Bên cạnh phở, bún chả, bánh mì… thì chả giò cũng là một đặc sản đáng tự hào của nền ẩm thực Việt Nam. Không chỉ được người dân quê nhà yêu thích, chả giò còn chinh phục được khẩu vị của rất nhiều thực khách trên khắp thế giới, bao gồm Senegal, một quốc gia ở Tây Phi xa xôi và đầy khác biệt với chúng ta.
Chả giò đã du nhập vào Senegal từ những năm 1940 rồi dần trở thành món ăn được mọi người ưa chuộng. Nhưng những năm gần đây, khi cộng đồng người Việt ngày càng thu hẹp kéo theo hương vị của những cuốn chả giò cũng không được như xưa, thậm chí người ta còn chẳng biết được rằng chúng có nguồn gốc xuất xứ từ Việt Nam.
Trước khi kháng chiến chống Pháp kết thúc vào năm 1954, nhiều phụ nữ Việt Nam đã chọn rời bỏ quê hương để theo chân chồng là quân lính người Senegal, di cư sang xứ sở Tây Phi xa xôi sinh sống. Dù cộng đồng không nhiều, chỉ khoảng 100 người, nhưng phụ nữ Việt ở Senegal rất thân thiết với nhau. Họ hầu như chỉ mặc trang phục truyền thống của Việt Nam, thường xuyên tụ tập vào mỗi chủ nhật, cùng quây quần bên nhau nấu ăn và hát hò.
Ảnh chụp mẹ, vợ và em gái của ông Jean Gomis.
Vậy nhưng, cuộc sống nơi xứ người chưa bao giờ dễ dàng. Phụ nữ Việt bị người dân bản xứ bài xích, ép buộc phải gia nhập đạo Hồi và học ngôn ngữ mới có thể hòa nhập với xã hội. Nhà đông người nhưng tiền lương của lính lại không đủ sống nên lúc nào gia đình cũng phải chịu cảnh nghèo đói, bị mọi người xung quanh khinh thường.
Một trong những người vợ Việt khi đó là bà ngoại của Merry Bey, nhà văn và người dẫn chương trình. Cô còn nhớ như in vẻ ngoài xinh đẹp của bà ngoại có mái tóc suôn dài như suối. Dù còn nhỏ nhưng Merry đã sớm cảm nhận được cuộc sống khó khăn và đầy áp lực của bà vì phải đi làm dâu ở nơi xa.
Vì hoàn cảnh quá túng thiếu, những người vợ Việt buộc phải mạnh mẽ đứng lên chia sẻ gánh nặng với chồng. Họ làm tất cả mọi thứ trong khả năng để cải thiện chất lượng cuộc sống và đây là lúc họ bắt tay vào làm chả giò, món khai vị quen thuộc của ẩm thực quê nhà.
Từ nhỏ, Jean Gomis, đứa con lai có mẹ người Việt và bố từng là lính Senegal, Jean đã có kinh nghiệm chạy vặt trong gian bếp gia đình và anh đánh giá cao văn hóa trẻ con phụ mẹ nấu nướng của người Việt. Nhờ vậy mà Jean được học cách làm chả giò đúng chuẩn Việt Nam theo hướng dẫn của mẹ.
Theo đó, bánh tráng phải được làm ẩm ở một mức độ cho phép, thịt được trộn với nhiều loại củ và nêm gia vị trước khi cuộn lại theo hình điếu thuốc phiên bản to. Tiếp đến là cho chả giò vào chảo ngập dầu với nhiệt độ cân bằng, không quá nóng, cũng chẳng quá nguội. Cuốn chả giò thành phẩm phải đạt chuẩn vàng đều, bên ngoài giòn rụm còn bên trong thịt mềm, ngọt. Ăn chả giò không thể thiếu nước chấm và rau ăn kèm. Để đảm bảo mùi vị nguyên bản, Jean đã biến sân thượng nhà thành một khu vườn nhỏ để dành trồng rau Việt Nam, làm nguyên liệu trộn với thịt trong nhân chả giò.
Một trong những người thường xuyên được thưởng thức tay nghề nấu nướng của Jean là Pierre Thiam. Cả tuổi thơ được truyền cảm hứng từ "cậu Jean" đã thôi thúc người này lớn lên trở thành đầu bếp nổi tiếng và viết nên 2 cuốn sách Yolele! Recipes From the Heart of Senegal và Senegal: Modern Senegalese Recipes From the Source to the Bowl nói về công thức món ăn Việt đã chinh phục ẩm thực quốc gia Tây Phi xa xôi.
Theo thời gian, chả giò dần trở thành món ăn phổ biến ở Senegal và được bày bán rộng khắp các cửa hàng từ lớn đến nhỏ nơi đây. Đáng tiếc, cộng đồng những người phụ nữ Việt ngày càng giảm dần dân số, cụ bà duy nhất còn sống nay cũng đã ở tuổi gần đất xa trời. Từ đó dẫn đến hệ quả rằng chả giò không còn giữ được hương vị Việt Nam, cuốn chả giò trở nên ỉu xìu và dầu mỡ hơn.
Đáng buồn hơn, người ta còn chẳng nhớ đến cội nguồn của món ăn thuần Việt này.
"Tôi nghe nói món này đến từ Việt Nam đúng không?" - Nellie Peyton, tác giả bài viết trên Roads and Kingdom, hỏi một chủ nhân hàng bán chả giò hơn 10 năm ở thủ đô Dakar, Senegal.
"Đó là gì?" - câu trả lời ngắn gọn nhưng hàm chứa ý nghĩa đau lòng, chả giò thật sự đã được xuất khẩu sang tận trời Phi xa xôi nhưng đáng tiếc giờ đây, chẳng ai biết nó đến từ đâu.
Tại Senegal, người ta gọi chả giò là "nems" theo tiếng Pháp.
(Nguồn: Roads and Kingdoms)