Cú sốc I hate you và những lần chật vật… đúng giờ
Chị Hồng Vân (33 tuổi) đã kết hôn với anh Richard Peter (41 tuổi) hơn 5 năm nhưng chuyện hẹn hò ban đầu của họ là những câu chuyện dở khóc dở cười. Họ gặp nhau lần đầu vào năm 2016 trong một buổi tiệc về doanh nghiệp. Chàng trai đến từ xứ Wales (Anh) nhanh chóng trúng “tiếng sét” với cô gái Việt.
Chị Hồng Vân cảm nhận ở đối phương là sự giao tiếp lịch sự, nhẹ nhàng, dễ gần. Cả hai trao đổi số điện thoại và bắt đầu hẹn hò.
Chị Hồng Vân và người yêu
Đầu tiên là ngôn ngữ. Hồi mới quen nhau, Vân hay đùa I hate you (Em ghét anh) kiểu nũng nịu, tuy nhiên, Richard nghe hiểu là cô thực sự căm ghét anh ấy nên rất sốc. Cô gái Việt phải nhiều lần giải thích thì Richard mới vỡ òa. Thậm chí, hiện tại, mỗi lần Vân nói I hate you, anh vẫn hay đáp lại: "Ok, anh biết em giỡn nhưng đôi khi em ghét anh thật đấy".
Hồng Vân kể lúc hẹn hò, với bạn trai người Việt, đi muộn là chuyện bình thường, cô thường xuyên được nuông chiều nhưng với người nước ngoài, họ rất coi trọng thời gian. “Anh ấy luôn đúng giờ, thậm chí còn chuẩn bị sẵn sàng để đến đón tôi”, Vân kể.
Đồng thời, người Anh luôn thoải mái trong việc chào nhau bằng cái ôm/hôn. Ban đầu, Vân cảm thấy sốc khi họ dễ dàng ôm người lạ nên cô phải mất vài tháng “trấn tĩnh” và thích nghi văn hóa phương Tây.
Đồng thời, Vân cũng nhận thấy người phương Tây có xu hướng độc lập, đề cao sự tự do cá nhân. Anh ít khi nào hỏi han ăn gì chưa, hoặc đang làm gì để tôn trọng không gian riêng tư của đối phương. Trong khi đó, đàn ông Việt thường chu đáo, ân cần và quan tâm sâu sắc đến người yêu/vợ theo cách khác.
Richard vẫn nhớ những khác biệt trong quan điểm du lịch. Vân thường không thích quay lại một nơi đã từng đến mà muốn khám phá địa điểm mới trong khi anh rất chuộng việc thăm lại những địa điểm du lịch.
Có lần, cả hai đi Hội An, anh thích thuê xe máy chạy khắp nơi. Khi đi ngang qua một nghĩa địa vào buổi tối,Richard dừng lại giữa đồng trống để ngắm sao, rồi chỉ cho Vân chỗ này chỗ kia. Trong khi cô sợ hãi chỉ muốn đi nhanh về khách sạn chứ không dám nhìn.
Tuy nhiên, sau tất cả, Vân nhận ra đối phương là người không thể thiếu trong cuộc sống của mình. Cô tâm sự: “Khi quen nhau, tụi mình có nhiều lần cãi vã, nhưng anh ấy luôn là người chủ động làm hòa trước và không bao giờ bỏ đi khi đang tranh luận. Tôi luôn ghi nhận điều đó trong lòng. Yêu hay không không phụ thuộc vào quốc tịch, mà là vào con người và cách đối xử của người đó”.
Nỗi sợ sầu riêng và thói quen đưa vợ giữ tiền
Chị Hồng Phước (47 tuổi) quen chồng người Canada qua Facebook. Ban đầu, cả hai chỉ trò chuyện với nhau rồi rủ nhau chơi game trồng cây, sau phát triển thành tình yêu. Phước ở TP.HCM quyết định bắt đầu mối quan hệ yêu xa. Vài năm sau, lần đầu tiên chị gặp chồng cũng là lần họ quyết định kết hôn.
Gia đình chị Hồng Phước
“Do tụi mình quen trên mạng nên ban đầu mọi người lo mình bị gạt. Mình cũng không kể cho nhiều người biết, chỉ có báo đám cưới thì bạn bè mới hay. Lần đầu tiên gặp nhau ở sân bay Tân Sơn Nhất, mình đã dặn Anh, tiền đâu, đưa hết đây. Anh ngoan ngoãn đưa và không nói gì nhưng sau này là vợ chồng, anh hay kể vui với mọi người là thấy ngộ mà thôi kệ, chắc do cá nằm trên thớt nên đành chịu”.
Người Canada thường có thói quen vào nhà hàng, quán ăn dùng bữa xong thì bước ra. Trong khi đó, chị Phước thường vừa ăn, vừa trò chuyện khiến chồng rất sốc. Thậm chí, anh vẫn nhớ mãi lần họ đi ăn buffet món Á và chị ngồi đến hai tiếng để thưởng thức.
Phước kể, hồi bé, nhiều nhà ở chỗ chị sống không có tủ lạnh nên đồ ăn còn dư cứ hâm nóng để trên bếp cho nguội rồi đậy nắp để dành cho hôm sau. Với chồng chị, đồ ăn không để ngoài quá hai tiếng, nếu không ăn là phải để trong tủ lạnh. Do đó, khi anh nhìn nồi thịt kho cứ để trên bếp ngày này qua ngày kia là … phát hoảng.
Đồng thời, sầu riêng là nỗi sợ của người phương Tây. Ở Canada, mỗi lần chị muốn ăn sầu riêng là phải ra ngoài sân hoặc ban công. Tuy nhiên giờ đây, họ đã có ba con đều rất thích ăn món này, nên mọi người đã ăn trong nhà.
Hồi Phước mới qua Canada, cả hai cũng bất đồng suy nghĩ, tranh cãi nảy lửa. Tính chị thẳng thắn, có gì không đồng ý là muốn nói ra để cùng giải quyết.
Có lần, chị bắt chồng mình ngồi xuống nghe mình nói từ 12 giờ trưa đến 8 giờ tối. Thỉnh thoảng, anh ngập ngừng xin ra ngoài hút thuốc hay đi vệ sinh, nhưng Phước tưởng anh kiếm cớ bỏ đi nên vẫn ngồi đợi. Vậy mà anh quay lại thật.
Đến 8 giờ tối, anh nhẹ nhàng hỏi: "Em ơi, mình ăn tối được chưa?" Nghe vậy, Phước liền đi nấu ăn, rồi hai vợ chồng cùng ăn như chưa từng có chuyện gì xảy ra.
Tuy nhiên, chị cảm nhận ở anh là sự trân trọng và biết ơn bạn đời. “Mỗi lần mình nấu ăn, ở nhà giữ con trong khi anh đi chơi là anh đều cảm ơn. Cảm ơn em nấu ăn cho anh, cảm ơn em hy sinh ở nhà nuôi dạy con chúng mình, đi chơi cùng chúng”, Phước kể.
Phước kể rằng, hồi trước khi kinh tế còn eo hẹp, chị rất mong có một chiếc máy chụp hình giá 300 USD. Thấy tờ báo quảng cáo, chị tiện miệng nói với chồng: "Mai mốt mình có tiền, mà anh muốn tặng gì em, thì cái này nha anh."
Anh đáp: "Vài tháng nữa sinh nhật em, anh cho em 100, Noel anh cho 100, và sinh nhật năm sau nữa là 100, thì em đủ tiền mua rồi đó."
Chị hơi chạnh lòng một chút, nhưng cũng bỏ qua vì hiểu hoàn cảnh của mình. Ai dè đến sinh nhật, anh mua tặng chị đúng chiếc máy chụp hình với màu chị thích. Khi mở ra, chị bật khóc vì vui sướng.
Cuối cùng, Phước nhận ra mình đã có may mắn chọn đúng chồng và đúng cha cho các con. “Anh đã từng có con bạn gái cũ nhưng luôn thương con, chăm sóc chơi đùa và có trách nhiệm. Do đó, mình thấy được tương lai ở anh là một người cha tốt”.