"Bóng đá Lào còn chưa phát triển, khó so sánh với Việt Nam. Cầu thủ Lào vẫn chưa thể sống bằng việc đá bóng. Hiện tại, 100% tuyển thủ Lào đều làm thêm nghề để sinh sống ổn định hơn. Người làm công an, người làm nhân viên bán hàng", Saonin Toso vừa cười vừa nói khi được đề cập đến vấn đề này.
Trong thành phần đội tuyển Lào đa phần là cầu thủ bán chuyên, họ sẽ làm cầu thủ khi có các giải đấu hay đội tuyển quốc gia tập trung. Khi hết giải, họ trở lại với nghề nghiệp vốn có của mình như bán hàng, tài xế, thậm chí là công an. Hiện tại, vẫn có nhiều cầu thủ Lào đi đến sân tập của CLB bằng xe máy.
100% tuyển thủ Lào đều làm thêm nghề, song hành với nghiệp quần đùi áo số. Ảnh: Getty.
Một câu chuyện khác cũng khá thú vị. Theo chia sẻ của một thành viên trong Liên đoàn bóng đá Lào, cầu thủ ở xứ sở triệu voi có người vừa đá ở CLB, vừa đi đá giải phong trào và phần thưởng chỉ đơn giản là một chầu bia dành cho đội thắng cuộc.
Với thực tế như vậy, nền bóng đá của Lào vẫn chưa thể đi lên chuyên nghiệp một cách thật sự. Giải VĐQG nước này chỉ có 8 đội và không tạo được sân chơi ổn định giúp các cầu thủ có thu nhập tốt.
Saonin Toso chấp nhận sang giải hạng ba của Thái Lan để tăng kinh nghiệm và phát triển nghề nghiệp. Anh cho biết trong suốt 1 tháng vừa qua các cầu thủ Lào đã tập trung dưới sự hướng dẫn của HLV Sundram Moorthy (Singapore) và sẵn sàng cho trận đấu với đội tuyển Việt Nam.
Saonin Toso (bìa phải) là đội trưởng đội tuyển quốc gia Lào và đang thi đấu ở giải hạng 3 của Thái Lan. Ảnh: KT.
Anh chia sẻ: "Việt Nam mạnh hơn chúng tôi nhiều nhưng không vì thế mà cả đội thấy sợ hãi. Tôi từng đá cho HAGL Attapeu, từng tập luyện tại Gia Lai vào năm 2011. Tôi cũng biết khá nhiều tuyển thủ Việt Nam ở thời điểm hiện tại, thủ môn Văn Lâm là một trong số đó".
Đội tuyển Lào sẽ có trận đấu đầu tiên trên sân nhà tại AFF Cup khi đối đầu với đội tuyển Việt Nam vào chiều 8/11. Trong lịch sử bóng đá Lào, họ chưa một lần vượt qua vòng bảng.