Người dân tại Bắc Mỹ hiện đang phải chống chọi với một mùa đông quá sức lạnh giá và khắc nghiệt. Nhiều nơi ghi nhận nhiệt độ lạnh hơn cả sao Hỏa - xuống tới âm 60 độ C khi kết hợp với gió thổi.
Nước Mỹ đóng băng trong đợt "bom bão"
Trung Quốc tuyết rơi khắc nghiệt, Canada trải qua đợt giá rét chưa từng thấy. Phải chăng vấn nạn "khí hậu nóng lên" mà các nhà khoa học đã tuyên truyền cả năm qua là sai sự thật?
Ồ không! Nếu nhớ lại thì 2017 cũng là một năm thế giới trải qua nhiều đợt nắng nóng vượt qua mọi kỷ lục trong lịch sử.
Và thậm chí ngay lúc này, người dân Úc còn đang đối mặt với đợt nắng nóng kỷ lục lên tới hơn 40 độ C nữa cơ (Úc nằm ở Nam bán cầu, nên thời tiết "ngược" với các quốc gia phía Bắc). Khi ấy, chẳng phải ai cũng nghĩ đó là hậu quả của việc khí hậu nóng lên sao?
Bắc Mỹ lạnh kinh hoàng, trong khi Úc nóng kỷ lục luôn
Vậy tóm lại, điều gì đang xảy ra với Trái đất vậy? Tại sao có những nơi lạnh kinh hoàng, chỗ thì nóng kỷ lục? Câu trả lời vẫn vậy thôi: chính là vì quá trình biến đổi khí hậu. Tuy nhiên, bản chất của nó có đôi chút khác biệt mà chúng ta cần phải làm rõ!
Được biết, đợt lạnh kinh hoàng mà người dân Bắc Mỹ đang phải gánh chịu xuất phát từ một trận "bom bão" đến từ Bắc Cực. Nhiệt độ xuống thấp, tuyết rơi dày đặc, mọi thứ đóng băng. Nhưng dù lạnh đến đâu, các chuyên gia vẫn buộc phải nói rằng quá trình biến đổi khí hậu phải chịu trách nhiệm một phần.
Trận "bom bão" dội vào Bắc Mỹ
Theo Jonathan Overpeck, chuyên gia khí hậu từ ĐH Michigan, trong quá trình Trái đất nóng lên, vùng Bắc Cực chịu ảnh hưởng nhiều hơn cả. Nơi đây nóng lên nhanh hơn, khiến lượng băng giá quanh khu vực sụt giảm nghiêm trọng khi đông đến.
Băng giảm, tức là nhiệt sẽ được luân chuyển nhiều hơn giữa đại dương và khí quyển, khiến những cơn gió xoáy tại vùng Bắc Cực suy yếu.
Vấn đề nằm ở chỗ, gió xoáy vốn đóng vai trò như một lớp "cách nhiệt" cho cả Bắc bán cầu khỏi cái lạnh khắc nghiệt vùng cực. Gió yếu đi, nhiệt độ siêu lạnh trong không khí vùng cực có xu hướng di chuyển xa hơn về phía Nam, tạo ra những mùa đông lạnh hơn đối với một số khu vực.
Gió xoáy vùng cực - Ảnh minh họa
Nhưng không phải ở đâu cũng giống nhau. "Tác động của biến đổi khí hậu không giống nhau giữa các khu vực. Có thể lúc này sân nhà bạn lạnh kinh khủng, nhưng ở đâu đó, họ đang được trải nghiệm một mùa đông ấm áp hơn bình thường." - Overpeck cho biết.
Mùa đông ấm hơn, nước ở một số khu vực ít bị đóng băng, nhưng lại tạo điều kiện để nơi khác có tuyết rơi vì hơi nước trong không khí lúc này nhiều hơn bình thường.
Đó là sự khác biệt về tác động của biến đổi khí hậu.
Thực chất, trước khi con người xuất hiện với đủ các tác động đến thiên nhiên, các hiện tượng thời tiết cực đoan vẫn sẽ xảy ra. Tuy nhiên, chúng ta có một phần trách nhiệm trong đó, cũng chỉ vì hiện tượng Trái đất nóng lên.
Hàng ngàn con dơi khổng lồ thiệt mạng vì nắng nóng - chuyện đang xảy ra tại Úc
Khí nhà kính do các hoạt động của con người thải ra khiến Trái đất nóng lên từng ngày. Nhiệt độ tăng lên khiến hơi nước bốc lên nhiều hơn từ đất, thực vật, và các bể chứa nước tự nhiên. Hạn hán dễ xảy ra, đồng thời những đợt nắng nóng kỷ lục thường xuyên xuất hiện là vì vậy.
Nhiệt độ nóng lên, khí quyển phải trữ nhiều hơi nước hơn. Tính đến thời điểm giữa năm 2017, khí quyển của Trái đất chứa nhiều hơn 4% so với 40 năm trước đó. Và dĩ nhiên, nó tạo ra những trận mưa lớn khủng khiếp, tăng nguy cơ gây lũ lụt ở một số khu vực.
Sự thay đổi nhiệt độ trên bề mặt đại dương cũng khiến sự phân bổ lượng mưa giữa nhiều khu vực bị thay đổi. Hạn hán và những trận nóng kỷ lục của mùa hè cũng nằm ở đây mà ra, kèm theo nguy cơ bão thảm họa nữa.
Những thay đổi về nhiệt độ không trực tiếp gây ra cực đoan cho thời tiết, nhưng góp phần khiến chúng xảy ra thường xuyên hơn.
Cũng giống như gieo xúc xắc vậy: chỉ cần khiến 1 mặt nặng hơn, mặt ấy sẽ xuất hiện nhiều hơn.
Dưới góc nhìn của các chuyên gia khí tượng, Trái đất nóng lên làm tăng nguy cơ xảy ra thảm họa - đó là sự thật không thể chối cãi.
Và quan trọng nhất, biến đổi khí hậu là một quá trình dài hạn, nên tình hình khí hậu sẽ ngày càng trở nên nghiêm trọng hơn. Như lần này, cùng một lúc chúng ta có đến hai sự kiện khí hậu cực đoan xảy ra: Lạnh giá ở Bắc Mỹ, và nóng kỷ lục tại Úc.
"Biến đổi khí hậu phải chịu trách nhiệm cho trận cháy rừng kỷ lục tại California hồi cuối năm 2017, vì có khô hạn, cây cối trong rừng khô đi, cháy mới lan rộng như vậy" - chuyên gia khí hậu Jonathan Overpeck chia sẻ.