Từ 3 năm nay, người dân khắp con hẻm đường Lạc Long Quân (quận 11, TP.HCM) đã quen thuộc với hình ảnh một người đàn ông lớn tuổi, cầm xấp vé số rong ruổi khắp Sài Gòn. Lúc thì mặc bộ đồ thần tài đỏ chói, lúc thì quần áo đóng thùng chỉnh tề. Đặc biệt, trên xe lúc nào cũng treo tấm bảng "vé số thần tài", "bán vé số để giúp người nghèo".
Ông "thần tài" đi bán vé số ở Sài Gòn để giúp đỡ người nghèo.
Mấy bữa nay Sài Gòn nắng dữ thần, trời nắng như đổ lửa như kiểu muốn "thiêu đốt" tất cả mọi thứ xuất hiện trên đường. Ở một góc nhỏ trên đường Lạc Long Quân, người đàn ông lớn tuổi bỗng thu hút ánh nhìn của mọi người trong trang phục quần áo thần tài kèm theo đó là giọng nói oang oang, đầy hào sảng: "Vé số đây, vé số thần tài may mắn đây bà con ơi".
Chú là Đoàn Văn Thái, năm nay ngót nghét đã tròn 67 tuổi, 3 năm qua, những tờ giấy lộn đủ màu sắc đã trở thành người bạn đồng hành không thể thiếu của chú ở khắp mọi nẻo đường. Nhưng lạ nỗi, chú bán vé số để kiếm tiền lời đi làm từ thiện.
Chú Thái chia sẻ về việc bén duyên với nghề bán vé số, chủ yếu muốn kiếm chút tiền lời để san sẻ cho bà con nghèo ở xung quanh khu vực.
Đưa tay lau mồ hôi nhễ nhại trên mặt rồi hớp vội ngụm nước trà, chú Thái khoan khoái, miệng lẩm bẩm nhìn về tấm bảng "vé số thần tài" được treo chễm chệ trước chiếc xe máy cũ. Chẳng biết từ khi nào, chú coi nó là bạn tri kỉ, mang may mắn đến cho mọi người, mà trước hết là với những người mà chú có cơ duyên để gặp và giúp đỡ.
"Tui bán lấy tiền lời đi giúp người nghèo, nhiều người nhìn tấm bảng tưởng tui giả lòng, có suy nghĩ xấu, nói này nói nọ nhưng tui không bận lòng. Mình không giàu có nhưng giúp được gì cho ai thì giúp, đợi giàu biết đến khi nào", chú Thái tâm sự.
Những tờ vé số "may mắn", đó là cách chú Thái gọi và cũng hi vọng bản thân sẽ làm điều gì ý nghĩa để giúp đỡ mọi người.
Mỗi ngày, chú Thái phải chạy xe máy cũ đi rong ruổi dọc các con đường, khu đông công nhân, xóm trọ ở quận 11 để bán vé số. Bất kể trời nắng hay mưa, hình ảnh một ông già lớn tuổi, râu tóc đã ngả màu, dáng người nhanh nhẹn, lâu lâu lại xuất hiện trong trang phục thần tài đã trở nên quen thuộc với người dân.
Nói đến bộ đồ may mắn của mình, chú Thái cho biết theo quan niệm của người Hoa, vào những ngày Thần tài, nhiều người xem đó là ngày may mắn nên mua vé số để cầu may. Chú Thái cũng chỉ mặc duy nhất mỗi tháng một lần vào ngày mùng 10 âm lịch, còn những ngày khác chú đều mặc áo sơ-mi đóng thùng, giày tây gọn gàng sạch sẽ. Bởi theo chú Thái, bán vé số vẫn là một công việc đàng hoàng, lao động bằng sức lực chứ không phải xin xỏ của ai để phải xuất hiện nghèo khổ, luộm thuộm.
Trang phục "thần tài" được chú Thái mặc đúng vào ngày 10 âm lịch mỗi tháng, những ngày còn lại chú đều ăn mặc lịch sự, chỉnh tề để đi bán vé số.
"Có người nói tui việc nhà không xong mà bày đặt đi giúp người nghèo"
Ngồi trong căn nhà ọp ẹp, chú Thái cho biết dù hoàn cảnh của 2 vợ chồng chú không mấy khá giả nhưng vẫn may mắn là trời thương, có đủ sức khỏe.
8 năm trước, người con gái duy nhất của chú và vợ là cô Võ Thị Hoa Cúc (62 tuổi) đột ngột qua đời vì bệnh hiểm nghèo, căn nhà cũng trở nên vắng lặng hơn.
Cô Cúc sửa lại quần áo cho chú Thái, căn nhà nhỏ chỉ còn 2 vợ chồng sinh sống sau khi đứa con gái qua đời vì bạo bệnh.
Sau khi về hưu, cuộc sống của 2 vợ chồng già chỉ quanh quẩn trong mấy mét vuông, phần vì muốn ra ngoài cho khuây khỏa, phần thấy ở xung quanh còn có nhiều người gặp phải hoàn cảnh khó khăn nên chú Thái bàn với vợ để đi bán vé số.
"Lúc đầu tui cứ tưởng bả không đồng ý vì lớn tuổi rồi, nhà cũng không đến nỗi khó khăn để phải đi làm cực khổ. Nhưng nghĩ rằng mình còn sức khỏe, giúp được cái gì cho người ta thì giúp, đâu phải chỉ sống cho bản thân mình. Ban đầu tui bán có 100 tờ thôi, dần dần lên 200-300 tờ, tiền lời đó dành để chia sẻ cho người nghèo, mình lại vui vẻ, đến khi nào không còn đi nổi nữa mới thôi", chú Thái cười vui vẻ nói.
Dù công việc bán vé số gặp lúc khó khăn nhưng chú Thái vẫn luôn lạc quan, còn sức khỏe là còn tiếp tục công việc.
Ngồi cạnh bên chú Thái, cô Cúc tỉ mỉ sửa lại trang phục cho chồng, nhiều lúc thấy chồng mệt, đi nắng mưa vất vả, cô tính khuyên ở nhà nghỉ ngơi. Nhưng rồi: "Có hôm ổng về nhà, hồ hởi khoe nay đã giúp thêm được cho con bé kia mấy triệu đồng để chữa bệnh, cô cũng hạnh phúc thay, cứ động viên ổng tiếp tục. Sống đến từng tuổi này rồi, thoải mái, vui vẻ mới là điều quan trọng nhất", cô Cúc nói.
Dù công việc vất vả đến đâu, chú Thái không ngại, có điều sự hiểu lầm, không tin tưởng của người khác đôi lúc khiến chú nặng lòng. "Tui treo cái bảng này đi bán vé số, người ta nghĩ tui giả lòng, có người còn bảo việc nhà lo không xong mà bày đặt đi giúp người nghèo. Lúc đầu thì cũng buồn lắm, vì người ta hiểu sai, có suy nghĩ xấu, giờ không bận tâm nữa bởi mình làm đúng thì chẳng sợ điều gì cả", chú Thái nhìn về phía vợ, nói tiếp.
Tấm bảng "bán vé số để giúp người nghèo" của chú Thái đã quá quen thuộc với người dân ở phường 5, quận 11.
"Mình có ít giúp ít, có nhiều giúp nhiều. Đi bán như này, trừ tiền vốn đi còn lại để đó mà thấy ai khó khăn hơn mình thì chia sẻ. Nói thật đôi lúc ngặt nghèo, tui cũng phải trích tiền lời ra để lo cho gia đình một khoản, chứ không hẳn là 100% dành hết cho mọi người".
Có lẽ khi đã đi hết 2/3 cuộc đời, vợ chồng chú Thái chỉ mong muốn những ngày tháng còn lại được sống thoải mái, hạnh phúc. Mỗi lần giúp đỡ thêm được một người, được nhìn thấy nụ cười rưng rưng thay cho lời cảm ơn cũng đủ khiến chú Thái ấm lòng.
Có thể một vài năm nữa, thậm chí đôi ba tháng tiếp theo, chú Thái sẽ phải gác lại công việc bán vé số của mình khi sức khỏe không còn cho phép. Nhưng với tất cả mọi người, cái ông già già, tóc đã ngả màu, quần áo chỉnh tề, đôi lúc xuất hiện trong trang phục thần tài tay cầm xấp vé số, rong ruổi khắp mọi nẻo đường trên chiếc xe máy cũ vẫn còn đọng lại. Là tấm bảng vé số nghĩa tình của một Sài Gòn nồng hậu, bao dung!