Liên quan đến việc tổ chức Hội Thánh Đức Chúa Trời Mẹ đang hoạt động rầm rộ ở nhiều tỉnh, thành phố, gây hoang mang dư luận trong thời gian gần đây, trả lời PV VTC News, PGS.TS Ngô Hữu Thảo, Phó Chủ nhiệm Hội đồng tư vấn về tôn giáo của Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam cho biết, Hội Thánh Đức Chúa Trời Mẹ có thể được gọi là một giáo phái thuộc về “hiện tượng tôn giáo mới” (nước ngoài thường gọi), còn Việt Nam cũng gọi như vậy, nhưng nhiều hơn, gọi là “đạo lạ”.
Tuy nhiên, hoạt động của các giáo phái này, do nhiều nhiều nguyên nhân, trong đó có nguyên nhân không chấp nhận các tôn giáo truyền thống, nên mang sắc thái cực đoan và gây hậu quả cho xã hội, có khi rất nghiêm trọng.
“Hội Thánh Đức Chúa Trời Mẹ, như báo chí lên tiếng, có thể gọi là giáo phái - tôn giáo cực đoan, khi đã gây ra hậu quả trên nhiều phương diện đời sống. Do đó phải dùng đến pháp luật để xử lý”, PGS.TS Ngô Hữu Thảo nói.
PGS.TS Ngô Hữu Thảo, Phó Chủ nhiệm Hội đồng tư vấn về tôn giáo của Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam (ảnh: dthu.edu.vn)
Theo PGS.TS Ngô Hữu Thảo, Hội Thánh Đức Chúa Trời Mẹ có nhiều tác động tiêu cực và chủ yếu trên các phương diện xã hội, tư tưởng, tâm lý, văn hóa.
Những tác động này được thể hiện tương đối rõ, như những gì báo chí đã phản ánh trong thời gian vừa qua và hiện nay, như việc kêu gọi bỏ học hành, bỏ gia đình, đập bỏ bát hương một cách thô bạo, bán hàng đa cấp, nộp quỹ cho hội và bị số cầm đầu lợi dụng....
Để ngăn chặn và đẩy lùi hiện tượng tôn giáo cực đoan này, PGS.TS Ngô Hữu Thảo cho rằng, nên phân tích rõ những gì cực đoan, phải nói được, phân tích được những tác hại cụ thể như thế nào đối với con người. Trước hết phải dùng luật pháp để xử lý, sau đó là dùng những quy chuẩn đạo đức văn hóa để cảm hóa các đối tượng này.
“Đối với những người đi truyền giáo, những người đứng đầu thì phải xử lý bằng pháp luật.
Những người đi các nơi truyền giáo, tổ chức sinh hoạt tôn giáo tập thể mà không đăng ký với chính quyền là vi phạm quản lý hành chính, quản lý xã hội, khi luật pháp đã quy định và hành vi hoạt động tôn giáo được chứng minh là vi phạm thì nhất định phải xử lý bằng pháp luật.
Còn với những tín đồ, những người đi theo thì phải tăng cường, nâng cao nhận thức cho họ, phải tuyên truyền, phân tích cho họ những điểm cực đoan, những tác hại xấu về hội thánh này để họ tỉnh ngộ mà tự rời bỏ” - ông Thảo cho biết
Vị chuyên gia này cũng lưu ý, đối với những vấn đề liên quan đến tôn giáo mà xử lý theo cách cực đoan, thô bạo thì sẽ không thể có thành công.
“Xử lý phải nhẹ nhàng, dùng tình yêu thương, chia sẻ mới có thể cảm hóa, làm cho người ta nhận thức được cái hại của nó mà tự rút ra được, như thế mới thành công.
Tôi cho rằng, kể cả trong phạm vi gia đình cho đến đoàn thể, xã hội, phải phân biệt, không đánh đồng tất cả hoạt động tôn giáo là tiêu cực, cũng như cần thấy mọi người có quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo nhưng hoạt động tôn giáo cũng có giới hạn do luật pháp quy định”, ông Thảo cho hay.
PGS Ngô Hữu Thảo đánh giá cao vai trò của các tổ chức, đoàn thể và gia đình trong việc giải quyết đối với tổ chức tôn giáo cực đoạn này.
Phân tích kỹ hơn về những biểu hiện cực đoan của Hội Thánh Đức Chúa Trời Mẹ, ông Thảo cho rằng, đối với việc không thờ cúng tổ tiên, trong quan niệm về thần học, các tôn giáo độc thần, như Ki tô giáo đã không thờ cúng tổ tiên, hoặc có nhưng ở mức độ và đó là đặc điểm riêng, bình thường của các tôn giáo này.
Tuy nhiên, nếu ai đó có hành vi vội vàng, đến thô bạo đập phá bàn thờ, hay chôn cất người chết, là không thể chấp nhận, là hành vi không đẹp và thiếu tính nhân văn.
Tương tự, việc thu phí để duy trì sinh hoạt tôn giáo, mang yếu tố tâm linh cũng tồn tại ở một số tôn giáo, tuy nhiên nếu có người lợi dụng việc này cho mục đích riêng, để vơ vét, chiếm dụng thì đó là hành vi vi phạm cả về mặt tôn giáo và pháp luật.
Đặc biệt, PGS Ngô Hữu Thảo rất lưu ý đến việc Hội Thánh Đức Chúa Trời Mẹ có sử dụng một loại “nước màu đỏ” (phải chăng đó là nước thánh, hay máu của Chúa, tín đồ uống sẽ được Chúa cho sức mạnh), song nếu như báo chí cho hay, nó tác hại mạnh đến thần kinh, thì cơ quan chức năng cần phân tích làm rõ trong nước đó có chất gì, có độc tố hay không.
“Trong việc tuyên truyền cho người theo, tôi sợ nhất là có yếu tố tẩy não. Cái đó rất nguy hiểm, nếu đúng thì phải xử lý nghiêm khắc đối với người truyền giáo.
Việc đi theo hay không theo một tôn giáo nào phải tự nguyện, nếu ép buộc người khác đi theo để rồi khống chế, dọa dẫm để họ không thể thoát ra được là không được, là vi phạm pháp luật về tự do tín ngưỡng, tôn giáo.
Vị chuyên gia này cho rằng, Hội Thánh Đức Chúa Trời Mẹ có ảnh hưởng rất lớn đến các tôn giáo truyền thống, đã được nhà nước công nhận.
Ông Thảo nhấn mạnh, trên thế giới cũng từng xuất hiện và tồn tại một số hiện tượng tôn giáo mới cực đoan, thậm chí là phi nhân tính, phản văn hóa.
"Chính vì vậy việc ngăn chặn và đẩy lùi hoạt động của những tổ chức tôn giáo cực đoan này là rất cần thiết", PGS Thảo nói.