Chuyện thi đại học kinh khủng ở các nước châu Á: Nữ sinh phải uống thuốc "hoãn ngày đèn đỏ" để ôn thi

Bơ, Theo Helino 16:11 07/07/2018

Nền giáo dục tại một số quốc gia Châu Á khác đang bị đánh giá là nặng lý thuyết và thiếu tính ứng dụng thực tế. Đó là lý do khiến chuyện vào được một trường Đại học để “gửi gắm” tương lai trở nên giống một cuộc đua khốc liệt không khác gì Đấu trường Sinh tử.

Hàn Quốc: "Ngủ 5 tiếng mỗi đêm, đừng mong đỗ đại học"

Tại Hàn Quốc, kỳ thi đại học có một cái tên thân mật là Suneung hay CSAT (College Scholastic Ability Test). Kỳ thi này được tổ chức theo cấp quốc gia và có tính chất khá tương tự như SAT (Scholastic Assessment Test) ở Mỹ. Theo đó, các em học sinh sẽ phải hoàn thành 7 môn thi: Quốc ngữ, tiếng Anh, Hóa Học, tiếng Trung cơ bản, Toán học, Khoa học Xã hội và Nghề.

Chuyện thi đại học kinh khủng ở các nước châu Á: Nữ sinh phải uống thuốc hoãn ngày đèn đỏ để ôn thi - Ảnh 1.

Để đạt tới quá trình nộp hồ sơ xét tuyển, các bạn học sinh ở Hàn Quốc đã phải trải qua một quá trình vô cùng gian khổ. Thông thường, họ thức dậy vào 6h. Buổi học chính bắt đầu từ 7h30 đến 17h. Sau đó, mọi người ở lại trường tự học và ăn tối. Cuối tuần, nhiều học sinh phải học tới 5-6 ca. Nhiều lò luyện thi sẵn sàng bỏ qua quy định của Chính phủ, khóa cửa lúc 22h nhưng vẫn tiếp tục dạy học tới tận 2h sáng.

Người Hàn Quốc có quan niệm "tứ lang ngũ lạc". Tức là, nếu ngủ 3 tiếng mỗi đêm, bạn có cơ hội vào trường SKY; ngủ 4 tiếng mỗi đêm, bạn có thể đậu vào những đại học khác; ngủ 5 tiếng mỗi đêm, hãy quên việc vào đại học đi.

Chuyện thi đại học kinh khủng ở các nước châu Á: Nữ sinh phải uống thuốc hoãn ngày đèn đỏ để ôn thi - Ảnh 2.

Nhiều gia đình đứng ngoài địa điểm thi, trao những cái ôm, giương khẩu hiệu, áp phích, cờ hoa đánh trống cổ vũ học sinh.

Nếu theo dõi các bộ phim truyền hình Hàn Quốc, hẳn bạn đã từng nghe thấy top 3 trường Đại học danh giá nhất Hàn Quốc tại thành phố Seoul, thường được gọi là SKY: Đại học Quốc gia Seoul, Đại học Hàn Quốc và Đại học Yonsei. Một khi đã bước chân được vào SKY, các nam sinh, nữ sinh sẽ có cơ hội thăng tiến không chỉ trong sự nghiệp, mà còn ở cả địa vị xã hội lẫn đẳng cấp "cưới xin". Trong bộ phim Những Nàng Công Chúa Nổi Tiếng, nhà chồng của cô em út Jon-Chil đã lấn át hoàn toàn so với nhà của cô nàng này. Lí do bà mẹ chồng đưa ra để "tâng bốc" con trai mình lên rất đơn giản: Con tôi học Luật tại Đại học Quốc Gia Seoul và sẽ thi đỗ làm Thẩm Phán.

Do chịu ảnh hưởng bởi quan điểm địa vị xã hội và đẳng cấp hôn nhân, nên cứ vào thứ Năm đầu tiên của tháng Mười Một, cả đất nước Hàn Quốc đều rục rịch chuẩn bị cho Suneung. Nhiều gia đình đứng ngoài địa điểm thi, trao những cái ôm, giương khẩu hiệu, áp phích, cờ hoa đánh trống cổ vũ học sinh. Một số tổ chức còn trao cho thí sinh lá bùa may mắn được gọi là "Yut" với mong muốn các em sẽ đỗ vào trường mong muốn.

Trung Quốc: Nhiều nữ sinh phải uống thuốc "hoãn ngày đèn đỏ"

Tại đất nước đông dân nhất thế giới này, kỳ thi Đại học được gọi là Cao Khảo. Năm 2018, có tổng cộng 10 triệu thí sinh tham gia Cao Khảo, nhưng chỉ có 2% trong số đó dám "mơ" vào top 38 trường top với cơ hội nghề nghiệp mở rộng.

Theo ghi nhận của trang tin SCMP, có rất nhiều phương pháp dự thi oái oăm đã được áp tại đất nước này vào thời điểm thi Cao Khảo. Điển hình có thể kể tới như: uống thuốc tăng trí nhớ, tiêm thuốc tăng khả năng tập trung,… Thậm chí, còn có những thí sinh nữ, vì lịch thi trùng với kỳ "đèn đỏ", nên đã phải uống thuốc làm chậm chu kỳ gây ảnh hưởng xấu cho sức khỏe sinh sản. Trớ trêu nhất là rất nhiều phụ huynh đặt phòng khách sạn gần trường để con cái nghỉ ngơi giữa các bài thi. Nhiều người còn cầu nguyện bên ngoài phòng thi hay chặn đường quanh điểm thi để hạn chế tiếng ồn.

Chuyện thi đại học kinh khủng ở các nước châu Á: Nữ sinh phải uống thuốc hoãn ngày đèn đỏ để ôn thi - Ảnh 3.

Nhiều bố mẹ đứng đợi con thi Đại học tại cổng các trường Đại học.

Chuyện thi đại học kinh khủng ở các nước châu Á: Nữ sinh phải uống thuốc hoãn ngày đèn đỏ để ôn thi - Ảnh 4.
Chuyện thi đại học kinh khủng ở các nước châu Á: Nữ sinh phải uống thuốc hoãn ngày đèn đỏ để ôn thi - Ảnh 5.

Không khí thi cử tại Trung Quốc cũng được coi là căng thẳng bậc nhất thế giới. Đối với tất cả người dân của Trung Hoa Đại Lục, Cao Khảo là sự kiện quốc gia, ngang tầm với ngày nghỉ lễ nhưng ít vui vẻ hơn rất nhiều. Trong những ngày đầu tháng Sáu, các công trình xây dựng gần điểm thi phải tạm hoãn thi công, giao thông cũng được chuyển hướng để tránh làm phiền thí sinh. Xe cứu thương túc trực bên ngoài phòng trường hợp thí sinh suy sụp do căng thẳng thần kinh, cảnh sát đi tuần tra để giữ cho đường phố yên tĩnh.

Tương tự như ở Hàn Quốc, tại Trung Quốc, hai trường Đại học vô cùng danh tiếng mà bất cứ ai nghe tên cũng phải trầm trồ ngưỡng mộ là Đại học Thanh Hoa và Đại học Bắc Kinh.

Chuyện thi đại học kinh khủng ở các nước châu Á: Nữ sinh phải uống thuốc hoãn ngày đèn đỏ để ôn thi - Ảnh 6.

Đại học Thanh Hoa – mơ ước của rất nhiều học sinh Trung Quốc.

Nếu như Đại học Bắc Kinh được bạn bè thế giới biết đến như là trường đại học số 1 Trung Quốc về các ngành Khoa học Xã hội và Nghệ thuật thì Đại học Thanh Hoa (Tsinghua University) được coi như đại học đứng đầu về Khoa học Tự nhiên, Công nghệ và Kỹ thuật tại đất nước hơn 1,3 tỉ dân này. Danh tiếng và chất lượng giảng dạy tốt luôn đi kèm với rất nhiều áp lực. Trong những năm gần đây, tỉ lệ vào hai ngôi trường này chỉ là 0.05% trên tổng số các thí sinh.

Singapore: Học sinh top đầu học Đại học, học sinh top dưới chỉ được học nghề

Khác với các nước khác, chuyện học đại học của học sinh Singapore sẽ không chỉ phụ thuộc vào kết quả của kỳ thi đại học sau khi tốt nghiệp trung học. Sau khi kết thúc hệ tiểu học với thời lượng 6 năm, học sinh sẽ phải thi một kỳ thi tốt nghiệp tiểu học là PSLE (Primary School Leaving Examination).

Theo quy định của Bộ Giáo dục Singapore, học sinh được phân vào 3 chương trình phù hợp với năng lực, dựa trên kết quả PSLE. Những học sinh nằm trong top đầu sẽ tham gia thi ĐH sau khi tốt nghiệp trung học, trong khi những học sinh ở top dưới thường đi học nghề.

Mặc dù được Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD) đánh giá là hệ thống giáo dục tốt nhất thế giới, nhưng nền sư phạm tại Singapore vẫn còn khá nhiều áp lực. Theo OECD, mỗi tuần 1 học sinh Singapore 15 tuổi dành khoảng 9 tiếng cho bài tập về nhà. Lượng bài tập này đến từ rất nhiều thầy cô trên lớp và cả gia sư riêng của mỗi học sinh.

Chuyện thi đại học kinh khủng ở các nước châu Á: Nữ sinh phải uống thuốc hoãn ngày đèn đỏ để ôn thi - Ảnh 7.

Tuy nhiên, chính phủ nước này đã có phần tiến bộ hơn Hàn Quốc và Trung Quốc khi áp dụng các chính sách giúp học sinh dễ "tải" được kiến thức. Trong những năm gần đây, ngày càng nhiều trường ở Singapore quyết định lùi giờ vào lớp nhằm tạo điều kiện tốt hơn cho học sinh. Ban đầu, sáng kiến này khiến nhiều phụ huynh lo lắng vì thời gian học của con họ sẽ bị cắt giảm. Để trấn an phụ huynh, các trường cam kết bằng việc điều chỉnh lại thời khóa biểu sao cho học sinh và giáo viên vẫn đảm bảo đầy đủ thời gian tương tác trên lớp. Đặc biệt, các em sẽ không phải về muộn hơn.

Singapore cũng là một trong những quốc gia sở hữu tỷ lệ cạnh tranh vào Đại học lớn nhất thế giới. Năm nay, Trường ĐH Quốc gia Singapore nhận được khoảng 28 ngàn hồ sơ dự thi, nhưng trường chỉ tuyển 7 ngàn sinh viên.

Nhật Bản: Gần ¼ học sinh trượt đại học quyết định ôn thi lại

Tại Nhật Bản, kỳ thi Đại học có tên gọi là Senta Shiken (kỳ thi trung tâm) được tổ chức vào khoảng giữa tháng Một dành cho những sinh viên có nguyện vọng thi vào các trường đại học công lập của tỉnh hoặc thị lập của thành phố. Các trường dạy thêm và luyện thi rất phổ biến tại Nhật Bản. Vào cuối cấp trung học, học sinh sẽ bước vào giai đoạn chuẩn bị cho kỳ thi được xem là "địa ngục thi cử" này.

Nhiều trường ĐH tại Nhật Bản còn tổ chức các kỳ thi tuyển sinh riêng để chọn lọc được sinh viên với đầu vào chất lượng. Điều này tạo nên mức độ cạnh tranh vô cùng lớn giữa các thí sinh, vì tại Nhật, nền tảng giáo dục là yếu tố tiên quyết khi muốn xin vào các công ty hàng đầu.

Chuyện thi đại học kinh khủng ở các nước châu Á: Nữ sinh phải uống thuốc hoãn ngày đèn đỏ để ôn thi - Ảnh 8.

Đừng nghĩ rằng chỉ ở Việt Nam mới có nhiều thí sinh quyết định thi lại Đại học để vào được ngôi trường mình thích. Tại Nhật Bản, theo số liệu năm 2011, có đến 110.000 trong số 442.000 học sinh trung học lựa chọn việc ôn thi thêm một năm để theo đuổi ước mơ, hay đơn giản chỉ để thực hiện mong muốn của bố mẹ. Một nghiên cứu năm 2014 chỉ ra rằng 58% học sinh trung học Nhật Bản hàng ngày đến trường trong nỗi sợ trượt Đại học.

Ám ảnh không vào được Đại học cũng ảnh hưởng đến tâm lí của rất nhiều học sinh trung học tại Nhật Bản. Bên cạnh những nguyên nhân như làm việc quá sức, chịu bắt nạt tại trường học, trầm cảm,… cụm từ "trượt đại học" đã khiến rất nhiều học sinh Nhật Bản tự tử.

(Tổng hợp)