Những năm tháng cuối đời của Nữ hoàng Pháp Marie Antoinette là thực sự thảm họa. Năm 1793, bà chứng kiến vương triều Pháp bị bãi bỏ. Chồng bà - Vua Louis XVI bị hành quyết, con trai bị mang đi khi đất nước chìm trong bạo lực đổ máu. Bà bị giam vào tù, và chỉ 1 ngày sau khi án tử hình được công bố, bà bị hành quyết công khai giữa đám đông hò reo vui mừng.
Đó là những bi kịch quá lớn của một đời người. Với việc chờ đợi sự hành quyết, sự khủng hoảng lúc đó đủ để biến mái tóc của một người trở nên bạc trắng sau một đêm. Và đó cũng chính là những gì đã xảy ra với Nữ hoàng Antoinette.
Phác họa Nữ hoàng Marie Antoinette
"Lần đầu được nhìn thấy người sau thảm họa ấy là trong chuyến đi Varennes (khi bà cố gắng bỏ trốn). Người bỏ mũ ra và muốn tôi nhìn những gì mà nó đã gây ra với mái tóc của người" - trích lời nữ quan Henriette Campan trong một tài liệu ghi lại. "Chỉ sau 1 đêm, nó bạc trắng như đã 70 tuổi."
Những gì xảy ra với Nữ hoàng Antoinette được ghi nhận là một hội chứng, có tên "Hội chứng Marie Antoinette" (còn gọi là canities subita), và bản thân nó là một hội chứng gây tranh cãi. Một báo cáo năm 2009 nhận định rằng việc tóc bạc trắng chỉ sau một đêm là cực kỳ hiếm, nhưng không phải là không thể xảy ra.
Anne Jolis - phóng viên của The Atlantic
"Tóc không có tế bào sống nào cả," - Desmond Tobin, giáo sư Khoa học Da liễu tại ĐH College Dublin giải thích cho phóng viên Anne Jolis của The Atlantic, người cũng đã có mái tóc bạc trắng chỉ sau 1 đêm. "Căng thẳng về tâm lý không thể ảnh hưởng đến các sợi tóc đã hoàn thiện. Nó chỉ tác động đến những sợi đang hình thành thôi."
"Về mặt y khoa, nó là không thể. Không có cơ chế nào có thể khiến tóc đột nhiên bạc trắng từ ngọn, nữa là bạc ngay sau 1 đêm" - một bài viết trên LiveScience năm 2012 tỏ ra đồng tình với Tobin. "Dù đau ốm, thương tật hay chấn thương tâm lý có xảy ra, cũng phải mất hàng tuần để tóc chuyển thành bạc trắng, vì chỉ có chân tóc là bị ảnh hưởng."
Thế nhưng trên thực tế, lịch sử từng ghi nhận nhiều trường hợp tóc người đột nhiên bạc trắng sau khi gặp phải trải nghiệm quá kinh khủng. Trước Nữ hoàng Antoinette là Thomas More - một luật sư người Anh, tóc đột nhiên bạc trắng vào đêm trước khi bị Vua Henry VIII xử tử vì tội phản quốc vào năm 1535. Nữ hoàng Mary của Scotland trước ngày bị xử trảm mái tóc cũng bạc trắng. Và rất nhiều trường hợp khác cũng vậy sau khi hứng chịu bi kịch nhưng không nổi tiếng, chỉ được ghi nhận trong các tài liệu y khoa.
Suốt một thời gian dài, lý do hàng đầu được đưa ra là một hội chứng rụng tóc có tên alopecia areata. Hội chứng này cho rằng sự căng thẳng tâm lý đã khiến hệ miễn dịch tự kích hoạt, làm tóc đột nhiên rụng ra. Do những sợi tóc không có sắc tố sẽ ít bị ảnh hưởng, nên tóc của họ trông sẽ như bị bạc trắng chỉ sau 1 đêm.
"Có thể giả định rằng một người có xu hướng mắc chứng rụng tóc bỗng trải qua một sự kiện quá căng thẳng, và điều đầu tiên xảy ra là những sợi tóc tối màu rụng hết" - bác sĩ da liễu David Orentreich trả lời NBC vào năm 2009. "Hiện tượng này có thể xảy ra rất nhanh chóng - chỉ sau vài ngày hoặc vài tuần, chỉ để lại tóc bạc."
"Khi đó hiểu biết về hệ miễn dịch vẫn còn sơ khai" - ông chia sẻ thêm. Chính vì kiến thức vẫn chưa có, người ta phải tìm đến những lý do khác như sốc tâm lý để giải thích cho hiện tượng này.
Nhưng đến năm 2020, các nhà nghiên cứu bỗng tìm ra một cơ chế có khả năng giải thích cho hiện tượng tóc bạc trắng sau 1 đêm. Cụ thể theo nghiên cứu công bố trên tạp chí Nature, các chuyên gia đã cho chuột tiếp xúc với nhiều yếu tố căng thẳng ở những giai đoạn mọc lông khác nhau. Với mỗi lần tiếp xúc, họ nhận ra các nang lông của chuột mất dần sắc tố từ tế bào gốc, cuối cùng khiến chúng trở thành chuột trắng - đúng như Hội chứng Marie Antoinette.
"Khi mới bắt đầu nghiên cứu, tôi chỉ dự đoán sự căng thẳng gây ảnh hưởng xấu đến cơ thể. Nhưng những ảnh hưởng xấu ấy lại nằm ngoài sức tưởng tượng" - tác giả nghiên cứu Ya-Chieh Hsu cho biết. "Sau vài ngày, toàn bộ tế bào gốc sản sinh sắc tố đã biến mất. Khi không có chúng, sắc tố không thể sản sinh ra nữa. Và thương tổn ấy là vĩnh viễn."
Tuy vậy, quy trình chính xác khiến các tế bào ấy mất đi lại chưa được tìm ra. Do lý thuyết miễn dịch tự động là chủ chốt, các nhà khoa học đã thử khiến những con chuột có hệ miễn dịch kém chịu thêm căng thẳng, nhưng mọi thứ đi vào ngõ cụt. Một thử nghiệm khác liên quan đến vai trò của hormone stress cortisol cũng rơi vào cảnh tương tự.
"Thật ngạc nhiên là khi loại bỏ tuyến thượng thận để chuột không sản sinh ra cortisol nữa, lông của chúng vẫn trở nên bạc trắng."
Sau cortisol, các nhà khoa học hướng đến noradrenaline - chất truyền dẫn thần kinh. Nó là một phần của hệ thần kinh, chịu trách nhiệm cho các hành động phi ý thức, như phản ứng đánh-hay-chạy của cơ thể.
"Căng thẳng đột ngột, thứ có thể kích hoạt phản ứng đánh-hay-chạy vốn được xem là có lợi cho khả năng sinh tồn của các loài động vật. Nhưng ở trường hợp này, nó lại khiến tế bào gốc bị hủy đi."
Có lẽ, sự đau khổ và sợ hãi đã khiến mái tóc của Nữ hoàng Antoinette bạc trắng. Chỉ là bây giờ chúng ta mới xác nhận được. Tuy nhiên, tại sao lại có cơ chế này thì lại là vấn đề khác. Theo hai nhà khoa học thần kinh Shayla Clark và Christopher Deppman, câu trả lời có lẽ liên quan đến họ hàng gia tộc của người bệnh.
"Tóc bạc thường liên quan đến tuổi tác, và nó giống như biểu tượng của kinh nghiệm, khả năng lãnh đạo và sự tin cậy. Ví dụ như loài khỉ đột lưng bạc, những con đực có chùm lông trắng sau lưng ngay khi trưởng thành, và thường con bạc nhất sẽ đứng đầu."
"Có lẽ chúng đã chịu đựng đủ căng thẳng để có được những chùm lông bạc đó, nhằm chiếm được vị trí cao hơn trong đàn" - họ đặt ra giả thuyết.