Từ ngõ 310 Nghi Tàm (Tây Hồ, Hà Nội) rẽ xuống một đoạn là đến một xóm nghèo ven sông - nơi duy nhất ở Thủ đô, hơn 20 hộ gia đình vẫn sống trên những chiếc thuyền neo đậu gần bờ. Ấn tượng đầu tiên của chúng tôi là đường đi đến đây tuy gần mà hóa lại rất xa. Ngay giữa trung tâm TP, chỉ cách mấy bước chân, nhịp sống ở đây như đã có khoảng cách quá dài.
Chuyện về những chiếc chậu nhựa đỏ treo cao nơi xóm nghèo ven sông lớn nhất miền Bắc. Thực hiện: Kiên Nguyễn
Xóm vạn chài ven sông Hồng này thường được gọi là Bến Gốm dù ở đây, chẳng mấy ai làm nghề này.
Giữa khung cảnh mộc mạc với gam màu xanh, trắng là những chiếc chậu nhựa đỏ nổi bật.
Ngoài hình ảnh những con thuyền sắt cũ nổi trên nền trời sông nước xanh ngắt, vừa đẹp, vừa buồn, thứ làm tôi ấn tượng nhất chính là những chiếc chậu nhựa đỏ treo cao. Chúng được gắn trên một cột thép, cao như những chiếc cần ăng-ten bắt sóng ti vi kiểu cũ ở một vùng quê Bắc bộ.
Màu đỏ và treo trên cao... hình ảnh ấy bỗng làm tôi băn khoăn, không biết những chiếc chậu nhựa đỏ này có mang theo một ý nghĩa nào buồn bã? Nó dùng để cầu cứu khi cần, để người ta không bao giờ quên, ở ngay gần thành phố này, vẫn có một xóm vạn chài nghèo ven sông?
Thế nhưng không, những chiếc chậu nhựa đỏ treo cao này mang một ý nghĩa hoàn toàn khác. Ít ai biết, từ những chiếc "hoa gió" đỏ ấy, sẽ phát ra một thứ năng lượng quý giá - đó là điện.
"Chong chóng đỏ" ngày đón gió, đêm về nhả điện sạch
Những chiếc chậu nhựa đỏ này được gắn trên một giá đỡ, trục quay bằng các thanh nhôm và đính vào cột thép cao 3m, rộng chừng 2 nắm tay. Mỗi chiếc cột thép có 4 chiếc chậu nhựa. Chỉ cần một đợt gió thoảng qua, chậu nhựa đỏ sẽ quay tít thành vòng tròn. Hệ thống cánh gió này được gắn với một mô tơ ở phía dưới, làm chuyển hóa động năng thành điện năng và tích vào một bình ắc quy có công suất tối đa là 60A.
Mỗi một cột thép sẽ có 4 chiếc chậu nhựa.
Ở Bến Gốm, những chiếc chậu nhựa đỏ này là vật dụng được treo cao nhất.
Thiết bị đơn giản này có khả năng sản sinh ra một lượng điện đủ thắp sáng những con thuyền nhỏ mỗi khi đêm về. Nếu sử dụng liên tục, điện tích trong ắc quy sẽ cung cấp cho một bóng đèn chạy trong vòng 4h.
KTS Lê Vũ Cường - tác giả của những chiếc tua bin gió tạo ra điện sạch ở xóm nghèo ven sông Hồng. Ảnh: Thu Hường.
Ý tưởng làm ra năng lượng điện từ gió này là do KTS Lê Vũ Cường (giảng viên ĐH Kinh doanh & Công nghệ Hà Nội) thực hiện cách đây khoảng hơn 2 tháng.
"Ý tưởng này mình cũng ấp ủ từ khá lâu. Trong nhiều lần đến thăm các xóm nghèo ven sông Hồng, mình thấy đời sống của người dân còn rất khó khăn nên muốn làm một cái gì đó, giúp họ được lâu dài hơn".
Anh Cường chia sẻ, sau một số lần làm khảo sát, anh thấy khu vực này có khá nhiều gió, tốc độ đạt khoảng 3m/s. "Mình thấy điều kiện như vậy rất thích hợp để làm mô hình điện gió ở mức độ nhỏ, đáp ứng phần nào nhu cầu của người dân. Hơn nữa mình được biết mọi người ở đây phải mua điện với giá đắt nên càng quyết tâm theo đuổi ý tưởng này".
Anh Cường chia sẻ, lý do anh chọn chậu nhựa màu đỏ là vì ở đây có rất nhiều cây cỏ, không gian xanh, rộng nên cần một màu tương phản để nổi bật.
Những cột "điện gió hoa đỏ" này rõ ràng làm cảnh quan Bến Gốm trở nên nổi bật hơn rất nhiều.
Được sự động viên của bạn bè, anh Cường đã mang ý tưởng này tham gia cuộc thi do tổ chức Live And Learn Việt Nam phát động. Với số tiền 10 triệu đồng từ tổ chức phi chính phủ này hỗ trợ, anh Cường đủ lắp 10 chiếc cột chong chóng đỏ cho 10 hộ dân ở đây. Sáng kiến này được đánh giá rất cao bởi nó dựa trên nền tảng tái chế các vật liệu cũ và đem lại ý nghĩa thiết thực cho nhiều người.
"Chiếc mô tơ chuyển hóa động năng thành điện này vốn là mô tơ của những máy in cũ, không còn giá trị sử dụng", anh Cường nói. Hầu hết các vật liệu gắn trên thiết bị phát điện đều rất rẻ và dễ thay thế. Tuy nhiên thì chúng cũng khá bền và thích hợp với điều kiện sông nước. Chẳng hạn như chậu nhựa này là loại nhựa tốt nhất trên thị trường, có khả năng dãi nắng, dầm sương. Mô tơ có khả năng chạy dù bị mưa ướt hoặc đặt dưới nước.
"Mỗi tháng, chúng tôi tiết kiệm thêm 10 bữa ăn sáng"
Đó là chia sẻ của anh Vinh khi nói về mô hình phát điện sạch từ năng lượng gió do KTS Vũ Cường thực hiện. Anh Vinh nói, nhờ tiết kiệm bóng đèn chiếu sáng vào ban đêm nên mỗi tháng, gia đình anh giảm bớt 50.000 đồng tiền điện.
"Bình thường sáng mình ăn gói mì tôm hết khoảng 5.000 đồng thì bây giờ, coi như tiết kiệm được 10 bữa ăn sáng (cười)".
Người dân ở đây rất vui vẻ mỗi khi nhắc đến dự án của anh Cường.
Theo lời chị Thu (vợ anh Vinh), giá điện ở đây rất cao do 24 hộ dân chỉ sử dụng chung một công tơ điện. "Vì thế, tiền điện hàng tháng đều bị tính theo lũy tiến, tăng lên rất cao. Nhà tôi sử dụng rất tiết kiệm, mỗi tháng cũng hết 200.000 - 250.000 đồng, những hộ dùng nhiều có thể hết khoảng 400.000-500.000 đồng".
Những cột chong chóng đỏ xuất hiện dày đặc.
Với nhiều người, số tiền này chẳng đáng là bao nhưng với mức thu nhập thấp của người dân ở đây thì đó là con số không hề nhỏ. Mỗi ngày, họ phải dành dụm từng đồng bạc lẻ, trong khi đó, giá điện dù chỉ dùng 1 số cũng mất tới 3.500 đồng. "Hơn nữa điện ở đây ở cuối nguồn, phải đấu nối từ xa vào nên thường khá yếu", anh Tuân (một người dân khác trong xóm) cho biết.
Chính vì thế, từ khi có dự án của anh Cường, người dân đều tỏ ra rất phấn khởi vì mỗi tháng có thể tiết kiệm thêm một chút chi phí tiền điện.
Gia đình anh Vinh là một trong số 10 hộ dân đầu tiên được hưởng lợi từ dự án của anh Cường.
"Chúng tôi rất vui vì chi phí lắp đặt không hề mất một đồng nào lại được sử dụng điện miễn phí. Dù chỉ sử dụng được một bóng đèn cũng thấy rất quý giá. Nếu như bình ắc quy tích được nhiều điện hơn, đủ chạy các thiết bị thiết yếu khác thì hay quá", anh Vinh tâm sự.
Theo lời người dân ở đây, dù đã được lắp đặt từ 2 tháng nay nhưng mỗi khi tua bin gió gặp trục trặc, họ lại tìm cách liên hệ với anh Cường và vị KTS này lại tận tình đến kiểm tra. Sự nhiệt tình của anh khiến họ rất xúc động và ngày càng yêu quý, trân trọng những cột "ăng ten đỏ" này hơn.
Trong những con thuyền này, dù ban ngày cũng rất tối. Vì thế, ánh sáng từ ngọn đèn chạy bằng năng lượng gió thắp sáng khi đêm về, đối với người dân ở đây, có rất nhiều ý nghĩa.
Anh Cường cho biết, hiện nay anh đang làm việc với một doanh nghiệp nhà nước, xin cấp vốn để nhân rộng và nâng cấp dự án, giúp tích lũy nhiều điện năng, đáp ứng tốt hơn nhu cầu của người dân.
"Mô hình này rất thích hợp với khu vực nhiều gió như biên cương, hải đảo. Thời gian tới, tôi dự định sẽ mang dự án đi xa hơn, giúp đỡ được nhiều khu dân cư khác có hoàn cảnh khó khăn", anh Cường tâm sự.