(Bài viết có tiết lộ tình tiết của phim/truyện)
13 năm trước, Death Note, bộ manga gây nhiều tranh cãi của Tsugumi Ohba ra mắt và lập tức thành công vang dội. Kéo theo đó là 3 live-action , 1 anime series, 1 live-action series, vài tiểu thuyết spin-off (ngoại truyện), và sắp tới là thêm 2 live-action nữa (1 của Nhật, 1 của Mỹ). Không thể phủ nhận tầm ảnh hưởng của Death Note dù đã hơn một thập kỷ trôi qua. Và một trong những điểm làm nên thành công của nó hẳn là nhân vật chính tàn bạo Yagami Light.
Nhân vật chính độc ác
Nhân vật chính không nhất thiết phải là người tốt, ngày nay khán giả hẳn đã quen thuộc với những Dexter, Breaking Bad, hay House of Cards, nhưng luôn có bất đồng quan điểm trong việc họ xấu xa đến mức nào, và Yagami Light của Death Note không phải ngoại lệ. Đã có vô số cuộc tranh luận về chuyện Light là một tên tâm thần giết người hàng loạt hay một nhân vật phản anh hùng với mục đích cao cả. Đương nhiên là kiểu gì thì Light cũng là kẻ xấu. Hắn thản nhiên giết hàng trăm người không chút ăn năn hối hận. Và theo quan điểm của hắn thì đó là dọn dẹp rác rưởi cho xã hội.
Bất kể bạn nghĩ kế hoạch của Light là tốt hay xấu thì nó cũng có hiệu quả. Tỉ lệ tội phạm giảm mạnh khi bọn tội phạm bắt đầu chết hàng chục tên mỗi ngày và giới truyền thông nhanh chóng đưa tin về "cuộc cách mạng" mà "Kira" đang khởi động. Khi tội phạm lập tức phải gánh chịu hậu quả, người ta e sợ việc phạm tội hơn. Tòa án có thể phán vô tội hoặc thả người với tiền bảo lãnh, nhưng một khi bị bắt vì một tội đủ nghiêm trọng, án tử hình của Kira là điều không thể tránh khỏi.
Tiêu chí của Light để phán xét án tử
Một trong những nạn nhân đầu tiên của Kira là Raye Penber - một đặc vụ FBI được cử đi theo dõi Yagami Light do tình nghi có liên quan đến Kira. Anh không phạm bất cứ tội gì, nhưng Light giết anh cùng mọi đặc vụ đang làm nhiệm vụ theo dõi các đối tượng tình nghi khác. Đó là 12 người vô tội, và đây thậm chí còn không phải hành động tự vệ. Light quyết định giết Raye chỉ vì hắn ghét cảm giác mất kiểm soát. Hắn chỉ quan tâm đến luật lệ của chính mình. Hắn cho rằng mình là người duy nhất thích hợp để phán xét và hành quyết, việc giết 12 đặc vụ FBI như một lời tuyên bố: "Đây là công việc của ta, không phải của các người."
Giờ hãy cùng xem tiêu chí tử hình của Light. Hắn bắt đầu với những kẻ giết người đã bị kết án, rồi sau đó là những tội ít nghiêm trọng hơn được đăng trên bản tin. Nhưng bao nhiêu người trong số đó bị kết án sai hay bắt nhầm? Bao nhiêu người chỉ bị tạm giam trước khi tìm thấy chứng cứ mới? Nếu như giới truyền thông đăng nhầm ảnh hoặc nhầm tên thì sao? Light hành động quá nhanh gọn. Hắn có ngồi ở phiên tòa hay nghiên cứu cẩn thận từng bằng chứng như các luật sư, cảnh sát, thẩm phán hay bồi thẩm đoàn không? Không, hắn viết hàng chục cái tên vào quyển Death Note mỗi ngày, chỉ dựa vào tin tức trên báo chí và truyền hình. Phương pháp của Light không phải là tăng tốc quá trình thực thi pháp luật mà chỉ là phán xét vội vã của một thiếu niên.
Hệ thống hành pháp có thể sai lầm với các thủ tục hành chính phức tạp và nạn tham nhũng. Hệ thống của Light có thể sai lầm vì nắm giữ nó là một học sinh trung học giận giữ, dựa trên "luật lệ" mà hắn có thể thay đổi tùy ý nếu thích. Bạn nghĩ cái nào bất công hơn?
Có phải lỗi hoàn toàn ở Light?
Theo như những suy đoán (chưa từng được xác nhận) của tử thần Ryuk thì Death Note có thể ảnh hưởng xấu tới người phàm sử dụng nó. Dùng càng nhiều thì càng mất đi nhân tính, cho đến khi hoàn toàn vô cảm với cái chết như những tử thần. Light không phải người tốt là chuyện rõ ràng rồi, nhưng có thể hắn là một nhân vật bi thảm bị Death Note làm cho sa đọa. Một chàng trai có ý định tốt, nhưng việc sử dụng Death Note dần dần làm tâm hồn anh trở nên lạnh lùng, ích kỷ, như những chủ nhân thực sự của cuốn sổ - tử thần. Thậm chí tập cuối của anime còn có một cảnh hỗ trợ ý kiến này khi trong ảo giác, Light gặp một phiên bản trẻ hơn của mình trên phố nhìn hắn với vẻ sợ hãi, thương hại và bối rối.
Theo lời tác giả Tsugumi Ohba, nếu Light không tình cờ có được Death Note, hắn sẽ trở thành một thanh tra cảnh sát, theo bước cha mình. Vậy tác giả của truyện còn nghĩ gì nữa về nhân vật chính của mình? Hẳn là nhiều người sẽ không quan tâm đến quan điểm cá nhân của tác giả về việc Light là anh hùng hay kẻ ác. Nhưng với một số người thì biết được ý định của tác giả có thể là một yếu tố quan trọng trong việc hiểu rõ tác phẩm. Theo bài phỏng vấn ở tập cuối của manga, Ohba nhấn mạnh rằng ông không cố nói lên điều gì về khía cạnh đạo đức với Death Note, và mục đích chính chỉ là giải trí thuần túy. Nhưng ông cũng nói rằng ông thấy mình "giống" với nhân vật N nhất về tính cách và quan điểm. Mà trong truyện thì N gọi Light là "một tên giết người hàng loạt điên loạn, không hơn không kém", có lẽ đó cũng là cách nhìn của tác giả Ohba về Yagami Light.
Các phiên bản chuyển thể
Ngoài anime chuyển thể rất trung thành với nguyên tác thì live-action, ra mắt năm 2006 dù thời lượng có hạn và phải thay đổi nhiều chi tiết nhưng vẫn được đánh giá khá tích cực. Vai Light của Tatsuya Fujiwara trong phim ảnh cũng thể hiện được sự lạnh lùng, điềm tĩnh và thông minh của nhân vật.
Còn phiên bản live-action series mới ra mắt năm ngoái 2015 thì có vẻ như đã phá hoại hình tượng nhân vật này. Từ một thiên tài giờ lại là một người vô cùng bình thường, hét toáng lên và chui xuống gầm bàn khi lần đầu gặp tử thần, lúc mới có được Death Note thì đọc không hiểu quy tắc bằng tiếng Anh nên phải tra từ điển… Vẫn biết đây là một cách tiếp cận khác của nhà sản xuất khi muốn thể hiện quá trình sa ngã của Light, từ một người rụt rè, sợ hãi khi lần đầu giết người ở đầu phim đến khi trở thành một kẻ lạnh lùng tàn nhẫn cuối phim, thay vì hình tượng bình tĩnh đến mức gần như vô cảm từ đầu đến cuối như nguyên tác, nhưng với fan của Death Note thì đây vẫn là một điều khó chấp nhận.
Live-action sắp tới của Nhật là phần tiếp theo của các phim trước nên chắc hẳn chúng ta sẽ không được gặp lại Light của Tatsuya Fujiwara, nếu có thì cũng chỉ là trong các cảnh hồi tưởng. Giờ chỉ còn trông đợi vào bản live action của Mỹ do đạo diễn Adam Wingard (You’re Next, The Guest) thực hiện, với chàng diễn viên/ca sĩ/ nhạc sĩ trẻ Nat Wolff (Paper Towns, The Faults in Our Stars) đảm nhiệm vai chính Yagami Light. Không biết liệu họ có thể đem lại bất ngờ gì cho chúng ta hay sẽ lại là một thảm họa phim chuyển thể nữa đây?
Cũng như những phán xét của Light về người khác không bao giờ là tuyệt đối, không có một cách đúng đắn duy nhất nào để kết tội hay biện hộ cho nhân vật Yagami Light. Quan điểm của mỗi người mỗi khác, dù ít hay nhiều. Nhưng có một điều không thể phủ nhận là dù hơn một thập kỷ đã qua, Yagami Light vẫn là một nhân vật phản diện để lại ấn tượng lâu dài trong lòng khán giả.