Người dân không chịu lấy số nhà 13 sợ... xui?!
Đã hơn 2 tháng kể từ ngày khu phố tại đường Nguyễn Hữu Thận (phường An Khê, quận Thanh Khê) được cấp số nhà, thế nhưng mãi đến bây giờ, cứ mỗi khi có dịp quây quần bên bàn trà giữa xóm, mọi người lại nhắc lại chuyện cả xóm "né" số 13.
Anh Nguyễn Dương cho biết, khu dân cư quanh nhà anh được hình thành từ khá lâu nhưng do đường nhỏ nên mãi đến bây giờ mới được cấp số nhà. Khi tổ họp để chọn số nhà, ai ai cũng đều nhất quyết từ chối nhận số 13 nên tuyến đường ở khu phố của anh bị "khuyết" con số này.
Tất cả các tuyến đường lớn nhỏ ở Đà Nẵng đều không có số nhà 13.
Anh Nguyễn Nhất (số nhà 15 đường Nguyễn Hữu Thận) cho biết: "Theo cách phân số thì ngôi nhà đang xây bên cạnh nhà tôi là số 11, tiếp đến nhà tôi sẽ là số 13, nhưng do thấy số xấu quá nên tôi không chịu, sau đó tổ đã quyết định cấp cho gia đình tôi số 15 và ngôi nhà tiếp theo của chị Thủy lẽ ra là số 15 nhưng giờ là số 17".
Lạ lùng hơn, không chỉ tại khu phố của anh Nhất, mà trên khắp các tuyến đường mới, cũ, kể cả nhà mặt tiền cho đến nhà trong hẻm ở TP Đà Nẵng đều không có ngôi nhà nào mang số 13.
Tới Đà Nẵng, nhiều người ngạc nhiên và tò mò khi tìm "đỏ mắt" khắp thành phố vẫn không có địa chỉ nhà nào mang số 13.
Ông Lê Đình Đài (trú nhà số 15 Hàm Nghi) cho biết, gia đình ông xây nhà từ năm 1990. Cách đây hơn 10 năm, phường lập danh sách và quận cấp giấy chứng nhận số nhà thì ông thấy nhà bên cạnh số 11, còn nhà mình được đánh số 15.
"Đúng ra số nhà tôi là 13 nhưng khi phường lập danh sách và có giấy chứng nhận cấp số nhà 15. Đa số người ở đây đều quan niệm số 13 là số "kị". Ngay cả người nước ngoài còn quan niệm số 13 là con số xui nên chú cũng không muốn lấy con số này làm số nhà. Rất vui khi chính quyền cũng lắng nghe nguyện vọng của người dân, chấp nhận thay đổi vì người dân chứ không chắc chú phải chuyển nhà luôn quá…", ông Đài cười khà khà chia sẻ.
Các cửa hàng xe máy cũng từ số 9 đến số 11 rồi "nhảy" lên số 15.
Do người dân "kiêng kị" số 13 nên từ lâu chính quyền ở Đà Nẵng cũng không cấp biển số này nữa.
Thấy chúng tôi thắc mắc về sự "nhảy cóc" số nhà của mình, ông Huỳnh Văn Mỹ (SN 1966), trú tại số nhà 15 (lẽ ra là số 13), đường Phan Phu Tiên, phân trần, từ năm 1995, TP Đà Nẵng bắt đầu thực hiện cấp biển số nhà, tuy nhiên đa số người dân không chịu lấy biển số 13 vì cho rằng số "cấm kị" nên kiến nghị lên thành phố. Từ đó về sau, dường như trở thành tiền lệ nên khi địa phương lập danh sách để cấp số nhà thì không dùng số 13 nữa.
"Lúc mới nhận biển tôi cũng không để ý và cứ nghĩ rằng nhà bên cạnh số 13. Thời gian sau mới biết, ngôi nhà bên trái là số 11 và nhà mình lẽ ra là số 13 nhưng do nhiều người dân không thích nhà gắn số 13 nên chính quyền đã bỏ luôn số này và cấp cho mình số 15. Thật sự tuy nhà kinh doanh buôn bán nhưng tôi không có quan niệm về số má. Nếu chính quyền giao cho số 13 thì cũng chẳng sao, nhưng thú thực thì nhà mang số 15 như bây giờ thì vẫn thích hơn…", chị Trần Thị Qua (34 tuổi, trú nhà 15 đường Dương Bích Liên) chia sẻ.
Tại sao số 13 lại bị "tẩy chay"?
Đặc biệt, không chỉ có nhà khuyết số 13 mà bất cứ resort, khu du lịch, nhà hàng, nhà nghỉ, khách sạn lớn nhỏ trên cùng dãy phố đều tuyệt nhiên không hề có số nhà 13, số phòng 13 nào. Để "mục thị sở tại" điều kỳ lạ trong việc đánh số nhà ở Đà Nẵng, chúng tôi đã tìm "đỏ mắt" khắp các tuyến đường du lịch chính của Đà Nẵng như Trường Sa – Võ Nguyên Giáp – Hoàng Sa, nhưng quả thật đều không thấy con số 13 hiện diện ở bất kỳ tòa nhà hay khách sạn nào.
Bên cạnh số nhà 11 là số nhà 15, bỏ qua con số 13 tại đường Điện Biên Phủ (quận Thanh Khê, Đà Nẵng)
Số 13 "mất tích"
Khi được hỏi nguyên nhân của sự hy hữu này, quản lý của một khách sạn lớn trên đường Võ Nguyên Giáp giải thích, tương tự như số 9 được cho là số may mắn thì số 13 được mặc định là số "tối kị"" mà hầu hết người làm ăn, kinh doanh nào cũng muốn "tẩy chay". Không chỉ có số nhà, thậm chí nhiều khách sạn cũng hoàn toàn không có phòng số 13 hoặc tầng 13. Một số ít khách sạn có phòng số 13 thì cũng thường xuyên phải bỏ trống bởi khách thuê phòng, đặc biệt là khách Tây sẽ không nhận.
Trao đổi với PV, ông Nguyễn Hồ Hoàng Nam, Trưởng phòng Quản lý đô thị quận Hải Châu (TP Đà Nẵng) cũng thừa nhận, trên địa bàn quận không có nhà nào số 13. Theo ông Nam, do qua khảo sát, nhiều người không thích nhận số nhà 13 vì cho rằng "số xấu", nên từ đó, mỗi khi cấp số nhà ở một tuyến đường mới thì chính quyền đều tự bỏ con số này.
"Do người dân không thích số nhà 13 nên mỗi khi cấp số nhà mới thì chúng tôi chỉ cấp số 11 rồi đến 15 ở số lẻ và cái này cũng được người dân rất đồng tình", ông Nam nói.
Ngay trong các kiệt nhỏ của đường Dũng Sỹ, Thanh Khê cũng không có ngôi nhà nào mang số 13.
Lý giải về hiện tượng khác lạ này, ông Võ Hoài Bão, một nhà giáo chuyên nghiên cứu về văn hóa cho biết, sở dĩ nhiều người "sợ" con số 13 là do bị ảnh hưởng từ quan niệm của phương Tây: "thứ 6 ngày 13, ngày Chúa bị đóng đinh". Cũng giống như bị ảnh hưởng bởi việc đi chơi và tặng quà cho nhau trong ngày lễ Giáng sinh hay hóa trang trong ngày Halloween…
"Thời gian qua, hiện tượng "thứ 6 ngày 13" đã du nhập và ngày càng ảnh hưởng" đến tâm lý mê tín, kỳ thị ngày xấu của nhiều người Việt. Đặc biệt, không ít bạn trẻ đã tự huyễn hoặc cho rằng thứ 6 ngày 13 là một mốc thời điểm xui xẻo. Nhưng thật chất, sự ‘kiêng kị’ này chỉ là mê tín dị đoan, không có cơ sở khoa học vì thật chất không có bằng chứng nào khẳng định về những rủi ro mà con số 13, thứ 6 ngày 13, hay nhà số 13 mang lại cả", ông Bão nói.