Chuyện về vị bác sĩ 31 năm sống xa gia đình để đến vùng đảo hẻo lánh chữa bệnh cho người dân

WeChoice; Design:, Theo Trí Thức Trẻ 00:35 02/12/2017
Chia sẻ

Chấp nhận sống xa gia đình để đến với hòn đảo heo hút không đường, không điện. Chàng bác sĩ trẻ ngày ấy đã chọn cho mình một con đường riêng, dành cả tuổi thanh xuân cho một vùng đất hoàn toàn xa lạ, cho những người chẳng phải máu mủ ruột rà. Tất cả cũng chỉ vì 1 chữ: Thương.

"Nhân viên y tế nào mới về ngó câu khẩu hiệu ấy cũng cười, cũng thương. Nhưng rồi nửa khuya ngồi ăn mì gói, nghe cú kêu lẫn tiếng radio khọt khẹt (để chút âm thanh đấy cho đỡ quạnh), vạch đi vạch lại tờ báo cũ mèm, họ sực nhớ phải về quê lấy vợ, lấy chồng, sực nhớ vợ mình mới sinh, sực nhớ tội nghiệp ba má đã già... Và họ từ giã cù lao. Ông Tư Mốt ờ ờ ra chiều thông cảm, vẻ mặt cố tỏ ra không buồn nhưng hàm râu xuôi xị. Họ ngoắc đò đi rồi ông còn đứng mãi trên bến, nghĩ giận đám trẻ cù lao đã được học hành nhưng chẳng đứa nào chịu quay về.

Gặp Văn lần đầu tiên, ông nghĩ ngay, phải giữ thằng nhỏ này ở lại cù lao, thấy cái mặt buồn buồn, ngó bộ đàng hoàng. Ông nghĩ là mình có cách, không có gì sâu nặng bằng tình cảm người với người.

...

Hôm ấy Văn không trả lời, hôm sau không kịp trả lời vì Văn đưa bạn ra về rồi không trở lại. Lặng lẽ, như trốn chạy. Trưởng ấp Tư Mốt đứng ở trạm xá, thấy sau trước trống không, trong lòng nghe đau tiếc như vừa thua một ván bài lớn. Văn không từ giã ông một lời, để nói cháu về vì má cháu đang đau, hoặc cháu ra ngoài trung tâm y tế huyện một tí, rồi lên xe đi luôn cũng được, dù nhìn vào đôi mắt đang cụp xuống kia, biết người ta nói dối, dù trong tâm ông đã vẫy tay để chào xa mãi..." - Trích "Thương quá rau răm" (Nguyễn Ngọc Tư).

Trưởng ấp Tư Mốt của cù lao Mút Cà Tha ngày đó đã làm mọi cách nhưng vẫn không thể giữ bác sĩ Văn ở lại với vùng đất hẻo lánh, xa xôi ấy. Bởi người trẻ họ ấp ôm rất nhiều hoài bão, và không muốn bị bó buộc ở một miền quê. Thế nhưng đó không hẳn là tất cả, bởi tình cảm của người dân trên cù lao Thu (Bình Thuận) đã 3 lần giữ chân bác sĩ Lĩnh ở lại với họ như thiên duyên.

Chuyện về vị bác sĩ 31 năm sống xa gia đình để đến vùng đảo hẻo lánh chữa bệnh cho người dân - Ảnh 2.

Nằm cách đất liền 120km, cù lao Thu (đảo Phú Quý) hiện nay vẫn còn là một hòn đảo hoang sơ và lạ lẫm với nhiều người dân Việt Nam. Những năm trước cuộc sống trên đảo vô cùng khó khăn, nguồn nước ngọt khan hiếm, điện chưa có, đường xá bị phủ đầy cát, thuyền vào đất liền thì năm ba bữa mới có một chuyến mà mỗi lần đi phải lênh đênh trên biển cả ngày trời. Thế nên chẳng vị bác sĩ nào đủ kiên nhẫn để ở lại đảo chịu khổ cùng dân.

Người trên đảo trông chờ vào những sức mạnh siêu nhiên, đau bệnh họ tìm đến thầy cúng để chữa trị. Nhưng rồi họ chết, con cái họ chết, chết trong tuyệt vọng của sự thỉnh cầu. Một số bác sĩ ở đất liền được điều động ra đảo để hỗ trợ y tế, nhưng rồi 6 tháng, một năm lại nhanh chóng lên tàu trở về đất liền, như một sự trốn chạy.

Năm 1986 chàng bác sĩ trẻ Bùi Đình Lĩnh (1959, Thái Bình) tốt nghiệp đại học và được Bộ Y tế điều động về công tác tại tỉnh Thuận Hải (nay là Bình Thuận và Ninh Thuận). Sau khi tìm hiểu về những khó khăn mà người dân trên đảo Phú Quý đang đối mặt, bác sĩ đã viết đơn xin ra đảo làm việc với cam kết sẽ ở lại 3 năm để hỗ trợ người dân.

Chuyện về vị bác sĩ 31 năm sống xa gia đình để đến vùng đảo hẻo lánh chữa bệnh cho người dân - Ảnh 3.

Có lẽ vì chưa đặt chân lên một hòn đảo nào nên hình dung về đảo của vị bác sĩ rất đơn giản. Anh tin rằng ở đảo cũng giống đất liền, chỉ là bị ngăn cách bởi biển khơi. Và rồi mọi thứ sụp đổ khi anh tận mắt ngắm nhìn Phú Quý. Ở nơi này mọi thứ đều thiếu thốn.

Bệnh viện huyện nghèo nàn được dựng tạm bằng mấy viên đá chẻ chẳng mấy ai lui tới, đêm đêm ngọn đèn dầu hắt hiu trong khu nhà tập thể lại càng làm lòng người cô quạnh. Không người thân, không bạn bè, không trò giải trí. Vị bác sĩ 27 tuổi bắt đầu chán nản với quyết định của mình. Hai tháng trôi qua, anh không muốn chôn vùi tuổi trẻ của mình ở nơi khỉ ho cò gáy này, anh muốn nhanh chóng lên chuyến tàu cuối cùng để trở về đất liền.

Chuyện về vị bác sĩ 31 năm sống xa gia đình để đến vùng đảo hẻo lánh chữa bệnh cho người dân - Ảnh 4.

Chuyện về vị bác sĩ 31 năm sống xa gia đình để đến vùng đảo hẻo lánh chữa bệnh cho người dân - Ảnh 5.

"Gửi em yêu dấu!

Sau 2 tháng ở đảo anh đã chính thức thực hiện ca mổ đầu tiên cho một người dân. Dù trang thiết bị còn thiếu thốn nhưng may mắn ca mỗ đã thành công. Người dân trên đảo đã bắt đầu có lòng tin với bác sĩ. Họ đã tìm đến anh mỗi khi đau ốm. Anh thật sự vui mừng vì điều đó..."

Vì đảo không có điện, nên mỗi lần muốn liên lạc với gia đình bác sĩ Lĩnh phải viết thư tay gởi ra đất liền. Mất nửa tháng đến một tháng gia đình mới nhận được và viết thư trả lời. Những lá thứ nối liền 2 miền đất nước phần nào giúp vợ chồng bác sĩ Lĩnh vơi đi nỗi nhớ nhung xa cách.

Chuyện về vị bác sĩ 31 năm sống xa gia đình để đến vùng đảo hẻo lánh chữa bệnh cho người dân - Ảnh 6.

Càng tiếp xúc với người dân nhiều, nghe họ tâm sự, nhìn họ làm việc bác sĩ Lĩnh mới thấu hiểu những thiệt thòi mà bản thân đang trải qua chẳng là gì so với những vất vả của người dân trên đảo. Ở hòn đảo xa xôi này cái gì cũng thiếu thốn, nhưng thứ duy nhất luôn dư giả chính là tình người. Tình cảm mộc mạc của người dân đã giúp bác sĩ quên đi sự chán nản và nỗi nhớ nhà để chuyên tâm cho công việc.

Hôm nọ, bác sĩ Lĩnh thực hiện mổ khối u cho một bà cụ neo đơn ở gần cảng cá. Sau khi hồi phục, ngày nào bà cụ cũng cõng 4-5 trái dừa trong vườn nhà lên bệnh viện gởi cho bác sĩ uống "giải khát". Đoạn đường từ nhà đến bệnh viện cũng khoảng 5km, có lần bác sĩ bảo thôi bà đừng đem lên nữa, vất vả quá. Thế mà ròng rã 2 năm trời bà vẫn đều đặn cõng dừa lên bệnh viện. Ở cái xứ này người ta quý nhau thiệt thà lắm, thấy thương.

Chuyện về vị bác sĩ 31 năm sống xa gia đình để đến vùng đảo hẻo lánh chữa bệnh cho người dân - Ảnh 7.

Chuyện về vị bác sĩ 31 năm sống xa gia đình để đến vùng đảo hẻo lánh chữa bệnh cho người dân - Ảnh 8.

Chuyện về vị bác sĩ 31 năm sống xa gia đình để đến vùng đảo hẻo lánh chữa bệnh cho người dân - Ảnh 9.

Năm 1989, thời hạn 3 năm đã hết bác sĩ Lĩnh chuẩn bị trở về đất liền làm việc. Thế nhưng người dân hiểu rằng sẽ khó tìm được một vị bác sĩ nào đủ kiên nhẫn để gắn bó với hòn đảo này như bác sĩ Lĩnh. Họ cùng nhau viết một lá đơn rồi đi khắp đảo để xin chữ ký của từng người với mong muốn giữ bác sĩ Lĩnh ở lại với Phú Quý.

Sở Y tế chấp thuận, bác sĩ Lĩnh đồng ý. Ông quyết định gắn bó với Phú Quý thêm một thời gian nữa vì tình cảm của bà con thật sự làm ông cảm động. Năm 1998, hết thời hạn lần thứ 2, người dân đảo lại tiếp tục viết một lá đơn để giữ chân bác sĩ. Một lần nữa, bác sĩ chọn ở lại dù cha mẹ ở quê nhà không hề hài lòng về quyết định đó của con trai.

Năm 2006 sau khi tốt nghiệp cao học, bác sĩ Lĩnh được Sở điều về thành phố Phan Thiết để làm giám đốc trung tâm phòng chống AIDS. Ngay sau khi nhận được thông tin này, người dân trên đảo lại soạn đơn giữ bác sĩ. Đã xa gia đình khá lâu, lần này việc đưa ra quyết định đi hay ở thật sự vô cùng khó khăn.

Và sau cùng bác sĩ đã lựa chọn ở lại với người dân đảo. Ông cũng chẳng thể giải thích vì sao lại chọn con đường này, bởi cuộc đời luôn tồn tại những tình cảm không thể giải thích được.

Chuyện về vị bác sĩ 31 năm sống xa gia đình để đến vùng đảo hẻo lánh chữa bệnh cho người dân - Ảnh 10.

Sẽ chẳng có lựa chọn nào toàn vẹn cho mỗi con người. Chọn ở lại để giúp đỡ người dân cũng đồng nghĩa với việc gia đình của bác sĩ Lĩnh phải nhận nhiều thiệt thòi. Cả 2 lần bố và mẹ qua đời bác sĩ đều không kịp về quê để gặp mặt lần cuối. Điều này luôn khiến ông day dứt trong suốt những năm tháng của cuộc đời.

Đỡ đẻ cho không biết bao nhiêu người dân trên đảo, nhưng ngày vợ hạ sinh con gái bác sĩ cũng không thể ở bên. Để rồi ngày về thăm nhà, con gái chạy vào bảo: "Mẹ ơi có chú nào đến thăm nhà!".

Bác sĩ kể: "Tôi nhớ mãi lần con gái lên lớp 5. Lần đó tôi về thăm nhà cô ấy cứ quấn lấy bố, đến khi chia tay thì cứ ôm bố khóc. Cô ấy tặng cho bố 1 chiếc khăn mùi xoa, nhưng trước lúc lên xe thì mượn lại chiếc khăn rồi viết lên trên đó mấy câu thơ:

Chuyện về vị bác sĩ 31 năm sống xa gia đình để đến vùng đảo hẻo lánh chữa bệnh cho người dân - Ảnh 11.

Sau 31 năm đã đến lúc chuyến tàu cuối cùng cập bến

Ngày từ khi đặt chân lên đảo, bác sĩ Lĩnh đã tự nhủ rằng phải nhanh chóng đào tạo thế hệ kế tục bởi chỉ có người sinh ra trên mảnh đất này mới gắn bó dài lâu với nó. Hôm nay nhiều thế hệ y bác sĩ là người của đảo đã trở về để phục vụ quê hương, mang thêm những hy vọng mới.

Chuyện về vị bác sĩ 31 năm sống xa gia đình để đến vùng đảo hẻo lánh chữa bệnh cho người dân - Ảnh 12.

Đời người là gì nếu không phải là một vòng tuần hoàn của "đi" và "ở", sau hơn nửa cuộc đời gắn bó với đảo Phú Quý đã đến lúc bác sĩ Lĩnh trở về với gia đình để bù đắp những tình cảm mà mấy mươi năm qua ông đã không trọn vẹn. Sau 31 năm, chuyến tàu cuối cùng mà chàng bác sĩ trẻ ngày đó đợi chờ cũng sắp đến, nhưng đó không phải là chuyến tàu trốn chạy mà sẽ là chuyến tàu đong đầy tình thương của kẻ ở người đi.

Cho mãi về sau biển vẫn xanh và người Phú Quý sẽ vẫn kể cho nhau nghe về "bác Lĩnh" như một ký ức đẹp nhất của hòn đảo.

----

Chuyện về vị bác sĩ 31 năm sống xa gia đình để đến vùng đảo hẻo lánh chữa bệnh cho người dân - Ảnh 13.

Với nỗ lực đem những giá trị tích cực tới cộng đồng, hành trình Road to WeChoice đã bắt đầu. Chúng tôi xin trân trọng cảm ơn nhà tài trợ TH true MILK đã đồng hành cùng Road to WeChoice để lan tỏa những nguồn cảm hứng tốt đẹp đó!

Chuyện về vị bác sĩ 31 năm sống xa gia đình để đến vùng đảo hẻo lánh chữa bệnh cho người dân - Ảnh 16.

TIN CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày