Cách đây 3 năm, tôi vô tình đến với báo chí. Dù không chuyên, nhưng lỡ "yêu", lỡ "bén duyên" với nghề là vướng vào cái nghiệp phải nghĩ, phải viết, phải đi. Thời gian đầu, tôi viết bài bằng bản năng trước khi được toà soạn đào tạo chuyên nghiệp. Nên dẫu có khó khăn nhất định tôi chỉ biết tự an ủi bản thân, con đường duy nhất để thoát khỏi gian khó là phải đi qua nó. Làm báo, mỗi người có một cách đi riêng, nhưng tất cả con đường đều gắn liền với đam mê. Và cách các phóng viên vượt qua những tháng ngày thăng trầm, chính là giữ vững đam mê với ngòi bút của mình.
Có những người chỉ mới vào nghề 2 năm, 3 năm, nếu lâu hơn là 10 năm, thậm chí con số hàng chục, nhưng những câu chuyện bên lề, chuyện nghề, chuyện đời đều chung một đúc kết: Làm báo luôn luôn là một thách thức, đặc biệt với phụ nữ!
Cách đây 2 tháng, tôi có cơ hội phỏng vấn Liên Liên - nữ phóng viên điều tra "xông xáo" của VTV, người có 13 năm gắn bó với phóng sự điều tra, từng gây ấn tượng mạnh với độc giả qua loạt phóng sự về tình trạng sang chiết gas trái phép ở Bình Dương, thâm nhập điểm đen pha chế xăng dầu trái phép, đường dây mua bán bằng đại học giả ở Hà Nội, chênh lệch giá thuốc bảo hiểm, loạt bài về nhũng nhiễu thủ tục hành chính người dân... Và gần đây nhất là nạn bảo kê chợ Long Biên gây chấn động dư luận.
Đối với chị, trong 13 năm làm nghề có nhiều vụ án ghê gớm hơn, tuy nhiên nạn bảo kê ở chợ đầu mối lớn nhất Hà Nội có những tình tiết mang tính chất tội phạm có tổ chức, nhiều rủi ro và nguy cơ. Các đối tượng rất cảnh giác, ma mãnh, thông thuộc địa hình. Họ đã hoạt động hơn 20 năm nên có đủ mánh khóe để tránh được sự phát hiện, xử lý của cơ quan chức năng. Họ cũng rất thận trọng và dè chừng, các giao dịch cũng không để lộ.
Sau khi loạt bài về vấn nạn chợ đầu mối Long Biên được đăng tải trên khung giờ vàng của VTV, Liên Liên và các cộng sự nhận được 2 tin nhắn từ số điện thoại lạ với nội dung: "Mày dừng lại đi đừng cố tình quay bọn tao nữa cũng chẳng làm gì được đâu. Tao nói một lần duy nhất và nếu mày không nghe lời thì cả nhà mày sẽ phải chết". Lời đe dọa tiếp tục được nhắc lại trong tin nhắn thứ 2. Thời điểm này, vấn nạn tiền bảo kê tại chợ Long Biên đã "ngã ngửa", những cái tên đứng đằng sau lần lượt được chỉ điểm. Tuy nhiên, chưa hề có một quyết định nào từ cơ quan chức năng.
Người ta doạ giết cả nhà Liên Liên, nhưng điều chị quan tâm hơn cả là số phận của hàng trăm tiểu thương tại chợ. Khi chứng kiến họ khóc, họ van xin, chị tự cảm thấy nếu không giúp được họ, chị sẽ rất áy náy.
"Chính tôi chứng kiến toàn bộ sự ranh mãnh của nhóm đối tượng, tôi lại làm việc trong một cơ quan báo chí có uy tín, tại sao những thứ công khai ngang nhiên trước mắt như này tôi lại không làm gì được? Vậy xã hội bất công quá. Biết đâu sau Hưng "Kính" còn có những đối tượng khác, nhóm khác. Chúng ta không thể khẳng định 100% không có sóng ngầm ở đâu đó tại chợ Long Biên. Biết đâu có những tiểu thương chưa lên tiếng. Chắc chắn, nhóm phóng viên chúng tôi sẽ làm đến cùng, bằng một hình thức khác để hoàn thành nốt sứ mệnh mà bà con tiểu thương kỳ vọng. Sau cùng, để họ có niềm tin, rằng hãy sẵn sàng đấu tranh với cái xấu mà không sợ hãi hay e ngại.
Và, sau nhiều tháng ngày đợi chờ, vấn nạn bảo kê chợ Long Biên đã chính thức bị khởi tố, các đối tượng lần lượt tra tay vào còng. Những kẻ lâu nay cho rằng không ai có thể đụng tới "thế lực ngầm" ở chợ đã bị dập tắt.
"Thông thường, con người chỉ thích sống yên bình, tránh va chạm, không gây mâu thuẫn với ai, đó cũng là mong muốn chính đáng, nhưng nếu xã hội mà ai cũng vậy thì còn ai sẽ bên cạnh những người yếu thế. Tôi may mắn vì có những người đồng hành cùng đam mê, cùng chí hướng với mình. Thực sự, đến hôm nay tôi phải cảm ơn họ, cảm ơn họ vì chính họ cũng đang tiếp thêm sức mạnh cho tôi trong cuộc chiến khó khăn này. Phải thức trắng triền miên trong nhiều đêm liền để mong tìm ra được lẽ phải, chưa kể nguy hiểm luôn rình rập, không phải ai cũng đủ dũng cảm, sức lực mà theo đuổi nó. Chỉ có thể là đam mê. Cuộc đời có những thứ chúng ta yêu mà không bao giờ phải lo bị phản bội".
Loạt tin nhắn dọa giết cả nhà gửi tới điện thoại của chị.
Đồng hành cùng phóng viên Liên Liên tìm lại ánh sáng ở chợ đầu mối Long Biên là nữ nhà báo Thu Trang (Báo Phụ nữ TP.HCM), người được tạp chí Forbes Việt Nam vinh danh trong top 50 phụ nữ có ảnh hưởng nhất Việt Nam năm 2019. Chị là nhà báo duy nhất trong danh sách ấy.
Phóng sự điều tra vốn là định hướng nghề nghiệp không nhiều phóng viên lựa chọn, ít nhiều vì những khó khăn, hiểm nguy luôn rình rập bất cứ lúc nào. Theo nghiệp điều tra, chẳng khác nào đang đánh cược tính mạng của mình mỗi ngày. Mỗi lần có thể phanh phui được một khuất tất, đồng nghĩa với việc giúp được một số người nào đó, chị mới cảm thấy mình đáng sống. Lâu dần, nó như một lời hứa của chị, với nghề, với những phận đời nhỏ bé.
Từ lời hứa đó, hàng loạt phóng sự điều tra của chị xuất hiện trên các mặt báo, tạo niềm tin nơi công chúng về những sự thật trần trụi lấp liếm bị phơi bày, điển hình như: Sự thật nhận nuôi trẻ mồ côi ở chùa Bồ Đề (Long Biên, Hà Nội); Cò công chức cho giáo viên ở Sóc Sơn (Hà Nội), Thâm nhập lò gạch "thổ phỉ" ở Hà Nội,... Và đằng sau những phóng sự này, là những tin nhắn doạ giết, những cuộc gọi nặc danh. Tương tự phóng viên Liên Liên, sau khi phanh phui vấn nạn bảo kê chợ Long Biên, nhà báo Thu Trang nhận sự đe doạ từ thế lực giấu mặt: "Nếu mày không nghe lời thì cả nhà mày sẽ chết vì mày".
Thoáng chốc, chị đã nghĩ, "Tôi ước ngay lúc đó tôi có thể chết ngay được để giải thoát khỏi nỗi sợ phải chịu đựng cảnh người thân khổ vì mình. Tôi đã làm tất cả để sống cho tử tế. Cái tôi mưu cầu chỉ là sự thanh thản trong lòng. Thất bại hay thành công là cái gì, không còn quan trọng nữa".
Gần 20 năm trong nghề, khi được hỏi tại sao lại thích chọn những vấn đề gai góc, tiêu cực, chị chỉ cười. Những gương người tốt, việc tốt vẫn còn rất nhiều và hãy coi đó là chuyện bình thường trong xã hội, để họ được tiếp tục làm việc thiện. Sợ nhất khi cái tiêu cực, cái xấu lại được coi là chuyện bình thường.
"Đã làm nghề báo, không có lựa chọn, nhiều khi thực hiện những đề tài bình thường, chưa lần lấn sân sang phóng sự điều tra, cũng có thể xảy ra tai nạn. Nếu lúc nào cũng nghĩ tới sự an toàn bản thân và gia đình mà không dám thể hiện chính kiến, không làm nghề đàng hoàng thì không còn là mình nữa. Tôi cũng không muốn bố mẹ, con cái nhìn mình như một kẻ hèn nhát.
Nhiều người bảo tôi điên. Tôi lại nghĩ đơn giản là được làm những gì mình thích, sống ngay thẳng như vốn con người của mình. Trong một đề tài điều tra, tôi chỉ quan tâm tới ba điều: Nhân vật, tác phẩm và thông điệp chứ không hề nghĩ tới những mục tiêu to tát như "đấu tranh tiêu cực làm trong sạch xã hội. Tất cả đều là những thứ xa xôi!".
Phóng viên Nguyễn Ngân (Ban Thời sự, Đài truyền hình Việt Nam) - cô gái nhỏ nhắn, dịu dàng là dân thời sự chính hiệu! Chị luôn chọn những đề tài mà ít đồng nghiệp khác quan tâm, vì quan điểm của chị rất rõ ràng: làm báo không vì tiền, không vụ lợi mà phải luôn hướng đến người dân, hướng đến đời sống xã hội, vì thông tin, vì độc giả.
Chị có cơ duyên với "điểm nóng" mưa lũ, sạt lở. Cứ nhắc đến cái tên Nguyễn Ngân, người ta lại nhớ tới chị với hình ảnh những đợt bão lũ. Một bản làng biến mất chỉ sau một đêm mưa, hàng trăm gia đình phải sống trong cảnh màn trời chiếu đất, đau xót hơn là những thiệt hại về người. Đó là những khoảng thời gian ám ảnh khó quên về số phận bất hạnh khi đương đầu với thiên tai. Chắc chắn những hình ảnh này sẽ theo chị trong một thời gian dài.
Gần đây nhất, Nguyễn Ngân gây ấn tượng với độc giả qua phóng sự thâm nhập đường dây mang thai hộ hết sức tinh vi. Khi quyết định thực hiện vệt đề tài này, chị xác định không có nhiều hy vọng vì thực tế khó tiếp cận. Chị bắt đầu chuỗi hành trình "rong ruổi" của mình từ những nhóm kín môi giới - nơi các hoạt động mua bán diễn ra nhộn nhịp như đời thực, đến biên giới Việt - Trung ngay trước mắt mình.
Khi nhập vai và trở thành một phần trong những phụ nữ mang thai hộ, chị biết mọi người đến con đường này đều vì kinh tế: nợ nần, vợ chồng ly hôn, bố mẹ ốm, con ốm… Việc thuyết phục các nhân vật đồng ý trả lời phỏng vấn cũng là một thử thách rất lớn. Sau nhiều nỗ lực, họ đã chia sẻ, giãi bày tất cả điều sâu kín, trăn trở khi phải đứng trước lựa chọn cuộc đời.
Nguyễn Ngân thú nhận, dù làm phóng sự điều tra cũng nhiều nhưng chị không phải người gai góc, sắc sảo: "Tôi muốn có được sự thấu hiểu từng nhân vật trong phóng sự, dù họ có là ai thì mình cũng không làm tổn thương họ. Vì thế phải vô cùng thận trọng!".
Sau khi phóng sự đầu tiên trong vệt đề tài mang thai hộ được phát sóng, tất cả thông tin cá nhân, hình ảnh, số điện thoại của Nguyễn Ngân đã bị các đối tượng môi giới lùng sục và đưa lên các nhóm kín. Buổi sáng đầu tiên, chị nhận không biết bao nhiêu tin nhắn, điện thoại với những lời lẽ đe dọa.
Nhưng chị không sợ! Bằng bản năng và kinh nghiệm của một phóng viên điều tra, chị hiểu sự việc này có thể sẽ bị lắng xuống một thời gian nữa, nhưng hành trình này vẫn còn dài, 3 tháng qua có lẽ chỉ mới là điểm khởi đầu cho loạt phóng sự điều tra sắp tới.
4/4/2017, đó là ngày xuất bản bài phóng sự "Gánh Lô tô ngoài đời thực và những số kiếp "pê đê" khắc khổ, đau đớn đằng sau ánh đèn sân khấu" của hai người bạn đồng nghiệp. Phải mất một ngày trời cùng hai chú xe ôm "quần thảo" khu vực cửa khẩu Bình Hiệp (Thị xã Kiến Tường, Long An) để tìm tung tích đoàn lô tô này, cuối cùng chị và anh ấy mới gặp được đoàn lô tô ở ấp 3, xã Tân Lập.
Mỗi đoàn lô tô chỉ đỗ bến tầm 10 ngày trở lại rồi họ lại khăn gói đi tìm bến mới. Khi nhóm chị đến, đoàn thông báo chỉ còn 3 đêm cuối cùng ở Tân Lập, sau đó mọi người sẽ chuyển lên thị xã vì một tuần qua rất ế khách. Ngày 1, ngày 2, chị theo chân những cô đào hát chuyển giới từ sáng đến tối để ghi nhận cảnh sinh hoạt, ăn uống, nghỉ ngơi và những phút vô tư của mọi người bên dưới sân khấu lợp tôn tạm bợ. Điều mà chị và người bạn đi cùng mong đợi nhất là đêm diễn của họ, là một hội chợ sáng đèn tấp nập khách ra vào. Nhưng rồi 3 đêm liền mưa tầm tã, những cô đào hát co ro dưới mỗi vách phòng dột nát của mình, họ lau lớp phấn son vừa trét lên mặt và thở dài vì những tưởng được lên diễn mà trời lại nghiệt ngã làm mưa không dứt. Những lời tâm sự chua xót và cảnh mọi người vượt qua khó khăn cùng nhau ấy, chị quay lại hết.
Đêm cuối cùng bên đoàn, ai cũng mệt mỏi và buồn bã, họ thu dọn đồ đạc và gỡ bỏ sân khấu để chuyển bến mới. Hai anh chị đành chào tạm biệt để về vì sợ ở lại làm phiền mọi người, hơn nữa cũng đã chẳng còn chỗ ngủ.
Chưa đến 10 giờ đêm nhưng ở con ấp đìu hiu ấy không có lấy một chiếc taxi hay xe khách nào có lộ trình về thành phố. Chị và anh ra quốc lộ 62 dùng điện thoại soi đèn để bắt xe, hy vọng có bác tài tốt bụng đang về Tân An hoặc Sài Gòn có thể dừng lại cho 2 "trẻ em cơ nhỡ" đi nhờ. Nhưng đáp lại sự mong mỏi của họ chỉ là những chuyến xe khách biển Campuchia vút qua như gió, chở hàng chục khách hướng ra biên giới đánh bạc.
Vừa đi bộ dọc quốc lộ vừa bắt xe nhưng không thành, đường thì hai bên vắng vẻ, một bên rừng một bên sông, có những đoạn không có đèn, không có xe, tất cả tối om, họ vác balo máy móc nặng trịch lội bộ theo ánh đèn le lói từ chiếc điện thoại của mình. Đến khi mệt đừ, nhớ lại chuyện năm ngoái cũng có một xác người bị đốt phi tang ở ấp 4 xã Tân Lập, chị bật 3G điện thoại, gửi vị trí hiện tại của mình cho tôi và bảo: "Nếu tí nữa không liên lạc với tụi chị thì đưa tọa độ này cho cảnh sát nha. Đề phòng thôi chứ hổng có gì hết!". Tôi ở nhà đọc dòng tin đó, sợ xanh mặt.
Sau này, chị mới tâm sự thêm với tôi về lời nhắn nhủ mà chị nói với anh bạn đồng nghiệp đi cùng.
- Lúc đó chị sợ bị cướp, bị giết, rồi chị liệu tình huống đó có xảy ra thì chị sẽ la làng lên "Ê cướp muốn lấy tiền lấy máy gì thì lấy hết đi nhưng phải để lại cái thẻ nhớ cho tui". Trời ơi bao nhiêu hình, cảnh quay, các đoạn phỏng vấn đắt giá nhiều ngày qua, mất sao được. Chị còn nghĩ nếu ai lao ra giết mình thì phải nuốt thẻ nhớ cái đã để sau này ai tìm được mình thì cũng còn cái thẻ, còn tư liệu....
Những ngày cuối tháng 7, mực nước sông Bùi dâng cao vô tình biến cả huyện Chương Mỹ, Hà Nội như một ốc đảo giữa mênh mông sông nước. Cứ vào dịp này, phóng viên lại đổ về, sống và cảm nhận những tháng ngày lênh đênh cùng bà con nơi đây. Bản thân tôi đi đi về về ở khu vực này không dưới 10 lần. Và có một lần duy nhất, tôi đã suýt bỏ mạng cho hà bá.
Đó là ngày tôi tác nghiệp tại đường tỉnh lộ 421 B, thuộc xã Cấn Hữu, huyện Quốc Oai, Hà Nội. Đoạn đường bị ngập chừng 70cm, lực lượng chức năng đã dựng biển để cảnh báo các phương tiện không được phép đi vào. Lượng người đổ về "bãi biển lộ thiên" rất đông. Nhưng họ không lường trước được, bên kia dải phân cách là cánh đồng lúa với mực nước khá sâu so với trên mặt đường.
Trong lúc tác nghiệp, tôi bất cẩn trượt chân ngã ra phần vìa bên kia dải phân cách. Mực nước rất sâu như tôi dự đoán, chân gần như không thể chạm thấy phần đáy. Trên người tôi lúc này có máy ảnh, laptop, thiết bị khá nặng. Cơ thể tôi cứ thế chìm dần, thậm chí một tiếng kêu cứu cũng không kịp phát ra.
Con đường Cấn Hữu nước ngập không còn thấy lối đi.
Cảm giác khó thở, nước "tấn công" vào toàn bộ các bộ phận. Cánh tay duy nhất đang cầm máy ảnh, cố giữ thẳng đứng để không bị ướt, cũng đành bất lực thả trôi tự do. Tôi hoàn toàn bất lực, chới với, gần như chỉ đón chờ cái chết ập đến. Tôi không thể thở được nữa, rồi chìm hẳn.
Đúng lúc ấy, có một bàn tay xuất hiện, chạm vào người rồi đẩy tôi từ dưới lên. Phía trên bờ, đồng nghiệp đứng đợi sẵn "vớt" tôi lên. Tôi cố thở, thở tràn lồng ngực như chưa từng được cảm nhận không khí trong trẻo đến thế. Mọi người trên bờ đều hốt hoảng. Họ vội đưa tôi vào quán nước ven đường, trấn an tinh thần rồi giúp hong khô quần áo.
Thứ tôi quan tâm nhất lúc này là chiếc thẻ nhớ bên trong máy ảnh gần như "chết". Tôi vội vàng đưa thẻ ra, cắm vào máy đồng nghiệp, một luồng điện xẹt ngang tay. Tôi đoán chắc thẻ đã bị nhiễm nước, có khả năng toàn bộ dữ liệu hôm đó sẽ bị hỏng. Thật may, bài viết đã có thể lên trang đúng hạn nhờ sự giúp đỡ của đồng nghiệp đi cùng. Sau khi đưa tôi về nhà an toàn, anh nói một câu mà có lẽ, sẽ chẳng bao giờ tôi quên: "Cuộc đời là những khoảnh khắc và trải nghiệm mà... Mừng cô một ngày thoát chết!".
Và sự nguy hiểm luôn tiềm ẩn đằng sau những "bể bơi lộ thiên" này.
Trong loạt bài viết về nhân vật của WeChoice Awards 2018, tôi được giao nhiệm vụ thực hiện phóng sự về kiến trúc sư Phạm Đình Quý. Anh Quý đã dành 5 năm đi xây 105 điểm trường vùng cao, với niềm đau đáu: cứ thấy lũ nhỏ khổ, anh lại tiếp tục cố gắng lên đường. Với tính chất công việc linh hoạt, anh Quý không có nơi "cư trú" ổn định. Hôm nay anh ở Hà Giang, ngày mai có thể là Yên Bái, Lào Cai, Thanh Hoá, hoặc Sơn La.
Tôi hẹn anh 2 ngày cuối tuần ở Nậm Luông (Lũng Hồ, Yên Minh) - một bản nghèo nằm lọt thỏm giữa 4 bề đồi núi hoang vu của tỉnh Hà Giang. Anh chỉ dặn, sau khi đến Yên Minh, hãy liên lạc với số điện thoại anh đưa sẵn, người ta sẽ đưa chúng tôi vào tận bản.
Đúng như lịch trình, một thầy giáo của điểm trường Nậm Luông đợi chúng tôi ở ngã 3 Yên Minh. Con đường đèo dốc chênh vênh dẫn vào bản vỏn vẹn 7km nhưng chúng tôi đi mất gần 3 tiếng đồng hồ. Bình thường, thầy giáo chỉ cần khoảng 40 phút cho hành trình đó. Thầy dẫn đường, nhóm chúng tôi theo sau. Đến đoạn đường dốc dựng ngược hay bùn đất lênh láng, thầy đi chậm lại nhắc nhở. Chúng tôi ngã xe trên dưới 10 lần. Chưa bao giờ, có một con đường đến trường gian nan hơn như thế.
Con đường dẫn vào Nậm Luông. Đây chỉ là điểm khởi đầu, sự khó khăn chồng chất còn ở đằng sau.
Đi được nửa chặng, bụng của tôi bắt đầu "dở chứng", tiền sử đau dạ dày lại tái phát. Giữa núi đồi hoang vu, tôi gần như chết lặng, xin dừng xe, nằm lăn lóc bên cánh đồng. Nghỉ chừng 30 phút, tôi bắt buộc tiếp tục hành trình, nếu không, trời sẽ tối rất nhanh. Tôi cắn răng, chịu đựng từng cơn đau hành hạ. Khi vào bản, gần như mặt tôi tái mét không một giọt máu.
Nậm Luông phải nói là một bản vùng cao nghèo nhất tôi từng đặt chân tới. Khung cảnh kỳ vĩ của thiên nhiên không che đậy nổi sự khốn khổ cùng cực nơi đây: không điện, không nước, không sóng điện thoại. Lũ trẻ chân trần, không một manh áo, nguyên sơ nguyên thuỷ như cỏ cây hoa lá. Cứ 10 đứa thì phải đến 9 đứa ôm cái bụng ễnh lên vì đói. Người lớn quanh năm chỉ biết đến ngô, khoai, sắn. Họ không cần tiền, vì có tiền cũng chẳng biết để làm gì.
2 ngày ở Nậm Luông, chúng tôi tác nghiệp trong điều kiện khó khăn. Một phần vì điều kiện, cơ sở vật chất, mặt khác người dân thường rất e dè trước những "kẻ lạ mặt". Nhờ anh Quý, chúng tôi đi sâu vào từng hoàn cảnh gia đình, lắng nghe và hoà vào cuộc sống giản dị hàng ngày của họ. Dân thương, dân quý, họ không còn nghi hoặc như lúc ban đầu, thoải mái kể cho chúng tôi nghe tất cả về cuộc sống sâu bên trong bản Nậm Luông nghèo đói.
Trước khi rời Nậm Luông, chúng tôi nhìn thấy một ánh mặt trời tươi mới nơi đây. Một ngôi trường xinh đẹp đã hiện diện giữa bản nghèo. Đoàn giáo viên từ xa cuốc bộ vào trường, trên vai họ nào những chăn ấm, sách vở, quần áo mới. Bà con dân bản cùng con em kéo đến đứng chật sân. Điểm trường khánh thành trong niềm vui hân hoan, phấn khởi. Vậy là, ánh sáng mới rực rỡ bắt đầu ló rạng ở Nậm Luông, là niềm tin và sự hy vọng mà người thợ cả gửi trao nơi buôn bản xa xôi này. Ngày hôm ấy, dân bản Nậm Luông vui lắm. Ai cũng bảo sao được tặng đồ nhiều thế anh Quý?
Tôi nhớ mãi câu trả lời của anh: "Bởi cho đi là thứ dễ làm nhất của cuộc đời này mà".
Nếu đã chọn làm phóng viên, bạn không có quyền "làm chủ" thời gian biểu của mình. 24h/7 - bất cứ khoảnh khắc nào đều phải sẵn sàng tâm lý "ra đường", kể cả nửa đêm hay trời mưa lớn. Kỷ niệm "hãi hùng" nhất với tôi, là khi nhóm phóng viên cùng tác nghiệp giữa nghĩa trang thai nhi Sóc Sơn 12 giờ đêm.
Từ một bài phóng sự ngắn về những túi rác bí ẩn bị vứt ra từ phòng khám thai nhi ở Hà Nội, chúng tôi tìm gặp được một thanh niên, gọi tắt là A., tình nguyện viên trẻ tuổi thường đi thu nhặt thai nhi bỏ rơi mang về khâm liệm và chôn cất.
Theo chân A., chúng tôi tìm về nghĩa trang nơi chôn cất các thai nhi xấu số, con đường gian nan và khúc khuỷu, cách trung tâm Hà Nội 30km. Đặt chân xuống mảnh đất nơi những em bé xấu số nằm lại, khi đó là 12 giờ đêm, xung quanh tối mịt không hề có bất cứ một ánh đèn nào ngoài chiếc đèn pin. Những nấm mồ nhỏ bé nằm cạnh nhau, không khí cô liêu và lạnh lẽo nơi đây hay chính số phận của những hài nhi chưa kịp làm người.
Nghĩa trang nằm ngay tại huyện Sóc Sơn, TP.Hà Nội, là mái nhà nhỏ từ 10 năm nay của những sinh linh bé bỏng. Sau khi được thu nhặt từ những phòng khám, cơ sở y tế,... các em được tắm rửa, khâm liệm và đặt trong tủ lạnh trong ngôi nhà ngay giữa nghĩa trang. Từng căn mộ nhỏ nằm san sát nhau chạy dọc, trên bia đều ghi tên, ngày mất của các bé. Có mộ chứa đến 10.000 sinh linh, đặc biệt, ngôi mộ lớn dưới chân bức tượng chính chứa đến 30.000 hài nhi.
Đêm hôm đó, sau khi xem từng ngôi mộ nhỏ, chúng tôi xin ngủ nhờ ngôi nhà bên cạnh nghĩa trang. Thời gian trôi chậm, tiếng mưa rơi bên ngoài rả rích đến nao lòng, chưa có giấc ngủ nào đối với chúng tôi, lại lưng chừng và gián đoạn đến thế. Mọi sự sợ hãi tan biến, nhường lại niềm thương dành cho những sinh linh bé bỏng - kiếp người nhưng không được là người!
Chúng tôi đã mất rất nhiều thời gian điều tra vấn nạn phá thai tại các phòng khám tư: theo dõi, canh chừng các phòng khám, theo chân nhân vật, tiếp xúc với những cô gái trẻ phá thai, thức trắng đêm tại toà soạn,... để mong tuyến bài kịp xuất bản như thời hạn đã định. Thật may, sự đón nhận và quan tâm của dư luận chính là động lực để chúng tôi không ngại khó, ngại khổ, sẵn sàng viết tiếp những câu chuyện tiếp theo.
Mẹ từng bảo, nghề phóng viên không phải dành cho tôi. Con gái không nhất thiết phải hì hục, suốt ngày cắm mặt ngoài đường, lam lũ cực nhọc như thế. Bà từng nhiều lần gắt gỏng, "Không làm nữa, về nhà mẹ nuôi!". Tuy nhiên, với nghề này, lại không hề phân biệt nam - nữ. Bất cứ ai, một khi đã dấn thân vào con đường báo chí, đều sẵn sàng thức khuya, chịu khó, chịu khổ, chỉ mong đưa thông tin chính xác nhất tới độc giả.
Đằng sau những bài viết chỉn chu, chất lượng là hàng trăm, hàng ngàn câu chuyện tác nghiệp gian nan, khó khăn mà trong giới hạn một bài viết, chúng tôi chưa thể kể hết. Đương nhiên, nghề nào cũng sẽ có sự đánh đổi ít nhiều. Với phóng viên, bạn sẽ học được nhiều hơn là mất.
Là khi bạn cảm nhận được, điều hấp dẫn mà nghề báo mang lại, bên cạnh những khó khăn, chính là những giá trị thông tin sau mỗi tác phẩm mà mình phản ánh. Với chúng tôi, đó là niềm hạnh phúc mà không phải nghề nào cũng mang lại.