Chuyện người chiến sỹ CSGT được anh em tài xế Sài Gòn gọi bằng cái tên thân mật: "Anh Đạt kích bình, cứ gọi là có"

Mỹ Hạnh, Theo Trí Thức Trẻ 00:00 21/05/2019
Chia sẻ

Anh Đạt lúc nào cũng mang theo bộ đồ nghề kích bình trong chiếc xe bồ câu, hễ có cuộc gọi nào thì anh đều tranh thủ chạy đến. Những cái bắt tay đầy thân thương giữa cánh tài xế và người cảnh sát giao thông không phải là điều dễ được thấy, nhưng bằng lòng tốt của mình, anh Đạt là làm được điều đó.

"Cứ gọi tui là Đạt kích bình!"

10 giờ trưa trên đường Điện Biên Phủ TP.HCM, chiếc xe motor cảnh sát giao thông dừng ngay bên cạnh chiếc xe 4 chỗ đậu bên lề đường. Bác tài xế U50 bối rối, vội bước đến bên anh cảnh sát giải thích rằng xe bác bị chết máy, đang đợi hỗ trợ kích bình, mong anh thông cảm đừng xử phạt vì bác đỗ xe sai luật. 

Anh cảnh sát mặc quần phục cười xoà, nói: "Bác vừa gọi con đến kích bình mà".

Chuyện người chiến sỹ CSGT được anh em tài xế Sài Gòn gọi bằng cái tên thân mật: Anh Đạt kích bình, cứ gọi là có - Ảnh 1.

Anh CSGT có thêm nhiệm vụ "kích bình".

"Bạn này được các bác tài gọi là Đạt CA, Đạt kích, Đạt gà...

Ngoài giờ làm hay trực, Đại úy Đỗ Tấn Đạt, Đội CSGT Bàn Cờ (PC08, Công an TP.HCM), nghe anh em tài xế nào xe hết bình lại tức tốc đi "cứu bình"!

Đạt cho hay, hai năm trước anh từng tự tìm mua một cục kích bình ắc quy để dùng cho ô tô của mình. Khi về xài "ngon" quá nên có lần thấy một ô tô bị "chết" bình không nổ máy được đang đậu trên đường, anh "nổi hứng nhiều chuyện" lần đến hỏi thăm rồi kích thử, ai dè ngon lành.

Thế là từ đó anh khoái đi kích bình. Cứ kích được ca nào thì anh cho số điện thoại để cánh tài xế truyền tai nhau. Ai hỏi anh tên gì thì anh tự vỗ ngực bảo: "Cứ gọi tui là Đạt kích bình".

Đạt nói: "Ban đầu khi tiếp xúc với cánh tài xế, nhiều người khó gần khi biết mình là CSGT. Sau này còn có người nói thẳng rằng "hồi xưa tui không ưa CSGT" nhưng khi tiếp xúc với mình thì họ bảo họ thay đổi suy nghĩ ấy rồi… Mình cũng chỉ muốn kéo gần khoảng cách giữa CSGT và tài xế, giữa người xử phạt vi phạm và người tham gia giao thông thôi".

Từ bài post được đăng trên một group chuyên xe ô tô khiến cộng đồng mạng thích thú, chúng tôi đã nhanh chóng tìm cách liên hệ với anh cảnh sát giao thông có một biệt danh rất thú vị. Đó là Đại uý Đỗ Tấn Đạt, hay còn gọi là Đạt "kích". Hiện anh đang công tác tại đội Cảnh sát giao thông bàn cờ, quận 3, TP.HCM.

Chuyện người chiến sỹ CSGT được anh em tài xế Sài Gòn gọi bằng cái tên thân mật: Anh Đạt kích bình, cứ gọi là có - Ảnh 2.

Đại úy Đỗ Tấn Đạt

Cảm động tấm lòng của anh "Đạt kích bình", cánh tài xế cùng anh lập nên nhóm "Trùm Kích" 

Cũng như các chiến sĩ cảnh sát giao thông khác, anh Đạt có nhiệm vụ tuần tra, kiểm soát giao thông nhằm đảo bảo việc lưu thông xe cộ trên địa bàn quận 3 TP.HCM. Nhưng anh Đạt còn có một công việc khác khá đặc biệt, ngoài giờ công vụ anh còn đi kích bình cho các xe bị chết máy do ác-quy hết điện động cơ. 

Anh chia sẻ, khoảng 2 năm trước anh có mua một bộ dụng cụ kích bình ắc-quy để dùng cho ô tô của mình "Mang về dùng thấy êm, nên thỉnh thoảng mình có mang theo, lần đó thấy một chiếc xe bị chết máy giữa đường nên lôi đồ ra kích giúp anh tài xế đó". Kể từ đó, đi đâu anh cũng mang "bảo bối" theo bên mình, hễ có chiếc xe nào cạn ắc-quy, trong khả năng thì anh đều đến hỗ trợ và tất nhiên là hoàn toàn miễn phí.

Bộ dụng cụ kích bình của anh Đạt.

Kể từ đó thay vì được gọi là Đại uý Đạt, thì mọi người tặng luôn cho anh biệt danh "Đạt kích".

- "Anh thích biệt danh này chứ?" - tôi hỏi đùa.

- "Nghe cũng hay mà" - anh cười xoà khi nhắc về nickname của mình.

Cũng nhờ việc đi kích bình miễn phí mà anh có thêm nhiều trải nghiệm mới, cũng có không ít chuyện dở khóc dở cười anh hay kể cho bạn bè nghe. Chẳng hạn như có một lần anh nhận được cuộc gọi của một chú tài xế tuổi ngũ tuần cầu cứu vì xe chết máy. Sẵn đang ở gần đấy, 5 phút sau anh đã có mặt nơi chiếc xe Fortuner đang đậu bên vệ đường. Bác tài xế thấy anh cảnh sát giao thông thì bối rối phân trần, mong anh thông cảm việc bác đỗ xe ở đây. Một cô bán nước gần đó cũng tiếp lời rằng chiếc xe này mới bị chết máy, tấp tạm vào đây thôi, vừa gọi hỗ trợ đến kích bình xong sẽ đi ngay. Lúc này anh Đạt mới lôi bộ dụng cụ kích bình trong chiếc bồ câu ra. Bác tài xế U50 ngẩn ngơ, còn cô hàng nước cười xoà.

Chuyện người chiến sỹ CSGT được anh em tài xế Sài Gòn gọi bằng cái tên thân mật: Anh Đạt kích bình, cứ gọi là có - Ảnh 4.

Sự xuất hiện của anh chàng cứu hộ trong trang phục CSGT khiến nhiều tài xế e dè.

Chuyện người chiến sỹ CSGT được anh em tài xế Sài Gòn gọi bằng cái tên thân mật: Anh Đạt kích bình, cứ gọi là có - Ảnh 5.

"Việc mình kích bình sẽ giúp hạn chế ùn tắc giao thông, âu cũng là nhiệm vụ, đồng thời còn giúp cánh tài xế không mất khoản phí ngoài mong muốn khi xe hết bình" – anh chia sẻ.

Như bao người đàn ông khác, theo lịch trình hàng ngày, mỗi sáng anh sẽ đưa các con đi học, đến sở làm, và nếu có cuộc gọi "cầu cứu" anh sẽ tranh thủ đến giúp tài xế nếu không bận việc. Khi các bài post trên mạng xã hội được chia sẻ nhiều hơn, các cánh tài xế cũng chuyền tay nhau số điện thoại của "vị cứu tinh áo vàng" nhiều hơn, thì lịch trình của anh theo đó cũng bận rộn hơn một chút.

- "Nhớ có đêm kia mưa to thì nhận được cuộc gọi của một anh tài xế xe bị chết máy ở gần nhà, mình quay qua cũng nói với vợ 1 tiếng để chạy ra hỗ trợ cho anh ấy, mưa gió mà đậu xe giữa đường sao được" - anh Đạt kể.

Tôi hỏi: "Có khi nào vợ anh không vui vì anh cứ đi miết thế không?".

- "Ban đầu vợ cũng không thích, nhưng hiểu công việc của mình là giúp mọi người nên rồi cũng ủng hộ" – anh cười nói.

Cũng nhờ việc kích bình miễn phí mà anh Đạt có thêm nhiều người bạn mới, có tài xế lúc đầu gặp cảnh sát giao thông thì bước ngay vào xe để soạn sẵn giấy tờ, chưa kịp đưa kiểm tra thì anh cảnh sát đã mở nắp capo kích bình ắc-quy trước sự tẽn tò của tài xế, qua cảm giác bỡ ngỡ ban đầu, nhiều anh tài xế cảm động bởi việc làm nghĩa hiệp của anh Đạt. Đó cũng là lúc nhóm "Trùm kích" được thành lập.

Chuyện người chiến sỹ CSGT được anh em tài xế Sài Gòn gọi bằng cái tên thân mật: Anh Đạt kích bình, cứ gọi là có - Ảnh 6.

Anh Đạt cùng nhóm Trùm kích

Được thành lập khoảng hơn 1 năm nay, địa bàn hoạt động trải dài khắp các tỉnh thành miền nam, với số lượng gần 200 thành viên. Chúng tôi được anh Giang, một thành viên trong nhóm cho biết, khi rảnh rỗi các anh em thường họp mặt ở một quán cà phê trên đường Huỳnh Thúc Kháng, quận 3, TP.HCM.

Đội cứu hộ thời đại 4.0 

Anh Giang nói tiếp, lúc đầu có một số anh em tài xế được anh Đạt kích bình giúp, mọi người thấy việc làm này thú vị nên họp nhau thành lập một nhóm trên zalo và facebook, đăng tải số điện thoại lên mạng xã hội. 

Bên cạnh nhóm Trùm kích còn có Trùm vá xe, Trùm hỏng hóc…v..v…chỉ với một mục đích duy nhất là giúp đỡ mọi người nếu chẳng may có ai gặp sự cố khi đang lưu thông trên đường. Ai giỏi việc nào thì hỗ trợ việc đó, ai ở gần thì chạy đến giúp đỡ, ai ở xa thì chia sẻ lên nhóm để các anh em khác tìm cách. Với số lượng đông đảo và những thành viên hoạt động ở khắp các nơi, có nhiều tài xế bị chết bình giữa khuya hay những nơi vắng vẻ đã được hỗ vợ và trở về nhà an toàn.

- "Thời đại 4,0 rồi, mình phải tận dụng chứ" - Anh Đạt nói.

Danh sách  và SĐT các thành viên trong đội cứu hộ

Nhóm chat SOS Kích Bình của anh Đạt và đồng đội.

Đến bây giờ, có nhiều tài xế mới gia nhập vào nhóm trùm kích khi biết anh là cảnh sát giao thông thì ái ngại ra mặt, vì cứ nghĩ anh "nằm vùng".

- "Nhưng rồi mọi người cũng hiểu, cảnh sát với tài xế thì cũng có gì khác nhau đâu. Tiêu chí của nhóm là tuân thủ pháp luật, giúp đỡ mọi người. Vậy thôi đó!" – Anh Giang chia sẻ.

Được mọi người cho biết, ngoài cái tên Đạt "kích" thì còn có một biệt danh thứ 2, đó là Đạt "gà". Vì anh còn bán gà ta thả vườn để cải thiện thu nhập.

Tôi hỏi công việc anh bận rộn như thế rồi sao còn có thời gian buôn bán. Anh cười to kể: "Nhiều khi có điện thoại gọi cứu bình, sẵn tiện mình mang gà theo đi giao luôn, 1 công đôi chuyện".

Giữa những ngày Sài Gòn mưa nắng thất thường, có anh cảnh sát giao thông lúc nào cũng mang theo bộ đồ nghề kích bình trong chiếc bồ câu, hễ có cuộc gọi nào thì anh đều tranh thủ chạy đến. Những cuộc gặp mặt đầu tiên luôn đầy bất ngờ nhưng cũng không kém phần thú vị. Những cái bắt tay đầy thân thương giữa cánh tài xế và người cảnh sát giao thông không phải là điều dễ được thấy. Nhưng bằng lòng tốt của mình, anh Đạt làm được điều đó. Bởi thế, có người tài xế đã viết tặng anh một bài vè thật dễ thương, trong đó có câu:

Anh tài mơ ngủ

Hay giữa ban ngày

Cảnh sát giao thông

Lại là ông Bụt.

Ông Bụt cái mà Ông Bụt.

Đại úy Trần Thanh Tâm, Phó Đội trưởng Đội Bàn Cờ, cho biết "Trong đơn vị, đồng chí Đỗ Tấn Đạt là một cán bộ trẻ. Việc đồng chí Đạt đi kích bình, hỗ trợ người dân khi có sự cố trên đường là hành động tự phát nhưng Ban chỉ huy đơn vị rất quan tâm và tạo điều kiện để đồng chí Đạt có thể giúp đỡ người dân".

Hiện nay, nhóm Trùm kích luôn có các anh em sẵn sàng giúp đỡ nếu các bác tài gặp sự cố trên đường.

Mọi người có thể liên hệ với nhóm thông qua group Bạn hữu đường xa trên Facebook, hoặc số điện thoại anh Đạt 0938260383.

TIN CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày