"Fear The Walking Dead", "Better Call Saul" và cách khai thác Prequel từ AMC

Hiếu Chấy, Theo Trí Thức Trẻ 19:30 07/09/2015
Chia sẻ

Với sự thành công ngoài sức tưởng tượng mà các series của mình mang lại, AMC luôn luôn sẵn tay để khai thác thêm từ chúng, và thực tế đã chứng minh là họ rất giỏi trong việc này.

Qua những tập mở màn đầy xuất sắc của Fear The Walking Dead, bộ phim “anh em” của series nổi tiếng The Walking Dead, chúng ta cuối cùng cũng có thể nhận ra một điều mà đã được nhiều người chú ý từ khi Better Call Saul ra mắt từ tháng 2: Phải chăng AMC đã tự tay phá vỡ được những quy tắc làm phim prequel, nhào nặn nó theo một cách rất riêng mà không phải đài truyền hình nào cũng có thể làm được? Liệu, những gì chúng ta đã thấy từ 2 bộ phim này sẽ còn nảy nở ra một thứ gì đó vĩ đại hơn?

Tất nhiên, để có được bài viết này, chúng ta sẽ phải thảo luận tới những chi tiết quan trọng đã xảy ra trong Fear The Walking Dead tập 1 và Better Call Saul mùa 1, vậy nên hãy xem xét trước khi đọc tiếp.

Một phần phim prequel sẽ có những gì?

tu-fear-the-walking-dead-va-better-call-saul-cach-lam-prequel-xuat-sac-cua-amc_b1694951d5-c74fb

Prequel, có thể gọi nôm na là “tiền truyện”, là một tác phẩm kể lại những gì đã xảy ra trước khi câu chuyện trong phần phim chính đã xảy ra (ví dụ như bối cảnh là khoảng thời gian sớm hơn khoảng thời gian trong bộ phim trước đó, nhưng trong cùng một thế giới), thường khai thác một giai đoạn chưa được kể trong cuộc đời của các nhân vật chính. 

Có thể nói, mục đích của một phần phim prequel chính là để người xem có cơ hội chiêm ngưỡng một sự kiện (có thể) đã được nhắc tới hoặc ám chỉ trong câu chuyện chính. Tuy nhiên, điều này lại chính là một con dao hai lưỡi khi đôi khi prequel thường bị rơi vào tình cảnh thiếu sức hấp dẫn cũng như mất đi sự mời gọi. Một trong những lý do đó, chính là người xem đang phải theo dõi một loạt những sự kiện được đòi hỏi để làm tiền đề cho tác phẩm đã được ra mắt trước đấy. Điều khiến chúng ta phấn khích nhất khi ngồi trước màn hình TV hay rạp chiếu, chính là sự tò mò trong tâm trí, không biết bộ phim rồi sẽ đi đến đâu, chuyện gì trọng đại sẽ xảy ra với những nhân vật ta yêu (cũng như ghét), và đây chính là thứ mà chúng ta phần lớn thời gian không cảm nhận được khi xem một phần phim tiền truyện.

Trái ngược với sự tồn tại từ rất lâu của mình, phải cho đến thế kỉ 21, với sự châm ngòi của 3 phần phim tiền truyện Star Wars, prequel mới trở thành một khái niệm được nhiều người biết đến. Kể từ khi đó, làng giải trí đã tiếp nhận biết bao khuôn mặt mới, từ sách, TV show cho tới phim ảnh, với mong muốn thuật lại câu chuyện tiểu sử chưa được hé lộ của những nhân vật ta đã quá quen thuộc (Hannibal Rising, Exorcist: The Beginning, Gotham, Dracula Untold, Caprica,…). Tuy nhiên, phần lớn đều đã không thành công trong công cuộc thỏa mãn thị hiếu người xem.

Ấy thế mà, giữa những thất bại trải dài trong “chiến trường” Hollywood, đài AMC cũng những con cưng của mình vẫn vững vàng bước đi, nắm trong tay “công thức vàng” khi nói đến việc thực hiện một bộ phim prequel thành công.

Tất cả đều phụ thuộc vào tiềm năng

tu-fear-the-walking-dead-va-better-call-saul-cach-lam-prequel-xuat-sac-cua-amc_8d904dd47e-38a06

Đầu tiên, chúng ta cần làm sáng tỏ một điều trước khi đi sâu vào bài viết: Mục đích của bài báo này, chính là bàn luận phương thức sản xuất mà AMC đang sử dụng với Fear The Walking Dead và Better Call Saul, chứ không phải để đánh giá chất lượng hay hay dở của 2 bộ phim. Better Call Saul đã cho ra mắt một season với 10 tập phim, và Fear the Walking Dead thì mới chỉ có 2 tập (tính tới thời điểm viết bài này). Bạn sẽ thấy một vài ý kiến về chất lượng của phim được đưa ra, nhưng trọng tâm bài viết chính là để khai thác, làm rõ cách mà 2 series đang tiếp cận những khía cạnh trong câu chuyện prequel của mình, cũng như tiềm năng khổng lồ của chúng trong tương lai.

Vì vậy, hãy tiếp tục đọc nếu bạn đã sẵn sàng cho một đề tài thảo luận rộng lớn hơn: Những gì 2 series này đang làm để thay đổi lối mòn trong việc thực hiện prequel.

Giải pháp cho prequel: Sự trớ trêu trong câu chuyện

tu-fear-the-walking-dead-va-better-call-saul-cach-lam-prequel-xuat-sac-cua-amc_98c68fa7a9-c6c5d

Nếu nhìn theo một góc độ khác, chúng ta sẽ thấy Better Call Saul và Fear the Walking Dead đều đã xoay xở mà thoát ra khỏi “vũng lầy prequel” mà rất nhiều đạo diễn đã thất bại, với một công cụ độc đáo: sự trớ trêu đầy kịch tính (Dramatic irony). Đây là một khái niệm khi người xem đã biết trước được điều gì sẽ xảy ra trong dòng chảy câu chuyện mà những nhân vật chính còn chưa biết, và trong trường hợp của 2 series đài AMC, nó được sắp xếp một cách đầy thông minh, góp phần làm tăng độ sâu sắc cũng như mâu thuẫn.

Trong trường hợp của Better Call Saul, chúng ta được gặp một Saul Goodman rất khác và chứng kiến sự thay đổi đầy đau thương về khía cạnh đạo đức của nhân vật này khi cố gắng làm người lương thiện. Việc khán giả đã lường trước sớm muộn rồi Jimmy cũng sẽ bị tha hóa, trở thành một tên lừa đảo cặn bã trong Breaking Bad đã góp phần không nhỏ cho quá trình làm phim, trở thành một điểm nhấn đặc trưng cho bộ phim prequel. Các nhà sản xuất, trong quá trình thực hiện đã có cơ hội để thêm vào những khoảnh khắc thay đổi tâm lý đầy đau thương, những khoảnh khắc thể hiện một con người cũ khi xưa của Jimmy McGill hay Mike Ehrmantraut, cũng như một con đường khác mà có thể họ đã (hoặc suýt) đi vào trước khi trở thành những kẻ xấu xa trong Breaking Bad.

tu-fear-the-walking-dead-va-better-call-saul-cach-lam-prequel-xuat-sac-cua-amc_3de6febb87-dcf58

Chìa khóa của cách làm phim này, đó là sử dụng số phận đã được biết trước của những nhân vật chính như một thứ “mồi” để chơi đùa với sự nhận thức của người xem. Thay vì phải bò qua một loạt những sự kiện (cần) được xảy ra trong ngán ngẩm, chúng ta nhận được một tầm nhìn mở rộng, một góc cạnh sâu xa hơn về những nhân vật vốn chỉ được coi là “phụ” trong Breaking Bad. Tìm hiểu về những bước ngoặt tinh thần của nhân vật, chúng ta sẽ nhìn thấy được sự sâu sắc và phức tạp trong tâm hồn của họ. Sử dụng những sự kiện đã xảy ra trong Breaking Bad như một phương tiện “đảo ngược thời gian”, Better Call Saul khiến người xem không thể rời mắt, đưa những nhân vật vốn được viết rất tốt lên một tầm cao mới, đầy hài hước và thú vị.

Là một sản phẩm đứng giữa ranh giới prequel và spin-off, Fear the Walking Dead lại quyết định để số phận và thậm chí là những gương mặt chính của mình trở thành ẩn số. Các biên kịch đã sử dụng một bối cảnh đầy bệnh dịch quen thuộc để dựng lên một bộ phim lấy đề tài gia đình. Điều này, không phải bất cứ bộ phim nào cũng thành công. Những khung cảnh của Madison (Kim Dickens) và Travis (Cliff Curtis) cố gắng níu kéo lấy tổ ấm sứt mẻ của mình, trong khi các con Nick (Frank Dillane) và Alicia (Alycia Debnam-Carey) thì bị chôn vùi trong nghiện ngập, bực tức và nỗi đau triền miên mang lại cảm giác vừa đáng xem, vừa không đáng xem trong cùng một lúc. Biết trước rằng đại dịch thây ma dần dà sẽ nuốt chửng cuộc sống cũ của những nhân vật này chính là một điều giữ chân khán giả ở lại (ai mà không thích chuyện này xảy ra chứ?), và đây cũng chính là một điều mà bộ phim chính, The Walking Dead, không thể nào làm được.

tu-fear-the-walking-dead-va-better-call-saul-cach-lam-prequel-xuat-sac-cua-amc_4bde8bd1bf-51728

Mặc dù nhận được kha khá lời phàn nàn rằng nhịp phim của Fear the Walking Dead quá chậm chạp cùng với sự thể hiện đôi khi thừa thãi của các nhân vật, bộ phim vẫn giữ trong mình một “mỏ vàng” tiềm năng để xây dựng. Như mọi bộ phim kinh dị đỉnh cao, chẳng ai biết rằng nhân vật nào sẽ chống chọi được lâu nhất, hay ai sẽ vấp ngã đầu tiên. Một điểm người xem mong chờ nhất ở phim, chính là để chứng kiến sự suy tàn của xã hội khi đại dịch thây ma ập đến - một quá trình dài và chậm mà The Walking Dead không mấy động tới (chủ yếu chỉ có trong những cảnh hồi tưởng) vì Rick Grimes đã hôn mê trong suốt khoảng thời gian này.

Thay vì đặt ra bất cứ sự liên hệ nào giữa dàn nhân vật của 2 phim hoặc hứa hẹn về một tập crossover, Fear the Walking Dead lại đi theo con đường khai thác thế giới đại dịch thây ma mà Robert Kirkman đã tạo lập. Bộ phim có thể bao quanh chủ đề về xã hội (Ví dụ như là: Giá trị của xã hội và gia đình sẽ được đặt ở đâu khi con người phải đấu tranh để sinh tồn?), cuối cùng mở đường cho cái nhìn cận cảnh của The Walking Dead về bản năng con người và sự thay đổi về đạo đức của họ một khi nền văn minh đã bị tước đi. Chúng ta có thể nói ngắn gọn như sau: Fear the Walking Dead mang trong mình một sứ mệnh quan trọng, là sự cộng hưởng giữa 2 khái niệm prequel và spinoff, thay vì chỉ đơn giản là kể những câu chuyện quen thuộc được liên kết tới bộ phim chính (giống như bao nhiêu bộ prequel đã vô phúc mắc phải).

Tạm kết

tu-fear-the-walking-dead-va-better-call-saul-cach-lam-prequel-xuat-sac-cua-amc_a802204d4c-3e4f8

Dù chẳng phải là chính thức, nhưng AMC chắc chắn đã dang tay thay đổi khái niệm prequel nhàm chán và biến nó thành những tác phẩm mà các fan có thể thực sự thưởng thức, thay vì chỉ là một chuỗi những kỉ niệm về một thời “ngày xưa ta bé” mà biết bao nhà đài vẫn mải miết thực hiện.

Mặc dù, giống như biết bao bộ phim khác, Better Call Saul và Fear the Walking Dead vẫn đang hằng ngày hứng nhận gièm pha chỉ trích (và thậm chí là rất nhiều), thì chúng vẫn mang trong mình một sự thu hút kì lạ với những câu chuyện đầy cám dỗ. Hiếm lắm, chúng ta mới thấy được một bộ phim phụ mà lại có thể làm được điều này, sau khi chứng kiến những phim như Hannibal Rising tự tay phá hoại hàng loại nhân vật của mình, bằng cách ném vào đó đủ thứ hầm bà lằng chẳng ai tưởng tượng nổi.

TIN CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày