Hé lộ những lời chê bai của Marvel dành cho "The Amazing Spider-man 2"

Nhật Minh, Theo Trí Thức Trẻ 13:58 22/04/2015

Một đoạn email bị hack của hãng Sony đã vô tình tiết lộ rằng lãnh đạo của hãng Marvel Studios đã hoàn toàn không hài lòng với phim “The Amazing Spider-Man 2”.

Hiện tại, hãng Sony gần như đã vượt qua những điều tồi tệ nhất kể từ sau vụ scandal bị hack email của lãnh đạo hãng vào cuối năm. Sony cũng đã bắt đầu có những tín hiệu lạc quan sau thông báo rằng họ chính thức hợp tác với Marvel Studios để đưa Spider-Man gia nhập vào ‘Vũ trụ điện ảnh Marvel”.

Tuy nhiên, vài ngày trước, trang Wikileaks đã tiết lộ toàn bộ những thông tin từ tài khoản email bị hack của Sony và điều này lại một lần nữa làm cho hãng phim phải lao đao. Một trong những thông tin bị rò rỉ này đã cho chúng ta một cái nhìn xa hơn về ngành công nghiệp phim siêu anh hùng. Cụ thể như, một đoạn email vào ngày 19/11/2013 được gửi cho hãng Sony có chứa rất nhiều góp ý và nhận xét của ngài Kevin Feige (giám đốc Marvel Studios) về phim The Amazing Spider-man 2. Trong đó, Kevin đã đánh giá bộ phim rất thấp và dường như điều này đã chứng minh rằng người đứng đầu hãng Marvel cũng chỉ là một fan cuồng như chính chúng ta. Những điều mà ông lưu ý bao gồm:

1. Những ý tưởng về việc một kẻ phản diện nên được sử dụng như thế nào:
 
 
- Màn trình diễn của Paul Giamatti (trong vai The Rhino) có vẻ như quá dữ dằn.
- Nên cắt bớt cảnh tai nạn của Richard Parker lúc đầu phim và thay bằng cảnh Harry Osborn trở về nhà.
- Electro rất thú vị, nhưng những cảnh quay trong căn hộ của anh ta thực sự không cần thiết vì nó làm cho anh ấy quá điên khùng và chẳng liên quan đến phim.
- Cắt bỏ đoạn kết thúc với câu nói của Gwen và thay bằng cảnh một ngưởi nào đó tiết lộ một dự án bí mật với nhiều easter-egg. Hãy sử dụng cảnh chiếc lồng chứa Rhino bị phá hủy và bộ giáp bị mất tích… Đó sẽ là một cách tuyệt vời để chuyển sang cảnh phá hoại của Rhino.

2. Một nền tảng kiến thức rộng lớn để định hướng cho Spider-Man:
 
 
- Cảnh quay của Stan Lee nên được nhấn mạnh hơn vào chi tiết Peter cố gắng thoát khỏi bộ trang phục của mình nhằm tăng sự lo sợ của cậu ấy khi vô tình bị phát hiện hơn là cách gọi thẳng tên Spider-Man.
- Câu chuyện của Harry khiến khán giả có cảm giác đó là cốt truyện chính của phim. Peter nên nghĩ về quá khứ với Harry, có thể bằng cách như tìm ra một tấm ảnh nào đó khi họ còn là trẻ con. Sử dụng chi tiết đó để thiết lập quá khứ của Harry và Peter chứ không chỉ là những gì đã xảy ra với cha mẹ của cả hai.
- Không thể chắc chắn rằng việc Peter biết về vụ Roosevelt là hoàn toàn chính xác. Chúng ta bị phân tâm rằng Peter trở thành Spider-Man là nhờ máu của người cha, một nhà siêu khoa học. Nên thay thế câu chuyện này bằng việc Peter chỉ là một cậu bé bình thường sống ở Queens, người sẽ trở thành một siêu anh hùng vĩ đại nhất thế giới.
- Nên có chi tiết dì May phát hiện ra Peter là Spider-man bằng cách tìm thấy trang phục của cậu ấy, thay vì suốt ngày cứ quanh quẩn làm việc nhà.
- Spider-Man cần phải cảm thấy có trách nhiệm lớn hơn trong việc ngăn ngừa những vụ tai nạn máy bay.

3. Chính xác làm thế nào để một phim siêu anh hùng có thể trở nên đúng đắn:
 
 
- Có quá nhiều tuyến cốt truyện và chúng ta chỉ nên chọn một trong số đó để tập trung và dẹp hết những thứ khác, ví dụ như hãy bỏ quá khứ về người cha và chỉ tập trung vào vụ Roosevelt.
- Cắt hết những chi tiết thừa như vụ máy bay rơi, Richard tiêu diệt hết bầy nhện và thiết kế một toa xe bí mật. Nên bắt đầu với cách biến New York thành một nơi nguy hiểm và sau đó Spider-Man nhảy vào như một người hùng.
- Tạo sao chúng ta lại phải nhìn thấy Max trong cảnh truy đuổi xe mà không tập trung vào việc Spider-Man đang cố gắng chiến đấu?
- Tại sao lại thiết lập mốc thời gian là một năm sau phần 1?
- Không nên trưng ra những cảnh cướp bóc ở New York.

4. Phân loại ra những mặt chính của Peter:
 
 
- Đừng để Peter nói dối với Gwen về chiếc còi báo động, chỉ nên để cậu ấy hạ nhiệt nó.
- Chúng ta có thể cắt bớt cảnh trong nhà hàng Trung Quốc giữa Gwen và Peter vì cảnh này khiến chúng ta có cảm giác lặp đi lặp lại về sự tan vỡ của họ. Peter nên cảm thấy dứt khoát hơn và bớt mè nheo lại.
- Màn trình diễn của Andrew Garfield có phần hơi quá đà vì khóc quá nhiều và biểu cảm quá lố. Đôi lúc rất khó để theo kịp cảm xúc của cậu ấy. Điều này làm yếu đi phản ứng sau khi Gwen chết.
- Hoàn toàn không đồng ý với ý tưởng dì May nói với Peter rằng cha mẹ của Peter là gián điệp bởi chỉ hai giây sau đó, cậu ta đã phát hiện ra họ hoàn toàn không phải vậy. Một lần nữa nhấn mạnh rằng Peter chỉ nên là một cậu bé có nguồn gốc bình thường.

Có một điều chắc chắn với Kevin Feige rằng ông hiểu rất rõ Spider-man, cũng như tất cả các siêu anh hùng Marvel khác mà ông đã đưa lên màn ảnh. Điều thú vị ở đây là dường như Kevin nhận được rất nhiều sự tôn trọng từ phía Amy Pascal, cựu giám đốc hãng Sony và đồng sản xuất cho phim Spider-Man vào năm 2017. Do đó, chúng ta có thể không cần phải lo lắng bất cứ điều gì về Spider-Man thuộc “Vũ trụ điện ảnh Marvel” vì gần như Kevin Feige và Marvel Studios sẽ nắm quyền sản xuất toàn bộ.
 
 
Phim Spider-Man thuộc “Vũ trụ điện ảnh Marvel” sẽ được ra mắt vào ngày 28/07/2017.

(Nguồn: Moviepilot)