Cứ chiếu phim là quảng cáo:
Từ lâu, chuyện quảng cáo lồng ghép vào phim truyền hình đã trở thành yếu tố bất khả kháng tại Hàn Quốc bởi mối quan hệ giữa nhà đài và các đơn vị tài trợ. Đài truyền hình cần quảng cáo để nuôi quân và sản xuất chương trình, ngược lại công ty quảng cáo muốn sản phẩm được nhiều người biết và nhớ tới. Chính vì thế, hễ mở ti vi lên xem bất cứ drama Hàn nào là khán giả đều dễ dàng bắt gặp những đoạn quảng cáo gián tiếp xuất hiện với tần suất dày đặc và ngày càng lộ liễu.
Trường hợp cảnh cáo chính thức mới nhất là
I Hear Your Voice. Không phải ngẫu nhiên mà dù đã chiếu xong xuôi rồi, bộ phim này vẫn bị
Hội đồng tiêu chuẩn truyền thông xứ kim chi (KCSC) lôi ra "nêu gương" với tội danh quảng cáo quá lố. Việc PR quá đà cho nhà cung cấp dịch vụ LTE, điện thoại di động Galaxy S4, máy điều hòa, thậm chí là cả... chocolate đã khiến
I Hear Your Voice trở thành "tội đồ" trong mắt các quan chức truyền hình.
Đây không phải là lần đầu tiên một bộ phim Hàn bị phàn nàn vì lạm dụng quảng cáo trong phim. Hồi đầu năm, I Miss You cũng bị nhắc nhở vì ngấm ngầm tiếp thị cho một dòng camera. Hay như That Winter, The Wind Blows từng bị cảnh cáo vì để nhân vật chính phô trương nhiều tính năng của chiếc điện thoại như nhận diện gương mặt, nhận diện hành động, ghi âm hay tính năng gửi file.
Khán giả phát điên vì quảng cáo:
Hầu hết tất cả các bộ phim và tiết mục trên truyền hình hiện nay tại Hàn đều có chạy dòng chữ: “Trong chương trình này có thể sẽ xuất hiện 1 số sản phẩm quảng cáo". Tuy nhiên, khán giả và các nhà phê bình phim lại mai mỉa rằng, đáng ra câu nói đó phải là “Quảng cáo sẽ chiếm tới vài cảnh phim” mới đúng.
Một cư dân mạng có nickname là Lim Mi-ah cho hay, cô đã từng nảy ý định bỏ xem I Hear Your Voice vì cảm giác quá mệt mỏi trước những đoạn quảng cáo xuất hiện liên tục. "Tôi thích mọi thứ ở bộ phim này, trừ... quảng cáo" - người phụ nữ nội trợ 33 tuổi than thở.
Sự phát triển của 1 kịch bản tuyệt vời khiến khán giả có xu hướng "dán mắt" vào màn hình vô tuyến. Song cũng vì thế mà họ thấy phiền phức với tần suất tăng không ngừng những cảnh quảng cáo ngầm. "Thử hỏi trong lúc bạn đang chờ đợi những tình tiết gay cấn thì 1 chiếc điều hòa/điện thoại bỗng lù lù xuất hiện và chiếm hết màn hình, như vậy có cụt hứng không cơ chứ?" - bình luận khác từ netizen.
Luật "vẽ đường cho hươu chạy" hay là xu thế mới?
Những tranh cãi xung quanh việc quảng cáo trong phim bắt đầu rộ lên từ sau khi Ủy ban truyền thông Hàn Quốc cho ra đời đạo luật mới về việc nới lỏng các quy định liên quan tới việc giới thiệu sản phẩm vào năm 2010. Lý do giải thích cho việc mọc ra quyết định này là sự phát triển mạnh mẽ của làn sóng Hallyu ở nước ngoài. Bỏ qua vai trò của người xem, các công ty quảng cáo tha hồ nhồi nhét các sản phẩm mới của mình vào những bộ phim truyền hình và sản phẩm âm nhạc.
“Trong năm 2009, tổng doanh thu quảng cáo của 3 đài truyền hình gồm KBS, MBC và SBS là 1,9 nghìn tỷ won (tương đương 1,7 tỷ USD hay 35.933 tỷ đồng). Nhưng theo thống kê năm 2011, con số này đã lên tới 2,3 nghìn tỷ won (~43.549 tỷ đồng)." - Lee Su-beom, Giáo sư về Truyền thông đại chúng tại đại học Quốc gia Incheon cho biết. Thậm chí theo báo cáo của bộ phận giám sát truyền hình Seoul, YMCA, trong bối cảnh chi phí sản xuất ngày một cao như hiện nay, các nhà đài có xu hướng đẩy mạnh doanh thu từ quảng cáo lên con số 20% tổng ngân sách thực hiện.
Số lượng quảng cáo trong một drama hoàn toàn tỷ lệ thuận với khả năng thu hút người xem của bộ phim đó. Nói đơn giản, phim ăn khách mới ký được nhiều hợp đồng quảng cáo. Thế nên dù không thích mạch phim bị cắt nham nhở, khán giả Hàn giờ đây đành phải chấp nhận “sống chung với lũ”. Vấn đề cốt lõi ở đây chỉ là việc "lồng sản phẩm của mình vào phim một cách tự nhiên nhất có thể” - Kim Ji Yeon, một chuyên gia trong ngành công nghiệp sản xuất truyền hình xứ kim chi, cho biết.
Trước mắt, cách giải quyết phải bắt đầu từ kịch bản phim, với sự trợ giúp từ các biên kịch vàng. Hiện tại, chị em nhà Hong cùng drama Master's Sun đang rất thành công với việc đưa chi tiết ma cũng thích... cafe vào mạch phim một cách dễ thương mà không hề miễn cưỡng. Hay như Good Doctor - drama Hàn hot nhất ở thời điểm hiện tại cũng đem chiếc ti vi 3D trở thành một điểm nhấn quan trọng trong nội dung. Nó chính là nguồn động lực khiến nam chính Park Si On muốn trở thành một bác sĩ giỏi để mua chiếc ti vi hiện đại này cho những đứa trẻ ở trại trẻ mồ côi.