"Con tôi" không hung dữ! Lỗi ở các người ngu ngốc!
Thời gian qua cộng đồng yêu chó mèo hết sức bức xúc khi các trang báo liên tục phản ánh tình trạng chó hung dữ thả rông không rọ mõm trên phố đi bộ Hà Nội, mà lại dùng ảnh của các chú chó thuộc giống Alaska, Husky, Samoyed… là những giống chó thân thiện với con người để minh họa cho các tiêu đề chó hung dữ Pitbull, Becgie (German Shepherd)… Các bạn cũng trích dẫn các điều luật để cho thấy mình đang không vi phạm pháp luật. Rọ mõm hay không là lựa chọn, không phải là bắt buộc. Đồng thời nhiều bạn cũng chỉ trích những người bên phe phản đối thả rông chó vào phố đi bộ là ngu dốt, không phân biệt được đâu là chó dữ và chó lành. Nhiều bạn còn so sánh ở "nước ngoài" với Việt Nam, "chó nhà người ta" thì được yêu mến, dẫn đi dạo tự do, trong khi "chó mình" thì bị hắt hủi, kì thị, xa lánh và bị cấm đoán này kia.
Thực ra, nếu nói về pháp luật hiện nay thì những quy định về việc nuôi thả chó, mèo ở nơi công cộng còn khá nhập nhằng, mơ hồ. Pháp luật hiện tại chưa hoàn toàn rõ ràng bảo vệ quyền lợi cho bên nào. Vậy nên khoan trích dẫn luật ra mà tranh cãi, lúc này là lúc chúng ta cần xử lý mềm mỏng. Các bạn yêu chó mèo hãy hiểu rằng điều sau cùng nhất chúng ta mong muốn chính là một thế giới nhân đạo và văn minh. Tất cả con người dù yêu chó mèo hay không cũng có thể cùng chung sống với nhau, biết cách cư xử, biết giới hạn của mình, và hiểu biết về suy nghĩ tình cảm của những người khác mình. Không ai đạp lên ai, không ai ở trên ai.
Chúng ta nên hiểu rõ không phải ai cũng yêu chó, và không phải ai cũng hiểu về chó. Không phân biệt được chó dữ hay chó lành thì không phải người ta ngu dốt. Mà chỉ là điều đó không nằm trong phạm vi cuộc sống mà người ta quan tâm! Hãy tỉnh táo để đừng là những người xem nếp sống của mình thượng tôn hơn người khác!
Có chăng đã đến lúc dành tất cả tâm sức đó để thực hiện những chiến dịch truyền thông rộng rãi để người dân mình có thể hiểu hơn về chó, các giống chó, kỹ năng cư xử với chó mèo bằng những hình ảnh dễ thương, clip vui nhộn… Truyền thông về chính sự văn minh trong việc nuôi chó mèo của cộng đồng mình. Ví dụ như chúng tôi luôn thu dọn chất thải của chó mèo sạch sẽ, chúng tôi luôn dắt chó đi dạo bằng dây xích, chúng tôi hoàn toàn kiểm soát được thú cưng của mình ở nơi công cộng… Cộng đồng yêu chó mèo hãy xây dựng lại hình ảnh của mình, trở thành những người văn minh không làm phiền hoặc gây ảnh hưởng đến ai, thay vì là "cái bọn manh động đội chó mèo lên bàn thờ" như trong suy nghĩ của đám đông hiện tại.
"Chó nhà người ta" liệu có sướng hơn?
Không thể phủ nhận chuyện ở một số quốc gia khác, chó mèo được hưởng những tiện ích và sự yêu thương, an toàn hơn hẳn nước mình. Ví dụ như ở Nhật, chó được chủ dắt vào trong mall, thoải mái mua sắm ở cửa hàng dành riêng cho thú cưng. Khi chủ đi siêu thị hay vào các cửa hàng nhỏ thì cứ cột chó ở ngoài cửa, chẳng lo bị ai bắt cóc hay làm hại. Ở nhiều quốc gia khác thì chó mèo có hẳn một khu vực riêng gọi là "khu vực không cần dây xích", chó mèo được vào đó chạy nhảy tung tăng, giao lưu chơi đùa với nhau.
Tuy nhiên, ở đâu cũng vậy, quyền lợi luôn đi đôi với trách nhiệm. Đất nước văn minh nào dành ưu ái cho cộng đồng yêu chó mèo, thì cũng áp lên họ nhiều luật lệ đi kèm để đảm bảo công bằng và trật tự xã hội. Họ có hẳn luật đi dạo, bắt buộc tất cả mọi người khi dẫn chó đi dạo phải có dây xích, người dắt chó phải trên 16 tuổi để đảm bảo đủ khả năng kiểm soát được thú cưng của mình và cũng không được dắt quá 4 con một lúc, nếu phát hiện vi phạm thì phạt tiền khá nặng. Ngay cả trong khu vực "không dây xích" cũng có những "con đường chung" mà nếu vào đó thì chó mèo phải ở cách xa ít nhất 15m đối với trẻ em… Nói ra tất cả điều này chỉ để cộng đồng yêu chó mèo hiểu rằng "chó nhà ai" cũng được đặt trong những giới hạn cần thiết. Khi luật pháp chính thức chưa có những điều khoản ràng buộc thì chúng ta hãy tự nhắc nhau về ý thức khi đưa thú cưng ra ngoài chơi, để đảm bảo không làm ảnh hưởng đến ai, và trước tiên hết cũng là bảo vệ cho việc nuôi chó mèo ở Việt Nam không bị lên án hay tệ hơn là bị áp chế những điều khoản cấm đoán vô lý.
Khi dắt chó đi dạo luôn luôn phải có dây xích. Chó quá to, cho dù thuộc giống gì, nếu bạn dắt đi dạo lúc quá đông người thì nên rọ mõm. Sự sợ hãi của người không quen với chó, nhất là trẻ con, là điều rất đáng để thông hiểu!
Còn nếu không muốn rọ mõm, bạn có thể chọn những nơi vắng vẻ hoặc đi dạo lúc đường phố vắng vẻ. Sự thỏa hiệp này không phải là vì bạn làm điều gì sai, bạn lùi một bước để tất cả mọi người cùng nhau sống vui vẻ. Không ai cảm thấy bên kia đe dọa đến cuộc sống và quyền lợi của mình.
Con tôi phải là ưu tiên số một! Chó mèo cút đi chỗ khác!
Cuộc chiến "chó hay người" ở phố đi bộ có sự tham gia tích cực của hội những ông bố bà mẹ. Họ chiến đấu hăng say vì cảm thấy sự an toàn của con mình bị đe dọa. Trẻ con khóc thét lên khi thấy chó to đi dạo tung tăng. Thậm chí có trường hợp còn kể lể con của mình suýt bị tấn công này kia. Các ông bố bà mẹ này hoàn toàn có lý do chính đáng để lo lắng cho con mình. Nhưng cho đến nay họ chỉ gào thét chỉ trích phe kia mà chưa thấy họ hiểu về nghĩa vụ của mình.
Cần phải hiểu rằng chúng ta không thể yêu con rồi úm nó trọn đời. Chúng ta không thể chỉ khư khư tách nó ra khỏi bất cái gì "có vẻ nguy hiểm". Việc quan trọng nhất của cha mẹ chính là dạy cho trẻ con cách để bảo vệ mình, và cách để sống cùng với tất cả mọi thứ cho dù là "có vẻ nguy hiểm!". Chúng ta cũng không thể dắt con đến phố đi bộ rồi "thả rông" chúng ở nơi công cộng, còn việc của mình là ngồi bấm điện thoại hoặc tám chuyện với người khác. Lúc ấy, chưa cần đến chó mèo, có nhiều mối hiểm nguy khác cần phải lo đến hơn đấy!
Và trong đó, kỹ năng ứng xử với chó mèo, cũng như tình yêu thương động vật, chính là điều chúng ta nên dạy cho con trẻ. Thay vì gieo vào đầu chúng chỉ một câu khẩu hiệu "Tránh xa chó mèo ra!". Trẻ con sẽ học được gì từ lời dạy đơn giản mà vô trách nhiệm đó?
Rằng chó mèo là nguy hiểm, nhưng rốt cuộc, bọn trẻ lại không hề có chút kỹ năng gì để đối phó với sự nguy hiểm đó. Và đó là lý do vì sao chúng cứ bỏ chạy khi thấy chó rồi bị rượt cắn, la hét đập tay chân làm cho lũ mèo thêm kích động cào cấu. Mấu chốt không phải là làm cho chó mèo trên hành tinh này biến mất hết, mà chìa khóa giải quyết chính là chỉ dạy cho con trẻ cách hành xử với động vật!
Rằng chó mèo là không đáng để yêu quý, từ đó nảy sinh tâm lý ngược đãi. Kết quả là chúng ta có những video quay lại cảnh ai đó (phần nhiều là teenager) đạp lên chó con cho đến chết, dìm mèo xuống nước, cột chó vào xe rồi chạy đi cho nó tróc da tróc thịt, móc mắt chó con... Chúng ta cần hiểu rõ trẻ con luôn có khuynh hướng bạo lực với động vật, đó là sự tò mò, là bản năng khám phá thế giới. Và khuynh hướng này phát triển thành tội ác hay dần dần mất đi khi lớn lên chính là một phần lớn do giáo dục.
Một số thông tin để bạn có thể hiểu rõ hơn: Từ những năm 1970, nhiều nghiên cứu trên thế giới đã liên tục ghi nhận hành vi ngược đãi động vật khi còn nhỏ là những dấu hiệu đầu tiên của tội ác với con người khi trưởng thành. Trong thực tế, hầu hết tội phạm bạo lực đều có lịch sử hành hạ động vật. Albert deSalvo, hung thủ giết chết 13 phụ nữ, đã từng bắn mũi tên xuyên qua những con chó và mèo anh ta bắt được khi còn nhỏ. Eric Harris và Dylan Klebold, 2 học sinh trung học xả súng điên loạn ở trường Columbine cũng đã từng có quá khứ hành hạ động vật chỉ để mua vui. Trong khi đó, ở hướng ngược lại, tình yêu thương động vật mang đến rất nhiều lợi ích cho con trẻ. Giúp chúng phát triển rất nhiều kỹ năng như nói chuyện, giao tiếp xã hội… Một số nghiên cứu cho thấy chó mèo giúp ích cho quá trình trị liệu trẻ tự kỷ.
Bạn có thể nghĩ rằng những thông tin trên là quá "nâng cao quan điểm"! Nhưng sự thật vẫn là trẻ con nương theo chiếc bóng của người lớn mà trưởng thành. Hãy là những bậc cha mẹ yêu con mà dạy con. Và hãy là những người lớn văn minh, nhân ái để con mình có thể lớn lên trong một thế giới tốt đẹp hơn.