Đối với người Trung Quốc từ xưa đến nay, Thần Bếp là vị thần có vị trí cao nhất trong có trong số các vị thần. Ở thời nhà Hán, chỉ có những kẻ có địa vị cao mới có tư cách cúng tế Thần Bếp, trong khi bách tính thường dân chỉ có thể thờ cúng tổ tiên của mình.
Thần Bếp thường được dân gian gọi là Táo Vương, Táo Quân, Ông Táo, Táo Vương Gia hay Thuận Diện Công, Tư Mệnh Công, Ngũ Quan Thần. Theo truyền thuyết dân gian Trung Quốc, đêm 23 tháng Chạp hằng năm, Thần Bếp sẽ về trời và mùng 4 tháng Giêng sẽ quay về nhân gian.
Trong quyển "Dậu Dương Tạp Trở" thời nhà Đường có ghi chép: Táo Quân tên là Ngôi, dáng vẻ như mỹ nữ; vợ của Táo Quân là Khanh Kỵ; có 6 người con gái, tất cả đều được gọi là Sát Hiệp. Đây là một trong những ghi chép sớm nhất về Táo Quân ở Trung Quốc.
Trong bản ghi chép này còn có nhắc đến một nhiệm vụ của Táo Quân là cứ mỗi cuối tháng sẽ trở về trời bẩm báo lại mọi hành vi của bách tính. Có thể thấy, nhiệm vụ của Táo Quân đã được làm rõ từ thời nhà Đường.
Trong ghi chép của quyển "Bắc Kinh mộng hoa ký: Tháng 12" có nhắc đến phong tục của Bắc Tống như thế này: Ngày 24 tháng 12 âm lịch là thời khắc chuyển giao giữa năm mới và năm cũ, người dân đã mời các tăng sư đến đọc kinh từ tối, chuẩn bị mâm trái cây và rượu ngon để tiễn Táo Quân về trời.
Các bức ảnh vẽ lại khung cảnh cúng tiễn Táo Quân về trời ở Trung Quốc
Lúc tiễn Táo Quân còn phải đốt giấy tiền vàng bạc, dán một con ngựa giấy lên vách bếp và bôi rượu lên các cánh cửa bếp. Trong tài liệu lịch sử, Táo Mã là con ngựa mà Táo Quân cưỡi, là "phương tiện giao thông" của Táo Quân di chuyển về trời. Đến hiện tại, người Trung Quốc vẫn tin phương tiện đi lại chính của Táo Quân là ngựa.
Còn mục đích của việc bôi rượu lên cửa bếp là để Táo Quân rơi vào trạng thái nửa mê nửa tỉnh, khó có thể tâu bẩm lại toàn bộ lỗi sai của gia chủ.
Nhưng ở Giang Nam, kiệu mới là phương tiện di chuyển chính của Táo Quân, người Thượng Hải cúng Táo Quân rất ít khi dùng Táo Mã mà chủ yếu là dùng Táo Kiệu. Hình dáng của Táo Kiệu cũng rất đa dạng.
Tại nhiều địa phương ở Trung Quốc, trước khi tiễn Táo Quân, người dân phải thực hiện nghi thức cúng tế. Trong quan niệm lâu nay, Táo Quân về trời là để bẩm lại điều thiện ác của con người với Ngọc Hoàng Đại Đế, nếu con người làm nhiều việc tốt thì sẽ được khen ngợi và phù hộ một đời bình an.
Nhưng nếu làm sai thì tất nhiên sẽ bị trừng phạt. Do đó, người dân luôn muốn lấy lòng Táo Quân bằng nhiều cách thức khác nhau và cũng chính vì vậy mà người xưa gọi lễ cúng Táo Quân là "Mị Táo".
Ở Trung Quốc, lễ vật cúng Táo không thể tách rời khỏi 2 chữ "ngọt " và "dính". "Ngọt" có nghĩa là hi vọng Táo Quân sẽ nói nhiều lời ngon tiếng ngọt; còn "dính" ý chỉ muốn trực tiếp "khóa" miệng của Táo Quân, để khi ông về trời sẽ nói những việc tốt đẹp, những điều "ngọt ngào", hạn chế những thông tin xấu.
Nguồn: KKnews, Baidu