3-D giống như con tàu Titanic? (Phần 2)

Mr Gogo (Tổng hợp), Theo 09:00 27/04/2010

Có người hơi bi quan khi cho rằng trào lưu 3-D chỉ giống như con tàu Titanic sắp va vào tảng băng trôi. Nhưng một câu hỏi thực tế hơn là: trào lưu này đang đi về đâu và nó có phải là tương lai của điện ảnh không?

Để phân biệt giữa phim làm đồ họa 3D và phim chiếu theo công nghệ 3D, Kênh14 từ giờ trở đi có quy ước là: các bộ phim được làm theo công nghệ đồ họa 3D sẽ được viết thành Phim 3D, còn các bộ phim được chiếu trên màn ảnh với công nghệ 3D thì được viết thành Phim 3-D. Như vậy, các bộ phim đồ họa 3D như Surf Up, Shrek... sẽ là Phim 3D, còn các bộ phim được chiếu 3D như Up, Avatar, Clash of the Titans, Alice in Wonderland, Final Destination... sẽ được gọi là Phim 3-D.



Bạn đi xem mua vé xem phim và được đưa thêm một cặp kính. Bạn bước chân vào phòng chiếu và để xem được phim thì bắt buộc phải cặp đeo kính đó, ánh sáng mờ dần rồi tắt hẳn, tất cả mọi người đều đồng loạt đeo kính như bạn và cùng hướng về phía màn hình. Đó là thực trạng tại nhiều rạp chiếu hiện nay và trong vài năm tới khi mà các bộ phim 3-D tràn ngập, "oanh tạc" các phòng chiếu phim trên khắp thế giới. Với sự bùng nổ của phim 3-D như hiện nay thì việc phim 2-D bị "thất sủng" hoàn toàn có thể xảy ra trong tương lai. Thậm chí các hãng phim còn đua nhau chuyển những bộ phim của mình từ định dạng 2-D sang 3-D để "móc túi" khán giả.


Liệu phim 3-D có thể trở thành chủ nhân mới của tương lai điện ảnh hay không?

2010 - Năm bùng nổ của 3-D

Chỉ tính riêng trong năm nay, dự kiến số lượng phim 3-D ra rạp lên tới gần 30 bộ phim - con số cao hơn hẳn so với những năm trở lại đây khi phim 3-D bắt đầu được ưa chuộng. Có được điều này, một phần cũng là nhờ vào sự thành công của Avatar - bộ phim 3-D hoàn hảo đầu tiên của lịch sử điện ảnh và cũng là tác phẩm đang nắm giữ kỷ lục "bộ phim ăn khách nhất mọi thời đại". Được quay hoàn toàn bằng máy quay phim kỹ thuật số 3-D tân tiến nhất, Avatar đã đem tới cho khán giả trên toàn thế giới những trải nghiệm đầy mới mẻ của công nghệ 3-D sống động, đồng thời đưa lịch sử điện ảnh thế giới bước sang một kỷ nguyên mới - thời của phim 3-D.


Avatar là bộ phim 3-D hoàn hảo đầu tiên của lịch sử điện ảnh.

Thành công của Avatar kéo theo hàng loạt các bộ phim ở định dạng 3-D lần lượt được phát hành trong năm 2010 với đầy đủ các thể loại khác nhau từ hành động (Tron Legacy), kinh dị (Saw VII, Piranha, Resident Evil 4), âm nhạc vũ đạo (Step Up 3), hoạt hình (How To Train Your Dragon, Shrek 4, Despicable Me,...) hay thậm chí là cả phim tài liệu (Hubble, Jackass). Nhu cầu ra rạp xem phim 3-D của khán giả tăng lên một cách rõ rệt kể từ sau Avatar nên trong năm nay, các hệ thống rạp phim trên toàn thế giới đã quyết định xây dựng thêm 7000 phòng chiếu 3-D mới. Thêm nữa, trong bảng xếp hạng những bộ phim ăn khách nhất trong những tháng đầu năm thì 3 bộ phim 3-D đầu tiên của 2010 là Alice in Wonderland, Clash of the TitansHow To Train Your Dragon đều lần lượt đứng đầu trong nhiều tuần liên tiếp. Tính đến hiện tại, 3 bộ phim 3-D trên đã đem về doanh thu cho nền công nghiệp điện ảnh 2010 là 1,321 tỷ USD.


Truyền hình 3-D tại gia

Ngoài điện ảnh ra thì 2010 cũng là năm bùng nổ của truyền hình 3-D, sách báo 3-D, ảnh 3-D và như truyền thông thế giới dự đoán rằng trong 5 năm tới, internet sẽ hướng tới 3-D và người dùng hoàn toàn có thể tương tác với những thông tin 3-D trực tuyến trên mạng. Lúc đó chắc hẳn cặp kính 3-D sẽ trở thành một vật bất ly thân đối với bất kỳ ai, đặc biệt là giới trẻ.

Cứ thêm "3-D" vào sau tên phim là hấp dẫn?


Con số 2,7 tỷ USD của Avatar đã trở thành giấc mơ và đích đến của rất nhiều các bộ phim khác. Nhưng để làm được những bộ phim theo quy chuẩn 3-D như Avatar không phải là điều đơn giản. Chính vì thế, một trào lưu mới đã xuất hiện: chuyển đổi những bộ phim 2-D thông thường sang định dạng 3-D. Mà ví dụ điển hình và gần đây nhất là Alice in WonderlandClash of the Titans. Tuy nhiên, trào lưu này đã bị rất nhiều khán giả phản đối kịch liệt do hiệu quả đem lại không được như mong đợi.


Clash of the Titans được convert từ 2D sang 3D

Alice in Wonderland với hiệu ứng "giả" 3-D đã mang tới những hình ảnh có phần nhòe nhoẹt, thiếu đi chiều sâu và độ mịn nét của hình ảnh, trong khi Clash of the Titans thì màu sắc ở định dạng 3-D tối tăm, ít hiệu ứng tương tác với khán giả và khó xem hơn rất nhiều so với định dạng 2-D. Nhiều khán giả cho rằng xem 2 bộ phim này ở dạng 2-D thông thường sẽ còn hay hơn là xem ở 3-D do màu sắc, ánh sáng ở 2-D rực rỡ, tươi tắn hơn và đặc biệt là... không phải đeo thêm 1 cặp kính vướng víu cũng như giữ cho đôi mắt được "an toàn" hơn. Thế mới thấy rằng không phải cứ thêm chữ "3-D" đằng sau là phim sẽ hấp dẫn hơn đâu. Không nhất thiết phải kèm theo hiệu ứng 3-D thì Clash of the Titans vẫn có thể trở thành một bom tấn giải trí đắt khách và làm người xem thỏa mãn về nhu cầu nghe nhìn.


Một số bộ phim 3-D sẽ được phát hành trong năm nay

Sắp tới, hàng loạt các bộ phim lừng danh nhất của lịch sử điện ảnh thế giới được dự kiến sẽ chuyển sang 3-D. Đó chính là Titanic, loạt phim The Matrix, 3 tập của The Lord of The Rings. The Matrix The Lord of The Rings đều là những bộ phim hành động, thần thoại có nhiều cảnh chiến đấu và kỹ xảo hấp dẫn dù chỉ là ở định dạng 2-D nhưng đã chinh phục bao khán giả trong thập kỷ qua. Chính vì vậy, khán giả vô cùng háo hức hay chính xác hơn là tò mò muốn biết độ hấp dẫn của những bộ phim đó sẽ thế nào khi ở định dạng 3-D.


Tuy nhiên, dù Titanic rất hoành tráng nhưng lại là một bộ phim tình cảm lãng mạn nên việc chuyển thành 3-D đã tạo nên sự hoài nghi. Titanic chinh phục người xem không chỉ bởi hình ảnh tuyệt đẹp của con tàu vĩ đại trong lịch sử mà trên hết, câu chuyện về tình yêu cảm động giữa cô tiểu thư quý tộc Anh và chàng họa sĩ nghèo người Mỹ, sự phân biệt giàu nghèo trong xã hội, nhân cách của con người được bộc lộ khi đứng giữa ranh giới của sự sống và cái chết đã tạo nên những cảm xúc bất tận nơi người xem. Vậy thì thêm vào hiệu ứng 3-D để làm gì? Để thấy con tàu huyền thoại lao ra ngoài màn hình khiến khán giả né bên này bên kia? Hay để cảm nhận sâu sắc hơn về chuyện tình của JackRose qua một-tấm-kính? Điều đó thực sự là không cần thiết. Việc chuyển từ 2-D lên 3-D có thể đem đến những trải nghiệm tuyệt vời hơn về mặt thị giác nhưng mãi mãi sẽ không bao giờ thay đổi được cảm xúc về ý nghĩa của một bộ phim nơi khán giả.


Titanic sẽ được đưa sang môi trường 3-D

Thêm nữa, một bộ phim có kỹ xảo hình đẹp đẹp mắt không có nghĩa đó là một bộ phim hay. Đơn cử như Transformers 2 - một bom tấn rất hoành tráng của mùa hè năm ngoái với phần đồ họa hình ảnh làm mãn nhãn người xem, nhưng một kịch bản tồi, diễn viên đóng nhạt, cấu trúc lỏng lẻo đã khiến Transformers 2 "bị" đạt doanh hiệu "Phim dở nhất trong năm" tại lễ trao giải Mâm Xôi Vàng 2010. Có thể thấy rằng ngoài kỹ xảo hình ảnh thì một bộ phim hấp dẫn còn có thêm nhiều yếu tố khác: câu chuyện phải lôi cuốn và có tính logic, diễn xuất diễn viên phải lột tả được nhân vật, âm nhạc phải phù hợp... Mà thường thì những bộ phim 3-D luôn đánh mạnh về phần hiệu ứng hình ảnh hơn là những yếu tố khác nên đôi khi do quá choáng ngợp trước kỹ xảo mà một số khán giả có thể "lơ là" hay đến mức là "bỏ quên" phần nội dung. Điều đó dẫn đến việc khi bước chân ra khỏi rạp, họ không nhớ là câu chuyện phim mình vừa xem như thế nào, mà chỉ xuýt xoa về công nghệ 3-D đẹp mắt.

Thói quen nghe nhìn "được" hay "bị" thay đổi?


Xem phim 3-D đồng nghĩa với việc trong suốt quãng thời gian từ 1 tiếng rưỡi tới tối đa 3 tiếng (tùy vào mỗi bộ phim), khán giả sẽ phải đeo "khư khư" một cặp kính 3-D. Đối với những khán giả không quen đeo kính thì đây thực sự là một cơn ác mộng bởi trong quá trình xem phim, họ luôn cảm thấy nặng mũi, đau hai bên thái dương dẫn đến việc không tập trung cao độ được cho những gì đang diễn ra trên màn ảnh. Với những người đã đeo kính cận, giờ đây phải bọc thêm một cặp kính nữa bên ngoài nữa thì họ cũng không thực sự thoải mái. Chưa kể không phải ai cũng "tiếp thu" được công nghệ hiện đại này, có những khán giả khi xem phim 3-D luôn cảm thấy hoa mắt, chóng mặt, buồn nôn và thường xuyên phải bỏ kính ra nhiều lần trong suốt thời gian ngồi coi phim.


Nhưng không phải ai cũng vậy, có một số khán giả nhanh chóng trở thành fan hâm mộ, thậm chí "cuồng nhiệt" với công nghệ này. Bằng chứng là lượng đĩa DVD 3-D và các loại kính đặc biệt phục vụ cho việc xem phim 3-D "tại gia" bán rất chạy trên khắp thế giới. Chưa thỏa mãn với việc ra rạp xem phim 3-D, nhiều khán giả còn có nhu cầu được ngồi tại nhà thưởng thức công nghệ này. Đó là lý do tại sao truyền hình 3-D, sách báo 3-D và trong tương lai là internet 3-D được sản sinh ra. Nhiều khán giả hâm mộ phim 3D, đặc biệt là thể loại phim hoạt hình khi đã quen với công nghệ này, họ không còn cảm thấy hứng thú với phim 2-D nữa, nhất là với những phim hoạt hình vẽ tay truyền thống.


Bao giờ cũng vậy, một trào lưu khi mới xuất hiện và bùng nổ bao giờ cũng tạo nên hai làn sóng - một bên ủng hộ và bên kia ngược lại. Có người đã hơi bi quan khi nói rằng: "Trào lưu 3-D hiện nay giống như con tàu Titanic vậy. Hào nhoáng, lộng lẫy, nhưng tiềm ẩn phía trước nó lại là một tảng băng..." Tuy nhiên, với những gì mà phim 3-D đã làm được trong thời gian vừa qua thì có thể thấy rằng sức ảnh hưởng của công nghệ này đối với nghệ thuật thứ 7 là rất lớn. 3-D đang trở thành một "đứa con" được cưng chiều của nền điện ảnh thế giới mặc dù công nghệ này mới chỉ vừa bắt đầu tạo nên những bước đột phá lớn và hứa hẹn sẽ tiếp tục "thay da đổi thịt" trong thời gian tới. Tuy nhiên, liệu 3-D có thực sự trở thành một "chủ nhân tương lai" của điện ảnh hay không thì câu trả lời vẫn còn nằm ở phía trước.