Ngôn ngữ học là một chủ đề nghiên cứu trong khoa học xã hội tập trung vào đối tượng chính là hệ thống ngôn ngữ. Lĩnh vực này thúc đẩy thông tin, lý thuyết, kỹ năng phân tích và tính hữu ích của các loại ngôn ngữ trên toàn thế giới.
Đây là ngành không chỉ là nghiên cứu về từ ngữ mà còn cung cấp cho con người kiến thức hàn lâm, khả năng phân tích và ứng dụng thực tế liên quan đến ngôn ngữ của con người nói chung và tiếng Việt nói riêng. Ngành học này ngày càng trở nên thiết thực trong thực tế, cũng như thu hút sự quan tâm của đông đảo bạn trẻ.
Ảnh minh họa
Chương trình đào tạo ngành Ngôn ngữ học
Một số trường đại học đào tạo về ngành Ngôn ngữ học có thể kể đến như: Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn - Đại học Quốc gia TP.HCM (điểm chuẩn năm 2022 dao động 24,5 - 28 điểm tùy tổ hợp 24,35 - 25,5); Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn - Đại học Quốc gia Hà Nội (điểm chuẩn năm 2022 dao động 24,5 - 28 điểm tùy tổ hợp)...
Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn - Đại học Quốc gia Hà Nội
Còn về chương trình đào tạo của ngành Ngôn ngữ học được tạm chia thành 3 nhóm chính, với những môn học tiêu biểu như sau:
- Những môn học chuyên sâu về lý thuyết ngôn ngữ (Ngữ âm học, Âm vị học, Từ vựng học, Cú pháp học, Ngữ nghĩa học, Ngữ dụng học, Kí hiệu học, Ngôn ngữ đại cương, Lịch sử ngôn ngữ học...)
Những môn học này cung cấp kiến thức chuyên sâu và những kỹ năng cơ bản như quan sát phân tích, tổng hợp các vấn đề thuộc khoa học ngôn ngữ. Đây là những môn học thường được những học viên muốn tập trung vào các vấn đề chuyên sâu Ngôn ngữ học theo đuổi.
- Những môn học có tính liên ngành (Ngôn ngữ văn chương, Phong cách học, Ngôn ngữ học văn bản, Ngôn ngữ học đối chiếu, Ngôn ngữ học văn hóa, Ngôn ngữ học xã hội, Ngôn ngữ học tâm lý...)
Đây là những môn học có giao thoa với các ngành học khác. Các môn học cung cấp cho học viên những kỹ năng như trình bày, soạn thảo văn bản hành chính, đối chiếu ngôn ngữ; cảm nhận, xử lý, giải mã, tìm hiểu cơ chế sáng tạo ngôn từ trong các văn bản nghệ thuật...
Ảnh minh họa
- Những môn học có tính ứng dụng cao (Ngôn ngữ học máy tính, Ngữ pháp tiếng Việt, Ngôn ngữ học trong biên tập xuất bản, Ngôn ngữ và truyền thông, Ngôn ngữ học ứng dụng, Ngôn ngữ báo chí...)
Ở những môn học này, thành tựu của ngôn ngữ học được áp dụng để giải quyết những vấn đề cụ thể, thực tiễn trong một lĩnh vực nhất định như giảng dạy, truyền thông, tổ chức sự kiện, biên tập, xuất bản, công nghệ thông tin...
Cơ hội việc làm của ngành Ngôn ngữ học
Sinh viên ngành ngôn ngữ học sau khi ra trường có thể làm được rất nhiều ngành nghề, trong đó phổ biến nhất là 3 nhóm công việc sau:
- Công việc nghiên cứu chuyên sâu: Sinh viên sau khi ra trường có thể làm nghiên cứu viên nghiên cứu về Ngôn ngữ học, Việt ngữ học, Ngôn ngữ và văn hóa các dân tộc thiểu số; biên soạn từ điển, sách giáo khoa... trong các cơ quan nghiên cứu như Viện Ngôn ngữ học, Viện Từ điển và Bách khoa thư, Viện Thông tin Khoa học xã hội Việt Nam, Viện Đông Nam Á, Viện Cơ yếu...
Ảnh minh họa
- Làm giảng viên: Hiện nay, ngày càng nhiều trường đại học mở ngành Ngôn ngữ học như một ngành đào tạo chính, đồng thời đưa các môn Ngôn ngữ học và Việt ngữ học vào chương trình giảng dạy. Sau khi ra trường, các bạn có thể làm giảng viên dạy Ngôn ngữ học và Việt ngữ học cho sinh viên Việt Nam; hoặc giảng dạy Việt ngữ học, tiếng Việt và văn hóa Việt Nam cho người nước ngoài hiện đang sinh sống và làm việc tại Việt Nam...
Các đơn vị tuyển dụng sẽ là Khoa Ngôn ngữ học, Khoa Việt Nam học, Khoa Ngữ văn, Khoa Tiếng Việt và Văn hóa Việt Nam, các trung tâm dạy tiếng Việt cho người nước ngoài của các trường đại học, cao đẳng và các viện nghiên cứu trong cả nước.
- Các công việc liên quan đến biên tập xuất bản, biên tập truyền hình trong các nhà xuất bản, các đài phát thanh truyền hình... Những công việc này đòi hỏi có kiến thức phù hợp, kỹ năng diễn đạt tốt, biết sáng tạo và xử lý vấn đề.
Tổng hợp