành qua đời, 4 hoàng tử lập tức tranh giành ngôi báu khiến cả quốc gia chìm trong khói lửa chiến tranh. Chứng kiến cảnh dân chúng lầm than, vô số người chết vì cuộc chiến phi nghĩa, không còn cách nào khác Lý Công Uẩn phải đứng lên đem lại hòa bình cho đất nước.




Nhìn chung kịch bản Khát Vọng Thăng Long được chia ra theo từng giai đoạn trong cuộc đời của Lý Công Uẩn. Giai đoạn từ khi cậu còn nhỏ cho tới khi rời mái chùa để nhập cung, giai đoạn đi theo Long Đĩnh và chứng kiến màn tranh giành quyền lực giữa bốn vị hoàng tử, giai đoạn lên ngôi vua, ban chiếu dời đô. Việc bộ phim kể lại cuộc đời Lý Công Uẩn qua nhiều giai đoan khác nhau là điều hết sức bình thường, nhất là đối với phim tiểu sử, nhưng đáng tiếc rằng, sự mất cân đối trong cấu trúc kịch bản đã gây cảm giác hụt hẫng cho người xem.




Quá trình chuyển giao giữa các giai đoạn chưa nhịp nhàng, thậm chí có phần hơi thô khiến mạch phim rời rạc. Vừa mới cảnh trước vua Lê Đại Hành còn trung niên, khỏe mạnh chỉ sau vài năm đã già lọm khọm, râu tóc bạc phơ. Giai đoạn đứng lên đem lại hòa bình cho dân tộc cùng quyết định dời đô diễn ra quá nhanh chóng và có phần sơ sài, giản lược. Trường đoạn cuối cùng giống như một bộ phim tài liệu hơn là một tác phẩm phim truyện.


Tuy Lý Công Uẩn là nhân vật chính trong phim nhưng Long Đĩnh mới là vai được khán giả nhớ tới nhất nhờ diễn xuất tuyệt vời của nam diễn viên Đình Toàn. Chưa cần nói đến ngôn ngữ hình thể, cảm xúc trên khuôn mặt, chỉ cần thông qua ánh mắt của mình, Đình Toàn đã cho người xem thấy được hết bản chất con người Long Đĩnh. Hắn vừa độc ác, tàn bạo, vừa có nét điên dại, vừa ẩn chứa sự cô đơn nhưng vẫn thoáng chút tình người (tình bạn với Lý Công Uẩn, tình mẹ con với Hoàng Thái Hậu). Ngoài ra, Ngọc Ngoan, Thu Trang (vai Dạ Hương) cũng đã diễn tròn vai, để lại ấn tượng tốt cho khán giả.


Một điểm rất đáng tiếc mà Khát Vọng Thăng Long mắc phải đó chính là khâu lồng tiếng. Không hiểu khó khăn gì mà các nhà làm phim lại không thu thanh trực tiếp giọng thật của diễn viên. Điều này khiến cho một số vai diễn đã đóng không đạt, khi lồng tiếng, lại còn chán hơn. Điển hình là vai Hoàng hậu của Ngô Mỹ Uyên.


Nếu ai đã từng xem Bẫy Rồng, Dòng Máu Anh Hùng đều dễ dàng nhận ra "chất" Johnny Trí Nguyễn qua các pha chiến đấu tay đôi, tay ba vô cùng đẹp mắt trong Khát Vọng Thăng Long. Đơn giản vì anh chính là chỉ đạo võ thuật cho bộ phim. Những cú đạp, xoay người đá trên không, từ cách cầm vũ khí chém, đỡ, cho tới cách bay người đều là những món quen thuộc của Trí Nguyễn.




Đối với mọi tác phẩm điện ảnh thuộc thể loại lịch sử / chiến tranh, kỹ xảo luôn là yếu tố hết sức quan trọng, đặc biệt trong các màn võ thuật. Thật đáng mừng vì đây là điểm mạnh khác của Khát Vọng Thăng Long. Những cú quay toàn cảnh cung điện vua , cảnh hai chú trâu đâm nhau, cảnh kiếm đâm xuyên người và cảnh mũi tên bay với hiệu ứng slow-motion thực sự đã gây ngạc nhiên cho khán giả. Bỏ qua những hạt sạn không đáng có thì Khát Vọng Thăng Long là một tác phẩm rất đáng thưởng thức, đặc biệt trong bối cảnh khan hiếm phim lịch sử như hiện nay.

* Phim đang được chiếu trên toàn quốc.
TIN CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày