Mới đây, Trường Đại học Y Khoa Tân Cương (Trung Quốc) đã đưa ra một thông báo trên trang web chính thức của mình và nhận được sự quan tâm đông đảo của dư luận. Trong thông báo nêu rõ, nhà trường quyết định hủy bỏ việc đăng ký học tập của sinh viên chuyên ngành Y học cổ truyền tên Tống Thành Phượng. Về nguyên nhân, trường nêu rõ, nữ sinh này đã sử dụng danh tính của người khác để tham gia kỳ thi đại học.
Được biết, kể từ năm 2015, nữ sinh này đã mạo danh người khác để tham gia vào kỳ thi đại học. Đến tháng 9/2021, nữ sinh đã trúng tuyển vào chuyên ngành Y học cổ truyền tại Đại học Y Khoa Tân Cương. Như vậy, nữ sinh đã sử dụng danh tính giả để học tập tại đây được hơn 3 năm.
Dựa theo "Quy định quản lý sinh viên của các trường đại học thông thường", sau quyết định tại cuộc họp lần thứ 8 của văn phòng hiệu trưởng Đại học Y Khoa Tân Cương, nữ sinh Tống Thành Phượng đã bị hủy bỏ tư cách sinh viên. Thông báo có hiệu lực từ ngày 28/10 - 3/11/2024. Tuy nhiên, nhiều người để ý không lâu sau đó thông báo này đã bị nhà trường xóa bỏ không lâu sau. Nhiều người cố gắng liên hệ với Đại học Y Khoa Tân Cương để hiểu thêm về vấn đề nhưng mọi thứ vẫn "bặt vô âm tín".
Câu chuyện của nữ sinh này một lần nữa làm dấy lên chủ đề về nạn giả mạo danh tính trong giáo dục đại học tại Trung Quốc. Trước đây đã có nhiều trường hợp tương tự. Một chuyên gia tại Viện Nghiên cứu Giáo dục thế kỷ 21 chia sẻ, bây giờ điều các trường đại học cần làm là kiểm tra quyền lợi thi cử của thí sinh và danh tính thật của họ. Với sự phát triển của công nghệ thông tin và dữ liệu lớn, việc sinh viên mạo danh người khác để vào đại học, hoặc là mạo danh người khác để tham gia kỳ thi, thực tế là rất dễ để kiểm tra.
Chuyên gia này nói thêm, việc sử dụng danh tính của người khác để tham gia kỳ thi đại học rõ ràng là một vi phạm. Một khi sự thật được phanh phui, chắc chắc phải hủy bỏ quyền lợi thi cử trước tiên. Nếu đã được các trường đại học tuyển chọn, thì cũng hủy bỏ tư cách sinh viên luôn. Ngay cả những người đã tốt nghiệp đại học và có bằng cấp, nếu cũng rơi vào trường hợp giả mạo danh tính, cũng sẽ hủy bỏ học vị.
"Đây là yêu cầu cơ bản để tránh việc làm giả mạo và gian lận", chuyên gia nói.
Năm 2020, Trung Quốc đã bổ sung tội mạo danh vào Bộ luật Hình sự. Cụ thể, người vi phạm sẽ bị phạt tù 3 năm, kèm theo các hình phạt bổ sung như phạt tiền, giam giữ hoặc quản chế. Điều này thể hiện sự quyết tâm của chính phủ Trung Quốc trong việc xử lý các hành vi gian lận trong thi cử, đồng bảo vệ quyền lợi hợp pháp của các thí sinh.
Tổng hợp