Trên thị trường hiện nay đang có rất nhiều chất được quảng cáo có tác dụng tăng cường miễn dịch theo các cơ chế rất khác nhau, tuy nhiên phần lớn đều chưa chứng minh được vai trò thực sự trên lâm sàng. Mặt khác, bất kỳ chất nào đưa vào cơ thể đều có khả năng gây ra các tác dụng không mong muốn cho người sử dụng.
PGS.TS. Nguyễn Thị Liên Hương, Cục trưởng Cục Quản lý môi trường y tế nhấn mạnh, không được tùy tiện sử dụng, không được lạm dụng các loại thuốc này. Cần tham vấn ý kiến chuyên môn trước khi có quyết định sử dụng các chất được quảng cáo là tăng cường miễn dịch để tránh lãng phí về tiền bạc mà không đem lại hiệu quả như mong muốn, hoặc thậm chí còn có thể có hại cho sức khỏe.
Với các chế phẩm dùng cho trẻ, theo BS. Trần Đồng (Bệnh viện Sản Nhi Vĩnh Phúc), việc sử dụng những loại thuốc hoặc những sản phẩm có tác dụng tăng cường miễn dịch cũng cần phải được chỉ định, tư vấn và hướng dẫn của bác sĩ. Nên nhớ, chỉ bổ sung thuốc tăng cường miễn dịch khi cơ thể thiếu hụt trầm trọng. Bởi thuốc tăng cường miễn dịch cũng có thể gây rối loạn trong cơ thể nếu dùng thừa. Cần trao đổi cụ thể với bác sĩ để có sự lựa chọn thuốc đúng, an toàn và hiệu quả.
Có thể tăng cường miễn dịch, chống lại bệnh tật bằng thực phẩm ăn hàng ngày như rau xanh, hoa quả... Bên cạnh đó cần duy trì thói quen, lối sống lành mạnh: Không hút thuốc, tăng cường vận động, duy trì cân nặng khỏe mạnh, ngủ đủ giấc 8 giờ/ngày, tránh thức khuya, hạn chế uống bia rượu, uống nhiều nước, tránh căng thẳng, thực hiện các bước phòng tránh nhiễm trùng: đeo khẩu trang đúng cách, rửa tay thường xuyên và ăn chín uống sôi, tránh tụ tập nơi đông người.
Đối với các vitamin và khoáng chất được cho là giúp tăng cường miễn dịch như VTM A, VTM D, VTM C, kẽm, selen... nên bổ sung bằng thực phẩm: ăn nhiều rau xanh, hoa quả…
Chỉ bổ sung bằng thuốc cho những cơ thể bị thiếu các chất này. Vì nếu bổ sung thừa sẽ gây nên các hậu quả do thừa các chất đó hoặc sẽ gây rối loạn trong cơ thể. Chỉ bổ sung khi thiếu hoặc nguy cơ thiếu, cũng chỉ bổ sung một khoảng thời gian nào đó chứ không phải 24/7/12/365 (như khi có thai, cho con bú, vận động viên, lao động quá sức, người già ăn kém, ốm dậy, người vừa phải nhịn ăn để phẫu thuật...).
Người bình thường ăn uống đa dạng thì không cần bổ sung.
Lưu ý: chữa bệnh do thừa khó hơn chữa bệnh do thiếu.