Chuyên gia Phương Hoài Nga: Sai lầm khi xử phạt và cách để con tin "cha mẹ luôn ở đây"

Thanh Hương, Theo Trí thức trẻ 16:26 10/06/2022

Có nên đánh trẻ hay không? Nên phạt con như thế nào là đúng? Chia sẻ từ chuyên gia tâm lý Phương Hoài Nga sẽ giúp phụ huynh rất nhiều trong hành trình lớn lên cùng con.

Trong cuộc trò chuyện mới đây với chuyên gia tâm lý Phương Hoài Nga, chúng ta đã nói về câu chuyện "tiền lớp 1" - theo đó, các bậc cha mẹ nên tính đến lợi ích lâu dài cho cả hành trình học của con thay vì chỉ mong kết quả trước mắt. Và có lẽ nhiều bậc phụ huynh có con chuẩn bị bước vào tiểu học đã không còn quá lo lắng và biết mình cần phải làm gì.

Tuy nhiên, trong quá trình nuôi dưỡng con trưởng thành, thực tế sẽ khó tránh khỏi có những lúc giữa bố mẹ và con xảy ra xung đột. Lúc này, phương châm "tính đến lợi ích lâu dài của con" mà chuyên gia Phương Hoài Nga chia sẻ tiếp tục cho thấy đó là thước đo vô cùng quan trọng để các cha mẹ áp dụng vào việc dạy con như: phạt con ra sao, kỳ vọng thế nào, động viên thế nào v.v.

Đánh mắng để con học: Lợi trước mắt, hại lâu dài

PV: Chị nghĩ sao với quan điểm "Yêu cho roi cho vọt"? Theo chị, đâu mới là cách kỷ luật con có hiệu quả nhất?

ThS Phương Hoài Nga: Trong cuốn sách tôi sắp cho ra mắt, mang tên Làm cha mẹ hoàn hảo, (chữ 'hoàn hảo' bị gạch ngang - pv) có một chương sẽ hướng dẫn cha mẹ cách Yêu cho đúng - Nghiêm cho vừa, thông qua cân bằng giữa việc tôn trọng và nghiêm khắc với con.

Khi mà mọi người đã quen với việc "Yêu cho roi cho vọt" như một câu nằm lòng, rất dễ phát ra trong tư duy của mình, thì việc không dùng đến đòn roi sẽ rất khó. Thế nhưng, tôi lại có một cách tiếp cận khác, đó là tiếp cận bằng mục tiêu.

Chuyên gia Phương Hoài Nga: Sai lầm khi xử phạt và cách để con tin cha mẹ luôn ở đây - Ảnh 1.

Thạc sĩ tâm lý Phương Hoài Nga.

Lấy ví dụ cụ thể chúng ta đánh hoặc mắng con vì muốn con yêu việc học, thì chúng ta đang mâu thuẫn với chính mình.

Liệu con có thể thực sự yêu thích việc học được hay không khi nó gắn với đòn roi, với đau đớn? Chắc chắn là không rồi. Chính vì thế, chỉ cần bố mẹ nghĩ đến mục tiêu của mình (là muốn cho con yêu thích việc học), không vì mục tiêu trước mắt là con ngồi vào bàn hay đọc một cuốn sách mà hy sinh mục tiêu lâu dài, thì họ sẽ không bao giờ phải nghĩ đến cái roi.

Ngoài ra, nếu chúng ta đánh con thì rõ ràng là chúng ta không tôn trọng con, chúng ta dạy chúng phải tôn trọng cơ thể của mình, không cho người khác động vào nhưng chính chúng ta lại xâm phạm thân thể của chúng.

Cuối cùng, việc bạn đánh con vì muốn con học tốt hơn còn nguy hiểm ở chỗ nó sẽ khiến con dần hình thành tâm lý đối phó với bố mẹ, dễ hình thành tư duy nói dối bố mẹ.

PV: Nhiều bậc phụ huynh không đánh con, nhưng lại dùng hình phạt theo kiểu: Nếu hôm nay con không làm xong bài tập, con sẽ không được ăn cơm. Chị nghĩ sao?

ThS Phương Hoài Nga: Hình phạt muốn có hiệu quả thì phải dựa trên 3 yếu tố, đó là nó phải phù hợp; thứ 2 nó phải liên quan; thứ 3 nó phải dựa trên sự tôn trọng con.

Như ở trên, tôi nói về việc "Yêu cho roi cho vọt", đánh con thì rõ ràng là không tôn trọng con rồi.

Còn thế nào là liên quan và phù hợp? Con không làm bài tập, thì rõ ràng bạn sẽ muốn con dành thời gian lẽ ra để làm việc khác để bù vào. Vậy thì giữa các thời gian quan trọng như ngủ, vận động thể thao và giải trí, ta nên lấy thời gian giải trí của con. Bạn có thể nói: "Vì con đã không làm bài tập về nhà, nên hôm nay, con sẽ không được chơi game nữa. Ngày mai, khi con đã làm xong, con sẽ được chơi game". Đó là sự phù hợp và liên quan, cho thấy logic của vấn đề.

Còn "con không làm bài tập thì không được ăn cơm" thì là trừng phạt rồi. Chuyện ăn uống là các nhu cầu cơ bản, thậm chí nó còn quan trọng hơn cả việc học, bạn không thể bắt con nhịn được. Như thế là không phù hợp, không liên quan, tất nhiên cũng không tôn trọng con.

Kỳ vọng về con đúng mức

PV: Có một vấn đề mà lâu nay các cha mẹ vô cùng quan tâm: Làm gì để con không cảm thấy bị áp lực đè nặng, dẫn đến những suy nghĩ tiêu cực?

ThS Phương Hoài Nga: Bố mẹ nên giảm kỳ vọng đối với con mình rồi tăng kỳ vọng dần lên.

Trở lại ví dụ trong việc dạy con viết chữ, khi con vào lớp 1. Ban dầu, chỉ nên yêu cầu con viết ít thôi, ví dụ là 1 dòng, sau đó, khi thấy con làm việc đó tương đối dễ dàng rồi, bố mẹ sẽ tăng dần yêu cầu lên 2 dòng, 3 dòng chẳng hạn.

Chuyên gia Phương Hoài Nga: Sai lầm khi xử phạt và cách để con tin cha mẹ luôn ở đây - Ảnh 2.

Tất nhiên, cũng sẽ có lúc nào đó, con bạn vốn đã viết được 3 dòng rồi nhưng tự nhiên hôm ấy chỉ viết được 1 dòng, thậm chí là chẳng viết được dòng nào, hoặc chưa viết mà lại bảo là viết rồi, thì phụ huynh cũng cần bình tĩnh, tìm hiểu nguyên nhân, và tham khảo hệ quả logic đã đề cập ở trên.

Hoặc ví dụ, hiện tại con bạn chỉ được 5 điểm, vậy thì bạn nên đặt mục tiêu làm sao để lần tới, con được 7 hoặc 8 điểm thôi, chứ đừng đặt mục tiêu lên tới 9, 10 điểm luôn. Đó là một yêu cầu thiếu thực tế. Đó là sự kỳ vọng thái quá của cha mẹ, mà nhiều khi xuất phát từ những điều cha mẹ không làm được nay áp vào con mình.

PV: Thực tế trong gia đình chị thì sao?

ThS Phương Hoài Nga: Con trai tôi khi cháu học lớp 1, bài tập về nhà mỗi tối là cháu phải viết 5 dòng, tôi đã cho cháu chọn hoặc là viết 1 dòng, hoặc là viết 5 dòng, ban đầu, tất nhiên cháu đã chọn 1 dòng.

Vài ngày sau, khi cháu viết 1 dòng không còn khó khăn quá, tôi lại cho cháu chọn giữa 2 dòng và 5 dòng, và cháu lại chọn 2 dòng, cứ như thế, tôi cho tăng số lượng và cả chất lượng lên 1 cách từ từ. Con theo đó bớt căng thẳng với năm lớp 1, nhưng vẫn đạt được những yêu cầu cơ bản cần có. Có thể so với các bạn khác, con trai tôi không thể viết được luôn 5 dòng ngay từ đầu, nhưng quan trọng là tôi thấy được sự tiến bộ của con.

Cũng như đối với việc làm bài tập mỗi tối, ví dụ hôm nay con phải làm bài tập tiếng Anh, toán và tiếng Việt, bố mẹ hãy cho con quyền được lựa chọn làm bài nào trước, làm bài nào sau. Việc làm này không chỉ giúp con có trách nhiệm hơn với những công việc của cháu mà còn giúp con tìm được nhịp điệu riêng của mình.

PV: Trở lại câu chuyện của các bạn nhỏ chuẩn bị lên lớp 1. Với những trẻ hiếu động (đa phần là các bé trai) và không thể tập trung vào bất kỳ 1 việc nào, dù là ngồi học hay là ngồi chơi, thì bố mẹ phải làm thế nào?

ThS Phương Hoài Nga: Bố mẹ không nên chỉ tập trung vào việc con có thể làm toán, tính số hay không, mà nên chú ý đến mục tiêu là con có thể làm việc tĩnh, vì khả năng làm việc tĩnh sẽ giúp con có khả năng làm việc và phát triển khi các bạn học lên cao.

Bố mẹ có thể cùng con làm bất kỳ 1 hoạt động đơn giản nào đó, ví dụ như đọc sách cho con nghe chẳng hạn. Đến cuối năm lớp 1, khả năng tập trung làm việc tĩnh của con nên là 10 đến 15 phút, còn vào đầu năm lớp 1, thì con số này sẽ nên là 5 đến 6 phút.

Chuyên gia Phương Hoài Nga: Sai lầm khi xử phạt và cách để con tin cha mẹ luôn ở đây - Ảnh 3.

Chuyên gia Phương Hoài Nga: Phụ huynh nên bình tĩnh một cách có chiến lược!

Trong khoảng thời gian 5 đến 6 phút này, không phải là con phải ngồi im, không được động đậy, ngó ngoáy, mà tâm trí của con ở trong công việc, con nắm được thông tin mà bố mẹ truyền tải và thực hiện được nhiệm vụ đã được giao thì đó chính là thành công.

Cứ như vậy, khi con học hết lớp 5, khả năng tập trung làm việc tĩnh của con sẽ tăng lên khoảng 35 - 45 phút. Có nghĩa là cả 5 năm tiểu học các con mới có thể làm được việc đó, nên bố mẹ không cần vội vàng hay sốt ruột.

PV: Nói như vậy là phụ huynh cứ bình tĩnh thôi? Không cần lo lắng chút nào?

ThS Phương Hoài Nga: Tôi nghĩ cần hiểu đúng khái niệm "bình tĩnh" này. Không có nghĩa là phụ huynh chỉ "bình chân như vại", mà là bình tĩnh CÓ CHIẾN LƯỢC.

Ví dụ như khi mình đang nói chuyện với con mà thấy con cứ ngắt lời hoặc làm 1 việc gì đó chẳng hạn, thì rõ ràng là khả năng tập trung chú ý của bé chưa cao và cần thời gian tập luyện. Khi đó, bạn có thể bảo con rằng: "Từ từ, nghe mẹ nói đã", rồi mình yêu cầu con nhắc lại xem 2 mẹ con có hiểu nhau không.

Có những bạn vừa đánh răng lại vừa múa hát, hoặc đi từ phòng ngủ ra nhà vệ sinh cũng phải rẽ trái rẽ phải vài nơi mới đến đích, bạn có thể ra những yêu cầu nhỏ với con, ví dụ con phải đi 1 mạch từ phòng ngủ ra nhà vệ sinh, con phải nhớ nhiệm vụ của con.

Nếu là người lớn, ví dụ chúng ta đang viết bài dở thì có 1 cuộc điện thoại gọi đến, nói chuyện 1 hồi thì chúng ta nhận ra là nó lan man quá, ta sẽ nói với người bên kia đầu dây là "Thôi để nói sau nhé, mình đang làm dở việc" chẳng hạn. Chúng ta có khả năng tập trung như vậy vì đã rèn luyện cả đời rồi, nhưng trẻ con thì không và do đó, bố mẹ phải hướng cho con quay trở lại việc chính mà bé đang làm, nhưng tất nhiên, mỗi việc cũng không thể kéo dài lâu, bắt đầu từ 5 - 6 phút rồi tăng dần lên.

Cha mẹ luôn ở đây!

PV: Đã có những câu chuyện đau lòng liên quan đến trẻ vị thành niên gần đây, theo chị thì có phải nguyên nhân là do áp lực trong học tập tích tụ quá lâu và nếu đúng vậy thì bố mẹ cần làm gì để con không bị áp lực như vậy?

ThS Phương Hoài Nga: Với những câu chuyện cụ thể, tôi cho rằng, vì chúng ta là người ngoài cuộc, chúng ta sẽ không bao giờ biết được nguyên nhân thật sự dẫn đến những điều đáng tiếc đó, và nếu chúng ta suy đoán về họ thì có lẽ sẽ là sự thiếu tôn trọng đối với cả các bạn ấy và người nhà của các bạn ấy.

Về đại thể, tôi cho rằng, đối với mỗi 1 quyết định tiêu cực mà chúng ta đưa ra, thì thường là do 2 nhóm nguyên nhân.

Nhóm thứ nhất thường là do những sự việc cực kỳ sốc, có thể nói là kinh khủng mà ta hay gọi là biến cố, ví dụ như bị tấn công, bị lạm dụng. Còn nhóm thứ hai thì thường là những áp lực tích tụ dần qua năm tháng.

Chuyên gia Phương Hoài Nga: Sai lầm khi xử phạt và cách để con tin cha mẹ luôn ở đây - Ảnh 4.

Tuy nhiên, có 1 điều tôi có thể khẳng định với bạn, đó là không có cách nào có thể giúp các con tránh bị áp lực. Cuộc sống này đầy rẫy những áp lực, không áp lực trong chuyện này thì áp lực trong chuyện khác.

Bố mẹ không nên giúp con tránh áp lực mà nên giúp con thích ứng với áp lực, thông qua những áp lực con có thể giải quyết được, và tăng dần lên khi các con chúng ta cũng lớn dần thêm.

Hoặc ví dụ, hiện tại con bạn chỉ được 5 điểm, vậy thì bạn nên đặt mục tiêu làm sao để lần tới, con được 7 hoặc 8 điểm thôi, chứ đừng đặt mục tiêu lên tới 9, 10 điểm luôn. Đó là áp lực mà các con có thể phấn đấu được, chuẩn bị cho sự thành công và tin vào khả năng của chính mình.

Tiếp theo, hãy dành thời gian lắng nghe con, để con chia sẻ với mình và làm sao để con hiểu được rằng: Cha mẹ luôn ở đây, nếu con gặp vấn đề, cha mẹ và con sẽ cùng ngồi lại để giải quyết, rằng con không hề đơn độc...

PV: Xin cảm ơn chị vì buổi chia sẻ!

chị Nga 1

Thạc sĩ tâm lý Phương Hoài Nga (ĐH Toulouse II-Le Mirail, Pháp) có hơn 15 năm làm việc trong lĩnh vực tâm lý học trẻ em và vị thành niên (trong đó, cô làm tâm lý học đường trong 11 năm).

Cô đồng thời là dịch giả, người hiệu đính cho nhiều cuốn sách về tâm lý trẻ em và gia đình. Cô hiện là chuyên gia tham vấn - trị liệu tâm lý độc lập cho trẻ em và gia đình.

Tháng 6/2022, cô Phương Hoài Nga dự kiến ra mắt cuốn Làm cha mẹ hoàn hảo, trong đó có những gợi ý để cha mẹ vượt qua rào cản của lo lắng, bất an và những rừng thông tin trái chiều để định hướng và can đảm cùng con trưởng thành.

https://soha.vn/chuyen-gia-phuong-hoai-nga-sai-lam-khi-xu-phat-va-cach-de-con-tin-cha-me-luon-o-day-20220601155427715.htm