Ngay cả học sinh lẫn sinh viên, khi được hỏi môn học nào khiến họ sợ nhất, chắc chắn rất nhiều người trả lời là Tiếng Anh. Môn học này cũng chính là nguyên nhân khiến nhiều thí sinh thi THPT Quốc gia không đậu vào trường mình mong muốn vì dính liệt; nhiều sinh viên học 5, 6 năm Đại học vẫn chưa ra được trường cũng vì chưa trả nợ xong môn Tiếng Anh.
Bảng xếp hạng đánh giá kỹ năng tiếng Anh của người trưởng thành trên toàn cầu (EF EPI) được EF Education First công bố tại Hà Nội năm 2018 cho thấy Việt Nam thuộc nhóm trung bình về trình độ tiếng Anh, đạt 53,12 điểm và xếp thứ 41 trong 88 quốc gia và vùng lãnh thổ.
Nếu hỏi bất kỳ người Việt trẻ nào rằng: How are you? Bạn sẽ nhận được một câu trả lời: I'm fine. Thank you. And you?... như một phản xạ vô điều kiện vậy. Nhiều bạn đang mệt hay ốm cũng trả lời I'm fine như thói quen. Bởi ngay từ lúc mới học Tiếng Anh chúng ta được thầy cô dạy và bắt học thuộc cấu trúc này, nó như một thứ hằn sâu vào não vậy. Trong khi để trả lời câu hỏi thăm này chúng ta có hàng trăm cách khác nhau, hàng trăm từ khác nhau để màn đối đáp thêm phong phú, hấp dẫn, không bị nhàm chán nhưng chả hiểu sao ai cũng nói y chang như vậy.
Trả lời như trên không sai, nhưng nó là hệ luỵ của việc học vẹt, học thụ động, lặp lại như một cái máy. Thậm chí nhiều người còn chẳng biết Thanks you hay Thank you mới là cách viết đúng!
Thạc sĩ Trịnh Huỳnh Chấn, Khoa Ngoại ngữ Trường ĐH Thủ Dầu Một từng nói rằng: "Học sinh được học tiếng Anh từ rất sớm, có những địa phương đưa vào từ chương trình lớp 2 và học xuyên suốt 11 năm cho đến khi lên Đại học, Cao đẳng. Tuy nhiên sau thời gian dài hiệu quả thu lại không đáng kể, nhiều học sinh, sinh viên không nói được một câu tiếng Anh hoàn chỉnh hoặc nói sai ngữ pháp, phát âm không chuẩn, đặc biệt khả năng nghe rất kém".
Quả đúng như vậy, ngay cả nhiều người tự tin mình có bằng IELTS, TOEFL, khi ra nước ngoài du học vẫn gặp phải tình trạng shock ngôn ngữ, người ta nói mình không hiểu, mình nói người ta không hiểu. Chuyện điểm số, thi cử giỏi và chuyện thực hành trong cuộc sống nó là 2 chuyện hoàn toàn khác nhau.
Chia sẻ trên báo Trí Thức Trẻ, Tiến sĩ Giang Công Thế (Hiệu Minh) là một chuyên gia có nhiều năm công tác tại Ngân hàng Thế giới (WB), trụ sở ở Hoa Kỳ nói rằng, năm 2004 ông thi tuyển được sang Mỹ. Ở Hà Nội ông nghĩ tiếng Anh của mình siêu rồi, nói gì tây cũng hiểu, email ngày viết chục cái, nhưng than ôi, sang Washington DC thì mới hiểu vốn tiếng Anh của mình chỉ là vỡ lòng, từ nói, đọc, viết và giao tiếp nói chung. Dù cố gắng đến đâu, dù học thêm ở nhà, nghe đài, xem tivi, học thêm kỹ năng viết, nói, nhưng trình cũng không hơn.
Chúng ta thường quá chú trọng ngữ pháp, đọc, viết mà quên mất gốc rễ của việc nói một ngoại ngữ thành thạo phải là nói chuẩn, nghe đúng. Ngữ pháp, từ vựng, sau đó rèn luyện kĩ năng đọc và viết chỉ là bước khởi đầu. Bạn phải nghe và nói đủ nhiều mới có thể giao tiếp được. Học Tiếng Anh mà chỉ để thi, để kiểm tra còn khi ra thực tế không áp dụng được thì khác nào đổ công sức xuống sông, xuống biển đâu.
Nhưng đâu phải thi cử Tiếng Anh là điểm mạnh của người Việt. Theo phân tích của Bộ GD-ĐT, năm 2018 trong kỳ thi THPT Quốc gia, cả nước có tới 78,22% thí sinh điểm dưới trung bình môn tiếng Anh, với 637.335/814.779 thí sinh dự thi. Điểm có nhiều thí sinh đạt nhất ở môn này là 3 với 57.320 thí sinh. Điểm trung bình môn tiếng Anh là 3,91. Chỉ có 76 thí sinh điểm 10 môn tiếng Anh nhưng có tới 732 thí sinh đạt điểm 0 và 2.189 TS có điểm liệt (<=1), cao khoảng gấp đôi so với 2017.
Terry F. Buss là giáo sư của Đại học Carnegie Mellon, lấy bằng tiến sĩ Khoa học Chính trị và Toán ở Đại học bang Ohio, nói rằng: Trọng tâm của nhiều khóa đào tạo tiếng Anh tại Việt Nam là ngữ pháp và từ vựng. Học sinh dành rất nhiều thời gian cho các bài tập luyện ngữ pháp "chuẩn chỉ". Ngoài ra, các em còn phải học thuộc rất nhiều từ vựng. Sau cùng, kĩ năng đọc và viết trở thành trọng tâm của khóa học.
Trong giáo dục ngôn ngữ, phát triển kĩ năng nghe là kĩ năng tối quan trọng và có tính quyết định đối với việc nói tốt tiếng Anh. Tuy nhiên, một số học sinh và sinh viên Việt Nam lại không được học cách luyện tập kĩ năng nghe, bởi vậy nên họ cũng không có kĩ năng nói tốt. Trong các lớp học áp dụng phương pháp học vẹt, những em học sinh không chú ý lắng nghe sẽ không thể biết nhiều hơn những điều được học.
Muốn nghe tốt, bạn phải phát âm thật tốt. Việc nắm chắc và phát âm đúng trong tiếng Anh sẽ giúp bạn rất nhiều trong việc tránh được việc nói không có trọng âm, không có vần điệu lên xuống. Đã nói sai còn nói một cách nhàm chán, nhạt nhoà, không có nhấn nhá thì chẳng ai muốn nghe bạn trình bày bất cứ điều gì đâu.
Việc hàng trăm hàng nghìn trung tâm dạy học Tiếng Anh mọc lên như nấm cũng báo động một thực trạng về việc đua nhau học vẹt, học tủ để lấy chứng chỉ đi du học, ra trường mà thực chất không biết gì về Tiếng Anh.
Truyền thông Úc từng nói rằng các nhà chức trách nước này đã thể hiện quan điểm lo lắng về tình trạng một lượng lớn giáo viên tiếng Anh nước ngoài kém chất lượng tràn vào châu Á. Phần lớn các giáo viên này được thuê vì gắn mác "người da trắng" trong khi chất lượng giảng dạy cũng như ảnh hưởng lối sống của họ đến học sinh không được kiểm nghiệm chặt chẽ.
Nhiều quốc gia châu Á hiện nay như Việt Nam, Malaysia, Indonesia, Trung Quốc đang gặp khó khăn để quy định chất lượng tiêu chuẩn cho những giáo viên nước ngoài giảng dạy tiếng Anh tại đây.
Những giáo viên nước ngoài không được đào tạo bài bản đi giảng dạy tiếng Anh có thể tạo những ảnh hưởng tiêu cực đến cả học sinh lẫn bản thân giáo viên. Đối với học sinh, việc giảng dạy sai cách sẽ khiến các em phát âm sai, cách ghép câu cũng như khả năng tiếp thu tiếng Anh bị ảnh hưởng. Trong khi đó, giáo viên cũng sẽ nhanh chóng chán nghề và dạy cho có nếu chỉ làm việc vì tiền.
Anh Jake Sharp là một thanh niên 27 tuổi khi đến Việt Nam với mục đích khám phá cuộc sống. Hiện nay anh Sharp đã trở thành một giáo viên tiếng Anh và cho biết nghề này kiếm được mức lương khá. Nhiều người Australia cũng quyết định sống lâu dài tại Việt Nam và làm những nghề dạy tiếng Anh như vậy bởi mức lương tốt còn chi phí cuộc sống thì rẻ.
Tuy vậy anh Sharp chi biết nhiều trung tâm tiếng Anh tại Việt Nam vẫn thuê những người nước ngoài nói tiếng Anh làm giảng viên mà không thông qua kiểm duyệt hay có bằng cấp nào, miễn là họ trông giống người nước ngoài.
Chúng ta bắt gặp nhiều quá những người ngày ngày đăng các dòng trạng thái nỗ lực giảm cân, hay đang cố gắng học tiếng Anh, đọc sách mỗi ngày rồi đăng kèm theo hình ảnh trong phòng gum, nói gì cũng đi kèm vài từ tiếng Anh, thi nhau up ảnh một cuốn sách đang đọc dở... Nhưng status đi kèm thì chắc chắn viết sai chính tả Tiếng Anh.
Thực ra việc để cho người khác thấy bạn chăm chỉ học chả có gì sai cả. Nhưng bạn phải đúng từ những cái căn bản nhất. Ví dụ Web trong Website thì không thể viết là Wed được, hay Facebook lù lù ra thế mà viết Fakebook thì cũng chịu.
Những lỗi sai nhỏ nó cứ bám dần bám dần, theo bạn đi suốt cuộc đời, thành một thói quen khó bỏ. Cũng giống như bạn lặp lại cụm I'm fine, Thank you, And you một cách vô thức vậy. Hệ luỵ đó là sự tổng hợp từ cách dạy chưa đúng và cách học không hiệu quả của rất nhiều người.
Một giáo sư người New Zealand - ông Chris Lonsdale đã chỉ ra rằng việc học tiếng Anh không phải là nỗ lực nhồi nhét càng nhiều kiến thức càng tốt, mà giống một quá trình rèn luyện nhằm hình thành phản xạ tự nhiên.
Ông Chris đã chia sẻ về việc học ngoại ngữ trong 6 tháng thông qua 5 nguyên tắc, 7 bước thực hiện. Nội dung cốt lõi của phương pháp này như sau: người học càng chủ động, tích cực, hiệu quả học tập càng cao.
Phương pháp này khá giống với phương pháp FLIP hiện đang được áp dụng rộng rãi tại nhiều nước trên thế giới. Nó bao gồm 4 yếu tố chính là: môi trường học linh hoạt (Flexible Environment), văn hóa học tập chủ động (Learning Culture), nội dung học có mục đích (Intentional Content) và giảng viên theo sát quá trình học để có phản hồi hiệu quả kịp thời (Teachers).
- Tập trung hết mức có thể vào ngôn ngữ mà bạn đang học, sử dụng chúng ở mọi lúc, mọi nơi, bất kỳ đâu có thể!
- Học từ những cái đơn giản đầu tiên như 1 đứa trẻ. Muốn học ngoại ngữ tốt, bạn phải biến mình thành 1 đứa trẻ để tiếp thu ngôn ngữ một cách nhanh nhất.
- Thấm nhuần ngôn ngữ 1 cách vô thức, càng học nhiều, đọc nhiều, não bộ sẽ tự động loại bỏ những điều mà nó không hiểu, không nhớ.
- Khi giao tiếp, nói chuyện chúng ta cần kết hợp 43 bó cơ, phải nói đến khi nào cho người khác hiểu!
- Nguyên tắc này liên quan đến trạng thái sinh lý: Nếu buồn, giận, lo lắng, bực bội bạn sẽ không học được. Nếu bạn vui vẻ, sóng não alpha, thư giãn, tò mò bạn sẽ học rất nhanh chóng.
- Nghe thật nhiều, nghe mọi lúc mọi nơi dù có hiểu hay không?
- Tập trung vào ý nghĩa của từ ngữ, sử dụng body language để diễn tả 1 từ, 1 câu khi bạn giao tiếp.
- Kết hợp 10 V +10 N + 10 Adj = 1000 thing (10 động từ + 10 danh từ + 10 tính từ sẽ cho ra 1000 từ khác nhau!)
- Tập trung vào 3000 từ thông dụng nhất. (1000 từ tiếng Anh tương đương 85% nội dung giao tiếp hàng ngày, 3000 từ là 98%).
- Thứ tự thực hiện các tuần
+ Tuần đầu tiên:
What is this?
How do you say?
I don’t understand…
Again.
+ Tuần 2, 3:
Pronoun, Common Verbs, Adjective - Sử dụng đại từ đơn giản, tính từ đơn giản, học cách giao tiếp như 1 đứa trẻ
+ Tuần 4: Dùng các loạt từ kết nối: mặc dù, do đó, nhưng… để chuyển biến suy luận.
- Bắt chước khuôn mặt: Bạn phải sử dụng các bó cơ trên cơ thể để tạo ra âm thanh mà người đối diện có thể hiểu. Nghe, nhìn, cảm nhận cách mà họ tạo ra âm thanh đó và bắt chước
- Lặp đi lặp lại trong đầu những gì bạn học, liên tưởng chúng đến nhưng điểu thú vị hơn, hiện thực hóa mọi thứ bằng hình ảnh dễ hiểu. Khi học về Ngọn lửa - hãy nghỉ đến tiếng củi cháy bép bép, ngọn lửa màu vàng, khói.