18 loài khủng long kì vỹ xuất hiện trong "Jurassic World"

Hiếu Mỡ, Theo Trí Thức Trẻ 16:55 22/06/2015

"Jurassic World" sở hữu một số lượng khủng long ấn tượng đa dạng khắp mọi chủng loài và đây chính là điều đã kéo mọi người đến rạp chiếu phim.

Có vô số loài khủng long đã xuât hiện trong loạt phim Jurassic Park và truyền thống đó vẫn được tiếp nối trong phần 4 của loạt phim về khủng long nổi tiếng nhất thế giới này với tổng cộng 18 loài từ mặt đất, không trung cho tới biển cả. So với lần cuối cùng công viên Isla Nublar xuất hiện trên màn ảnh rộng, kỹ xảo điện ảnh đã tiến bộ vượt bậc sau 14 năm khiến những loài khủng long trong Jurassic World trở nên chân thật hơn bao giờ hết và có cả những nét cảm xúc biểu hiện trên khuôn mặt.

1. Ankylosaurus

Được mệnh danh là xe tăng sống, phần cơ thể trên chúng là một lớp xương cực kỳ cứng bao phủ từ đỉnh đầu tới đuôi gần như không thể xuyên phá và có thể trở thành vũ khí lợi hại.

2. Apatosaurus

Là sinh vật khổng lồ nhất từng bước đi trên Trái Đất với chiều dài khoảng 23- 28m, cân nặng từ 20.000- 36.000 kg, loài khủng long Apatosaurus trưởng thành có thể dài hơn cả 2 chiếc xe bus và nặng gấp 4 lần một con voi Châu Phi trưởng thành.

3. Baryonyx

Baryonyx là một trong những loài khủng long ăn cá lớn nhất, chúng có đầu như cá sấu và bộ móng vuốt sắc bén để có thể bắt cá dễ dàng.

4. Dimorphodon

Đây là một trong những sinh vật thống trị bầu trời của công viên khủng long. Chúng có đôi mắt to, hàm răng hoạt động rất nhanh nhạy và linh hoạt cùng đôi chân với móng vuốt để có thể trở thành kẻ săn mồi trên không cực kỳ nguy hiểm.

5. Edmontosaurus

Một loài khủng long ăn cỏ hiền lành, thường di chuyển theo bầy với cái đầu dẹt. Chúng là một trong số ít những loài khủng long có thể nhai thật kỹ trước khi nuốt và bản thân Edmontosaurus cũng thường xuyên bị đe dọa bởi các loài khủng long ăn thịt khác đặc biệt là T-Rex.

6 Gallimimus

Gallimimus là họ hàng xa xôi của đà điểu ngày nay với ngoại hình tương đối giống chỉ thêm vào móng vuốt và đuôi. Chúng có thể đạt được tới vận tốc 48 km/h nhưng chỉ có thể ăn rau cỏ vì không hề có bất kỳ chiếc răng nào trong miệng.

7. Metriacanthosaurus

Sở hữu một đôi chân khá lớn, loài khủng long này từng thống trị khu vực đồng bằng vào thời kỳ Jura và thường xuyên ăn những loài khủng long khác

8. Microceratus

Đúng như cái tên Microceratus, đây là loài khủng long nhỏ nhất xuất hiện trong Jurassic World. Ruột của chúng rất ngắn và chiếc mỏ nhỏ nhưng sắc nhọn, cấu tạo cực kỳ hoàn hảo cho việc ăn lá cây và các cành cây con.

9. Mosasaurus

Mosasaurus đã từng một thời thống trị biển cả thời cổ đại và đây thực chất là một loài thằn lằn biển khổng lồ chứ không phải khủng long. Mọi loài sinh vật dưới biển từ cá, đến các loài chim nếu bay quá gần mặt nước đều có thể trở thành mồi ngon của chúng, thậm chí cả loài cá mập trắng hung tợn. Hàm răm của Mosasaurus rất rộng và còn được trang bị thêm một bộ răng phụ trợ ở vòm họng trên để bất kỳ sinh vật nào khi đã bị chúng nuốt đều không thể thoát ra được.

10. Pachycephalosaurus

Pachicephalosaurus được xem là sinh vật cứng đầu nhất trong công viên khủng long với độ dày của hộp sọ lên tới 25cm. Phía trên đỉnh đầu chúng còn có một lớp xương cứng nhô lên để bảo vệ phần mũi và hộp sọ, mặc dù thế sinh vật này khá hiền hòa chỉ ăn trái cây và các hạt giống.

11. Parasaurolophus

Loài khủng long này được nhiều người ghi nhớ nhờ kết cấu thon dài đặc biệt của vùng mũi được kéo dài thành một cái mào bắt mắt phía trên đầu.

12. Pteranodon

Pteranodon là loài khủng long bay có kích thước lớn nhất trong công viên hay còn được biết đến với cái tên thằn lằn sấm quen thuộc. Đôi cánh của chúng lớn hơn bất kỳ loài chim nào trên thế giới hiện nay, chủ yếu chỉ ăn cá nhưng bản tính của chúng cực kỳ hung hăng và sẵn sàng mở những cuộc chiến giao tranh xâm lược lãnh thổ các loài khác. Chúng có 3 móng vuốt mỗi bên tay và 4 ở chân.

13. Stegosaurus

Stegosaurus là một trong những loài sinh vật có kết cấu khung xương vô cùng công phu bao gồm 17 bảng xương ghép lại với nhau trải dài trên lưng chúng và đuôi là một quả chùy gai sắc bén. Khi bị tấn công, chung sẽ quay lưng lại để có tầm nhìn thật tốt và vung những cú đánh chết người bằng đuôi vào kẻ thù.

14. Suchominus

Mỗi ngón tay cái của Suchominus có một móng vuốt rất dài dùng để bắt cá và một cánh buồm rất đặc biệt phía trên lưng. Cái tên Suchominus được đặt theo một loài khủng long có hình dáng đặc biệt như mũi thuyền.

15. Triceraptor

Triceraptor là loài khủng long có sừng lớn nhất trong giới khủng long. Khi mới sinh ra, kích cỡ của chúng chỉ ngang một quả bí nhưng khi trưởng thành sẽ nặng khoảng 10.000 Kg với một sừng nhỏ trên mũi và hai sừng lớn phía trên mắt. Cặp sừng lớn vô cùng chắc chắn và có thể dễ dàng tấn công dữ dội các loài ăn thịt khác, nhưng chúng rất hiền lành chủ yếu chỉ ăn lá cây và măng.

16. Tyrannousaurus Rex


Là biểu tượng của dòng phim Jurassic Park hay còn được biết đến với cái tên ngắn gọn T-Rex. Chúng là loài động vật ăn thịt trên cạn lớn nhất trong lịch sử Trái Đất với hàm răng được cấu tạo không hề giống bất kỳ loài khủng long nào khác, lực cắn của chúng có thể lên đến 5.800 Newton và đủ khiến một chiếc xe hơi nát vụn.

17. Velociraptor


Trong Jurassic World, loài khủng long này sẽ được biết với tên gọi ngắn gọn Raptor và sẽ chiếm đất diễn rất nhiều trong những cảnh quan trọng của phim. Chúng sẽ được huấn luyện và đào tạo thành những chú chó săn mồi cực kỳ nguy hiểm với bộ móng vuốt dài 15 cm ở mỗi bên tay.

18. Indominus Rex

Loài khủng long mới toanh do đoàn làm phim sáng tạo ra bằng cách phối hợp 5 loài khủng long khác nhau: Abelisaurs, Carnotaurus, Majugasaurus, Rugops, Giganotosaurus cùng một số đặc tính của các loài sinh vật hiện đại như bạch thuộc, thằn lằn… Indominus Rex cực kì thông minh, nhanh nhẹn và khỏe ngang ngửa T-Rex nhưng cực kỳ hung tợn. Chúng có thể đạt được vận tốc 50 km/h và tiếng gầm ở ngưỡng 140- 160db, ngang một chiếc Boeing 747 lúc cất cánh và hạ cánh.