Chuyện về ông Sáu Léo 40 năm "giành giật" gần 200 mạng người với tử thần trên sông Cẩm Lệ

Hà Nam, Theo Trí Thức Trẻ 00:07 26/12/2017
Chia sẻ

Bất kể ngày hay đêm, mưa hay nắng, hễ nghe thấy tiếng "ầm" trên sông Cẩm Lệ, ông Sáu Léo lại tức tốc chèo ghe, ngụp lặn đủ kiểu để “giành giật mạng người” với tử thần. Suốt 40 năm đưa gần 200 người trở về từ cõi chết, nhiều gia đình mang đến số tiền lớn để hậu tạ nhưng ông đều kiên quyết từ chối…

Nhảy sông được cứu, chàng trai nhận ông Sáu Léo là cha nuôi

Men theo con đường mòn nhỏ dưới chân cầu Cẩm Lệ (TP Đà Nẵng), chúng tôi tìm đến 2 chiếc thuyền đang neo đậu sát bờ sông của ông Ngô Văn Léo (55 tuổi, trú P. Khuê Trung, Q. Cẩm Lệ), nơi mà bao năm qua gia đình ông vẫn miệt mài mưu sinh với nghề sông nước. Ông Léo "nổi tiếng" đến nỗi ở cái đất này, từ người già đến con nít ai cũng biết. Mọi người thường yêu mến gọi ông là Sáu Léo.

Chuyện về ông Sáu Léo 40 năm giành giật gần 200 mạng người với tử thần trên sông Cẩm Lệ - Ảnh 1.

Hơn 40 năm cuộc đời, ông Sáu Léo đã làm công việc "cướp cơm Hà Bá", cứu vớt gần 200 mạng người trên sông Cẩm Lệ.

Lúc chúng tôi đến, anh Võ Công Q. (33 tuổi, trú Q. Hải Châu) đang ngồi dưới chân cầu, lụi hụi đóng lại cái bàn bị gãy, nghe hỏi ông Sáu Léo, anh Q. cười tươi: "Mấy anh chị tìm cha của tôi hả, ổng đi mua ít đồ cúng, chờ xíu về chừ…".

Một lát sau, ông Sáu Léo trở về trên chiếc xe máy cà tàng. Nghe tôi hỏi về chuyện cứu người tự tử, bất ngờ anh Q. xin phép cha bỏ đi nơi khác.

Thấy tôi thắc mắt, rít điếu thuốc rồi ông Léo cười khà khà: "Thằng Q. không phải là con ruột của tôi đâu. Hồi trước tôi cứu nó khi nhảy cầu tự tử rồi nó nhận tôi làm cha nuôi. Cứ hễ khi nào rảnh là nó lại đến phụ giúp tôi mấy việc lặt vặt. Chắc nghe chú hỏi chuyện tự tử nên nó ngại bỏ đi đó".

Chuyện về ông Sáu Léo 40 năm giành giật gần 200 mạng người với tử thần trên sông Cẩm Lệ - Ảnh 2.

Ngoài cứu người, vớt tử thi, ông Léo còn thường xuyên phát hiện và kịp thời ngăn chặn, khuyên nhủ nhiều trường hợp có ý định nhảy sông tự tử.

Anh Q. vốn là tài xế xe tải, đầu năm 2015, trong một lần cãi nhau với vợ, Q. nghĩ quẫn nên 12 giờ khuya ra cầu Cẩm Lệ tự vẫn. Đang ngủ, nghe một tiếng ầm, nghi ngờ có người nhảy cầu, ông Léo liền nhìn ra xem thì phát hiện nạn nhân đang sắp chìm. Cởi vội chiếc quần dài, ông Léo nhảy xuống sông lôi người thanh niên vào bờ, đưa áo quần của mình cho anh Q. mặc. Trắng đêm hôm đó, ông Léo phải hết lời động viên, khuyên giải để Q. không suy nghĩ dại dột.

Cuộc sống bình lặng, giản dị của gia đình ông Léo dưới chân cầu Cẩm Lệ.

Ông Léo cười hào sảng tâm sự, ngày xưa, khi chưa xây cầu, ông cùng cha mình hành nghề chèo đò đưa khách qua sông. Bản thân ông bị thương tích nặng do vướng phải bom mìn còn sót lại sau chiến tranh nay vẫn còn di chứng. Từ khi cha mất, cầu mới được xây kiên cố, vợ chồng ông vay mượn tiền, mua 2 chiếc thuyền để hành nghề thực hiện nghi lễ phóng sinh dưới chân cầu này. Thế nhưng, cuộc mưu sinh của gia đình ông cũng phập phù như con nước.

"Hai chiếc thuyền tôi sắm giờ phải neo một chỗ, thỉnh thoảng có người đến thuê để thả hoa đăng, phóng sinh rồi họ cho đồng nào thì cho, không thì thôi…", ông Sáu trầm tư.

Chuyện về ông Sáu Léo 40 năm giành giật gần 200 mạng người với tử thần trên sông Cẩm Lệ - Ảnh 4.

"Từ cha tôi, đến tôi và đứa con trai là đã 3 thế hệ gắn chặt với cái "nghiệp chọc giận hà bá" này rồi", ông Léo cười tếu táo.

Xưa nay, những người làm nghề sông nước vẫn thường quan niệm rằng, đã sống nhờ sông nước thì không được "cướp cơm" của Hà Bá, nếu không sẽ phải trả giá. Riêng gia đình ông Léo thì ngược lại, bởi ngày xưa, khi cha dạy bơi cho ông đã căn dặn sau này phải noi gương cha cứu người.

"Đời bất hạnh nên họ mới phải tự tử, nhận tiền người ta sao đành..."

Đến bây giờ, ông Sáu vẫn còn nhớ như in việc cha con mình cứu vớt 3 thiếu niên đi câu cá bị trượt chân ngã xuống sông. Đầu năm 2006, ông đang cùng con trai là Ngô Văn Phương quăng chài thì thấy có 2 chiếc mũ nổi trên sông. Linh tính mách bảo, ông cùng con trai chèo ghe lại gần thì thấy một cánh tay đang đưa lên mặt nước. Lập tức, ông nhảy xuống sông lặn tìm và lần lượt kéo được 2 cháu bé đưa lên thuyền để anh Phương hô hấp nhân tạo. Đến đứa thứ 3, ông Sáu thấm mệt nên trôi theo. Thấy cha đuối sức, anh Phương nhảy xuống phụ cha dìu cậu thiếu niên còn lại vào bờ.

Chuyện về ông Sáu Léo 40 năm giành giật gần 200 mạng người với tử thần trên sông Cẩm Lệ - Ảnh 5.

Chiếc ghe nhỏ gắn liền với "nghiệp" cứu người, vớt xác của ông Léo…

Trong số hàng trăm người được ông Léo cứu mạng, nhiều gia đình sau đó đã mang lễ vật, tiền vàng đến để hậu tạ nhưng ông đều nhất quyết không nhận. Bởi ông quan niệm: "Thấy người chết mà không cứu sao được! Cứu được mạng người là vui rồi. Chứ người ta có chuyện bất hạnh mới đi tự tử mà mình nhận tiền của họ sao đành lòng...".

Rồi có trường hợp, sau khi cứu người tự tử ông Léo còn bị chính nạn nhân chửi rủa: "Ông bị điên à, sao không để tôi chết quách đi, cứu tôi làm gì chứ...". Sau khi được vợ ông Léo hết lời khuyên giải, cô gái trẻ mới bình tĩnh tâm sự, do lỡ mang thai cùng người yêu nhưng thanh niên này đã "quất ngựa truy phong", sợ gia đình trách mắng nên cô muốn quyên sinh.

Chuyện về ông Sáu Léo 40 năm giành giật gần 200 mạng người với tử thần trên sông Cẩm Lệ - Ảnh 6.

Cuộc sống nghèo khó, cả gia đình chỉ biết dựa vào 2 chiếc thuyền cúng, thế nhưng ông Léo từ chối mọi sự hậu tạ của những người được mình cứu mạng.

Hay mới đây nhất, tối 15/9, đang ngồi ăn cơm dưới thuyền neo ở chân cầu Cẩm Lệ, ông Léo và vợ là Huỳnh Thị Lới nghe nhiều tiếng kêu cứu người đuối nước trên cầu vọng xuống. Bỏ vội chén cơm đang ăn dở, ông Léo hối vợ tháo dây neo thuyền, chèo ra giữa sông. Phát hiện có bóng đen nhô lên mặt nước, không chần chừ, ông lao xuống, túm tóc và kéo được chị Huỳnh Thị Thùy D. (20 tuổi, trú quận Cẩm Lệ) lên thuyền.

Sau đó, ông bảo vợ hô hấp nhân tạo và đưa cô gái đi cấp cứu. Còn mình tiếp tục quay ra sông cứu thành công anh Huỳnh Văn T. (20 tuổi, trú huyện Hòa Vang). Được biết, anh T. và chị D. cùng nhau tự tử do bị gia đình ngăn cản yêu đương.

Chuyện về ông Sáu Léo 40 năm giành giật gần 200 mạng người với tử thần trên sông Cẩm Lệ - Ảnh 7.

Vừa qua, Công an phường Khuê Trung đã trao giấy khen của Chủ tịch UBND quận Cẩm Lệ cho ông Léo vì có hành động dũng cảm, cứu kịp thời đôi tình nhân nhảy cầu tự tử.

Hơn 40 năm lênh đênh sông nước, cũng là ngần ấy năm ông Léo đối diện với nhiều giây phút sinh tử. Ông không thể nhớ đã cứu sống bao nhiêu người và vớt được bao nhiêu xác chết, chỉ biết đến bây giờ đã có gần chục thanh niên đến "bái" ông làm cha nuôi, người thì xin "kết nghĩa" huynh đệ...

Nghĩa hiệp là thế, nhưng ông Léo vẫn trăn trở mãi về những lần mình không kịp cứu người. Đó là vào một buổi chiều tối 3 năm trước, trong lúc vừa đến nhà bà con ăn đám giỗ, ông nghe tin có người nhảy sông. Chưa kịp ngồi xuống ghế, ông vội quay về nhà nhưng nạn nhân đã mất tích...

Chuyện về ông Sáu Léo 40 năm giành giật gần 200 mạng người với tử thần trên sông Cẩm Lệ - Ảnh 8.

"Lần đó, không cứu được cô gái khiến tôi day dứt lắm. Cả đêm hôm đó tôi không chợp mắt được, cứ tự vấn nếu mình không đi đám giỗ thì đã cứu thêm được mạng người rồi…", đôi mắt người đàn ông nghĩa hiệp chợt buồn.

"Chú cứu được hơn 100 người chưa?". Tôi hỏi. Ông Léo lại châm thuốc rồi nhoẻn miệng cười: "Không thể nhớ nổi, nhưng tính từ thời tôi sống cùng cha đến giờ chắc cũng gần 200 rồi ấy chứ".

TIN CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày