Một bộ phim nhanh chóng tạo dư luận!
Chưa hề công chiếu, nhưng với trailer “đỏ mắt” của bộ phim Cánh đồng bất tận, khán giả lẫn các nhà phê bình đều háo hức đón chờ một bộ phim nghệ thuật “thoát xác” mang tầm giá trị lớn. Cùng với những bật mí của các sao trong phim, đặc biệt là Tăng Thanh Hà, bộ phim càng lúc càng tạo nhiều thích thú. “Cánh đồng bất tận đẹp lắm, tôi đã xem trailer và một vài cảnh quay, bạn xem đi, những cánh đồng được quay đẹp như tranh vẽ, nó gợi nhiều cảm xúc lắm. Tôi nghĩ, chắc người ta sẽ khóc nhiều khi xem bộ phim này đấy” - một lời nhận xét đầy màu sắc của Tăng Thanh Hà.
Ngay sau ngày đầu tiên công chiếu, bộ
phim đã thu về 2,3 tỉ đồng – một con số đáng kinh ngạc cho một bộ phim
nghệ thuật từ trước đến nay. Những tràng pháo tay không dứt, những giọt
nước mắt, những tiếng khóc nghẹn ngào của khán giả khi phim kết thúc đã
góp phần khẳng định giá trị của bộ phim. Như lời diễn viên Trần Bảo Sơn đã nói: "Đây
là một bộ phim rất thành công, rất xúc động. Mọi thứ đã khắc họa được
cuộc sống và con người sông nước. Ấn tượng nhất là vai cô bé Nương, rất nhẹ nhàng, tinh tế. Anh xin giữ những cảm xúc còn lại ở trong lòng."
Tuy nhiên không hẳn khán giả nào cũng … đổ lệ, nhiều người đã xem phim và tỏ ra rất thất vọng, đặc biệt đối với những người yêu quý tác phẩm văn học, mong chờ sự bứt phá rằng bộ phim sẽ hay hơn cả tác phẩm văn học.
Các chuyên gia phê bình nói gì?
Đương nhiên, việc so sánh giữa nguyên
tác và bộ phim là điều tất yếu. Nhưng đứng ở góc nhìn điện ảnh, thì đối
với các nhà phê bình tên tuổi, bộ phim đã không thể dựng nổi những ngôn
ngữ điện ảnh mà truyện ngắn xây dựng nên. Từ một tác phẩm ăm ắp ngôn ngữ
điện ảnh, bộ phim được chuyển thể một cách gượng ép và rơi vãi rất
nhiều khung hình điện ảnh.
Nhà phê bình Nguyễn Thanh Sơn, chồng của diễn viên Hồng Ánh đã “đập tan” giá trị của bộ phim bằng cách nói ví von ý nghĩa: “Photoshop” Cánh đồng bất tận của tác giả Nguyễn Ngọc Tư. "Đạo diễn Nguyễn Phan Quang Bình rất
lúng túng khi xử lý góc nhìn của bộ phim. […] Đáng tiếc, anh đã quá lệ
thuộc vào lời thoại của tác phẩm văn học. […] Chính vì không hiểu (hay
không dám hiểu) giá trị nhân văn chính của tác phẩm văn học, trong việc
xây dựng tính cách nhân vật, đạo diễn Nguyễn Phan Quang Bình đã đánh mất đi cái đẹp sâu sắc tiềm ẩn trong tính cách của mỗi một số phận trong Cánh đồng bất tận, và điều đó khiến cho dàn diễn viên nổi tiếng của anh có những vai diễn đáng thất vọng nhất trong bộ phim này."
Cảm nhận này cũng không khác với nhà văn Hồ Trung Tú. Ông cho rằng bộ phim đã không thể tận dụng được ngôn ngữ đặc trưng của điện ảnh, bỏ phí lợi thế của ngôn ngữ điện ảnh. Phim có quá nhiều hạt sạn đến … mẻ răng. "Câu chuyện được kể vội vàng, như cố cho xong chuyện, lấy lời thoại thay cho vô số tình huống cần mô tả bằng hình ảnh. Các đạo diễn Việt Nam hãy khăn gói đi học trở lại ở những trung tâm điện ảnh lớn của thế giới trước khi nuôi hy vọng về chuyện mang phim đi dự thi."
BHD phản pháo!
Cô Ngô Thị Bích Hiền - giám đốc sản xuất phim – người sáng tác bài Ông mặt trời óng ánh của chúng mình thì chính thức gửi thư phản pháo lại nhà phê bình Nguyễn Thanh Sơn, cho rằng khi phê bình sắc sảo, thông minh mà thiếu cái tâm của một người thưởng thức nghệ thuật là một điều cần suy nghĩ. Tiếng nói này cũng nhằm thẳng vào các nhà phê bình đứng trong phe thất vọng.
"Hãy
đánh giá tác phẩm bằng chính nó mà đừng đem những tiêu chuẩn ở ngoài tác
phẩm ra so sánh. Truyện và phim là hai tác phẩm hoàn toàn độc lập. Cánh đồng bất tận của Nguyễn Ngọc Tư quá đa chiều, đa nghĩa. Mỗi chi tiết nhỏ đã là cả câu chuyện để nói. Với thời lượng hơn 100 phút, anh Sơn chắc chắn phải hiểu là đạo diễn chỉ có thể chọn một tứ để chuyển tải. Mỗi người đều cảm nhận Cánh đồng bất tận theo cách riêng của mình. Tôi tự hỏi tại sao những người nước ngoài như đạo diễn Philippe Noyce, những người đại diện của Liên hoan phim Cannes Ông Christian Juene, của Liên hoan phim Venece ông M.Muller đều thấy sự cố gắng và phát triển của điện ảnh Việt Nam, chỉ anh Sơn là không thấy. "
Đạo diễn Nguyễn Phan Quang Bình thì đã quá mệt mỏi với dư luận: “Nhiều người đã từng phê phán tôi. Nhưng sau khi họ làm phim, họ quay lại chia sẻ, phải thừa nhận là làm phim bao giờ cũng khó khăn hơn việc bình luận phim, nó có quá nhiều yếu tố tác động và không phải những gì mình nghĩ thì khi thể hiện lên phim cũng sẽ hiệu quả. Vì thế tôi mới nói, có lẽ nếu mọi người bớt soi mói hơn, thì sẽ cảm nhận được nhiều hơn. Còn soi mói, bạn sẽ không thể nhìn thấy sự tinh tế mà chẳng cảm nhận được gì."
Chính bởi những nhận xét chồng chéo như thế nên cứ hỏi thẳng tác giả tác phẩm phải chăng là điều hay nhất ? Nhà văn Nguyễn Ngọc Tư thì từ chối không bình luận gì thêm về bộ phim ngoài một câu: “Cũng được.”
Nhà văn Nguyễn Ngọc Tư áo trắng, đạo diễn Nguyễn Phan Quang Bình ngoài cùng bên phải
Cũng chính bởi những cảm xúc đối lập như thế, nên có lẽ bộ phim vẫn còn những tranh luận đến… bất tận. Bất luận cái nào hay cái nào đúng, bộ phim vẫn luôn trong tình trạng cháy vé dù đã ở suất chiếu muộn nhất. Bộ phim đã đoạt doanh thu rất lớn, đã được mong chờ rất nhiều, đã gặt hái nức nở rất nhiều lời khen, cũng như hứng trọn những lời phê bình gay gắt nhất. Thế nhưng, để đạt được tầm của những bộ phim kinh điển về sông nước của Việt Nam thì có lẽ Cánh đồng bất tận còn cần nhiều hơn những gì đã thể hiện.
Dẫu biết rằng tác phẩm điện ảnh là của đạo diễn, còn tác phẩm văn học là của nhà văn, thì sự so sánh vẫn luôn là cần thiết, mang lại nhiều góc nhìn sắc bén, đáng học hỏi. Xin mượn lời nhạc sĩ Quốc Trung, người làm nhạc cho phim Cánh đồng bất tận để kết bài: “Mọi người đều có những đánh giá và nhận đinh riêng nhưng tôi nghĩ chúng ta đều phải tôn trọng tác giả và nhà phê bình. Nhà phê bình đúng nghĩa thì không bao giờ làm hài lòng tác giả. Quan trọng là tác phẩm hay bài phê hướng đến đối tượng nào.”