Trong bảng xếp hạng của các nhiều trang mạng lớn trên thế giới như Bleacher Report, Top Ten, Grapevine, việc các quốc gia "sừng sỏ" như Brazil, Bồ Đào Nha, Anh, Đức,...lọt vào top các nước yêu bóng đá nhất là điều không mấy ngạc nhiên. Tuy vậy, đâu đó trên thế giới vẫn còn những quốc gia luôn dành tình cảm rất lớn lao cho môn thể thao vua này, mặc dù chỉ là một đất nước châu Á chưa từng được tranh đấu tại đấu trường quốc tế.
Điển hình trong số đó phải kể tới Việt Nam, với minh chứng là trận đấu nghẹt thở trên "sân băng" Thường Châu 7 tháng trước, hay trận thắng lịch sử ngày hôm kia (27/8) trước Syria, đưa đội tuyển nước nhà đi thẳng vào vòng bán kết ASIAD 2018. Cách mà các "dòng máu lạc hồng", "con rồng cháu tiên" ăn mừng chiến thắng cũng đã thể hiện phần nào tình yêu bóng đá của nước ta - luôn âm ỉ để chờ đến ngày bùng lên thật mãnh liệt.
"Đi bão" - hình thức ăn mừng phổ biến nhất trên dải đất hình chữ S.
Không riêng gì Việt Nam, trên thế giới vẫn có vô vàn các quốc gia với niềm đam mê trái bóng tròn thực sự. Tuy chưa được biết đến rộng rãi, nhưng ai dám nói bóng đá chỉ dành cho các cường quốc, khi chưa từng một lần được hòa vào với không khí của những người hâm mộ ở các quốc gia dưới đây cơ chứ?
Những ngày trái bóng tròn lăn trên sân cỏ của xứ sở Bạch Dương này, trên khắp các tuyến đường ở Moskva, ở Saint Petersburg, ở Kazan, ở Sochi... và nhiều thành phố khác, bạn có thể bắt gặp những lá cờ Nga bay phấp phới và đâu đó văng vẳng bên tai những tiếng "Russia, Russia, Russia...". Âm thanh đó không chỉ đến từ những người Nga yêu bóng đá, mà còn từ các cổ động viên nước ngoài, những người tới Nga và đang được tận hưởng trong bầu không khí bóng đá thực sự.
Dưới cái nắng chói chang 30 độ C, các cổ động viên vẫn cùng nhau ca hát, cùng nhau cổ vũ cho đội tuyển nước nhà. Không có một tình trạng chen lấn xô đẩy nào xảy ra, và lực lượng an ninh cũng vì thế mà thành ra thừa thãi. Ngay cả khi thua 0-3 trước Uruguay, niềm tin của người hâm mộ cũng không vì thế mà giảm sút đi chút nào. "Nga sẽ đánh bại Tây Ban Nha. Hãy tin tôi đi!" - một thanh niên mới đôi mươi đã hét vào máy quay của phóng viên như vậy đó, đủ để hiểu rằng tình yêu bóng đá của người Nga không hề đơn giản như ta vẫn tưởng.
Người Nga yêu bóng đá hơn ta tưởng.
Chắc hẳn ai trong số chúng ta cũng không còn xa lạ với cụ ông "Gaúcho da Copa" 25 năm cầm cúp đi cổ vũ đội nhà Brazil trên sàn đấu World Cup. Hình ảnh đầy cảm động của ông khi cầm cúp khóc đã làm rung động con tim hàng triệu người hâm mộ trên toàn thế giới.
Cụ ông "Gaúcho da Copa" 25 năm cầm cúp đi cổ vũ đội nhà Brazil trên sàn đấu World Cup.
Không kém cạnh gì xứ sở Samba, người Ba Lan cũng đã có cho mình một người hâm mộ với thâm niên đi cổ vũ cho đội tuyển nước nhà còn nhiều hơn cả cụ ông "Gaúcho da Copa".
Andrzej Bobowski năm nay 78 tuổi. Ông có biệt danh là "Bobo" và được người Ba Lan trìu mến gọi là "Vua của người hâm mộ World Cup" vì niềm đam mê với giải đấu này. Tính từ năm 1978 đến nay, Andrzej Bobowski chưa một lần bỏ lỡ ngày hội bóng đá lớn nhất hành tinh, và năm nay đã là kỳ World Cup thứ 11 mà người đàn ông 78 tuổi đến xem tận nơi.
Người Ba Lan thậm chí còn đùa rằng nước Nga nên tổ chức đón Andrzej Bobowski bằng nghi thức hoàng gia nữa chứ. Nghe thì có vẻ buồn cười, nhưng khi nhìn vào trang phục cổ vũ năm nay của cụ ông này, chắc ta cũng không quá bất ngờ với nhận định kia. Chiếc áo choàng màu đỏ trắng - màu của quốc kì Ba Lan, với chiếc vương miện vàng vô cùng quý tộc đã được ông "Bobo" diện đến Nga để chứng kiến đội tuyển nước nhà thi đấu.
Chiếc áo choàng màu đỏ trắng - màu của quốc kì Ba Lan, với chiếc vương miện vàng vô cùng quý tộc đã được ông "Bobo" diện đến Nga để chứng kiến đội tuyển nước nhà thi đấu.
Đặc biệt hơn cả, "Bobo" không phải là trường hợp ngoại lệ đối với nền bóng đá nước này. Ba Lan luôn có một số lượng đông đảo những người hâm mộ môn thể thao vua cũng như đội tuyển bóng đá của nước nhà. Trong các kì World Cup, họ luôn đổ xô đến các quốc gia tổ chức giải đấu để được tận mắt chứng kiến và cổ vũ đội tuyển mình thi đấu. Chính bóng đá đã thổi một bầu không khí sôi động, cực kỳ sôi động tới mọi ngõ ngách trên quê hương của thiên tài Chopin này.
Chính bóng đá đã thổi một bầu không khí sôi động, cực kỳ sôi động tới mọi ngõ ngách trên quê hương của thiên tài Chopin này.
Nếu bạn chưa biết, World Cup lần đầu tiên được tổ chức vào năm 1930 tại quốc gia Nam Mỹ Uruguay. Sau 18 ngày và 18 trận đấu, chủ nhà Uruguay đã trở thành nhà vô địch thế giới đầu tiên.
Tại Uruguay, niềm đam mê bóng đá của người dân là vô bờ bến. Giới truyền thông vẫn luôn kỳ vọng đội tuyển bóng đá nước này sẽ đoạt chức lần thứ 3, sau hai lần đăng cai vô địch vào năm 1930 và 1950. Mặc dù quốc gia 3,4 triệu dân này không còn ở thời kỳ đỉnh cao trong các kỳ World Cup thời kỳ đầu nhưng họ vẫn là những đối thủ đáng gờm cũng như giữ được tình yêu với bóng đá.
Cổ động viên Uruguay luôn đem lại bầu không khí sôi động.
Một phần của bí quyết thành công trong bóng đá dù chỉ là một quốc gia có chỉ số GDP khá khiêm tốn, là đầu tư vào thế hệ trẻ. Người Uruguay rất chú trọng đầu tư vào bóng đá cho trẻ em từ khi con em họ mới có 4 tuổi. Chương trình tập huấn bóng đá quốc gia Baby Football cho trẻ em từ 4 đến 13 tuổi đã thể hiện rõ tinh thần đó, và nhiều thiên tài như Luis Suarez hay Edinson Cavani đã được sinh ra từ cái nôi này.
Mô hình tập huấn Baby Football.
Vào kì World Cup năm nay, Nhật Bản đã trở thành đội châu Á duy nhất vào vòng 1/8. Sau cùng, khát vọng mà người Nhật Bản gửi gắm vào nhân vật hư cấu mang tên Tsubasa cũng vì thế mà trở thành hiện thực.
Sau cùng, khát vọng mà người Nhật Bản gửi gắm vào nhân vật hư cấu mang tên Tsubasa cũng vì thế mà trở thành hiện thực.
Tsubasa Oozora là một cầu thủ vô cùng tài năng được cử sang Brazil theo học đá bóng chuyên nghiệp, để rồi trở về làm rạng danh nước nhà. Cậu bé này là nhân vật chính trong bộ truyện tranh do họa sĩ Yōichi Takahashi sáng tác ra vào năm 1981, sau này đã được chuyển thể thành series phim hoạt hình cùng tên dài hàng trăm tập, gắn liền với tuổi thơ của các thế hệ 8x và 9x Việt Nam. Tsubasa là hiện thân cho tình yêu bóng đá thuần khiết của con người Nhật Bản, ấy vậy mà tấm poster chàng cầu thủ hư cấu ấy đã từng một lần được giương lên giữa khán đài những cổ động viên xứ sở hoa anh đào này trong trận đấu World Cup giữa Nhật và Bỉ.
Tấm poster chàng cầu thủ hư cấu Tsubabsa đã từng một lần được giương lên giữa khán đài những cổ động viên xứ sở hoa anh đào này trong trận đấu World Cup giữa Nhật và Bỉ.
Tuy chỉ là nhân vật hư cấu, nhưng khát vọng và tình yêu bóng đá gửi gắm vào chú bé này là sự thật. Trên sân cỏ rạng sáng 3/7, đội tuyển Nhật cũng chơi bóng với một thứ tinh thần Tsubasa như thế. Nhưng dù đã dẫn trước 2 bàn, họ lại đánh mất chiến thắng trước dàn cầu thủ "thế hệ vàng" của đội tuyển Bỉ.
Họ thua vì thực lực Bỉ mạnh hơn không thể phủ nhận. Họ thua nhưng đã chiến đấu đến giây phút cuối cùng. Họ thua không tiểu xảo, không toan tính câu giờ. Họ thua theo cách đẹp đẽ nhất của một người đã chiến thắng chính mình. Tinh thần và ý chí của người dân Nhật Bản thì ai cũng đã rõ, họ luôn chấp nhận mọi nghịch cảnh và bằng một cách nào đó, sẽ lại vươn lên và tiếp tục chiến đấu vì tình yêu bóng đá của nước nhà.
Vì sao áo đấu của các cầu thủ Syria chỉ in độc một dòng chữ mang tên tổ quốc họ?
Hình ảnh các cầu thủ đội tuyển Olympic Syria thi đấu đầy nhiệt huyết trên sân cỏ ngày hôm qua, với chiếc áo đấu độc một cái tên quốc gia của họ, thay vì in tên cầu thủ riêng biệt, đã là một hình ảnh vô cùng đẹp trong thể thao nói chung, và trong bóng đá nói riêng.
Từng là một quốc gia quá đỗi xinh đẹp với 6 công trình kiến trúc ghi tên vào danh sách di sản thế giới, nay Syria là một bãi chiến trường đổ nát với sự tham chiến của quân đội tới từ 34 quốc gia khác nhau. Vì vậy, chiếc áo đấu không tên như thể là một lời tuyên bố đanh thép với thế giới rằng: "Syria chưa hề chết."
Chiến tranh loạn lạc quả thực đã lấy đi tất cả của người dân nước này, những cầu thủ trong đội tuyển thậm chí còn không có nơi chốn, không có chỗ để tập bóng cùng nhau. Tuy nhiên, tất cả những trở ngại đó không hề ngăn cản họ đến với môn thể thao vua; bằng chứng là việc đội tuyển Syria đã thi đấu hết mình để được lọt vào vòng tứ kết, đứng ngang hàng với tuyển Việt Nam chúng ta.
Dẫu biết cuộc đấu nào cũng có kẻ thắng, người thua, nhưng thất bại cay đắng của Syria ở trận đấu tứ kết đã cho ta thấy quá nhiều điều. Qua chiếc áo đấu không tên, cũng như giọt nước mắt tiếc nuối của các cầu thủ và cổ động viên nước bạn, ta chợt hiểu rằng với người dân Syria, tình yêu bóng đá cũng là thứ gì đó lớn lao không kém tình yêu của họ dành cho tổ quốc.
Với người dân Syria, tình yêu bóng đá cũng là một thứ gì đó lớn lao không kém tình yêu dành cho tổ quốc.