Trước diễn biến tăng giá của giá vàng thế giới và giá vàng nhẫn trong nước, TS. Nguyễn Trí Hiếu, chuyên gia kinh tế phân tích và nhận định về vấn đề này. Theo ông Hiếu, giá vàng thế giới tác động bởi nhiều yếu tố trên thị trường tài chính thế giới. Ngân hàng dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) đã chính thức giảm lãi suất 0,5% sau nhiều năm tăng lãi suất để chống lạm phát. Việc giảm lãi suất của Fed đã đẩy giá vàng lên. Trong khi đó, USD Index cũng đang ở ngưỡng trì trệ. Chính vì giá trị đồng đô la giảm xuống, giá vàng lại có đà tăng lên.
Bên cạnh việc Fed xoay chiều chính sách tiền tệ còn một số yếu tố khác đẩy giá vàng lên là vấn đề địa chính trị, xung đột cục bộ một số khu vực. Nhiều ngân hàng TW ở một số nước trên thế giới cũng đang tích cực mua vàng và coi vàng là một tài sản dự trữ quốc gia. Ngoài ra, tâm lý của các nhà đầu tư kỳ vọng vàng trong xu hướng tăng khiến họ mua vàng tích trữ. Hàng loạt các yếu tố đó đẩy giá vàng thế giới tăng tới mốc 2600 USD/ounce.
Cũng theo ông Hiếu, giá vàng thế giới được vận hành theo cung cầu, không ai có thể kiểm soát được. Điều này khác với thị trường vàng của Việt Nam. Việt Nam hiện có hai phân khúc vàng được nhà đầu tư quan tâm là vàng miếng và vàng nhẫn. Vàng miếng đang nằm trong chính sách bình ổn giá. Thời gian vừa qua, NHNN đã thực hiện nhiều biện pháp để kéo giá vàng miếng từ 92 triệu đồng/lượng xuống còn khoảng 80 triệu đồng/lượng. Còn vàng nhẫn không đặt trong diện bình ổn giá, vẫn vận hành theo quy luật cung cầu.
Thế nên, dù giá vàng thế giới tăng, vàng miếng trong nước sẽ khó tăng mạnh do nguồn cung và giá vàng đang trong diện kiểm soát. Còn giá vàng nhẫn vẫn có xu hướng tăng do cơ chế vận hành tương đối theo quy luật cung cầu.
Ông Hiếu dự báo: "Giá vàng thế giới tiếp tục tăng trong năm nay và năm sau. Đến năm 2025, giá vàng có thể đạt mức 3000 USD/ounce. Nếu điều đó xảy ra thì giá vàng trong nước cũng chịu tác động. Nếu giá vàng miếng vẫn bị kiểm soát thì giá vàng nhẫn sẽ tăng mạnh trong thời điểm cuối năm và sang năm sau". Song điều ông Hiếu lo ngại đó là nếu vàng nhẫn xảy ra tình trạng sốt nóng có thể nằm trong diện bình ổn giá như vàng miếng. Thế nên, nhà đầu tư nên cẩn trọng với việc đầu tư vàng. Vì chúng ta không biết đâu là hướng giải quyết đối với thị trường vàng.
Đối với các nhà quản lý, ông Hiếu khuyến nghị, có lẽ đến một thời điểm nào đó, khi cơn sốt vàng đã hạ nhiệt và kiểm soát nên để thị trường vàng vận hành theo cung cầu. Thông tư 24 nên thay đổi để thị trường vàng miếng vận hành ổn định hơn. Nếu vận hành tự do, tác động của thế giới lên vàng trong nước sẽ khiến thị trường này vận hành theo cơ chế thị trường.
Chung quan điểm, TS. Lê Xuân Nghĩa, chuyên gia tài chính cũng cho rằng, về dài hạn, theo tôi cần phải tính đến làm sao để thị trường vàng trong nước và quốc tế liên thông với nhau. Theo hướng này, Ngân hàng Nhà nước cần phải cho phép các ngân hàng thương mại hoặc công ty kinh doanh vàng bạc đá quý lớn nhập khẩu và kinh doanh bình thường. Nhà nước có thể áp dụng các biện pháp như thuế, hải quan, thuế VAT hay thuế của các doanh nghiệp kinh doanh vàng bạc để giám sát được thị trường này.
"Nhưng cũng cần lưu ý là nếu thuế cao quá thì sẽ kích thích buôn lậu vàng trở lại. Muốn vậy thì phải có giải pháp quản lý tổng thể để thị trường vàng hoạt động một cách minh bạch, với hệ thống hóa đơn, chứng từ chặt chẽ", ông Nghĩa đặt ra vấn đề.