"Star Wars: Episode I" - Sự trở lại của thiên sử thi "ăn-đứt-Avatar"

Cobain P, Theo Trí Thức Trẻ 15:31 19/02/2012

Về tư tưởng và tầm ảnh hưởng, "Avatar" hay thậm chí cả "Harry Potter" còn lâu mới so bì được với "Chiến tranh giữa các vì sao".

Thời điểm giữa thập niên 70 là một trong những quãng thời gian quan trọng nhất của lịch sử điện ảnh. Khi đó, một thế hệ đạo diễn mới phá cách hơn, nổi loạn hơn, tư duy mới hơn gồm Steven Spielberg, George Lucas, Francis Ford Coppola… dần hình thành và khẳng định tài năng. Nếu như Francis Ford Coppola nổi danh qua The Godfather, Apocalypse Now, Steven Spielberg đột phá ngoạn mục mùa phim hè với Jaws thì George Lucas lại gây chấn động toàn thế giới bằng thiên sử thi Star Wars.



Ba phần Star Wars gốc là một trilogy kỳ lạ. Kỳ lạ ở chỗ: bộ phim càng ngày càng hay, càng ngày càng kinh điển theo thời gian. Khi bạn còn nhỏ, bạn sẽ thấy bộ phim hấp dẫn ở những màn đấu súng, đấu kiếm laser đẹp mắt, những con tàu vũ trụ, robot khổng lồ, các hành tinh kỳ bí xa rất xa. Khi lớn lên, bạn sẽ hiểu sâu hơn, tìm ra những chi tiết mới, cảm nhận rõ hơn về mối quan hệ giữa các nhân vật cũng như muôn vàn tư tưởng mà George Lucas gửi gắm vào trong phim.



Star Wars không đơn giản chỉ là cuộc chiến giữa hai phe thiện - ác hay chủ nghĩa anh hùng mà khán giả khi đó rất yêu thích. George Lucas còn đưa bối cảnh chính trị, xã hội, văn hóa đại chúng tại Mỹ thời bấy giờ vào trong phim. Ngoài ra, ông cũng kết hợp giữa thể loại hành động, khoa học giả tưởng, với tinh thần Samurai Nhật Bản (nhân vật Jedi), thần thoại Hy Lạp, La Mã cổ đại…


Cho đến nay, Star Wars là tác phẩm điện ảnh có sức lan tỏa và ảnh hưởng lớn nhất đến đời sống văn hóa của hàng triệu người dân trên toàn thế giới. Thành công không tưởng của Star Wars: Episode IV – A New Hope (George Lucas đạo diễn), Empire Strike Back (Irvin Kershner đạo diễn) và Return of the Jedi (Richard Marquand đạo diễn, George Lucas viết kịch bản) đã đưa George Lucas trở thành một trong những nhà làm phim vĩ đại tại Mỹ.



Thế nhưng cũng phải 16 năm sau, ông mới cho ra đời Star Wars: Episode I – The Phantom Menace (vốn là phần trước bộ gốc). Lúc này, Obi-Wan Kenobi (Ewan McGregor) vẫn là một hiệp sĩ Jedi trẻ tuổi đầy nhiệt huyết, cùng người thầy Qui-Gon Jinn (Liam Neeson) bôn ba khắp nơi để gìn giữ hòa bình cho thiên hà. Còn chúa tể tàn bạo Darth Vader vẫn là cậu bé dễ thương Anakin Skywalker (Jake Lloyd). Cuộc phiêu lưu của hai hiệp sĩ Jedi vô tình cuốn Anakin vào cuộc chiến tranh trên hành tinh Naboo xinh đẹp.


Vào năm 1997, đạo diễn George Lucas cho phát hành lại Star Wars phiên bản đặc biệt (thêm mới kỹ xảo, đồ họa vi tính tiên tiến) và thu về tới 251 triệu $ (5.223,3 tỷ đồng). 15 năm sau, một lần nữa ông làm điều tương tự nhưng với cả 6 phần. Chỉ khác rằng, thay vì cải biến kỹ xảo, đồ họa, George cho chuyển đổi định dạng từ 2D sang 3D để phù hợp với thời đại. Đáng tiếc, chiêu “cố đấm ăn xôi” của ông không mang lại hiệu quả như mong đợi.



Cũng giống với hàng loạt bộ phim 3D “dỏm” (vốn quay bằng 2D rồi sau đó mới convert sang 3D) gần đây như Clash of the Titans, The Last Airbender, The Chronicle of Narnia: The Voyage of the Dawn Treader, Gulliver’s Travel, Harry Potter and the Deathly Hallows – Part 2… hiệu ứng tương tác 3 chiều với người xem của The Phantom Menace không cao.


Điều thành công nhất ở The Phantom Menace chính là George Lucas tạo được sự kết nối khá chặt chẽ với 3 phần Star Wars gốc. Quãng thời gian chênh lệch giữa phần 1 và phần 4 khoảng 40 năm nhưng khán giả vẫn có thể gặp lại những nhân vật quen thuộc như hai robot R2-D2, C-3PO, Jabba the Hut (nhân vật bắt Han Solo sau này), thầy Yoda, thượng nghị sĩ Palpatine, hiệp sĩ Obi-Wan Kenobi. Bên cạnh đó, bộ phim cũng giới thiệu hàng loạt gương mặt mới như nữ hoàng Amidala (Natalie Portman), Mace Widu (Samuel Jackson), Qui-Gon Jinn.


Sau từng đấy năm trôi qua, George Lucas vẫn giữ vững tư duy lẫn phong cách làm phim khi xưa. Có nhiều chi tiết ông xử lý khá ngây ngô (hoặc cố tình ngây ngô) mà ta có thể nhận ra. Điều này khiến các fan vô cùng yêu thích nhưng cũng khiến một số khán giả trung lập dễ dàng bắt lỗi. Điểm mạnh của George Lucas không phải là kỹ năng xử lý tình huống, làm việc với diễn viên mà nằm ở tầm nhìn, sức tưởng tượng, kĩ năng sử dụng kỹ xảo, tận dụng hiệu quả hình ảnh. Hiếm có đạo diễn nào có thể tạo ra một thế giới hoàn toàn khác biệt như trong Star Wars.



Cũng không thể không tán dương George Lucas ở trường đoạn cuối khi ông chia làm bốn câu chuyện cùng diễn ra song song. Đó là trận thư hùng bằng kiếm ánh sáng giữa Jedi và người Sith, trận chiến ngoài không gian mà Skywalker tham gia, trận đánh giữa phe người máy với tộc người Gungan và cuộc đột nhập bất ngờ bắt sống phó tướng của nữ hoàng Amidala. Cấu trúc giống y hệt cái kết của tập phim Return of the Jedi.


Với độ dài 136 phút, đôi chỗ The Phantom Menace diễn ra khá chậm, thoại dài khiến nhịp phim bị trùng xuống. Đối với những ai mới làm quen Star Wars, việc quá nhiều nhân vật xuất hiện, những từ hoàn toàn xa lạ như liên minh mậu dịch, nền cộng hòa, hội đồng Jedi sẽ làm họ cảm thấy khó hiểu, khó bắt nhịp với bộ phim. Ngược lại, đối với các fan của Star Wars thì đây lại là mỏ vàng để nghiền ngẫm.



Tại Việt Nam, Star Wars không có sức ảnh hưởng sâu rộng như ở Mỹ. Chính vì vậy, sẽ có người thích, người không thích thiên sử thi Chiến tranh giữa các vì sao.

Đạo diễn: George Lucas
Diễn viên: Liam Neeson, Ewan McGregor, Natalie Portman, Jake Lloyd
Thể loại: Phiêu lưu / Hành động / Giả tưởng
Phân loại:

Đánh giá: