Trên chiếc xe bán cà phê dạo với lỉnh kỉnh cốc nhựa, ống hút, một tấm biển được dựng lên thật cao, với dòng chữ thông báo in đậm trên nền đỏ:
"Cà phê Buôn Mê Thuột
Tạm biệt các bạn 48 ngày
Từ thứ ba ngày 5/3/2019 đến hết 21/4/2019
Lý do: Đi Mỹ thăm 2 đứa con gái đang là bác sĩ - giáo sư".
Dòng thông báo bé xinh trên chiếc xe cũ mèm của người đàn ông bán cà phê ở Sài Gòn khiến không ít người phải thốt lên: trời đất, sao mà đáng yêu quá chừng. Đáng ra phần lý do chỉ cần dừng lại ở đoạn: "Đi Mỹ thăm 2 đứa con gái", vậy là mọi người đều hiểu. Nhưng không, ông bố đã quyết định giải thích thêm: Hai đứa con gái tui một đứa làm bác sĩ, một đứa làm giáo sư đó nghen!
Vậy đó, con tui giỏi thì tui khoe, đúng không nè!
Trưa ngày 4/3, một ngày trước khi sang Mỹ thăm con gái, chú Long (74 tuổi) vẫn thong thả ngồi bên chiếc xe, vốn là "tiệm" cà phê di động của mình, đùa giỡn với mấy vị khách quen. Chạy ngang qua chỗ của chú, tôi chọc:
- Ủa mai đi Mỹ sao giờ còn ngồi ở đây, hổng về nhà xếp đồ hả chú?
Chú Long cười móm mém:
- Chú thông báo ngày 5 nghỉ, là đúng ngày 5 mới nghỉ bán. Uy tín lắm nhen mày! Còn đồ đạc chú xong hết trọi rồi.
Tôi cười hì hì:
- Dạ, vậy chú làm con 1 phê sữa.
Chú Long sinh ra ở Sài Gòn, dù đã 74 tuổi nhưng vì trẻ trung vui tính nên mọi người vẫn quen gọi thân mật là chú.
Ở cái tuổi 74, nhưng chú Long vẫn rất trẻ trung và vui tính, phần vì các con giờ đã ổn định, phần vì công việc cũng đem lại nhiều niềm vui, nên thấy chú cứ trẻ hoài. Người dân ở quanh khu này ai cũng quý, cũng nể ông già bán cà phê vỉa hè nuôi 2 đứa con ăn học bên Mỹ, nhưng ít ai biết rằng để có được thành quả như ngày hôm nay ông già ấy phải trải qua biết bao cay đắng.
"Vợ chú mất cũng được mấy năm rồi, hai đứa nhỏ qua Mỹ từ năm 2009, hồi đó gia đình chú cũng thuộc dạng có của ăn của để, nhưng biến cố nên tiêu tan hết rồi, thành ra chú phải bán 2 căn nhà để lo chuyện ăn học cho hai đứa nhỏ. Mấy năm nay chú ở nhà trọ, bán cà phê vỉa hè riết rồi quen, cuộc đời mà đâu ai biết trước điều gì" - Chú Long thật lòng tâm sự.
Chiếc xe cũ mèm luôn gắn bó với ông già trong những ngày tháng mưu sinh.
"Sông có khúc, người có lúc", từ ngày gia đình sa sút, chú Long tự tìm tòi phương kế mưu sinh, vốn thích cà phê nên chú tìm nguồn cà phê hạt trên Buôn Mê Thuộc về tự xay, rồi pha để đi bán vỉa hè. Hỏi chú: "Có bao giờ tiếc nuối cuộc sống của quá khứ không?" Chú lắc đầu: "Không đâu mày ơi! Hai đứa nhỏ cũng thường gọi điện thoại về động viên: kệ đi ba ơi, suy nghĩ làm gì. Ừ thì, chuyện gì qua rồi cứ để nó qua" .
Với ông già, con cái là tài sản quý giá nhất mà người làm cha, làm mẹ có được. Chẳng phải cái điều tự hào đó đã được chú Long in đậm lên trên tấm bảng thông báo của mình rồi đó sao?!
"Hai người con của chú chắc học giỏi dữ thần chú ha?" - tôi hỏi. Chú Long trầm tư tâm sự: "Hồi đó nhà có điều kiện nên chú cho hai đứa đi học Anh văn từ khi còn bé xíu. Nhưng học giỏi không chưa đủ, phải có đức nữa".
"Lần đó con chú nói dóc (nói dối) với chú, chú tát 1 cái điếng người. Vợ chú la làng lên: trời ơi sao ông đánh con tui. Chú mới nói: bộ nó là con của một mình bà? Sau đó chú dặn con gái rằng: Cuộc đời con dù trong bất kỳ hoàn cảnh nào, dù người ta có kề dao vào cổ, con cũng không bao giờ được nói dóc" - chú Long kể thêm.
Chú Long luôn dạy bảo các con từ khi còn nhỏ.
Chú bảo nhờ trời thương mà hai người con gái lớn lên đều thật thà, nên khi qua Mỹ học ai cũng mến, cũng thương. Con gái lớn của chú Long hiện là bác sĩ dinh dưỡng ở tiểu bang Texas, còn cô con gái nhỏ thì là sinh viên năm cuối ngành Vật lý - Hoá học.
Chú cười: "Ghi làm giáo sư thì hiện tại chưa đúng lắm, vì con gái chú mới làm trợ giảng cho giáo sư thôi. Nhưng nó học giỏi lắm, mấy ông thầy đang xúi đi học lên".
Nghe kể đến đây, nhiều người nói đùa sao chú... ăn gian quá nghen, con gái mới làm trợ giảng giáo sư mà ghi giáo sư luôn rồi. Chú thì bảo, tương lai sớm muộn gì nó chẳng lên giáo sư, nó giỏi mà! Chú luôn tự tin và tự hào như thế.
Kể về hai cô con gái, lúc nào chú Long cũng hân hoan: "Để chú kể cho mày nghe chuyện này. Bữa trước bài kiểm tra của con gái út chú bị trừ 0,5 điểm, nó mới gom hết sách vở tài liệu lên gặp ban giám hiệu để khiếu nại, hết hồn chưa. Sau đó ban giám hiệu xem xét lại thì thấy là đúng, ông giáo sư bắt tay xin lỗi nó trước lớp, rồi đề cử nó làm trợ giảng của ổng luôn".
"Cũng may trời thương!" - ông già vẫn thường nhắc đi nhắc lại câu này. Trời thương nên mới có hạnh phúc ngày hôm nay, ổng tin vậy.
Trò chuyện một lúc, tôi thắc mắc: "Sao con chú không bảo lãnh chú qua bển ở cho sung sướng, ở bên này buôn bán nắng mưa cực khổ?". Chú cười bảo: "Qua Mỹ ở cũng được, nhưng mà ở đây vẫn sướng nhất. Qua bên đó hai đứa nó tối ngày đi làm, đâu có thì giờ rảnh rỗi. Ở đây sáng dậy sớm chạy thể dục mấy vòng, rồi đi bán cà phê, chiều về xay cà phê, pha cà phê, uống lon bia rồi làm một giấc. Không phải ngon lành hay sao".
Công việc hiện tại đem đến cho chú nhiều niềm vui.
Trời quá trưa, cà phê cũng gần bán hết, chú Long bắt đầu dọn dẹp để đi về. Chú kể đồ đạc đem đi Mỹ chẳng có gì nhiều, chủ yếu là 3 ký cà phê, nửa ký muối Tây Ninh với 150 bịch bánh tráng trộn đem qua đặng làm quà.
Mấy vị khách quen đi ngang qua ghẹo chú: "Chú đi lâu vậy rồi cà phê đâu con uống!". Chú cười hè hè. Bỗng chuông điện thoại reo, chú Long chỉ vào màn hình bảo con gái gọi:
-Alo! Ê mày, ba xong hết rồi, kể cả 150 bịch bánh tráng của mày ba cũng nhét vô vali rồi nha! Bên này ba được cho 1 cái khăn choàng với 1 cái áo ấm, rồi vậy nghen con, nghỉ ngơi đi!
Khi bạn đọc bài viết này có lẽ "ông già cà phê" đang trên máy bay sang nước Mỹ xa xôi để thăm con gái. Mong rằng sau 10 năm xa cách, họ sẽ có những ngày đoàn viên thật ấm áp.